Châu Âu ở đâu trong kỷ nguyên số?

Thứ Hai, 05/08/2019, 14:55
Châu Âu chưa bao giờ "lép vế" như giai đoạn hiện nay. Châu Âu không còn nhiều "sức mạnh" khi tham gia giải quyết bất thành các điểm nóng trên thế giới. Giờ đây không còn thấy vai trò, bản sắc độc đáo thực sự của khối này.

Thay vào đó là những tranh cãi nội bộ và sự hoài nghi của người dân rằng châu Âu sẽ đi sau các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc trong kỷ nguyên số.

Nhiều người dân châu Âu bày tỏ ủng hộ Liên minh châu Âu là một thể thống nhất và vững mạnh. Ảnh: El País.

Tụt hậu...

Trong nhiều năm qua, các nước châu Âu đã viển vông khi nghĩ rằng hòa bình và thịnh vượng của giai đoạn ngay sau Chiến tranh Lạnh là điều họ có thể tự lực. Tuy nhiên, 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã chứng tỏ rõ ràng rằng Lục địa già đã tính toán sai và hiện phải tăng tốc để bắt nhịp được với cuộc cách mạng số.

Trật tự toàn cầu đang trải qua một sự thay đổi sâu sắc, trong bối cảnh những trọng tâm của nó đang thay đổi từ Bắc Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và Đông Á. Trung Quốc đang ở ngưỡng cửa để trở thành một cường quốc thế giới cả về kinh tế, chính trị, kỹ thuật và là nhân tố duy nhất có thể thách thức quyền bá chủ của Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đang ngày càng mệt mỏi vì vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình. Họ đã bắt đầu rút lui từ thời cựu Tổng thống Barack Obama nhưng phải đến thời ông Donald Trump, nước Mỹ mới đẩy nhanh tiến trình rút lui của mình theo một cách rất nguy hiểm và lộn xộn. Việc Mỹ từ bỏ vị thế lãnh đạo đặt ra mối đe dọa đối với sự tồn tại của một hệ thống phương Tây liên Đại Tây Dương, vốn dựa trên nền tảng các giá trị và thể chế chính trị chung. Do không có bất cứ sự thay thế hợp lý nào, cơ cấu này đang dần sụp đổ.

Về phần mình, nước Nga cũng đang đương đầu với tương lai khó khăn. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, sức mạnh của Nga không hề suy giảm khi nước Nga sở hữu những loại vũ khí hạt nhân tối tân và một chuỗi rộng hơn những năng lực công nghệ dựa trên nền tảng số hóa.

Đối với châu Âu, Lục địa già đang bước vào thế kỷ mới theo một hình thức tối ưu nhất. Sống trong ảo giác của quá khứ huy hoàng với nền hòa bình vĩnh cửu, Liên minh châu Âu đã thất bại trong việc hoàn tất kế hoạch thống nhất. Việc nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump rút lại sự đảm bảo an ninh giống như tiếng sét ngang tai với châu Âu.

Tương tự với cuộc cách mạng số, giai đoạn đầu tiên của chuỗi số hóa, hầu như đều do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu. Chẳng có bất cứ công ty nền tảng kết nối cạnh tranh nào của châu Âu, cũng chẳng có bất cứ một công ty tin học đám mây nào của lục địa này có khả năng sánh ngang với những người khổng lồ ở Thung lũng Silicon và Trung Quốc. Vấn đề quan trọng mà Ủy ban châu Âu đang đối mặt là châu Âu không có quyền tự chủ về công nghệ số.

Các năng lực về AI, Big Data cùng các công nghệ liên quan khác của châu Âu sẽ xác định khả năng cạnh tranh tổng thể của họ trong thế kỷ 21 này. Tuy nhiên, châu Âu phải quyết định xem ai sẽ sở hữu dữ liệu cần thiết để đạt được sự tự chủ công nghệ số này và việc thu thập, sử dụng các dữ liệu đó sẽ chịu chi phối của những điều kiện nào?

Những vấn đề này sẽ quyết định vận mệnh dân chủ ở châu Âu và xác định tương lai của Lục địa già có trở thành một lục địa thịnh vượng hay sẽ suy tàn. Và một điều quan trọng không kém là những câu hỏi này cần được giải đáp ngay bây giờ. Châu Âu cần đẩy cho quả bóng công nghệ tiếp tục lăn hoặc bị nó bỏ xa.

Trong những năm tới đây, tất cả những sự thiết kế, sản xuất trong lĩnh vực tự động, công nghệ chế tạo, y khoa, quốc phòng, năng lượng và các hộ gia đình tư sẽ đều bị công nghệ số chi phối. Dữ liệu sản sinh từ những lĩnh vực này đa phần sẽ được xử lý thông qua đám mây, có nghĩa là sự kiểm soát của đám mây sẽ mang tính thiết yếu đối với nền kinh tế dài hạn và vận mệnh chiến lược của các quốc gia.

Để đảm bảo chủ quyền số của mình, châu Âu sẽ cần đầu tư nhiều vào năng lực tin học đám mây và các nguồn lực vật chất khác để tạo nền móng cho cuộc cách mạng số. Châu Âu đã tỏ ra quá chậm chạp và do dự trong vấn đề này. Thách thức hiện nay của họ là phải bắt kịp được Mỹ và Trung Quốc, do lo ngại sẽ bị bỏ xa mãi mãi.

Châu Âu cần đoàn kết để vượt qua khúc quanh của lịch sử. Ảnh: Sputnik International.

Những ý tưởng "thoát Mỹ"

Thế cạnh tranh bất lợi của châu Âu đòi hỏi một sự thay đổi trong chiến lược ở cấp cao nhất. Các thể chế EU sẽ phải dẫn đầu trong việc đặt ra các quy tắc và cùng với các nước thành viên cung cấp các khoản tài chính cần thiết. Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền tự chủ số của châu Âu cũng sẽ đòi hỏi một nỗ lực lớn hơn nhiều của cả giới thương gia, giới nghiên cứu và chính giới. Có lẽ châu Âu đã nhận ra điểm yếu của mình và ưu tiêu hàng đầu hiện nay phải là thiết lập và bảo vệ quyền tự chủ số, làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn sự thoái trào của mình.

Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, châu Âu sẽ không bắt kịp các cường quốc khi các cuộc khủng hoảng đe dọa châu Âu sẽ ngày càng hiện hữu. Về dài hạn, một châu Âu tái thiết sẽ là lựa chọn duy nhất. Không chỉ có vậy, châu Âu còn phải giải quyết những vấn đề đối ngoại quan trọng khi thời gian gần đây châu Âu dường như đang sai lầm khi lâm vào thế đối đầu với Mỹ sau khi Brussels kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đầu tư vào Iran, trong một động thái nhằm thách thức các biện pháp trừng phạt mới mà Washington tái áp đặt đối với quốc gia Hồi giáo này.

Brussels cũng tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các công ty châu Âu. Tuyên bố này - vốn được Pháp, Anh và Đức ủng hộ - có thể gây hủy hoại hơn nữa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã bị rạn nứt bởi tranh cãi liên quan thuế quan thương mại và đóng góp cho NATO.

Có thể thấy rõ, cách thể hiện của châu Âu trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran là một màn trình diễn lúng túng về ngoại giao và càng chứng tỏ sự yếu kém của châu Âu. Đỉnh điểm là sau vụ Iran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh, London đã đề xuất thực hiện một sứ mệnh hải quân do châu Âu dẫn đầu để đảm bảo việc đi lại an toàn ở eo biển Hormuz và đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ ban đầu của Pháp, Italy và Đan Mạch.

Rõ ràng, châu Âu ngày càng xa lánh Mỹ khi "Yêu cầu của Anh, chứ không phải của Mỹ, khiến các nước châu Âu dễ ủng hộ hơn", một quan chức ngoại giao cấp cao EU giải thích. "Tự do hàng hải là quan trọng và điều này khác với chiến dịch gây sức ép tối đa mà Washington muốn áp đặt đối với Iran". Anh đã thử phản ứng của một số nước châu Âu khi đưa ra ý tưởng này trước các quan chức ngoại giao cấp cao của EU tại một cuộc họp ở Brussels, nói rằng kế hoạch này không liên quan trực tiếp đến EU, NATO hay Mỹ, giới chức ngoại giao nói.

Đi giữa những người khổng lồ

Sau khi Mỹ và Trung Quốc cùng lao vào cuộc chiến thương mại khiến sự leo thang kình địch giữa Trung Quốc và Mỹ đang đặt dấu chấm hết cho sự hợp tác giữa các cường quốc hàng đầu thế giới trong một vài thập niên qua. Các quốc gia và các khu vực đang tự phân loại thành các thực thể kinh tế và địa chính trị nhỏ hơn dưới cái vỏ bọc "giành lại quyền kiểm soát", châu Âu không là ngoại lệ.

Tất cả những xu hướng này được phơi bày trong cuộc chiến chống gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, một công ty đa quốc gia mua linh kiện từ Mỹ, châu Âu, Brazil và các nơi khác, bán sản phẩm của họ tại 170 quốc gia và đang dẫn đầu việc mở rộng mạng 5G ở nhiều nơi trên thế giới.

Đằng sau cuộc xung đột Trung-Mỹ với đầy tham vọng cạnh tranh để giành vị trí đứng đầu, ông Donald Trump cho rằng Mỹ đang chịu sự suy giảm tương đối vì họ hưởng lợi ít hơn so với những quốc gia khác từ trật tự toàn cầu hiện nay và tin rằng khi Trung Quốc phát triển mạnh hơn, Mỹ tất yếu phải trở nên yếu hơn, ông đã phát động chiến dịch "hủy diệt sáng tạo", làm suy yếu dần các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và NATO, hủy bỏ các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ý tưởng là buộc mỗi quốc gia phải đàm phán song phương với Mỹ trong khi Mỹ vẫn có thể đặt ra các quy tắc.

Châu Âu cần đoàn kết để vượt qua khúc quanh của lịch sử. Ảnh: Sputnik International.

Về phần mình, Trung Quốc với chính sách "Made in China 2025" được kỳ vọng sẽ đưa nước này từ nền kinh tế sản xuất công nghệ thấp lên dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ tiên tiến. Thêm vào đó, Trung Quốc hy vọng sử dụng 1 nghìn tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia - thông qua Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của mình - để thiết lập phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trải dài khắp Âu-Á, châu Phi và vành đai Thái Bình Dương. Và như vậy, về mặt kinh tế, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ dần chuyển từ Washington sang Bắc Kinh, khiến sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi.

Sự thay đổi này đã xảy ra như một cú sốc đối người châu Âu, những người giờ đây phải lo ngại về việc trở thành "ruồi muỗi" khi trâu bò húc nhau trong một trò chơi tay đôi nguy hiểm nhưng không ai muốn lùi bước giữa Trung Quốc và Mỹ.

Châu Âu đã chậm chân hay họ thích đứng giữa? Kết quả thăm dò ý kiến gần đây của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho thấy hầu hết người châu Âu, trong đó có 74% người Đức, 70% người Thụy Điển và 64% người Pháp - thích giữ vị thế trung lập hơn. Những phát hiện này chắc chắn sẽ phù hợp với người Trung Quốc. Trở lại năm 2003, khi Mỹ xâm lược Iraq, Trung Quốc bắt đầu tìm cách xâm nhập châu Âu qua con đường ngoại giao. Như học giả có ảnh hưởng của Trung Quốc Yan Xuetong nói "khi chúng tôi gây chiến với Mỹ, chúng tôi hy vọng châu Âu ít nhất sẽ giữ thái độ trung lập".

Vì vậy, không mấy ai thắc mắc việc ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã và đang nỗ lực kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương tại các diễn đàn Davos và Hội nghị An ninh Munich. Rõ ràng, hy vọng của họ là dàn xếp một vùng đệm giữa châu Âu và một nước Mỹ được lãnh đạo bởi chính quyền "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, trung lập không thực sự là một lựa chọn với người châu Âu. Khi Mỹ và Trung Quốc chia tách, cả hai sẽ yêu cầu châu Âu phải chọn một bên. Hơn nữa, châu Âu đã bắt đầu chú ý đến mối đe dọa đối với các công ty của họ xuất phát từ mô hình kinh tế tư bản nhà nước và thị trường khép kín của Trung Quốc. Một báo cáo gần đây của Ủy ban châu Âu đề cập Trung Quốc như một "đối thủ có hệ thống" và đề xuất cơ chế mới để sàng lọc đầu tư của Trung Quốc.

Vấn đề là trong khi các mối quan hệ của châu Âu với Trung Quốc đang nguội lạnh, mối quan hệ của họ với Mỹ cũng vậy. Châu Âu muốn sống trong một thế giới đa phương, nơi các quyết định được chỉ đạo bởi các quy tắc và các liên minh truyền thống được tôn trọng. May mắn thay, EU và các chính phủ chủ chốt ở châu Âu đã suy nghĩ nhiều hơn về chủ quyền của châu Âu. Có một nhận thức ngày càng tăng rằng nếu châu Âu không có năng lực riêng về AI và các công nghệ khác, giá trị của châu Âu chắc chắn sẽ là con số 0.

Câu hỏi là làm thế nào để bảo vệ chủ quyền của châu Âu trước các lệnh trừng phạt gián tiếp của Mỹ, đầu tư của Trung Quốc và các nguồn cưỡng chế bên ngoài khác. Câu trả lời không rõ ràng. Nhưng nếu châu Âu thành công, họ có thể trở thành thế lực ngang hàng trong một thế giới tam cực, thay vì chỉ đơn thuần là "vùng đệm" trong một trò chơi mà Mỹ và Trung Quốc đều muốn điều khiển.

Cải cách để vượt qua khúc quanh lịch sử

Châu Âu sẽ cất tiếng và vượt qua khúc quanh lịch sử nếu khối này cải cách cho phù hợp với tình hình của thế kỷ 21. Nếu họ không khẳng định được mình, thậm chí châu Âu sẽ bị tan rã. Trong một thế giới bất trắc, châu Âu đang chuyển mình để tự tồn tại và cạnh tranh. Châu Âu lỗi thời đang thức tỉnh. Để làm được điều đó, châu Âu phải cùng nhau đối phó với những thách thức về chủ quyền và đảm bảo có một cơ chế điều hành kịp thời.

Điều này có nghĩa cần xác định cả chủ quyền quốc gia và của châu Âu trong thương mại, quốc phòng và lĩnh vực dữ liệu số, không để Trung Quốc và Mỹ áp đặt luật lệ của họ lên châu Âu. Đồng thời, cần đưa các chính phủ quốc gia và các thể chế của EU tới gần người dân châu Âu hơn.

EU cần suy nghĩ và hành động một cách bạo dạn hơn. Để đối phó với các thách thức hiện nay, châu Âu cần sự can đảm chính trị ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ toàn liên minh. Chỉ khi làm được như vậy, người dân mới thực sự tin tưởng rằng châu Âu sẽ là tương lai, một châu lục có  bản sắc cho các thế hệ mới.

Hoa Huyền
.
.