Chuyến công du Iran bất ngờ của ngoại trưởng Nga

Thứ Hai, 12/11/2007, 16:30
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 29/10 đã bất ngờ có chuyến công du chớp nhoáng tới Tehran. Theo các nguồn tin, nhiệm vụ chính của ông Lavrov trong chuyến đi này là triển khai những nỗ lực cuối cùng để thuyết phục Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tuân thủ những yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ và từ bỏ việc làm giàu uranium.

Trong trường hợp đi ngược lại những yêu cầu của cộng đồng quốc tế, cảnh báo từ Moskva cho biết, Iran rất có thể sẽ phải hứng chịu những đòn trừng phạt nghiêm khắc hơn nhiều. Dù chưa thể đánh giá hiệu quả của chuyến công du này, nhưng nước Nga ít nhất đã thể hiện được nỗ lực trong vai trò tháo ngòi nổ cho nguy cơ của một cuộc chiến rất có thể sẽ xảy ra, mà hậu quả của nó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và kinh tế thế giới...

Một yếu tố khiến các nhà quan sát đặc biệt chú ý là, Ngoại trưởng Nga quay trở lại Tehran chỉ trong vòng 10 ngày sau chuyến viếng thăm Iran gần nhất của Tổng thống Vladimir Putin (trong đó bản thân ông Lavrov cũng tham gia hộ tống).

Điều này cho thấy, đã nảy sinh nhiều vấn đề khẩn cấp sau cuộc hội đàm của Tổng thống hai nước, cũng như những biến chuyển mới của tình hình. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân hàng đầu của những động thái ngoại giao này chính là những tuyên bố cấm vận mới đây của Mỹ chống lại Tehran.

Cụ thể là Washington đã triển khai chính sách cấm vận chống lại Lực lượng Vệ binh Hồi giáo cách mạng Iran và các tổ chức khác có liên quan đến họ – trong đó có cả một loạt các ngân hàng như  Mellibank, nơi Iran chuyên thanh toán các hợp đồng mua bán vũ khí quân sự của Nga. Moskva lo ngại, những “sáng kiến cấm vận” của Mỹ rất có thể không chỉ làm tổn hại tới Iran mà cả Nga.

Tất nhiên, mục tiêu chính trong chuyến công du này của ông Lavrov là phải thuyết phục Tehran có những quyết sách hòa hoãn hơn để có thể đảm bảo được tương lai an toàn cho mình.

Vấn đề là đến cuối tháng 11 này sẽ diễn ra một hội nghị quan trọng 6 bên của các đại diện trung gian quốc tế (bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) về tình hình Iran và chương trình hạt nhân của họ, nơi sẽ có sự tham gia của Tổng giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei và Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại và quốc phòng Javier Solana.

Theo yêu cầu từ phía Moskva, các nhà lãnh đạo Iran cần phải giải thích một cách rõ ràng nguyên nhân của những chính sách không nhượng bộ của họ trong vấn đề hạt nhân.

Trong khi những kịch bản của cộng đồng quốc tế dành cho Iran rõ ràng đang bước vào những “giai đoạn hạ màn” nguy hiểm nhất. Trước mắt, với nội dung không nhân nhượng từ các bản báo cáo sắp tới của ElBaradei và Solana, Hội đồng Bảo an chắc chắn sẽ thông qua một nghị quyết cấm vận trọn gói tiếp theo đối với Tehran, một giai đoạn mà theo như cảnh báo của Ngoại trưởng Lavrov với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, Moskva sẽ không thể tiếp tục can thiệp bằng cách phủ quyết.

Và nếu như chiến dịch cấm vận quốc tế mới vẫn không thể khuất phục được Tehran, bước tiếp theo rất có thể là một chiến dịch quân sự mới của Washington, thậm chí không cần cả tới sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an.

Để tránh được kịch bản tồi tệ này, theo đánh giá của Moskva, vẫn chưa phải là quá muộn. Đầu tiên, Tehran cần phải ngừng ngay tiến trình làm giàu uranium, mà theo khẳng định của phương Tây, chỉ phục vụ cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cho tới thời điểm này, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vẫn khăng khăng từ chối yêu cầu này, với lý do Iran có quyền theo đuổi các mục tiêu của chương trình hạt nhân hòa bình của mình.

Vào giờ phút chót, Ngoại trưởng Nga đã đưa ra một đề xuất được coi là khá bất ngờ. Vấn đề là trong những cuộc tiếp xúc gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Bush đã cam kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong trường hợp phía Iran tạm ngừng hoạt động làm giàu uranium cùng với một số điều kiện thứ yếu khác, Washington sẵn sàng tham gia đàm phán đầy đủ với Tehran, thậm chí không loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp song phương.

Trong một xu thế có phần nhượng bộ hơn, Washington thậm chí còn đề nghị Nga cùng “giải quyết trọn gói” một loạt các vấn đề của Kosovo, Iran và cả về Hiệp ước vũ trang thông thường tại châu Âu. Có vẻ như Mỹ đã sẵn sàng có những bước nhượng bộ với Nga về hiệp ước này để đạt được sự “xuống nước” của Moskva về Kosovo và Iran.

Có điều những đề xuất nhượng bộ trên của Mỹ cùng những nỗ lực rốt ráo của Nga dường như vẫn không tạo ra được những chuyển biến lạc quan từ phía công luận quốc tế, khi mà “đối tác chính” Tehran vẫn tỏ rõ những thái độ và quan điểm cứng rắn.

Chẳng hạn như vài giờ trước khi Ngoại trưởng Lavrov đặt chân tới Tehran, ông Ahmadinejad như thường lệ lại đưa ra một tuyên bố tiếp theo, trong đó khẳng định Iran “không cần bất cứ một cuộc đàm phán nào với Mỹ”.

Chắc chắn nếu Tehran không có những bước nhượng bộ, những biện pháp cấm vận nặng nề mới và xa hơn là một giải pháp quân sự từ phía Washington là điều khó có thể tránh khỏi. Nếu như vậy, cả thế giới lại sẽ phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng, khi chiến tranh bùng phát tại một khu vực nhạy cảm cả về kinh tế và chính trị như Trung Đông

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.