Chính phủ có nguy cơ sụp đổ vì... bê bối "tiền - tình"

Thứ Năm, 21/01/2010, 23:55
Tình trạng hiện tại của Chính phủ liên hiệp Bắc Ailen và nền hòa bình mong manh tại đây, đang khiến cho bất cứ ai quan tâm đều phải lo ngại bởi 2 điều: bế tắc trong đàm phán về việc chuyển giao quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát và vụ bê bối tiền - tình của gia đình Đệ nhất Bộ trưởng Peter Robinson.

Ngày 11/1/2010, Đệ nhất Bộ trưởng Robinson đã tuyên bố "tạm ngưng chức" Đệ nhất Bộ trưởng Bắc Ailen trong 6 tuần lễ "để giải quyết chuyện gia đình", và đề cử nữ Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư Arlene Foster, sinh năm 1970, tạm thay mình đảm nhận chức Quyền Đệ nhất Bộ trưởng. Tuyên bố là vậy, nhưng dư luận chung đều cho rằng, việc tạm ngưng chức vụ của ông Robinson có liên quan đến vụ bê bối của vợ ông, bà Iris.

Vụ bê bối tiền - tình của gia đình Robinson bắt đầu đổ bể sau khi chương trình Spotlight của Đài BBC hôm 7/1 vừa qua tiết lộ rằng bà Iris, phu nhân Đệ nhất Bộ trưởng Robinson, từng có quan hệ tình ái với một "phi công trẻ" tên là Kirk McCambley, 21 tuổi. Trước đó, ngày 6/1/2010, bà Iris đã có cuộc trả lời phỏng vấn Đài BBC tiết lộ rằng, mình "mắc một chứng bệnh về tâm thần" và đã từng muốn tự tử hồi tháng 3/2009.

Theo lời kể của "phi công trẻ" McCambley, chuyện phiêu lưu tình ái của họ bắt đầu một cách thật tình cờ, như định mệnh. McCambley kể rằng do cha anh ta làm nghề bán thịt ở khu chợ Belfast gần nơi gia đình Robinson sinh sống, nên có quen biết gia đình Robinson. Vì thế, khi cha của McCambley qua đời hồi tháng 3/2008, bà Iris đã đến chia buồn.

Và trong khi Iris tìm cách an ủi cậu con trai 19 tuổi của người đã khuất, thì tình cảm "bỗng dưng" nảy sinh giữa 2 người. Biết gia đình bà Iris có danh giá, bản thân bà là một chính khách có uy tín, cho nên McCambley đã lợi dụng để "đào mỏ" bà. Anh ta đã "đòi" bà Iris chu cấp cho một khoản tiền để làm ăn; và bà Iris đã bí mật vận động vay mượn của một số bạn bè trong giới kinh doanh bất động sản số tiền 80.000 USD để cung cấp cho McCambley mở quán cà phê. Bà Iris đã định tự tử vì thất tình khi mối quan hệ ngoài hôn nhân với người tình "phi công trẻ" kết thúc... không có hậu.

Ông Robinson đúng là gặp vận đen thật: vừa bị vợ "cắm sừng", vừa bị "vạ lây" bởi vụ bê bối tiền - tình của bà vợ 60 tuổi vẫn còn "hồi xuân". Sau khi vụ việc bị phanh phui, vợ chồng Robinson bắt đầu đối mặt với sức ép rất lớn từ phía đảng đối lập và dư luận quần chúng Bắc Ailen.

Bà Iris là một thành viên đảng Dân chủ Thống nhất (DUP), đại biểu Quốc hội Bắc Ailen và Nghị viện Anh. Vụ việc đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín cá nhân bà và DUP, vì vậy bà đã xin rút khỏi ghế đại biểu Quốc hội Bắc Ailen và nghị sĩ Nghị viện Anh, và hiện đang nhập viện để điều trị bệnh rối loạn tâm thần, có lẽ do làm việc quá căng thẳng và một phần do cú sốc từ vụ ngoại tình với McCambley.

BBC Spotlight tiếp tục đặt vấn đề về trách nhiệm của ông Robinson trong vụ bê bối này khi cho rằng lẽ ra vợ chồng ông phải báo cáo chuyện tiền bạc lên Quốc hội Bắc Ailen và Nghị viện Anh (vợ chồng Robinson đều là thành viên của 2 cơ quan này).

Phe đối lập cũng vin vào đó để gây sức ép đối với ông Robinson. Phát biểu với báo giới hôm 11/1, ông Robinson đã thừa nhận mình biết chuyện vợ "cắm sừng" và cả số tiền vay mượn 80.000 USD vào tháng 3/2009, khi Iris định tự tử và ông đã kịp can ngăn. Tuy nhiên, ông Robinson không có ý định từ chức, và tuyên bố sẽ lập ra một ủy ban điều tra độc lập để làm sáng tỏ các nghi vấn nhằm trả lại sự trong sạch cho bản thân ông.

Vấn đề không dừng lại ở chuyện sinh mạng chính trị của nhà Robinson mà còn đang đe dọa làm sụp đổ chính quyền chia sẻ quyền lực Bắc Ailen và góp thêm "gió" cho cơn giông bão chính trị đang lớn dần tại đây. Vụ bê bối xảy ra đúng vào lúc quan hệ giữa 2 chính đảng lớn nhất trong chính phủ liên hiệp hiện đang hết sức căng thẳng.

Cuộc đàm phán giữa 2 nhà lãnh đạo Robinson của DUP và Martin McGuinness của Sinn Fein về quy chế quản lý lực lượng Cảnh sát Bắc Ailen đang lâm vào bế tắc khi cả 2 bên đều không chịu nhượng bộ nhau. Sinn Fein chủ trương ly khai đòi phải giao lực lượng cảnh sát vũ trang cho người Bắc Ailen kiểm soát nhằm chấm dứt tình trạng kỳ thị trong nội bộ lực lượng này.

Ở phía ngược lại, phái Thống nhất của ông Robinson lại không muốn có sự thay đổi nào, muốn lực lượng cảnh sát vũ trang tiếp tục đặt dưới sự kiểm soát của Nữ hoàng Anh. Sinn Fein đã từng dọa nếu đàm phán không tiến triển, bế tắc tiếp tục không có lối thoát, thì đảng này sẽ rút khỏi thỏa thuận chia sẻ quyền lực, do đó Chính phủ liên hiệp sẽ sụp đổ, hòa bình cũng tiêu tan.

Ngoài sinh mệnh chính trị của ông Robinson, nếu buộc phải từ chức thì Phó đệ nhất Bộ trưởng McGuinness cũng sẽ phải "đi theo", có nghĩa là chính quyền Bắc Ailen sụp đổ hoàn toàn. Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực rất lớn khiến Bắc Ailen có thể rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, từ đó có nguy cơ bạo lực có thể tái bùng phát.

Nền hòa bình mong manh tại Bắc Ailen được thiết lập sau thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành năm 1998, chấm dứt 30 năm xung đột tôn giáo đẫm máu cướp đi sinh mạng của 3.500 người. Vì vậy, không thể để cho tình trạng bạo lực ấy tái diễn.

Giới chuyên gia ở Anh và Bắc Ailen cho rằng, cách duy nhất để cứu vãn tình hình, để Bắc Ailen tránh khỏi nguy cơ tái diễn bạo lực là phải có một sự nhượng bộ nhất định từ cả hai phía: mỗi bên lùi lại một chút để cho quan hệ chính trị bớt căng thẳng, hòa bình và sự ổn định về an ninh được duy trì, và thế giới tránh được thêm một lò lửa xung đột

Văn Trương (tổng hợp)
.
.