Chuyến công du thành công nhưng không có đột phá của ông Donald Trump

Thứ Hai, 20/11/2017, 15:56
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Philippines, kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày với 5 chặng dừng chân. Chuyến công du được đánh giá là thành công rực rỡ, giải quyết được một khối lượng lớn công việc, không chỉ là các bản hợp đồng đem về ít nhất 300 tỷ USD, mà còn hứa hẹn sẽ mang về một con số gấp 3 như vậy trong thời gian ngắn.

Diễn ra êm đẹp, song chuyến công du được xem là dài nhất của một Tổng thống Mỹ trong vòng 25 năm lại được cho là không có sự đột phá, không thể hiện được gì nhiều về chính sách chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Trước khi Tổng thống Mỹ lên đường, giới quan sát nhận định chuyến công du châu Á lần này là phép thử cho phong cách ngoại giao của Trump cũng như chính sách đối ngoại của Washington đối với khu vực. Và cuối cùng thì vị tổng thống - tỉ phú của Mỹ cũng đã hoàn thành chuyến công du dài ngày mà không mắc phải một sơ suất nào về lời ăn tiếng nói hay phong cách ngoại giao.

Tuy nhiên, tại Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Hà Nội và Manila, ngoài những cái bắt tay, những lời tán dương khen ngợi nhau rất xã giao, Tổng thống Mỹ bị đánh giá là không thể hiện được sự đột phá nào ở tầm chiến lược như dư luận mong đợi. Qua các bài diễn văn chính thức, những cuộc tiếp tân với lãnh đạo các nước, ông Trump nhiều lần nhắc lại 2 ưu tiên trong chính sách của Mỹ, đó là gia tăng áp lực với Triều Tiên và kêu gọi các đối tác cho phép các doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận thị trường châu Á một cách tốt nhất.

Các nhà phân tích đều cho rằng kết quả của chuyến công du kéo dài 12 ngày qua có phần nghèo nàn, không phác họa được một chiến lược dài hạn của Mỹ ở khu vực. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng chuyến công du châu Á của ông Trump thực sự không làm thay đổi được vấn đề Triều Tiên. Tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, ông Trump vẫn chỉ đưa ra những tuyên bố “vỗ về”, khẳng định lại quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh và cảnh cáo Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ vẫn hy vọng sẽ buộc được Trung Quốc gây sức ép mạnh hơn với chế độ Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh không đưa ra hứa hẹn gì mới. Tại Bắc Kinh, hồ sơ Triều Tiên dường như đã bị các hợp đồng kinh tế che lấp.

Về vấn đề thương mại, lẽ ra Tổng thống Mỹ sẽ phải rất cứng rắn. Tuy nhiên, tại Bắc Kinh, ông Trump đã quay sang đổ lỗi cho các tổng thống tiền nhiệm gây thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc chứ không "trách móc" gì ông Tập Cận Bình. Giới quan sát cho rằng qua cách hành xử của ông Trump, có thể kết luận là về lâu dài, sẽ không có gì thay đổi trong thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Nếu đánh giá về tầm nhìn dài hạn cho các mối quan hệ địa chiến lược trong khu vực vốn được coi là trọng yếu đối với Mỹ, có thể nói chuyến công du này của Trump là “đáng thất vọng”. Một điểm nhấn khác trong chuyến công du châu Á của ông Trump là khi tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Kinh tế Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ cũng không thể hiện được gì ngoài lập trường mà ông tâm đắc từ khi còn tranh cử tổng thống - đó là “Nước Mỹ trước tiên”.

Ông Trump kết thúc chuyến công du châu Á.

Còn về chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở", các chuyên gia cho rằng đó vẫn chỉ là một sự phác họa, “còn phải xem khái niệm này được thể hiện cụ thể ra sao”. Điều này chứng tỏ chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump càng củng cố thêm cảm nhận rằng “khu vực này đang tiến lên và tăng tốc, trong khi Mỹ tụt lại phía sau”.

Giới quan sát cũng cho rằng việc Tổng thống Trump vắng mặt tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), dù được giải thích là do lịch trình bị lùi lại 2 giờ so với dự kiến, song đây là một dấu hiệu cho thấy ông Trump chỉ chú trọng vào vấn đề thương mại mà lơ là vấn đề an ninh. Cụ thể là Tổng thống Mỹ muốn tránh làm phật lòng Bắc Kinh bất chấp việc các đối tác châu Á của Mỹ hy vọng ông sẽ có bài phát biểu về Biển Đông, về chính sách “xoay trục” của Mỹ dưới thời Trump và giải đáp câu hỏi còn bỏ ngỏ là phải chăng Mỹ đang tạo khoảng trống để Trung Quốc mở rộng thêm ảnh hưởng trong khu vực?

Mặc dù trong suốt chuyến đi, Tổng thống Mỹ Donald Trump không có phát biểu gì quá khích như nhiều người đã lo lắng, nhưng thật ra ông ta không có thông điệp gì rõ ràng đối với châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Tuy có đưa ra khẩu hiệu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nghe có vẻ như chính phủ của ông có một chính sách bao trùm hơn chính sách của các đời tổng thống trước, song thực ra ông Trump chẳng lý giải một cách cụ thể.

Ngược lại, ông khiến giới quan sát cảm tưởng rằng ông đã coi trọng Trung Quốc vì tại Bắc Kinh, Tổng thống Trump đã khen ông Tập Cập Bình là một nhà lãnh đạo tài ba, không những không trách Trung Quốc trong việc cạnh tranh với Mỹ mà còn khâm phục nước này giỏi trong việc bảo vệ quyền lợi của mình".

Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc nhưng những gì vị chủ nhân thứ 45 của Nhà trắng thể hiện vẫn khiến nhiều đồng minh lâu năm của Washington tại khu vực cảm thấy lo ngại. Giới phân tích cho rằng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mới của Mỹ được ông Trump dựng lên trong những ngày vừa qua chỉ là những mảnh vỡ, mang nặng tính thực dụng và thiếu cả “thiên thời”, “địa lợi” cùng “nhân hòa”, chứ không hề có đột phá mang tầm chiến lược.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.