Chuyện lùm xùm xung quanh Thủ tướng New Zealand

Thứ Tư, 29/04/2015, 20:50
Một hành vi bông đùa tưởng như vô hại của Thủ tướng New Zealand John Key đối với một cô gái phục vụ quán cà phê, nhưng cuối cùng đã trở thành một vụ lùm xùm khá ồn ào, nửa khôi hài, nửa nghiêm trọng, khiến cho vị Thủ tướng phải đôi ba lần xin lỗi rồi trần tình trước công chúng, nhưng vẫn bị búa rìu từ nhiều phía. Tất cả chỉ vì cái túm tóc đuôi gà (phương Tây gọi là đuôi ngựa) của cô gái trẻ.

Hôm 22/4, thông qua người phát ngôn của mình, Thủ tướng New Zealand John Key đã chính thức xin lỗi cô Amanda Bailey, cô gái phục vụ quán cà phê ở Auckland, vì đã nhiều lần nắm giật "túm tóc đuôi gà" của cô ấy khiến cô ấy bực mình.

Lời xin lỗi của Thủ tướng Key được đưa ra sau khi báo chí New Zealand đưa tin ồn ào về những lời phàn nàn của cô Bailey đối với hành vi kéo, giật tóc của ông Key. Bailey xem những hành vi đó là sự quấy rối, nhưng không đâm đơn kiện ông Key.

Câu chuyện tưởng không có gì đáng làm ầm ĩ, vì giữa cô Bailey và Thủ tướng Key cũng đã có sự quen biết do thường xuyên gặp nhau tại quán cà phê, và cô Bailey cũng không có ý định làm to chuyện với ngài Thủ tướng vì hành vi "trẻ con" của ngài.

Người phát ngôn của Thủ tướng Key giải thích với báo chí: "Hành động của ông ấy chỉ nhằm pha trò vui thôi. Ông ấy không bao giờ có ý muốn làm cho cô ấy cảm thấy khó chịu và đã xin lỗi cô ấy".

Tuy nhiên, trên trang mạng Daily Blog, cô Bailey đã sử dụng một địa chỉ nặc danh để kể lại câu chuyện mình bị Thủ tướng Key giật túm tóc. Trên trang blog, Bailey đã trút sự bực tức của mình, cáo buộc ông Key hành động như một "nam sinh ăn hiếp những cô gái nhỏ" bằng hành vi kéo giật tóc để chọc ghẹo cho các cô phản ứng lại.

Vợ chồng Thủ tướng John Key thường xuyên lui tới quán cà phê quen thuộc.

Bailey kể: ông Key đã nắm giật tóc cô liên tục trong khoảng thời gian 6 tháng mỗi khi ông ấy cùng với vợ mình đến quán để uống cà phê. Những lần giật tóc đó đều có mặt vợ của ông, bà Bronagh. Mặc dù Bailey cố tránh né ông nhưng "trò chơi" vẫn tiếp diễn.

"Ông ấy thường đến sau lưng tôi khi tôi đứng tại quầy gọi thức uống, nắm giật tóc tôi rồi giả bộ như là vợ ông ấy làm (khiến cho bà ấy bối rối), và bà ấy thường bảo ông ấy thôi việc đó đi. Khi ông ấy đi vòng qua phía sau tôi, ông ấy trêu tôi "cái đuôi gà ấy trông rất hấp dẫn" - Bailey viết.

Bất chấp Bailey phản ứng, vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Key tiếp tục giật tóc cô ấy, đến bên cô ấy tạo ra âm thanh nghe như âm nhạc trong phim “Hàm cá mập”. Bailey hét lên: "Xin ông hãy dừng lại ngay, không tôi đánh ông bây giờ!".

Ngay chiều hôm đó, ông Key quay trở lại quán cà phê và mang thao 2 chai rượu vang in nhãn hiệu cá nhân "JK" để tặng cô Bailey làm món quà xin lỗi và nói rằng ông đã "không biết rằng đã làm cô bực mình". "Lời nhận xét này còn xúc phạm hơn cả hành vi của ông ấy" - Bailey viết tiếp. "Ông ấy cần biết rằng ông ấy không phải là thánh mà chỉ là một con người" - Bailey kết luận.

Người phương Tây xem thân thể họ là bất khả xâm phạm, bất cứ hành vi nào đụng chạm vào thân thể họ, nếu họ không thích, không đồng ý đều bị xem là sự xúc phạm, hoặc quấy rối, dọa nạt,… Đặc biệt là đối với một lãnh đạo quốc gia như ông Key thì hành vi đó càng khó có thể chấp nhận, chí ít là trong công luận New Zealand.

Amanda Bailey (bên phải) trò chuyện với chủ tiệm cà phê.

Câu chuyện đã trở nên phức tạp khi các tờ báo vào cuộc đưa tin sặc mùi chính trị hóa. Martyn Bradbury, chủ biên trang Daily Blog, đã cáo buộc Thủ tướng Key là "ỷ thế hiếp đáp kẻ khác". Sau khi Thủ tướng Key đưa ra lời xin lỗi, báo chí tiếp tục "đào bới" sâu vào câu chuyện. Kênh truyền hình quốc gia TV3 đã cho chiếu lại một đoạn clip quay lúc ông Key đi vận động tranh cử hồi năm ngoái, trong đó cũng có cảnh ông Key nắm tóc của một bé gái.

Ngày 23/4, cô Baily tiếp tục đăng lên trang Daily Blog, nhưng lần này cô bày tỏ sự khó chịu thật sự sau khi tờ báo Herald của New Zealand đăng câu chuyện "giật tóc" của cô, và tố cáo mình đã bị lừa, bị gài bẫy để kể câu chuyện cho báo chí đăng tải.

Baily kể, sau khi có thông tin báo đăng câu chuyện cô bị Thủ tướng Key giật tóc, chủ quán cà phê đã gọi cô vào hỏi cho rõ đầu đuôi. Cuộc nói chuyện giữa cô với ông chủ quán đã được phóng viên tờ Herald ngụy trang làm một nhân viên công tác xã hội nghe lén và thu âm, sau đó đăng lên báo.

Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn khi công tố viên Graham McCready đang chuẩn bị nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền quốc gia và sẽ yêu cầu triệu tập phiên tòa cấp khu vực để xem xét cáo buộc "quấy rối tình dục" đối với Thủ tướng Key.

Các đảng phái chính trị cũng bắt đầu vào cuộc. Metiria Turei, đồng Chủ tịch đảng Xanh, chỉ trích Thủ tướng Key có hành vi "kỳ lạ" và "hách dịch, lạm quyền". Ông Turei so sánh Thủ tướng Key với một thành viên khác của đảng NP tên là Aaron Gilmore, cũng có hành vi giật tóc tương tự ở Hanmer Springs và đã bị mất chức.

Giới bình luận chính trị ở New Zealand cho rằng, hành vi của ông Key là không thể chấp nhận được, và lẽ ra ông ấy không nên làm như thế, rồi đưa ra nhận định: việc làm đó khiến ông Key sau này sẽ khó bảo những người cấp dưới của mình khi họ có những hành vi sai trái tương tự. Các hiệp hội, hội bảo vệ quyền lợi phụ nữ cũng lên tiếng chỉ trích ông Key.

Ở phía ngược lại, cũng có những người không xem câu chuyện giật tóc là nghiêm trọng. Sean Plunket, người dẫn chương trình trò chuyện trên Đài RadioLive, nói rằng ông "không rảnh" tham gia bàn cãi chuyện giật tóc con gái vì nó "hoàn toàn là thứ rác rưởi sặc mùi tuyên truyền thù ghét" và là một màn "chính trị rẻ tiền".

Mặc dù vậy, vụ lùm xùm này cũng đang gây cho đảng Quốc gia (NP) cầm quyền thêm chút bối rối. Gần đây, NP đã gặp bất lợi sau một thất bại trong cuộc bầu cử bổ sung ở Northland, nơi lâu nay được xem là “sân nhà” của NP. Tuy nhiên, NP hiện vẫn đang dẫn đầu tỉ lệ ủng hộ của cử tri, với 49%, trong khi tỉ lệ của 2 đảng Xanh và Công đảng gộp lại cũng chỉ đạt 40%. Riêng tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Key đang ở mức 42%.

An Châu (tổng hợp)
.
.