Anne Hidalgo - Nữ Thị trưởng đầu tiên của Paris:

Chiến thắng thay đổi lịch sử và “an ủi” đảng cầm quyền

Thứ Ba, 22/04/2014, 18:35

Thủ đô Paris của Pháp lần đầu tiên trong lịch sử có nữ thị trưởng sau khi bà Anne Hidalgo, thành viên đảng Xã hội (PS) cầm quyền, bất ngờ chiến thắng cuộc bầu cử địa phương ngày 30/3 vừa qua. Đây là sự kiện rất đặc biệt đối với người dân Paris và là thắng lợi rất có ý nghĩa với bà Hidalgo cũng như đảng PS khi tiếp tục lãnh đạo một thành phố nổi tiếng thế giới. Để đi đến thắng lợi lịch sử này, bà Hidalgo đã trải qua những quãng thời gian rất cam go và đầy hồi hộp. Tuy vậy, chiến thắng này chỉ giúp an ủi cho đảng của Tổng thống Hollande, khi họ thất bại trên diện rộng.

Bóng hồng đại chiến

Lần đầu tiên trong lịch sử thủ đô Paris của Pháp, cuộc đua cho chức danh thị trưởng - được coi như bàn đạp tới một vị trí cao hơn trong chính quyền - đang có vẻ như trở thành một cuộc chiến giữa những người phụ nữ. Năm nay 54 tuổi, bà Hidalgo đã được nhận định sẽ phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ cánh hữu Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) Nathalie Kosciusko-Morizet, người từng là một bộ trưởng trong chính phủ trước đây.

Hãng tin AP cho rằng, bà Anne Hidalgo là ứng viên sáng giá nhất. Bà được đánh giá là một chính khách nghiêm túc nhưng lại ít nhiều thiếu sức lôi cuốn. Bà được đích thân đương kim Thị trưởng Paris Bertrand Delanoe giới thiệu với hy vọng duy trì được quyền lực của đảng Xã hội tại thành phố này. Chưa từng có kinh nghiệm làm bộ trưởng nhưng người phụ nữ tóc nâu này đã làm cấp phó dưới quyền ông Delanoe đến 13 năm.

Đối thủ của bà Hidalgo là bà Nathalie Kosciusko-Morizet, 40 tuổi, nổi danh qua biệt hiệu "NKM" và là mẹ của 2 con. Bà từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Sinh thái dưới thời Tổng thống Sarkozy, giờ đây là nhà lập pháp của cánh hữu Liên minh vì Phong trào nhân dân. Bà là ứng viên duy nhất của UMP cho chức danh thị trưởng Paris, được cựu Thủ tướng Francois Fillon đích thân đề cử trong kỳ đại hội sơ bộ của UMP vào đầu tháng 6/2013.

Dù vậy, đã xuất hiện những chỉ trích bà "NKM" chỉ lợi dụng vị trí thị trưởng Paris như là bệ phóng cho việc trở thành tổng thống Pháp - cách mà ông Jacques Chirac từng làm trong quá khứ. Dĩ nhiên là bà đã bác bỏ cáo buộc này.

Giữa hai người phụ nữ này có sự khác biệt về chính sách cho tương lai của Paris. Kosciusko-Morizet tuyên bố: bà muốn giảm số lượng công chức ở thành phố này để tiết kiệm ngân sách, củng cố an ninh và biến địa phương trở thành nơi thân thiện với người đi bộ. Trong khi đó, ứng viên Hidalgo đặt mục tiêu cải thiện nhà ở, giao thông và không gian xanh ở Paris, đồng thời nỗ lực ngăn chặn làn sóng di cư ra ngoại ô thành phố của tầng lớp trung lưu và người lao động.

Điểm chung hiếm hoi của cả hai nữ chính khách này là niềm khao khát duy trì hình ảnh thủ đô nước Pháp như là thánh địa của sự lãng mạn và là nơi thu hút nhiều du khách nhất thế giới.

Cuộc đua vào cương vị Thị trưởng Paris là cuộc chiến giữa hai người phụ nữ: Anne Hidalgo (trái) và Nathalie Kosciusko-Morizet.

Trong các cuộc vận động tranh cử, cả hai bà đều nhìn nhận đó là những vấn đề cấp thiết mà họ phải giải quyết ngay khi trở thành chủ nhân của Tòa Thị chính Paris. Vấn đề chỉ là đặt ưu tiên vào lĩnh vực nào mà thôi. Vài tuần trước, bà Hidalgo công bố kế hoạch biến đổi đại lộ Foch ở trung tâm Paris, vốn là nơi dạo chơi của giới thượng lưu lắm tiền thành "công viên xanh" cho mọi người.

Để chứng minh điều quan tâm lớn của mình là môi trường, cả hai bà đều sử dụng phương tiện đơn giản trong những lần đi vận động tranh cử. Bà Hidalgo đi chiếc ôtô thông minh tiết kiệm nhiên liệu, trong khi bà Kosciusko-Morizet còn gây ấn tượng mạnh hơn khi di chuyển bằng xe đạp, dù có người nhận ra trong giỏ xe của bà là chiếc xách tay hàng hiệu trị giá 2.000 euro.

Cuộc đua tranh chức thị trưởng Paris trở nên căng thẳng ngay từ đầu năm nay, khi tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên Hidalgo và Kosciusko-Morizet luôn sát nhau. Lợi thế cho tới lúc diễn ra vòng 1 cuộc bầu cử luôn nghiêng về ứng cử viên của UMP. Nhiều người đã cho rằng, rất khó có thể dự đoán được người thắng cuộc trong trận tranh đua này.

Lý do là cả hai chính đảng PS và UMP tham gia tranh cử lần này đều ở trong hoàn cảnh có những bất lợi riêng. Đảng PS cầm quyền liên tục vấp phải chỉ trích về tình hình kinh tế - xã hội ảm đạm, trong khi đó nội bộ của đảng cánh hữu UMP vẫn bị chia rẽ, mất đoàn kết. Hơn nữa, theo quy định bầu cử gián tiếp, đảng của ứng cử viên nào giành được nhiều ghế ủy viên Hội đồng thành phố nhiều hơn sẽ chiến thắng.

Bà Kosciusko-Morizet bị chỉ trích nhiều hơn, một phần là đang dính rắc rối vì những cáo buộc tham nhũng và gây quỹ trái phép, phần khác là từ thất bại trước đây của cựu Tổng thống Sarkozy mà bà bị ảnh hưởng "dây chuyền". Một nhà báo "chộp" được ảnh bà vận áo da, quần jeans, trên tay là điếu thuốc hút dở khi nói chuyện với một nhóm người vô gia cư.

Trong một bài báo trên tờ Huffington Post, nhà báo nữ người Pháp Marie-Arlette Carlotti viết: "Từng là bộ trưởng và là người phát ngôn của ông Sarkozy, bà đương nhiên biết ông Sarkozy hồi năm 2006 từng hứa là làm mọi cách để xóa bỏ tình trạng người dân Paris không có nhà. Hôm nay, bà chụp ảnh với dáng vẻ của một người mẫu khi nói về tình trạng vô gia cư của người dân Paris. Chúng tôi không cho phép bà lợi dụng hình ảnh người nghèo cho tham vọng của bà".

Dù vậy, sau vòng 1, ứng cử viên Kosciusko-Morizet tạm dẫn đầu với 35,64% số phiếu ủng hộ so với 34,4% của bà Hidalgo, buộc bà cùng ban tranh cử của PS phải tiến hành việc thỏa thuận, liên kết với các đảng khác. Kết quả diễn ra đúng như mong đợi của ứng cử viên PS khi giành được 55% số phiếu ủng hộ và chứng minh một thực tế rằng sức mạnh của PS ở Paris vẫn vượt trội so với các nơi khác ở Pháp. PS vượt xa UMP về số ghế trong Hội đồng thành phố Paris (91 so với 71). Trong tổng số 20 quận ở Paris, có 9 quận do cánh hữu kiểm soát và 11 thuộc về đảng Xã hội và các liên minh cánh tả.

Dù liên tiếp nhận tin thất bại ở nhiều thành phố lớn, ngay trong đêm 30/3, các thành viên và cử tri ủng hộ đảng PS vẫn có lý do để ăn mừng tại Paris cùng với ứng cử viên Hidalgo. Chiến thắng này là minh chứng cho tâm huyết đối với Paris, như bà từng rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Sacha Guitry: "Trở thành người Paris không có nghĩa phải được sinh ra tại Paris, mà là được tái sinh tại Paris".

Một phụ nữ đầy tham vọng

Sinh năm 1959 ở Tây Ban Nha, bà Anne Hidalgo chuyển tới sống ở thành phố Lyon miền Trung nước Pháp từ năm 2 tuổi, và sau đó trở thành công dân Pháp vào năm 14 tuổi. Từ một kỹ sư rồi đến thanh tra lao động, bà Hidalgo chuyển sang lĩnh vực chính trị. Đến năm 38 tuổi, bà trở thành Cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Việc làm và Dạy nghề, Martine Aubry.

Tiếp đó, bà đảm nhiệm vai trò Cố vấn kỹ thuật cho Bí thư Nhà nước về quyền của phụ nữ và đào tạo nghề, Nicole Pery. Năm 2000, bà được giao trọng trách Thư ký chính chịu trách nhiệm về quan hệ xã hội và thực trạng quan chức cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Marylise Lebranchu.

Trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3/2001, bà Hidalgo đã trúng cử vào Hội đồng thành phố Paris và sau đó trở thành Phó thị trưởng thứ nhất tính theo tỷ lệ phiếu bầu, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giữ cương vị đầy quyền uy này. Ưu thế của bà Anne Hidalgo dựa vào cách thức bầu cử, theo đó chức danh Thị trưởng do những người mới trúng cử ở các khu vực hành chính trên địa bàn Paris bầu ra, chứ cử tri không bầu trực tiếp theo lối phổ thông đầu phiếu.

Chiến thắng của bà Hidalgo được xem như có tính an ủi cho đảng Xã hội cầm quyền của Tổng thống Hollande, khi họ thất bại trên diện rộng.

Sau khi ông Hollande đắc cử Tổng thống năm 2012, bà Hidalgo đã được nhiều người đồn đoán sẽ được cất nhắc vào vị trí Bộ trưởng. Nhưng thay vào đó bà quyết định ở lại Paris để chờ thời điểm thay thế ông Bertrand Delanoe. Sau 13 năm trợ giúp Thị trưởng sắp mãn nhiệm Delanoe, kể từ năm 2001, bà Hidalgo cam kết ngay khi biết tin thắng cử là sẽ tiếp nối sự nghiệp của người tiền nhiệm, tiếp tục cải thiện và hiện đại hóa bộ mặt của Paris.

Trong chiến dịch tranh cử, bà đã cam kết đầu tư xây dựng 10,000 nhà ở xã hội và 5,000 nhà trẻ, cải thiện hạ tầng giao thông trong đó có kế hoạch loại bỏ các phương tiện chạy bằng dầu diesel vào năm 2020, mở rộng không gian xanh, đồng thời dành ưu tiên cho các vấn đề khác như an ninh và văn hóa.

Được bạn bè miêu tả là "trung thực, nghiêm túc và khiêm tốn", bà cũng được cho là có phong cách cứng rắn. "Bà ấy giống như một quả đấm thép được bọc trong găng tay nhung", thành viên đảng Xanh Denis Baupin, người có nhiều năm là đồng nghiệp của bà Hidalgo tại Hội đồng thành phố khẳng định. "Đằng sau vẻ linh hoạt đó, bà ấy thích mọi thứ theo ý mình".

Phát biểu sau khi biết tin thắng cử, bà Hidalgo vẫn thể hiện đúng phong cách nghiêm túc và khiêm tốn vốn có, khi nói: "Vinh dự là nữ Thị trưởng đầu tiên của Paris, tôi biết rõ trách nhiệm nặng nề này. Tôi sẽ làm hết sức mình để xây dựng Paris thành một thành phố điển hình, nơi mà sự sáng tạo và đổi mới sẽ mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn".

Bây giờ bà sẽ gia nhập một câu lạc bộ dành riêng cho những phụ nữ đã nắm quyền lãnh đạo các thành phố lớn trên thế giới. Các thành viên hiện tại còn đương chức của câu lạc bộ này gồm có Thị trưởng Madrid Ana Botella, Thị trưởng thành phố Cape Town (Nam Phi) Patricia de Lille, và bà Carolina Toha - người đang lãnh đạo thành phố Santiago tại Chile.

Hãng tin AP nhận định, sự kiện Paris có nữ Thị trưởng cho thấy mọi thứ đang thay đổi đối với phụ nữ trên chính trường Pháp. Dù nước này thông qua một đạo luật yêu cầu bình đẳng giới giữa các ứng cử viên nghị sĩ vào năm 2000 nhưng theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hơn 80% vị trí trong Quốc hội Pháp năm 2013 vẫn thuộc về nam giới. Đối với bà Anne Hidalgo, dấn thân vào chính trị là một thôi thúc "réo gọi trong nhiều năm".

Tân Thị trưởng cho rằng bất kể là nam hay nữ, nếu muốn được lắng nghe thì phải làm cho tiếng nói của chính mình. "Đó là những gì tôi đã làm khi trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chiếc ghế quyền lực nhất thành phố Paris", bà Hidalgo nói.

Chiến thắng của bà Hidalgo được xem như có tính an ủi cho đảng Xã hội cầm quyền của Tổng thống Hollande, khi họ thất bại trên diện rộng trong cuộc bầu cử địa phương. Trong khi đó, đảng UMP và đảng cực hữu Mặt trận dân tộc lại thắng lớn. Kết quả chính thức do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 31/3 cho thấy đảng Xã hội mất thế đa số ở 151 thành phố có trên 10,000 dân, trong khi phe đối lập cánh hữu, dẫn đầu là đảng UMP đã giành thêm 142 thành phố.

Con đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, khi bà Anne Hidalgo sẽ đối mặt với những vấn đề ngày càng gay gắt trong xã hội Pháp. Bà phải bước vào cuộc chiến giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ người vô gia cư, hệ thống giao thông công cộng, tình trạng ô nhiễm môi trường, tội phạm ngày càng tăng hay an sinh xã hội - những vấn đề người dân quan tâm nhất.

Sau 5 ngày nữa, bà Hidalgo sẽ chính thức quản lý một thành phố có hơn 2 triệu dân với ngân sách rất lớn khoảng 8 tỉ euro. Dù kết quả đã được ấn định, chiến thắng đã thuộc về bà Hidalgo, nhưng quá trình vượt qua mọi trở ngại của bà để tiến tới đích một cách ngoạn mục như vừa qua chắc chắn sẽ được nhiều người tiếp tục nhắc tới. Bước tiến quan trọng này sẽ giúp bà Hidalgo vươn tới những mục tiêu lớn hơn nữa trong sự nghiệp chính trị của mình

Anh Doãn - Trần Quân (tổng hợp)
.
.