Chính phủ Nhật: Khó khăn chồng chất khó khăn

Thứ Ba, 12/01/2010, 16:45
Từ một tuần nay, chỉ số uy tín của Thủ tướng Nhật Bản Hatoyma liên tục giảm sút vì những vụ bê bối tài chính. Chính phủ Nhật đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về kinh tế như tình trạng giảm phát và nợ nhà nước vẫn tiếp tục tăng.

Trong khi chỉ còn ít ngày nữa chính phủ phải trình lên Quốc hội Nhật Bản thông qua ngân sách nhà nước 2010 - 2011 thì đùng một cái, người cầm trịch cho vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hirohisa Fujii xin rút lui. Sự ra đi này càng làm cho Chính phủ của Thủ tướng Hatoyma càng thêm khó khăn.

Hôm 6/1 vừa qua, đơn từ chức vì lý do sức khỏe của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Hirohisa Fujii đã được chấp nhận. Được Thủ tướng Hatoyma đưa vào nội các kể từ sau khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 9/2009, ông Fujii, năm nay 77 tuổi, bị tiền sử bệnh huyết áp cao và mỏi mệt nên được các bác sĩ khuyên không nên làm việc nhiều.

Trong thời gian đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Tài chính, ông Fujii đã từng hai lần gặp Thủ tướng Hatoyma để xin từ chức. Vì là bạn thân của ông Fujii nên Thủ tướng Hatoyma đã cố gắng giữ ông Fujii lại nhưng không thành.

Bộ trưởng Tài chính Fujii có vai trò rất quan trọng trong Chính phủ của Thủ tướng Hatoyma. Ông Fujii cũng từng làm Bộ trưởng Tài chính trong một chính phủ liên hiệp trước đây. Quan trọng hơn cả, bây giờ là giai đoạn mà Chính phủ Nhật đang đưa ra dự thảo ngân sách năm 2010-2011. Dự thảo ngân sách này đã được chính phủ của Thủ tướng Hatoyma thông qua hồi tuần trước nhưng còn phải được đưa ra thảo luận trước Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản.

Chính ông Hatoyma đã ví giai đoạn này của chính phủ giống như một người phụ nữ chuẩn bị lên bàn đẻ, nhưng bây giờ người cầm trịch chính trong vấn đề này lại gặp vấn đề sức khỏe và không thể tiếp tục công việc. Thành ra cả một vấn đề lớn của quốc gia (tổng hợp thu chi ngân sách và quân bình việc phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực) phải bàn giao cho một người mới.

Báo chí Nhật Bản cho biết, quyết định từ chức của ông Fujii đã khiến Chính phủ Nhật lúng túng vì nó rơi vào đúng lúc uy tín của Thủ tướng Hatoyma đang bị giảm sút do liên quan tới những vụ bê bối tài chính. Tuần trước, truyền thông Nhật Bản đưa tin về một vụ tai tiếng, theo đó, Thủ tướng Hatoyama đã liên quan tới vụ khai man hàng triệu USD tiền tài trợ cho quỹ tranh cử của mình.

Theo kết quả một cuộc điều tra mới được công bố, chính người mẹ của ông đã chuyển số tiền rất lớn, có thể lên đến 4 triệu USD, vào quỹ tranh cử cho con trai mình. Cho dù Thủ tướng Hatoyama không bị buộc tội, nhưng nhiều cử tri vẫn hoài nghi. Liên quan tới vụ bê bối này, hai cựu thư ký của ông Hatoyama đã bị khởi tố. Đó là Keiji Katsuba và Daisuke Haga. Cả hai nhân vật này đã từng làm trợ lý cho ông Hatoyama. Ông Katsuba bị truy tố ngụy tạo giấy tờ.

Theo Đài NHK của Nhật, ông Katsuba bị nghi ngờ đã khai số tiền tài trợ gần 4 triệu USD, do gia đình ông Hatoyama đóng góp, thành khoản tài trợ của nhiều cá nhân, trong đó có một số người đã chết. Còn nhân vật thứ hai, ông Haga, cựu kế toán trưởng của ông Hatoyama thì bị truy tố về tội đã cẩu thả, để xảy ra những báo cáo sai lệch về các nguồn tài trợ.

 

Ngay cả trong đảng DPJ hiện nay, chính Tổng thư ký đảng này là Ichiro Ozawa cũng đang gặp nhiều rắc rối. Năm 2009, ông Ozawa đã phải từ chức Chủ tịch đảng DPJ vào tháng 5 sau khi gặp rắc rối về tài chính để sau đó nhường quyền cho ông Hatoyama lên thay thế và trở thành Thủ tướng.

Một vụ bê bối khác của Chính phủ Nhật cũng đang được báo chí nước này khui ra. Đó là việc sử dụng một lượng tiền lớn, lên tới 14 triệu USD, từ quỹ vận động chính trị để mua đất đai mà không khai báo. Như vậy có thể thấy cả vị Chủ tịch và Tổng thư ký của đảng DPJ đều đang gặp khó khăn.

Và giờ đây người nắm ngân quỹ cả đất nước lại không thể tiếp tục công việc vì bệnh tật. Từ đó cho thấy, mới nắm quyền được 4 tháng, nhưng sự lựa chọn của Thủ tướng Hatoyama đã không có được sự chính xác.

Theo đánh giá của các nhà quan sát chính trị tại Nhật Bản, việc từ chức của ông Fujii chỉ có tác động về mặt tâm lý đối với chính phủ của Thủ tướng Hatoyama chứ không gây xáo trộn lớn trong đời sống chính trị và kinh tế Nhật Bản. Thực tế thì, mọi công việc tính toán cho ngân sách tài khóa mới gần như đã hoàn tất, chỉ còn vài cuộc so kè nhỏ giữa một số bộ trong việc muốn giành nhiều hơn ngân sách cho mình.

Và việc dự thảo ngân sách này được đưa ra thảo luận trước Quốc hội cũng chỉ mang tính hình thức vì liên minh đảng cầm quyền của Thủ tướng Hatoyama đang chiếm đa số. Mặt khác, ngay sau khi công bố chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Fujii từ Văn phòng Chính phủ Nhật, các chỉ số chứng khoán của nước này không hề thay đổi, thậm chí có chiều hướng tăng nhẹ. Từ đó cho thấy kinh tế Nhật đang có dấu hiệu khởi sắc.

Đi kèm với thông báo chấp nhận đơn từ chức của ông Fujii, Văn phòng Chính phủ Nhật cũng thông báo bổ nhiệm ông Naoto Kan, 63 tuổi, hiện là Phó thủ tướng phụ trách Văn phòng Chiến lược của chính phủ, lên đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính.

Nổi tiếng là một người có tính khí khẳng khái, từng nắm nhiều trọng trách trong đảng DPJ, từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Y tế năm 1990 và đã 10 lần được bầu vào Quốc hội Nhật, ông Naoto Kan là một trong những người sáng lập ra đảng  DPJ, đảng của Thủ tướng Hatoyama.

Được thế chỗ ông Fujii, ông Naoto Kan sẽ phải trổ hết tài hùng biện trước Quốc hội để bảo vệ bản kế hoạch ngân sách vào ngày 18/1 tới đây. Việc ra đi của một nhân vật nắm trọng trách kinh tế và nhiều kinh nghiệm như ông Hirohisa Fujii là một tổn thất nặng nề cho Thủ tướng Hatoyama, nhất là khi thời kỳ "trăng mật" giữa ông và người dân Nhật đã kết thúc hồi tuần trước

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.