Chỉ số tín nhiệm của ông Trump suy giảm

Thứ Năm, 30/04/2020, 22:15
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 vẫn chất chứa nhiều bất ngờ và khó đoán định, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang khiến “xứ cờ hoa” đối mặt với những khó khăn chưa từng có, thậm chí có thể làm sai lệch những dự đoán được đưa ra trước khủng hoảng.

Còn nhớ, trong những ngày đầu thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, tỷ lệ tín nhiệm đối với Tổng thống Donald Trump đã tăng mạnh chưa từng thấy trong nhiệm kỳ của ông. Người dân hài lòng về cách ông Trump ứng phó với đại dịch với tỷ lệ tín nhiệm đạt gần 50%.

Thế nhưng, những ngày đó đã lùi vào dĩ vãng. Tỷ lệ tín nhiệm với Tổng thống Trump đã quay đầu sụt giảm do đa phần người dân không hài lòng với cách thức đối phó dịch bệnh của ông chủ Nhà Trắng. Họ cho rằng ông đã quá chậm chạp khi xử lý vấn đề và gây tác động đối với công chúng Mỹ.

Hiện đã có tới 2/3 người dân Mỹ cho rằng ông Trump đã không “coi trọng mối đe dọa dịch bệnh ngay từ đầu”. Trong đó có tới 65% người được hỏi nói rằng ông Trump đã “quá chậm chạp” khi thừa nhận mối đe dọa mà dịch bệnh COVID-19 có thể gây ra.

Giới phân tích cho rằng khó có thể chỉ ra bất kỳ điều gì, ngoài 2 yếu tố đáng lưu tâm. Thứ nhất, cuộc nói chuyện vui vẻ của ông Trump và các cuộc công kích ngày càng mang tính chính trị, tại các buổi báo cáo hằng ngày về tình hình dịch bệnh mà nhóm đặc trách trình bày. Thứ hai, số người thiệt mạng vì dịch bệnh ở Mỹ tăng đột biến, hơn 56.000 người tính đến ngày 28-4. Vấn đề đặt ra là liệu cách ứng phó bị cho là chậm trễ của ông Trump có kéo tụt chỉ số tín nhiệm của ông xuống thấp hơn nữa hay không.

Trong khi đó, người dân Mỹ lại tập trung và quan tâm vào những vấn đề khác như ai sẽ trở thành liên danh tranh cử cùng Joe Biden, thỏa thuận chi tiêu lưỡng đảng sẽ như thế nào hoặc người dân biểu tình phản đối việc kéo dài lệnh giãn cách xã hội và ở nhà.

Trước hết, cuộc biểu tình diễn ra ban đầu hồi tuần trước ở Lansing, bang Michigan, khi người dân phản đối một số lệnh được cho là quá nghiêm ngặt do thống đốc bang đưa ra. Sau đó, người dân ở các bang khác tại Mỹ cũng tiến hành biểu tình. Khi khích lệ các cuộc biểu tình này, ông Trump từng viết trên mạng xã hội Twitter những dòng trạng thái như: “Hãy để cho bang Michigan tự do”.

Khi được hỏi về những dòng tweet như vậy của ông Trump, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence giải thích rằng tổng thống chỉ đơn thuần muốn “các thống đốc bang tìm cách để người dân trở lại làm việc một cách an toàn và có trách nhiệm”.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng về tình hình đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một trong những chủ đề chính trị không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là những mánh khóe chính trị không hồi kết và những đồn đoán về việc cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chọn ai làm liên danh tranh cử của mình. Việc các ứng cử viên liên danh tranh cử sáng giá phản ứng ra sao trước khả năng được chọn là một câu chuyện cũng nhận được mối quan tâm của công chúng.

Khi được hỏi về khả năng được ông Biden chọn làm liên danh tranh cử, bà Amy Klobuchar, thượng nghị sĩ bang Minnesota cho rằng bà sẽ "không quan tâm đến những giả định", đồng thời nói rằng ông Biden “biết được làm thế nào để lựa chọn được một vị trí phó tổng thống xứng tầm”.

Mặc dù vậy, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Biden lại chật vật để đạt được bước đột phá trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông Biden giành được nhiều phiếu hơn trong các cuộc bầu cử sơ bộ và trở thành ứng cử viên trên thực tế của đảng Dân chủ tham gia cuộc đua tổng thống với ông Donald Trump. Song, những thành tích này đã bị phủ bóng bởi dịch bệnh hiện nay.

Ông Biden đã buộc phải “chôn chân” ở quê nhà Delaware và tiến hành các chiến dịch vận động trên các nền tảng mạng xã hội. Nỗ lực để tiếng nói của ông đến được công chúng Mỹ theo cách có ý nghĩa nhất vẫn bị đánh chìm và ông vẫn cảm thấy tiếng nói của mình chỉ đứng hàng thứ cấp về cuộc khủng hoảng y tế mà Mỹ đang phải đối mặt.

Vấn đề Trung Quốc hiện nay có thể là phép thử để xem quyền lực của ông Trump đến đâu. Ảnh hưởng cốt lõi của một tổng thống là khả năng ông ấy không cần viện đến đám đông mà vẫn có thể giải quyết được các khó khăn và đưa đất nước trở lại đúng lộ trình đã định. Làm được điều này là rất khó với một tổng thống đương nhiệm tái tranh cử, thế nhưng, chính mối quan hệ hữu hảo của các doanh nghiệp Mỹ với Trung Quốc và cả chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước tới nay lại khiến ông Trump tìm được cách để đi ngược lại.

Ông Trump có thể tuyên bố rằng suốt mấy thập kỷ nay, các công ty của Mỹ đã "giúp" Trung Quốc lấy mất việc làm của người Mỹ, trong khi giới chức Mỹ cho phép Bắc Kinh tha hồ "lừa lọc" khi cạnh tranh kinh tế với Mỹ. Ông có thể tuyên bố rằng Trung Quốc giữ chặt thị trường của họ, chi tiền chính phủ cho các công ty của họ, thậm chí đánh cắp bản quyền trong khi giới chức Mỹ cứ tưởng rằng Bắc Kinh đang ngày càng dân chủ hóa và dần tuân thủ luật lệ cuộc chơi.

Và kết quả thế nào? Hàng triệu người Mỹ mất việc làm, Trung Quốc ngày càng trở nên đối nghịch. Điều đau đớn là Mỹ hiện giờ phải lao vào sản xuất trang thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân, vốn trước đây toàn nhập của Trung Quốc, để chống lại dịch bệnh mà chỉ vì Bắc Kinh che giấu sự thật nên giờ đây phát lây lan khắp thế giới.

Một tổng thống nếu đã không thể lấy kinh tế làm điểm tựa tranh cử trong khi cách ứng phó của ông đối với đại dịch lại không được vừa ý cử tri thì ông cần phải tìm được cái gì đó để tiến hành chiến lược tranh cử. Với ông Trump, chiến lược chống Trung Quốc có thể sẽ là hiệu quả nhất nếu ông muốn tại vị thêm 4 năm nữa.

Quang Nguyễn
.
.