Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016:

Chỉ còn Donald Trump, đảng Cộng hòa tìm phương án C

Thứ Ba, 10/05/2016, 10:40
“Trò chơi vương quyền” của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã thất bại hoàn toàn vào chiều tối ngày 4-5 sau khi cả hai ứng cử viên đối thủ của ông Donald Trump là Ted Cruz và John Kasich lần lượt tuyên bố “dừng cuộc chơi” để tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Chỉ còn ông Trump là ứng cử viên duy nhất, những người vận động ngăn chặn ông Trump trong đảng Cộng hòa lại nháo nhào xây dựng “phương án C” - đưa ứng cử viên độc lập vào cuộc đua nhằm giành phiếu của ông Trump.

5 giờ chiều ngày 4-5, Thống đốc bang Ohio John Kasich đã có bài phát biểu trong đó ông tuyên bố rời cuộc đua giành quyền ứng cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trước đó, chiều tối ngày 3-5, ứng cử viên Ted Cruz cũng đã tuyên bố rời cuộc đua tại bang Indiana sau thất bại trước ông Trump ngay tại bang này.

Việc cả hai đối thủ của ông Trump đều bỏ cuộc khiến cho cuộc đua trong đảng Cộng hòa không còn nữa, bởi chỉ còn duy nhất ứng cử viên Donald Trump. Có lẽ đảng Cộng hòa sẽ không thể thực hiện hành động chẳng đặng đừng – bỏ phiếu truất quyền ứng cử của ông Trump như một số thượng nghị sĩ của đảng này đã từng tuyên bố hồi đầu năm nay, vì nếu làm như thế chẳng hóa ra tự nguyện dâng chiếc ghế tổng thống cho đảng Dân chủ sao?

Phương án C - tìm kiếm một ứng cử viên độc lập để thu hút số phiếu cử tri bảo thủ, không ủng hộ ông Trump - đã được các thành viên bảo thủ trong đảng Cộng hòa đề cập. Lý do của việc này trước hết là nhằm tránh trường hợp số phiếu này được dồn cho ứng cử viên của đảng Dân chủ, nhiều khả năng là bà Hillary Clinton.

Đồng thời, một ứng cử viên thứ ba thuộc phái bảo thủ tham gia cuộc đua sẽ thu hút thành phần cử tri bảo thủ không chấp nhận có tên ông Trump trong lá phiếu. Những người thuộc phong trào Never Trump (Không bao giờ bầu ông Trump) đang rất hăm hở ủng hộ phương án C này.

Tuy nhiên, khi chọn phương án C, đảng Cộng hòa sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn là kết quả bầu cử sẽ không đảm bảo theo ý muốn. Nhiều người trong đảng này đang tính đến khả năng bà Clinton chắc chắn giành chiến thắng vào tháng 11, và họ xem đó không phải là kết quả tồi tệ nhất, mà ngược lại có khi còn tốt cho đảng Cộng hòa.

Theo tính toán của những người này, nếu bà Clinton giành chiến thắng và trở thành Tổng thống Mỹ, sẽ xuất hiện hiện tượng cử tri “chống Clinton” tại một số bang, chẳng hạn như Illinois, và khi đó đảng Cộng hòa sẽ có lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018, sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội, từ đó dẫn đến việc tái cơ cấu thành phần cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa giành lại ghế tổng thống vào năm 2020.

Không chỉ có rủi ro trong kết quả bầu cử, vấn đề lớn nhất của việc chọn phương án C để chống lại ông Trump chính là hành động có được thực hiện trên thực tế hay không. Có khá nhiều trở ngại cho việc này. Trước hết, đó là làm sao tìm được một người chịu ra ứng cử với tư cách “bên thứ ba”. Bởi hành động ứng cử này được xem là tự sát về danh dự, vì sẽ có nhiều người trong đảng Cộng hòa đổ lỗi cho người này khiến cho đảng Cộng hòa mất cơ hội làm chủ Nhà Trắng. Bộ máy chính thống trong đảng này sẽ chống lại bất kỳ hành động nào của ứng cử viên thứ ba này.

Cả hai ứng cử viên Ted Cruz và John Kasich đều đã bỏ cuộc, đảng Cộng hòa chỉ còn ông Donald Trump là ứng cử viên.

Sau khi hai ừng cử viên Cruz và Kasich bỏ cuộc, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đã kêu gọi thành viên trong đảng đoàn kết xung quanh ứng cử viên sẽ được đề cử, không làm bất cứ việc gì có thể gây phương hại đến tỉ lệ phiếu dành cho ứng cử viên của đảng. Chính vì thế, trong đảng Cộng hòa hiện đang có xu hướng ủng hộ ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với ứng cử viên đảng Dân chủ, nhưng lại không phê chuẩn tư cách ứng cử viên của ông.

Điều có vẻ mâu thuẫn này thực ra một phương án khả thi nhất của đảng Cộng hòa, khi không thể tìm được ứng cử viên nào khác có đủ tư cách qua mặt ông Trump trong cuộc bỏ phiếu.

Mặc dù vậy, nỗi ám ảnh với ảnh hưởng tiêu cực mà ông Trump có thể tạo ra cho đảng Cộng hòa, và nỗi sợ hãi về viễn cảnh ông Trump làm tổng thống có thể gây phương hại cho nước Mỹ đã khiến cho cuộc tìm kiếm phương án C tiếp tục được bàn bạc trong đảng Cộng hòa. Người được xác định có thể được chọn là Thượng nghị sĩ Pat Toomey (bang Pennsylvania).

Ông Toomey thỏa mãn các điều kiện của một ứng cử viên thứ ba mà không đi ngược lại lợi ích của đảng Cộng hòa: vừa thu hút được lá phiếu cử tri bảo thủ vừa không gây tổn hại quá lớn cho ông Trump.

Ngoài ông Toomey, một số người khác cũng được đề cập, như Thống đốc bang New Mexico Susana Martinez, Thống đốc bang Nevada Brian Sandoval và Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley. Tuy nhiên, đây đều là những người không có tham vọng chính trị trong tương lai, và cũng không có đủ tiềm lực tài chính để tham gia cuộc đua.

Dư luận chung ở Mỹ và trên thế giới đều đang nghĩ đến một cuộc đấu tay đôi giữa bà Clinton và ông Trump vào tháng 11 tới. Mặc dù thất bại tại bang Indiana hôm 3-5, nhưng bà Clinton vẫn đang rất lợi thế với 2.201 phiếu đại biểu, so với 1.400 của ông Bernie Sanders.

Trong khi đó, sau chiến thắng tại bang Indiana, ông Sanders càng thêm tự tin chuẩn bị cho “ngày phán xét” vào tháng 7 tại Philadelphia, và ông cũng vừa tuyên bố sẽ cho bà Clinton trải nghiệm kỳ đại hội “không êm ả”. Ông già gân 74 tuổi đang toan tính thực hiện một cuộc lật đổ ngoạn mục để giành quyền đại diện đảng Dân chủ ra ứng cử tổng thống. Đây sẽ là một sự kiện cực kỳ hiếm có trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhưng việc này cũng sẽ khó xảy ra, giống như việc đảng Cộng hòa tìm kiếm phương án C để chặn ông Trump.

Cơ hội trở thành Tổng thống Mỹ đang rất gần đối với bà Clinton. Trong các cuộc thăm dò dư luận toàn nước Mỹ mới đây nhất, có đến 67% cử tri được hỏi không ủng hộ ông Trump. Nếu cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm này, người chiến thắng chắc chắn là bà Hillary Clinton.

An Châu
.
.