Chính phủ Malta chao đảo vì vụ nữ nhà báo bị sát hại

Thứ Hai, 02/12/2019, 15:20
Một loạt quan chức chính phủ từ chức giữa bão chính trị do hậu quả vụ sát hại nữ phóng viên điều tra Daphne Caruana Galizia. Thậm chí, Thủ tướng Joseph Muscat cũng đang phải chịu áp lực lớn từ công luận và các đảng phái đối lập kêu gọi ông từ chức vì có liên quan trong vụ án.

Chính phủ chao đảo

Mở đầu là cuộc bắt giữ Chánh Văn phòng nội các Keith Schembri. Theo thông báo của Thủ tướng Muscat, ông Schembri đã bị cảnh sát bắt giữ hôm 26-11 và phải qua đêm trong trại tạm giam để trả lời thẩm vấn của cơ quan điều tra.

Theo The Guardian, việc Chánh Văn phòng nội các Schembri bị cảnh sát bắt giam là một trong chuỗi sự kiện liên quan cuộc điều tra vụ án sát hại nữ nhà báo Caruana Galizia. Trước đó, Schembri đã phải từ chức hôm 25-11 sau khi dư luận lên tiếng về vai trò trách nhiệm của ông trong vụ sát hại nữ nhà báo Caruana Galizia.

Ngày 26-11, thêm một loạt quan chức Chính phủ Malta, bao gồm Bộ trưởng Du lịch Konrad Mizzi và Bộ trưởng Kinh tế Chris Cardona cũng tuyên bố từ chức. Mizzi bị dư luận cáo buộc tham nhũng và có liên quan trong cái chết của nữ nhà báo Caruana Galizia, từ chức vì tự nhận thấy không còn đủ “tư cách đạo đức” để tiếp tục công việc trong chính phủ giữa dông bão chính trị.

Bộ trưởng Cardona cũng bị cảnh sát điều tra “hỏi thăm” một số thông tin liên quan vụ án khiến ông cảm thấy “có nghĩa vụ phục tùng lợi ích quốc gia” nên đã “tự đình chỉ” chức vụ.

Manfred Weber, nghị sĩ châu Âu thuộc liên minh đảng phái trung hữu EPP, nhận định, các sự kiện vừa diễn ra tại Malta cho thấy tình hình chính trị “rất đáng lo ngại”. Đặc biệt là áp lực đang ngày càng lớn đối với Thủ tướng Muscat. Những lời khai và bằng chứng mà doanh nhân Fenech hứa cung cấp cho cảnh sát được cho là vô cùng nhạy cảm và chúng có thể khiến Thủ tướng Muscat mất đi quyền hạn chính trị để điều hành đất nước.

Nhà báo Daphne Caruana Galizia.

Thêm một bất lợi đối với Thủ tướng Muscat sau khi tờ Malta Today, tờ báo uy tín bậc nhất Malta, đồng thời cũng là một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Muscat, hôm 27-11 đã tuyên bố không tiếp tục ủng hộ ông. “Quyền hạn về đạo đức của Joseph Muscat đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi được nữa. Giờ là lúc Musacat phải ra đi” - tờ báo viết.

Có vẻ Thủ tướng Muscat chưa sẵn sàng cho việc từ chức. Ông đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập hợp người ủng hộ để phát biểu vận động chính trị nhằm đánh tan những lời chỉ trích của phe đối lập. Tuy nhiên, ngay cả việc này cũng gặp phải sự không đồng tình trong nội bộ chính phủ, với việc Bộ trưởng Giáo dục Evarist Bartolo công khai lên mạng xã hội Facebook phản đối.

Ai sát hại nữ nhà báo Caruana Galizia?

Vụ sát hại nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia xảy ra ngày 16-10-2017 gây chấn động Malta và cả châu Âu, bởi Caruana Galizia nổi tiếng là một phóng viên điều tra chống tham nhũng và tiêu cực không chỉ ở Malta mà cả ở châu Âu. Cảnh sát nghi ngờ vụ sát hại bà có liên quan đến loạt bài báo chống tham nhũng có dính dáng đến Chánh Văn phòng nội các Schembri và Bộ trưởng Du lịch Mizzi.

Theo hồ sơ điều tra, Caruana Galizia đã căn cứ vào Hồ sơ Panama do báo chí châu Âu cung cấp để viết loạt bài báo phanh phui sự liên quan của hai ông Schembri và Mizzi trong một công ty bình phong có tên là Black 17. Công ty này đặt trụ sở tại một “thiên đường thuế”, nằm trong danh sách các công ty do tập đoàn dịch vụ Mossack Fonseca hỗ trợ thành lập. Theo hồ sơ, doanh nhân Fenech là người đứng tên chủ doanh nghiệp Black 17, còn Schembri và Mizzi là hai cổ đông chiến lược, được chia cổ tức hằng năm.

Chánh văn phòng Thủ tướng Keith Schembri và Bộ trưởng Du lịch Konrad Mizzi.

Song song với việc phanh phui Hồ sơ Panama, nhà báo Caruana Galizia còn điều tra các vụ tham nhũng, móc ngoặc trong nước giữa các quan chức chính phủ với giới doanh nghiệp, trong đó có Fenech. Vào thời điểm bị sát hại, nhà báo Caruana Galizia đang thực hiện loạt phóng sự điều tra dựa theo hồ sơ nội bộ của công ty năng lượng Electrogas do Fenech làm chủ, trong đó chứa đựng chứng cứ về việc móc nối giữa Fenech và Schembri để công ty Electrogas được trúng thầu vận hành một nhà máy điện lớn. 

Vụ sát hại nhà báo Caruana Galizia khiến dư luận phẫn nộ, dân chúng biểu tình phản đối chính phủ tham nhũng diễn ra rầm rộ ở thủ đô Valletta và nhiều nơi khác. Gia đình nhà báo Caruana Galizia đã viết đơn thỉnh nguyện yêu cầu chính phủ phải làm rõ thủ phạm sát hại bà.

Cảnh sát Malta đã vào cuộc điều tra, với sự hỗ trợ của FBI của Mỹ và cảnh sát Hà Lan. Sau gần 2 năm điều tra, tháng 7-2019, cảnh sát đã xác định được một số người liên quan vụ đánh bom xe nữ nhà báo và buộc tội 3 người gồm Vincent Muscat và hai anh em Alfred và George Degiorgio.

Tiếp tục tiến trình điều tra, cảnh sát đã xác định doanh nhân tên Yorgen Fenech là một trong những kẻ chủ mưu vụ sát hại. Một tuần trước khi ông Schembri từ chức, doanh nhân Fenech đã bị cảnh sát bắt khi đang cố tìm cách trốn khỏi Malta bằng du thuyền cá nhân. Vào thời điểm Schembri từ chức, có thông tin cho rằng Fenech đã hợp tác với cảnh sát, đồng ý khai báo và cung cấp bằng chứng buộc tội Schembri để đổi lấy việc ông ta được hưởng chính sách khoan hồng của tổng thống. Thông tin này khiến gia đình nữ nhà báo Caruana Galizia phẫn nộ, thỉnh nguyện Tổng thống Malta George Vella không được khoan hồng Fenech.

Tình hình tại Malta đã khiến lãnh đạo Liên minh châu Âu quan tâm. Các lãnh đạo EU đã lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Muscat chấm dứt các hành động can thiệp vào tiến trình điều tra, trả lại tính độc lập cho cảnh sát và cơ quan tư pháp trong việc điều tra xử lý vụ án. Đặc phái viên EU về Malta Pieter Omtzigt viết trên Twitter rằng Thủ tướng Muscat “có lợi ích cá nhân và chính trị lớn trong vụ án nên đã quan tâm và can thiệp vào”.

An Châu (tổng hợp)
.
.