Chìa khóa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Dilma Rousseff

Thứ Sáu, 26/09/2014, 20:45

Chỉ còn hơn 1 tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 5/10, báo chí đưa tin nền kinh tế Brazil đang rơi vào suy thoái. Kinh tế của đất nước lớn nhất Nam Mỹ đã sụt giảm 0,2% trong quý đầu tiên năm 2014 và 0,6% trong quý 2. Các chuyên gia phân tích dự đoán tăng trưởng của Brazil chưa đến 1% trong năm 2014 trong khi tỉ lệ lạm phát ở mức cao hơn.

Năm 2010, khi bà Dilma Rousseff đại diện đảng Công nhân đắc cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, nền kinh tế Brazil đang tăng trưởng 7,5% thu hút sự quan tâm đánh giá cao từ trong nước lẫn hải ngoại. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sự suy thoái kinh tế trở thành đề tài cho các ứng cử viên đối lập tập trung khai thác.

Sau cú sốc choáng váng về tai nạn máy bay ngày 13/8 làm ứng cử viên tổng thống Eduardo Campos của đảng Xã hội Brazil (PSB) tử nạn, Brazil một lần nữa rơi vào tình trạng rối ren liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống khi một số ngân hàng và các nhà đầu tư lớn tung ra những dự đoán chống lại Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff.

Tình trạng rối ren này càng dễ thấy hơn qua sự chao đảo của các thị trường tài chính Brazil. Ví dụ, cổ phiếu của một số công ty lớn nhất Brazil giảm mạnh khi bà Rousseff được điểm cao trong các cuộc thăm dò dư luận, trong khi tiền tệ Brazil - đồng real - lại trở nên mạnh so với đồng USD khi các đối thủ của bà nổi trội trong các cuộc thăm dò.

Nghịch lý đó có nguyên nhân từ sự căng thẳng giữa bà Rousseff và các công ty kinh doanh trong nước dẫn đến cuộc tranh cãi về các chính sách ưu tiên phát triển và ai sẽ hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên Brazil khi chính quyền đang phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ.

Bà Rousseff đang mở rộng sự ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng lớn và công ty năng lượng do nhà nước kiểm soát trong khi quảng bá một số dự án chống nghèo đói và tăng cường kiểm soát giá năng lượng nhằm giữ cho mức lạm phát đứng yên. Các đối thủ của tổng thống đương nhiệm cho rằng các chính sách này đang kìm hãm tăng trưởng.

Mới đây, chi nhánh của Santander - ngân hàng lớn của Tây Ban Nha - phát đi báo cáo đến các khách hàng giàu có, nói rằng những thành tựu trên thị trường Brazil gần đây có thể sẽ bị đảo ngược nếu như cơ hội tái đắc cử của Rousseff càng mạnh hơn. Tổng thống Rousseff đã có phản ứng giận dữ, mô tả báo cáo của Santander là sự can thiệp "không thể chấp nhận được" vào hệ thống tài chính Brazil.

Sự bất đồng như thế hoàn toàn mâu thuẫn với mối quan hệ chặt chẽ mà cựu Tổng thống Lula da Silva - người tiền nhiệm và người thầy chính trị của bà Rousseff - đã xây dựng được với khu vực tài chính trong suốt nhiệm kỳ của ông.

Hàng triệu người nghèo hưởng lợi từ chương trình chống nghèo đói của Dilma Rousseff.

Khi kinh tế Brazil tăng 7,5% năm 2010, ông Da Silva đang ở năm cuối nhiệm kỳ tổng thống và nước này được thế giới ca ngợi vì giảm được tỷ lệ người nghèo đồng thời tăng trưởng nhanh mang lại lợi ích cho hệ thống ngân hàng và giới đầu tư. Nhưng sau đó kinh tế Brazil bắt đầu chững lại dẫn đến 4 năm liên tục tăng trưởng chậm và nhiều dự án hoành tráng được hệ thống ngân hàng nhà nước bảo trợ bị hủy bỏ hay chậm phát triển.

Hiện nay, dữ liệu Ngân hàng trung ương cho thấy kinh tế Brazil đang trì trệ và mang lại lợi thế cho 2 đối thủ nặng ký của bà Rousseff - Aecio Neves của đảng trung tả Dân chủ Xã hội (PSDB), người cam kết xóa bỏ nhiều chính sách kinh tế của tổng thống đương nhiệm và Marina Silva đại diện đảng Xã hội (PSB) thay thế cho Eduardo Campos. Bà Dilma Rousseff đặc biệt gay gắt với đối thủ Aecio Neves khi nhận định: ông này sẽ tạo ra thất nghiệp, suy thoái và thắt chặt tiền lương nếu đắc cử!

Đảng PSB của Neves nắm quyền lực ở Brazil từ năm 1994 đến 2002 và đưa ra một chương trình tái cấu trúc triệt để nền kinh tế. Các biện pháp của PSDB kìm hãm được mức lạm phát tăng như phi mã, mở lối cho đà tăng trưởng vào thập niên tiếp theo. Tình trạng thất nghiệp ở Brazil hiện vẫn còn ở mức khá thấp, và biện pháp kiểm soát giá năng lượng đã giữ mức lạm phát trong vòng kiểm soát. Nhưng khi bà Rousseff gây ảnh hưởng mạnh đến tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Petrobras và các công ty nhà nước khác, một số công ty tư nhân lớn nhất tỏ ra tức giận.

"Chỉ có những kẻ điên mới đầu tư vào Brazil", Benjamin Steinbruch phát biểu tại một hội nghị doanh nghiệp tổ chức trong tháng 8. Ông là chủ tịch một trong những công ty thép lớn nhất Brazil và lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp hùng mạnh của Sao Paulo.

Tuy nhiên, những người hưởng lợi từ chương trình chống nghèo đói của Dilma Rousseff lại ủng hộ bà mạnh mẽ. Barbara Leite, 29 tuổi, nhận xét: "Tôi nghĩ các dự án của Dilma Rousseff là tuyệt vời".

Mới đây, Barbara Leite di chuyển từ vùng ngoại ô nghèo của Rio de Janeiro đến khu chung cư mới dành cho người thu nhập thấp được xây dựng gần khu trung tâm cũ của thành phố nhờ vào chương trình "Nhà của Tôi - Cuộc sống của Tôi" giúp người nghèo sở hữu căn hộ được nhà nước trợ cấp trả tiền góp hàng tháng chưa đến 44 USD! Trong khi trước đây, Barbara Leite phải trả 220 USD/tháng tiền thuê nhà. Những chương trình như thế rõ ràng giúp cho Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff có được số điểm cao trong những cuộc thăm dò dư luận

Duy Ân (tổng hợp)
.
.