Chính phủ mới tại Iraq: Đã có “bộ khung”

Thứ Bảy, 20/11/2010, 20:15
Các nghị sĩ Iraq hôm thứ Bảy 13/11 vừa qua, đã đạt được một bước tiến quan trọng là phê chuẩn một thỏa thuận khung cho việc thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực tại Baghdad. Với việc phê chuẩn này, con đường đi đến thành lập chính phủ mới tại Iraq coi như đã rộng mở, nhưng ông Nuri Maliki sẽ còn nhiều việc phải làm để bảo đảm chiếc ghế Thủ tướng của ông được "bền vững".

Theo báo chí quốc tế, thỏa thuận khung trên bao gồm việc phân bổ các chức danh lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước Iraq. Theo đó, đương kim Tổng thống người Kurd Jalal Talabani sẽ tiếp tục được ngồi lại chiếc ghế đó; ghế chủ tịch Quốc hội được trao cho người của khối Iraqiya; còn ghế Thủ tướng đương nhiên là của ông Maliki. Ngoài ra, trong thỏa thuận khung còn quy định việc thành lập một ủy ban mới chuyên trách giám sát về an ninh quốc gia và giao cho khối Iraqiya đảm trách luôn.

Theo các quan chức Iraq, việc cho ra đời "ủy ban" mới này là một yêu cầu của chính quyền Mỹ nhằm mục đích bảo đảm người Sunni được tham gia vào guồng máy cầm quyền tại Iraq, đảm bảo họ không làm hỏng chiến lược an ninh của người Mỹ tại đây. Còn đối với việc ông Talabani tái đắc cử ghế tổng thống, "Tổng thống" vùng tự trị người Kurd Masoud Barzani cho rằng nó rất quan trọng đối với họ không phải vì chiếc ghế đó nhiều quyền lực (thực tế quyền hành phần lớn nằm trong tay Thủ tướng) mà bởi vì "ý nghĩa đạo đức" - đó là một sự trọng thị, là uy tín của người Kurd.

Việc các đảng phái phê chuẩn thỏa thuận khung có thể được coi là một thắng lợi của ông Nuri Maliki vì nó giúp ông tái đắc cử thành công ghế thủ tướng Iraq. Nhưng thắng lợi này cũng đầy khó khăn. Từ khi có kết quả bầu cử Quốc hội cách nay 8 tháng, cuộc họp hôm 13/11 chỉ mới là cuộc họp thứ 2 nhưng diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ sau khi cuộc họp thứ nhất hôm 11/11 kết thúc không kết quả do bất đồng giữa khối Iraqiya của ông Ayad Allawi với các đảng phái khác trong Quốc hội. Trước đó, Quốc hội Iraq đã không thể nhóm họp do bế tắc chính trị kéo dài, hậu quả từ việc các đảng phái không thể thỏa thuận với nhau trong việc phân chia quyền lực và ai sẽ ngồi vào các ghế lãnh đạo cao nhất.

Bế tắc chỉ được tháo gỡ phần nào vào thượng tuần tháng 10/2010 khi giáo sĩ Shiite chống Mỹ Moqtada al-Sadr lần đầu tiên lên tiếng ủng hộ ông Maliki. Tiếp sau đó, các cuộc thương lượng giữa liên minh State of Law của ông Maliki với khối Iraqiya của ông Allawi đã đưa đến kết quả là ông Allawi và khối Iraqiya của ông đồng ý không tranh ghế thủ tướng nữa mà chấp nhận với đề nghị giữ ghế chủ tịch Quốc hội.

Tuy nhiên, bấy nhiêu chưa đủ để giúp ông Maliki khai thông tiến trình thành lập chính phủ. Tổng số ghế có được ngay cả sau khi bao gồm luôn phái Shiite của giáo sĩ Moqtada al-Sadr vẫn còn thiếu 4 ghế. Trong khi đó, ông Allawi đã thề không đời nào chịu ngồi vào chính phủ do ông Maliki làm Thủ tướng, và các nghị sĩ khối Iraqiya của ông cũng ủng hộ quan điểm của ông. Vì thế Maliki cần phải vận động thêm người Kurd và người Sunni trong khối của ông Allawi.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc quyết định các vấn đề chính trị ở Iraq dường như không hoàn toàn do người Iraq tự quyết. Trước tiên, tiến trình thành lập chính phủ mới luôn luôn được thúc hối từ phía sau bởi chính quyền Mỹ, cụ thể là Phó tổng thống Joe Biden. Quan điểm của Mỹ luôn được ông Biden cũng như các quan chức quân sự khẳng định là ủng hộ một chính phủ chia sẻ quyền lực bao gồm tất cả các đảng phái tại Iraq.

Ông Ayad Allawi (dấu x) và các nghị sĩ người Iraqiya bỏ ra khỏi phòng họp hôm 11/11 vừa qua.

Người Mỹ không muốn một Iraq tái diễn tình trạng an ninh hỗn loạn sau khi họ rút quân đội tác chiến, càng mong muốn tránh cho Iraq bị "chia năm xẻ bảy" vì bất đồng, chia rẽ giữa các giáo phái và sắc tộc. Người Mỹ luôn tìm cách để đảm bảo cho các phái ủng hộ ông Allawi - đặc biệt là các đảng Sunni - có được một quyền hạn nhất định để đề phòng "bất trắc" do chính những người này gây ra.

Nhưng sự hối thúc của người Mỹ cũng bằng không nếu không có những "cú hích" từ một số quốc gia nổi bật trong khu vực, đặc biệt là Iran và Syria. Đó là lý do để ông Maliki thực hiện chuyến công du một tuần đến các nước Iran, Jordan, Syria và cuối cùng dừng chân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới phân tích, ông Maliki đã thành công khi vận động từ xa - chỉ cần một cử chỉ ủng hộ của Damascus và Tehran cũng đủ để các phái Shiite, Sunni và cả người Kurd ủng hộ việc thành lập chính phủ của ông Maliki. Chính sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực đã thúc đẩy các đảng phái đồng ý thỏa thuận chia sẻ quyền lực với ông Maliki.

Tuy nhiên, thỏa thuận vừa được phê chuẩn mới chỉ tạo được "bộ khung" cho cả tiến trình thành lập chính phủ được dự báo là sẽ kéo dài ít nhất là 1 tháng, nhiều thì có thể lên đến 3 hoặc 6 tháng do việc các đảng phái phải cân nhắc và thương lượng việc bổ nhiệm ai ngồi vào các ghế bộ trưởng cho phù hợp và bảo đảm "cân bằng quyền lực". Đó là chưa kể thành phần ủng hộ ông Allawi sẽ phản ứng như thế nào sau khi ông Maliki thành lập chính phủ.

Cần nhớ rằng, việc khối Iraqiya đi theo ông Allawi bỏ ra khỏi phòng họp hôm 11/11 khiến cho cuộc họp Quốc hội không thể đạt được kết quả cuối cùng, để rồi 2 ngày sau (13/11) cũng khối Iraqiya lại tham gia cuộc họp Quốc hội (bất chấp việc ông Allawi tẩy chay) là một biểu hiện cho thấy khối này đang có những mâu thuẫn rạn nứt bên trong

Văn Trương (tổng hợp)
.
.