Chính trường Anh ảm đạm vì Brexit

Thứ Tư, 28/11/2018, 18:25
Ngày 25-11, lãnh đạo 27 thành viên còn lại trong Liên minh châu Âu đã phê chuẩn Hiệp ước Brexit. Như vậy, “đơn ly dị” với nước Anh đã được EU ký, chỉ còn chờ đóng dấu và thỏa thuận chia tài sản (tức hậu Brexit), giờ là phía Quốc hội Anh phải xem xét chấp thuận hay không đối với lá đơn này. Thủ tướng Theresa May bắt đầu chiến dịch vận động công luận Anh ủng hộ nó.

Cuộc họp thượng đỉnh của 27 thành viên Liên minh châu Âu kết thúc ngay trong buổi sáng 25-11. Họ có 2 văn kiện trong tay: Thỏa thuận “ly dị” (Brexit) dài 585 trang quy định các điều kiện chia tay và một văn bản tuyên bố chính trị bổ sung (26 trang), ấn định các nét chính trong quan hệ tương lai thời hậu Brexit giữa Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh. Văn kiện thứ hai này sẽ được hai bên đàm phán trong suốt giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng, tính từ ngày 30-3-2019.

Để đánh tan mọi nghi ngại có thể cản trở thỏa thuận, một số cam kết đã được thêm vào giờ chót: bảo vệ giá trị dân chủ nền tảng, hợp tác đánh cá và quy chế của Gibraltar, một khu vực thuộc lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực nam bán đảo Tây Ban Nha, mà Madrid cũng giành chủ quyền.

Phải chờ thêm 15 ngày nữa xem Quốc hội Anh có chấp thuận hay không. Tuy nhiên, đối với Liên minh châu Âu thì ngày 25-11 là màn kết của 17 tháng nỗ lực đàm phán không ngừng để đạt một thỏa thuận "ly dị" khả dĩ nhất.

Sau thượng đỉnh thông qua thỏa thuận Brexit, Anh và Liên minh châu Âu mỗi bên sẽ bắt đầu chuẩn bị thảo luận về quan hệ song phương hậu Brexit. Đàm phán về một thỏa thuận thương mại có thể được tiến hành ngay sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu.

Về phía Anh, thỏa thuận Brexit được thông qua ngày 25-11 sẽ được đưa ra phê chuẩn ở Quốc hội Anh. Thủ tướng Theresa May hy vọng đạt được kết quả trước kỳ nghỉ của nghị sĩ, bắt đầu từ ngày 21-12. Theo truyền thông nước Anh, đây là trận chiến gay go và nhiệm vụ của bà May sẽ rất khó khăn.

Báo cánh tả Daily Mirror nhận định rằng Thủ tướng Theresa May sẽ phải tiến hành một trận chiến dài hơi để thuyết phục các dân biểu ủng hộ thỏa thuận Brexit trong một cuộc bỏ phiếu có thể vào ngày 12-12 tới. Theo tính toán của tờ báo, khoảng một trăm dân biểu bảo thủ có thể nổi dậy và bỏ phiếu chống.

Thủ tướng Anh Theresa May.

Chính vì thế, tờ báo The Times nói đến 2 tuần lễ vận động cuồng nhiệt khi bà May công du khắp nước để trình bày về bản thỏa thuận và qua đó, gây áp lực đối với các dân biểu bằng cách thuyết phục trực tiếp các cử tri của họ.

Thông qua nhật báo Daily Telegraph, có lập trường rất bi quan về châu Âu, bà Theresa May thông báo muốn có một cuộc tranh luận trên truyền hình với ông Jeremy Corbyn. Lãnh đạo Công đảng thuộc phe đối lập đã chấp nhận thách thức này và khẳng định ông thú vị chờ đợi cuộc tranh luận.

Cụ thể, chiến lược của bà May là nhắc đi nhắc lại đến mức nhàm chán rằng đây là thỏa thuận tốt nhất, thỏa thuận duy nhất có thể được chấp nhận, không hề còn có cơ may đàm phán lại và rằng người dân Anh đã chán ngấy hai năm chỉ bàn luận về Brexit nên giờ đây muốn mọi việc kết thúc. Giải pháp khác có thể còn bất định hơn và gây chia rẽ nhiều hơn.

Trước đó ngày 15-11, một loạt bộ trưởng xin từ chức để phản đối thỏa thuận Brexit của London. Một nghị sĩ trong đảng Bảo thủ còn đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Theresa May.

Phản ứng về thỏa thuận của Liên minh châu Âu ngày 25-11, lãnh đạo đảng Dân chủ Thống nhất Bắc Ireland DUP, một liên minh của Thủ tướng Anh đã lên tiếng phản đối về điều khoản “không thể thương lượng lại”, đồng thời kêu gọi thay đổi văn bản. Theo các nghị sĩ của DUP, điều khoản này cho thấy đây là một thỏa thuận tồi. Do vậy, “nếu thủ tướng vẫn kiên quyết đi theo hướng đi này, bà ấy sẽ bị đánh bại, đó sẽ là một dấu chấm hết cho bà ở vị trí thủ tướng”.

Nếu được Quốc hội Anh thông qua, đến lượt các nghị sĩ châu Âu tiến hành phê chuẩn thỏa thuận “ly hôn” theo đa số phiếu tại phiên họp toàn thể, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019 và về lý thuyết có thể kéo dài đến ngày 28-3-2019, một ngày trước khi Brexit có hiệu lực. Sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, thỏa thuận Anh rút khỏi Liên minh châu Âu sẽ được Hội đồng châu Âu phê chuẩn.

Liên minh châu Âu và Anh sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh khác trước khi Anh chính thức chia tay Liên minh châu Âu ngày 29-3-2019.

Trong thông điệp gián tiếp gửi lập pháp nước Anh, trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thương thuyết với Vương quốc Anh nhưng không bao giờ chống Vương quốc Anh. Đã đến lúc tất cả mọi người nhận lấy trách nhiệm của mình”.

Thế nhưng, câu chuyện chính hiện nay là liệu Quốc hội Anh có thông qua bản thỏa thuận mà chính phủ đã đồng ý với Liên minh châu Âu hay không? Nếu Quốc hội không thông qua thì bà May còn thêm 21 ngày để đưa ra một kế hoạch mới. Nếu Quốc hội không thông qua thỏa thuận đó thì bà thủ tướng sẽ không đưa ra bỏ phiếu mà chấp nhận mất mặt với Liên minh châu Âu để thương thuyết lại?

Kịch bản thứ hai là Chính phủ Anh sẽ đề nghị kéo dài hạn chót theo quy định của điều khoản số 50 về việc rút khỏi Liên minh châu Âu. Con đường này cũng không hề an toàn cho chiếc ghế thủ tướng của bà May. Kịch bản thứ ba cũng khó có khả năng xảy ra, là thủ tướng ra quyết định giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Sau cùng, kịch bản thứ tư là nước Anh sẽ lại trưng cầu dân ý một lần nữa xem có muốn rời khỏi EU hay không. Nhìn chung thì bất kể là cuộc đua chính trị chạy theo hướng nào, thì bầu không khí ảm đạm vẫn tiếp tục bao phủ chính trường nước Anh.

Hơn một thế kỷ gắn bó, cùng trải qua những thời điểm khó khăn, tăm tối trong lịch sử qua hai cuộc chiến, vụ ly hôn kỳ lạ giữa Anh và EU khiến mỗi bên đều muốn rơi nước mắt. Điều có thể an ủi là hiện mọi mối quan hệ vẫn chưa bị cắt đứt hết vì Thủ tướng Anh muốn ra khỏi Liên minh châu Âu nhưng không từ giã hẳn.

Những cuộc đàm phán về Brexit bước vào một giai đoạn mới (hai bên đàm phán trong suốt giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng, tính từ ngày 30-3-2019) để xây dựng mối quan hệ tương lai. Những hồ sơ được ưu tiên là đánh bắt hải sản, cạnh tranh công bằng. Về mặt ngư nghiệp, Bruxelles và London cam kết ký một thỏa thuận chậm nhất là vào ngày 1-7-2020 liên quan đến hoạt động trong các vùng biển và phân bổ quota đánh bắt.

Về thương mại, Anh sẽ phải duy trì các quy định gần với quy định của Liên minh châu Âu về các mặt xã hội, môi trường, thuế khóa nhằm đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp hai bên.

M.T. (tổng hợp)
.
.