Chiến thắng chưa trọn vẹn của ông Netanyahu

Thứ Hai, 09/03/2020, 20:04
Mặc dù Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, ông vẫn chưa giành đủ số ghế để thành lập một chính phủ đa số và khép lại một năm bế tắc chính trị Israel. Việc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh còn gay cấn ở phía trước.

Chia năm xẻ bảy

Ngày 5-3, Ủy ban Bầu cử trung ương Israel đã hoàn tất kiểm phiếu. Đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu giành được 36 ghế, trở thành đảng lớn nhất; đảng Xanh & Trắng của ông Benny Gantz, đối thủ chính trị của ông Netanyahu, giành được 33 ghế. Tuy nhiên, khối cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu chỉ giành được 58 ghế, thiếu 3 ghế mới hội đủ 61/120 ghế để thành lập chính phủ mới.

Trong đợt bầu cử này, có 30 đảng tham gia tranh cử nhưng chỉ có 8 đảng hội đủ trên 3,25% phiếu bầu để đủ điều kiện có mặt trong Quốc hội. Đây là số lượng đảng thấp nhất trong lịch sử Quốc hội Israel.

Khối trung tả ủng hộ ông Gantz, không tính đảng Joint List, giành được 40 ghế, mức quá thấp để ông Gantz có thể thành lập được chính phủ trung tả. Nếu ông Gantz giành được sự ủng hộ của đảng Yisrael-Beitenu và đảng Joint List có thể hội được 62/120 ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vào tháng 9 vừa qua, đảng Balad có 3 ghế, thuộc Joint List, đã không ủng hộ ông Gantz khiến ông chỉ hội được 59 ghế.

Nếu kết quả duy trì như trên, không khối đảng nào có đủ số ghế để tạo thành thế đa số ở quốc hội, ngay cả với đảng của ông Netanyahu và rất có thể Israel sẽ phải bước vào vòng bầu cử lần thứ 4.

Chính trường Israel hiện tại khá rối ren với sự chia rẽ đảng phái.

Đảng Yisrael-Beitenu của ông Lieberman tiếp tục giữ vai trò quyết định trên chính trường Israel. Hiện nay, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Avigdor Liberman, lãnh đạo đảng theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan trung lập vốn hiện nắm giữ sự cân bằng quyền lực. Tuy nhiên, ý định của ông Liberman lại không rõ ràng.

Là một người theo đường lối cứng rắn, ông thận trọng khi tham gia liên minh với một số đồng minh là đảng chính trị tôn giáo theo đường lối Do Thái bảo thủ của ông Netanyahu. Trước đây, ông Liberman từng bác việc tham gia liên minh do các nghị sĩ Arab ủng hộ. Mặc dù vậy, ngày 3/3, vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng này cũng loại bỏ khả năng Israel phải tiến hành cuộc bầu cử thứ 4 trong vòng 1 năm.

Ông Netanyahu dự kiến sẽ đối mặt với phiên tòa xét xử về những cáo buộc tham nhũng trong vòng 2 tuần nữa. Và, nếu điều này thành sự thật, đây sẽ là vụ khởi tố đầu tiên đối với một thủ tướng tại nhiệm của Israel.

Ông Gantz đã sử dụng những cáo buộc này là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình, lập luận rằng Israel đối mặt với sự lựa chọn giữa một lãnh đạo bị buộc tội và một người có đạo đức, điều vốn có thể kiến tạo hoặc hủy hoại nền dân chủ. Thế nhưng, tỷ lệ phiếu của ông Netanyahu đã tăng gần 5 điểm kể từ cuộc bầu cử trước đó hồi tháng 9, cho thấy vụ việc pháp lý của ông không phải là mối quan ngại đối với một số lượng lớn cử tri có vai trò quan trọng của Israel.

Là một nhà lãnh đạo lâu năm đối mặt với cuộc xét xử có nguy cơ gây nhiều tổn hại đến sự nghiệp, ông Netanyahu đã không có nhiều thuận lợi trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, trong cuộc đua quan trọng trước thềm cuộc bỏ phiếu hồi tuần trước, ông đã ngăn cản được ông Gantz đặt ra những điều khoản của cuộc tranh luận.

Ông Netanyahu đã lèo lái cuộc đối thoại quốc gia rời xa các cáo buộc tham nhũng của ông bằng cách đưa ra những lời nói bóng gió về đời tư của ông Gantz và làm nức lòng cử tri khi đề cập hàng loạt cách thức đối phó với dịch COVID-19 mà chính phủ sẽ tiến hành. Giáo sư chính trị Wolfsfeld tiếp tục bình luận: “Rõ ràng, ông Netanyahu sành sỏi hơn về chiến dịch vận động chính trị so với ông Gantz”.

Chia rẽ đảng phái và bế tắc chính trị

Ở một góc độ nào đó, kết quả cuộc bầu cử này một lần nữa bộc lộ tình trạng chia rẽ lâu nay trong lòng xã hội Israel. Mặc dù ông Netanyahu nổi trội hơn song quy mô của hai khối cử tri chính của Israel, một khối chủ yếu là các đảng chính trị tôn giáo và theo đường lối bảo thủ và khối còn lại mang tính thế tục và tương đối trung dung, không thay đổi đáng kể.

Thủ tướng Netanyahu vận động tranh cử với quan điểm cứng rắn đối với người Palestine và về vấn đề mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây mà Israel đang chiếm đóng. Tháng 1-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một kế hoạch hòa bình gây tranh cãi, trong đó ủng hộ việc Israel sáp nhập các khu định cư và một dải đất ở Bờ Tây, khiến người Palestine giận dữ.

Với sự ủng hộ của Mỹ, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Netanyahu hứa hẹn xây dựng thêm hàng nghìn nhà cửa ở các khu định cư của người Do Thái trên lãnh thổ của Palestine, cho dù các khu định cư này bị cộng đồng quốc tế coi là phi pháp.

Luật lệ của Israel không quy định rõ liệu một người đối mặt với các cáo buộc tham nhũng có thể thành lập chính phủ về mặt pháp lý hay không. Tòa án Tối cao Israel đã trì hoãn phán quyết về vấn đề này hồi tháng 1, cho rằng đây là một câu hỏi mang tính giả thuyết. Thế nhưng, giờ thì giả thuyết đó đã trở thành thực tế và tòa án sẽ gần như chắc chắn vướng vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Nếu ông Netanyahu rốt cục thành lập một chính phủ đa số thì ông cũng có thể nỗ lực làm lu mờ tác động của cuộc xét xử này bằng cách hợp pháp hóa những hành động ông bị cáo buộc hoặc bằng cách tự trao cho mình quyền miễn xét xử. Mặc dù ông Netanyahu chắc chắn sẽ được Tổng thống Reuven Rivlin chỉ định là người đứng ra thành lập chính phủ, song con đường để ông có thể giành được thế đa số 61 ghế vẫn là điều chưa rõ.

Trong cuộc chạy đua tiến tới cuộc bầu cử lần thứ ba này ở Israel trong vòng chưa đầy 1 năm, đã có những lo ngại rằng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ sụt giảm mạnh trong bối cảnh nhiệt huyết của người dân giảm sút và lo lắng về dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã tăng lên 71%, tăng từ mức 69,8% hồi tháng 9 và là tỷ lệ cao thứ hai trong vòng 100 năm qua ở Israel. Giới phân tích cho rằng dịch COVID-19 đã thuyết phục người dân Israel ở lại đất nước trong ngày bầu cử. Một số quan điểm khác cho rằng sự gia tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là do tỷ lệ cử tri người Arab đi bỏ phiếu tăng mạnh.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.