Christine Lagarde sẽ trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của IMF?

Thứ Tư, 08/06/2011, 13:50

Điềm đạm, thanh lịch và thông thạo tiếng Anh. Nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde được đánh giá là chính khách nổi tiếng nhất nước Pháp trên trường quốc tế, chỉ đứng sau Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Ngày 25/5/2011, nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde chính thức tuyên bố sẽ ứng cử chiếc ghế lãnh đạo cơ quan tài chính quyền lực nhất thế giới - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Christine Lagarde - người nhận được sự ủng hộ của EU cũng như những quốc gia thành viên chính như là Anh, Đức và Pháp - nhấn mạnh sẽ tham gia tranh cử sau những gì mà bà mô tả là "suy nghĩ chín chắn" và đã tham vấn với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Nếu thắng cử, nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp 55 tuổi  này sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo IMF kể từ khi tổ chức được thành lập năm 1945.

Bà Lagarde nói trong cuộc họp báo tổ chức ở Paris: "Nếu thắng cử, tôi sẽ vận dụng mọi kinh nghiệm của một luật sư, bộ trưởng, giám đốc và phụ nữ cho công việc". Trong lịch sử của tổ chức, vị trí lãnh đạo luôn do một người châu Âu nắm giữ và điều đó đang gây chống đối từ một nhóm thuộc các nước khác như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - họ yêu cầu "một tiến trình cạnh tranh thật sự minh bạch, dựa trên phẩm chất".

Trong một phát biểu chung hiếm hoi công bố trên trang web của IMF, nhóm này nói: "Điều này đòi hỏi phải hủy bỏ quy tắc bất thành văn rằng lãnh đạo IMF nhất thiết phải là người châu Âu". Trong khi đó, những người ủng hộ Christine Lagarde mô tả bà - một người mẹ đã ly hôn, có hai con và là cựu vô địch quốc gia môn bơi lội theo nhạc - là "ngôi sao nhạc rock" của thế giới tài chính. Trong quá khứ, cách giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế trong nước và ở hải ngoại của Lagarde từng được nhiều người ca ngợi.

Chào đời ở thủ đô Paris ngày 1/1/1956, Christine Lallouette (Lagarde) may mắn có được nhiều thành công từ rất sớm, và lúc còn ở tuổi thiếu niên đã vinh dự đại diện nước Pháp tham gia thi đấu môn bơi lội theo nhạc. Lúc 17 tuổi, sau khi cha qua đời, Christine Lagarde sang Mỹ du học 1 năm. Sau khi tốt nghiệp trường luật ở Paris, Lagarde lấy bằng thạc sĩ của Viện Khoa học chính trị ở Aix-en-Provence. Năm 1981, Christine Lagarde quay lại Mỹ hành nghề luật sư và 18 năm sau trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí Chủ tịch Công ty luật quốc tế Baker & McKenzie đặt trụ sở ở Chicago.

Khi còn là sinh viên, Lagarde là thực tập sinh phụ tá cho William S. Cohen, người về sau là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Clinton. Lagarde được người Pháp gọi là "phụ nữ Mỹ" sau khi bà đưa ra chủ thuyết nước Pháp cần chấm dứt suy nghĩ bảo thủ và xắn tay áo lên để kéo đất nước khỏi sự suy thoái tài chính. Năm 2005, dưới thời chính quyền Dominique de Villepin, Christine Lagarde được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, và dưới sự lãnh đạo của bà ngành xuất khẩu của nước Pháp có sự thành công ở mức kỷ lục chưa từng có.

Không bao giờ sợ nói ra suy nghĩ của mình, Lagarde thẳng thắn chỉ trích sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra một phần do sự thống trị của nam giới tại các ngân hàng toàn cầu, mà bà gọi là "văn hóa tràn ngập testosterone". Là một trong những chính khách cánh hữu nổi tiếng nhất nước Pháp, năm 2009 Christine Lagarde được xếp vị trí thứ 2 trong cuộc thăm dò dư luận về những cá nhân được yêu thích nhất nước do Đài Truyền hình RTL và tờ Le Parisien tiến hành, chỉ đứng sau nam ca sĩ và diễn viên Johnny Hallyday. Không những vậy, Lagarde còn nổi tiếng ở hải ngoại và được đánh giá cao trên trường quốc tế.

Năm 2009, tạp chí Financial Times bầu chọn Christine Lagarde là Bộ trưởng Tài chính xuất sắc nhất ở châu Âu. Bà còn giành được sự tôn trọng quốc tế khi nêu bật vai trò đàm phán của nước Pháp tại các diễn đàn quan trọng như là G20, nơi Pháp hiện đang giữ chức chủ tịch. Lagarde cũng được hoan nghênh khi đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phê chuẩn cơ cấu cứu trợ tài chính nhằm giúp đỡ những thành viên đang gặp khó khăn trong khu vực đồng euro trong tháng 5 năm nay.

Trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo IMF hiện nay thay thế ông Strauss-Kahn, giới tính của Christine Lagarde có thể tạo nhiều cơ hội cho bà. Kennth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của IMF, nhận xét: "Những gì xảy ra cho Strauss-Kahn đã nêu bật vai trò của phụ nữ (ở vị trí lãnh đạo IMF) là vô cùng quan trọng". Tuy nhiên, Rogoff cũng nói rõ vấn đề giới tính chỉ là một phần đem đến sự thành công cho Christine Lagarde. Ông nói tiếp: "Bà Lagarde là người có cá tính mạnh mẽ, sắc sảo trên chính trường và luôn gây ấn tượng sâu sắc đối với người khác. Tại những cuộc họp về vấn đề tài chính trên toàn thế giới, bà được xem như là một ngôi sao".

Thế nhưng, người mẹ đã ly hôn và có hai đứa con này sẽ phải đối mặt với một số khó khăn khi tranh cử chức vụ lãnh đạo IMF. Ví dụ, quốc tịch của bà cũng là một trở  ngại không nhỏ. Bởi vì người Pháp đã nắm giữ vị trí lãnh đạo IMF 26 năm trong thời gian 33 năm qua và mặc dù được coi là những lãnh đạo ưu tú song vụ bê bối quá lớn của Strauss-Kahn (cũng là người Pháp) có khả năng gây cản trở cho họ khi ứng cử chiếc ghế quyền lực này. Trong khi nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn một người châu Âu đảm nhận vị trí này, người ta tin rằng ứng cử viên yêu thích của bà là Axel Weber, nhân vật đứng đầu Ngân hàng Đức Bundesbank.

Về phía mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner nói với báo giới rằng, cả hai ứng cử viên Christine Lagarde và Agustin Cartens của Mexico đều là nhân vật "đáng tin cậy" để cai quản IMF và ông mong muốn họ nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất. Ban lãnh đạo bao gồm 24 thành viên của IMF (đặt tổng hành dinh tại Washington), đại diện cho 187 quốc gia thành viên, sẽ công bố tên của giám đốc điều hành mới vào cuối tháng 6 năm nay

Trần Phong (tổng hợp)
.
.