Chính khách Việt và mạng xã hội

Thứ Năm, 12/03/2015, 16:00
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa công bố trang fanpage (facebook) chính thức. Đây là lần đầu tiên, một chính khách Việt ở cấp Bộ trưởng bước vào thế giới mạng một cách minh bạch.
Tất nhiên, cộng đồng mạng xã hội (facebook) rất hoan nghênh hành động này của Bộ trưởng Bộ Y tế. Vì bà Bộ trưởng chính là người tiên phong cho giới lãnh đạo cấp cao của nước mình quan tâm đến mạng xã hội.

1. Không thể chối bỏ mạng xã hội cũng như thông tin trên mạng xã hội, như: Facebook, Wechat, Twitter… Ngay cả ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc cũng đã sử dụng thông tin rất hiệu quả từ các mạng xã hội trong kế hoạch "đả hổ diệt ruồi" của ông.

Ở Việt Nam, hiện tại có hơn 30 triệu người tham gia mạng xã hội chiếm hơn 30% dân số. Trong đó, người trẻ chiếm số lượng lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ có nói: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính  xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay".

Người đứng đầu Chính phủ của nước ta cũng đã thật sự quan tâm đến mạng xã hội. Nhìn sang các nước khác (Tất nhiên, mỗi quốc gia có một đặc thù khác nhau, không phải cứ thấy nước người ta như thế nào rồi nước mình cũng phải vậy), giới lãnh đạo của họ đã sử dụng mạng xã hội hết sức hiệu quả.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng cả mạng xã hội Twitter lẫn Facebook, ông là người có lượng theo dõi cao nhất trong giới lãnh đạo chơi Facebook với hơn 53 triệu người theo dõi. Trang Facebook của ông có gần 42 triệu lượt like. Những tấm ảnh đời thường của Tổng thống Mỹ rất dễ dàng biến thành các cơn sốt của cộng đồng mạng trên toàn thế giới, như tấm ảnh ông ôm hay dùng bữa cùng bà Michelle - vợ ông…

Fanpage chính thức của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ngay khi ông tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2, ông cũng loan tin này trên trang mạng xã hội cá nhân. "Four more years" (Thêm 4 năm nữa), chỉ với vài chữ ấy ông đã nhận được hơn 4 triệu like trên Facebook và hơn 600 nghìn lượt chia sẻ. Cùng với vài chữ đấy, là tấm ảnh ông ôm vợ của mình, thật xúc động. (Bức ảnh này chính là bức ảnh nhận được lượng like nhiều nhất trên Internet vào năm 2012).

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có gần 10 triệu lượt người theo dõi trên mạng xã hội Twitter và hàng triệu người like trên Facebook.

Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long được xem là người "nghiện" Facebook.  Thủ tướng Lý chơi Facebook hết sức thú vị, ông sẵn sàng chia sẻ những bức ảnh gia đình trong đó có cả cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu (cha ruột của Thủ tướng Lý Hiển Long), những tấm ảnh của ông thời thơ ấu, những đoạn viết ngắn…

Thậm chí, Thủ tướng Lý còn chụp ảnh "tự sướng" như hàng trăm triệu facebookers khác. Ông còn tổ chức đối thoại với công dân thông qua Facebook, thông báo tình hình sức khỏe cho công dân qua kênh thông tin này… Như tháng 2 vừa rồi, ông tự chụp ảnh trên giường bệnh, thông báo tình hình sức khỏe không tốt phải nhập viện trị bệnh một tuần, Phó thủ tướng Tạ Chí Hiền sẽ tạm thay ông điều hành chính phủ.

Một chính khách sử dụng mạng xã hội, khoan bàn đến hiệu quả trong thông tin, thắng lợi ngay trước mắt của chính khách ấy chính là tạo được sự gần gũi đối với công dân. Điều này rất có lợi cho chính chính khách này.

Tôi tin rằng, uy tín của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tăng lên rất nhanh, cũng như sự thiện cảm của người dân dành cho Bộ trưởng. Mặc dù trang fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế hiện tại tương đối đơn điệu. Trên fanpage của mình, Bộ trưởng Kim Tiến chủ yếu dẫn lại đường link của các bài báo điện tử liên quan đến ngành y, sản phẩm có hóa chất độc hại…

Rất khó để hy vọng một người lắm công nhiều việc như Bộ trưởng có thời gian để tham gia mạng xã hội một cách nhiệt thành hơn. Lãnh đạo tham gia mạng xã hội là một điều đáng hoan nghênh nhưng điều chờ đợi lớn hơn của cộng đồng mạng chính là cách sử dụng mạng xã hội của lãnh đạo như thế nào.

Ví như với tư cách là Facebooker (không phải là nhà báo), tôi mong chờ Bộ trưởng Kim Tiến có những status liên quan đến bảo hiểm y tế toàn dân một quyết sách lớn của Bộ Y tế, hay quan điểm khi có những thông tin thời sự liên quan đến ngành y... chứ không phải là đơn thuần chỉ là những đường link từ các bài báo điện tử.

Thông thường, một lãnh đạo cao cấp như Bộ trưởng Bộ Y tế tham gia mạng xã hội, nhất thiết phải có một đội ngũ cố vấn về mạng xã hội chuyên nghiệp để giúp Bộ trưởng về những vấn đề nảy sinh từ mạng xã hội. Bộ trưởng sẽ nhận được rất nhiều câu hỏi (inbox) từ các facebookers, và Bộ trưởng không thể nào trả lời hết được những câu hỏi này. Mà có thể, đa phần là những phản ánh.

Chính vì vậy, Bộ trưởng cần có một đội ngũ quản lý  mạng xã hội và đội ngũ này sẽ là những người gác trang fanpage giúp Bộ trưởng. Cũng cần phải nói điều này, Bộ trưởng là vị trí điều hành ở tầm vĩ mô, nên những phản ánh nhỏ của cộng đồng mạng sẽ khiến Bộ trưởng gặp không ít lúng túng nếu như Bộ trưởng không có đội ngũ giúp việc chuyên về mạng xã hội.

Ngay khi Bộ trưởng Bộ Y tế vừa công bố fanpage chính thức thì ngay lập tức có một fanpage giả danh xuất hiện. Fanpage này cũng đã thu hút hàng trăm nghìn lượt like, không kém gì lượt like chính thức từ fanpage của Bộ trưởng "chính chủ".

Trước đó, hàng loạt trang giả mạo Bộ trưởng Bộ Y tế đã xuất hiện. Mà không chỉ có Bộ trưởng Bộ Y tế, hầu như tất cả các chính khách cấp cao nhất của Việt Nam đều bị giả mạo trên Facebook. Những trang này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt like từ cộng đồng mạng trong nước. Thi thoảng truy cập Facebook, tôi lại giật mình vì nhận được lời mời kết bạn từ một lãnh đạo cấp rất cao của nước mình.

Để ngăn chặn những trang mạo danh, có hai cách. Cách thứ nhất,  lãnh đạo hoàn toàn không quan tâm đến mạng xã hội hoặc tuyên bố rõ không sử dụng mạng xã hội. (Điều này, nhà báo Lại Văn Sâm đã tuyên bố, khi trang báo mạng MTG dẫn lại bài thơ từ trang Facebook giả mạo nhà báo Lại Văn Sâm). Cách thứ hai, sử dụng mạng xã hội. Và chính trang mạng xã hội thật của lãnh đạo sẽ dần lớn mạnh để triệt tiêu hoàn toàn, triệt tiêu một cách rất tự nhiên những trang mạng xã hội giả tạo.

Tôi nhớ là trước khi Bộ trưởng Bộ Y tế công bố fanpage chính thức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói ông nắm thông tin bệnh sởi thông qua Facebook của một bác sĩ đang công tác ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã viết về tình trạng quá nhiều trẻ tử vong do sởi và đưa lên Facebook, vì thế Phó thủ tướng mới biết được tình hình và đến kiểm tra trực tiếp.

Sau khi Phó thủ tướng kiểm tra tình hình, Bộ trưởng Bộ Y tế mới thị sát và dư luận biết được thông tin dịch sởi đang hoành hành, nguy hiểm ra sao vào những tháng đầu năm 2014.

Tham gia mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có thêm kênh thông tin để kiểm soát nhiều câu chuyện liên quan đến ngành y mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng đề cập.

Để tránh truy cập nhầm các trang giả mạo, bạn đọc có thể theo dõi hay trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên mạng xã hội thông qua địa chỉ chính thức: https://www.facebook.com/botruongboyte.vn.

2. Ngoài fanpage của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thì thông tin thứ hai gây xôn xao cộng đồng Facebook chính là một đoạn viết ngắn trên Facebook cá nhân của Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí này, ông Khuất Việt Hùng là Vụ trưởng Vụ Vận tải, thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Nhiều thông tin về an toàn giao thông được tìm thấy trên trang facebook cá nhân của ông Khuất Việt Hùng.

Ông Khuất Việt Hùng viết trên Facebook như sau: "Hôm nay trên trang thông tin của VOV trên Facebook có đăng bài viết "Quan chức và hình ảnh trước công chúng" (Ông Hùng dẫn kèm theo link bài viết). Tôi thấy đây là một bài viết rất hay và đúng, nhân vật được hướng đến trong bài viết là cá nhân tôi. Trước tiên cho phép tôi cám ơn tác giả bài viết và lấy đây là một bài học quan trọng cho bản thân mình, đặc biệt là trong ứng xử xã hội. Tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả bài viết về quan điểm yêu cầu những người cán bộ, công chức phải có trách nhiệm thường xuyên tu dưỡng bản thân, rèn luyện kỹ năng sống, tránh gửi những thông điệp làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức và vị trí công việc mà mình được giao. Một lần nữa, xin cám ơn nhà báo Minh, lãnh đạo VOV về bài học này. Tôi cũng xin nhận khuyết điểm với cơ quan, lãnh đạo, đồng nghiệp về những ứng xử thiếu kiềm chế của mình. Đồng thời xin gửi lời xin lỗi tới các cô, bác, anh chị, bạn bè luôn dành tình cảm và sự ủng hộ cho tôi. Tôi hứa sẽ sửa chữa và khắc phục ngay!".

Ông Khuất Việt Hùng viết điều này, khi Báo Điện tử VOV có bài phê bình ông rất gay gắt, bài báo có đoạn: "Cuối cùng buổi trực tiếp cũng suôn sẻ với những phát biểu hùng hồn của ông về trách nhiệm của nhà chức trách trong việc thi hành công vụ đảm bảo an toàn giao thông. Lời nói thì như thần nhưng cung cách hành xử, lời nói trước đó thì thật khó chấp nhận đối với người đại diện một ủy ban lớn của Chính phủ. Nó thể hiện một thái độ thiếu văn hóa, điều không nên có ở một người bình thường chứ chưa nói ở cương vị lãnh đạo”.

Sở dĩ ông Hùng bị phê bình là bởi ông đã có thái độ thiếu chuẩn mực trong vai trò khách mời trong một chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Sau đây là nguyên ủy: "Dịp giáp Tết Ất Mùi vừa qua, Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo (VOV2 - Đài TNVN) thực hiện cuộc tọa đàm trực tiếp chủ đề "Tai nạn giao thông ngày Tết: Nỗi ám ảnh kinh hoàng". Khách mời là một Phó chủ tịch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Trình độ và tư cách của ông quá đủ cho chủ đề nóng dư luận đặc biệt quan tâm này. Sắp đến giờ phát sóng, lãnh đạo vì trăm công nghìn việc "alô" thông báo có thể đến muộn. Cuối cùng thì vị lãnh đạo đĩnh đạc với comple, caravat kèm theo cả thư ký cũng kịp dự buổi phát sóng. Chỉ có điều ông xuất hiện tại phòng thu của Đài quốc gia với một thái độ không xứng với tầm vóc của một chính khách. Ông bực tức khi biết thư ký đã thông báo nhầm thành chương trình truyền hình VOV. Ngay lập tức, trước mặt toàn bộ êkíp thực hiện chương trình, ông hạch sách, rồi tháo vội chiếc caravat lia về phía thư ký. Chiếc phong bì thù lao khách mời dành cho ông cũng bị chung số phận. Hành xử của ông khiến toàn bộ ekip sững sờ, trong khi vị thư ký thì lúng ta lúng túng như "gà mắc tóc" không biết xử sự ra sao trước sự tức tối của lãnh đạo".

Chia sẻ của ông Khuất Việt Hùng tạo được nhiều ấn tượng đối với những nhà báo có tham gia mạng xã hội cũng như những facebooker khác. Bởi mặc dù Báo Điện tử VOV không nêu đích danh ông Khuất Việt Hùng trong bài viết ấy, nhưng hàng triệu người nghe đài lẫn bạn đọc thừa hiểu bài báo đó nhằm vào ai. Thế cho nên, lên tiếng nhận lỗi về một hành vi sai do sự thiếu kiềm chế của ông Khuất Việt Hùng là rất khôn ngoan.

Chỉ cần một đoạn viết ngắn ấy, scandal trong phòng thu của ông Khuất Việt Hùng đã bị dập tắt, thay vào đó ông còn nhận được sự tán thưởng vì lối hành xử đàng hoàng, văn minh và chỉn chu. Phải nói, ông Hùng đã có một công cuộc giải quyết khủng hoảng truyền thông vô cùng thành công. Ngoài ra, trên Facebook cá nhân, ông Hùng cũng đưa ra nhiều thông tin về tình hình an toàn giao thông trên cả nước, các hoạt động liên quan đến công việc..

Tôi nhắc lại chuyện của ông Khuất Việt Hùng không có hàm ý nào khác ngoài chuyện xem đây như là một việc để các quan chức khác xem xét, đánh giá về tác động của mạng xã hội.

Thay vì để dư luận xì xầm và im lặng (Mà tôi tin chắc rằng các quan chức thừa hiểu dư luận xì xầm điều gì về bản thân mình mỗi khi có vụ việc nào đó không hay xảy ra ), tại sao không chọn cách đối thoại, giải quyết vấn đề hết sức nhẹ nhàng như cách mà ông Khuất Việt Hùng đã làm(?!).

Ngô Nguyệt Hữu
.
.