Chuyến đi “tránh bão” của Tổng thống Trump

Thứ Tư, 24/05/2017, 13:10
Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tới 5 quốc gia Trung Đông và châu Âu. Giữa lúc đang là mục tiêu của mọi mũi dùi tại Washington, ông Trump chọn cách “tránh bão” bằng chuyến xuất ngoại. Nhưng những cạm bẫy bên ngoài cũng không phải là ít.

Bão ở nhà vẫn mạnh!

Giữa trưa 19-5 (theo giờ Mỹ), khi chiếc Air Force One cất cánh rời sân bay quân sự Andrews nằm ở phía ngoài thủ đô Washington D.C., có lẽ người mừng nhất chính là Tổng thống Donald Trump. Lý do là vì sau những tuần lễ vất vả về những chuyện liên quan đến cơ quan FBI và cuộc điều tra tìm hiểu xem nhân viên dưới quyền của ông có liên quan đến vụ tình báo Nga tìm cách lung lạc kết quả cuộc bầu cử 2016 hay không, đây là cơ hội để mọi người chú tâm đến chính sách đối ngoại ông sẽ cho thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, đồng thời cũng là thời gian ông không phải liên tục trả lời các câu hỏi “liên quan những chuyện Tổng thống không còn gì để nói thêm nữa” - theo lời phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer.

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Trump kéo dài 9 ngày. Từ Arập Xêút, Tổng thống Trump sẽ lên đường sang Israel để gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Nhà nước Palestine, ông Mahmoud Abbas. Sau đó ông sẽ sang Italia gặp Giáo hoàng Francis, các nhà lãnh đạo NATO ở Brussels, Bỉ, và tham dự cuộc họp của nhóm G-7 ở Sicily, Italia.

Tổng thống Donald Trump và Quốc vương Arập Xêút Salman bin Abdulaziz al-Saud.

Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster tháp tùng tổng thống, nói rằng chuyến công du nhắm vào 3 mục đích chính: Tái xác định vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Củng cố quan hệ với các nhà lãnh đạo quốc tế. Và, chuyển thông điệp đoàn kết vì hòa bình, tiến bộ và phồn vinh đến toàn thể tín đồ của 3 tôn giáo lớn trên thế giới.

Chỉ vài giờ sau khi chiếc Air Force One cất cánh, nhật báo The Washington Post cho hay, theo tin từ Nhà Trắng, một cố vấn thân cận với Tổng thống Trump “đang nằm trong tầm nhắm” của FBI vì có thể liên quan đến vụ Nga tìm cách can dự vào cuộc bầu cử tổng thống 2016.

Bài báo cho biết người tiết lộ tin này “không cung cấp danh sách người đang bị FBI điều tra”, nhưng viết thêm ngoài ông cố vấn Michael Flynn phải từ chức hồi tháng 2-2017 về tội không khai báo chuyện liên lạc với Đại sứ Nga ở Washington, DC, “trong số những người hiện đang làm việc và được biết là từng có liên lạc với Nga, có con rể của ông Trump là Jared Kushner, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Session và Ngoại trưởng Rex Tillerson”.

Sau tờ The Washington Post, đến lượt tờ The New York Times đưa tin: hôm 10-5 khi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và phái đoàn, Tổng thống Trump hào hứng kể cho khách: “Tôi mới sa thải viên Giám đốc FBI”. Bản ghi chép những gì xảy ra ở cuộc gặp gỡ đó - được một viên chức hành pháp Mỹ đọc cho tờ Times - cũng cho thấy Tổng thống Trump có nói rằng “tôi bị nhiều áp lực về chuyện liên quan đến Nga. Bây giờ giải quyết xong rồi vì đã cho viên Giám đốc FBI nghỉ việc”.

Nhà Trắng không lên tiếng phủ nhận những tin nêu trên, nhưng phát ngôn viên Sean Spicer cho rằng “việc tiết lộ những cuộc thảo luận riêng tư và tối mật gây ảnh hưởng bất lợi cho an ninh quốc gia”, nhắc lại “Tổng thống đã nhiều lần nói rõ rằng kết quả các cuộc điều tra sẽ xác nhận một điều, đó là ủy ban vận động tranh cử cho Tổng thống không hề thông đồng với nước nào cả”.

Cạm bẫy ở bên ngoài

Theo Reuters, dù đã có tính toán hay chỉ là sự trùng hợp tình cờ, thì chuyến xuất ngoại này là cơ hội để Tổng thống Trump tạm thời ra khỏi cái bóng đen ám ảnh của những chuyện về Nga. Ông cũng sẽ cho dư luận hiểu hơn về thực chất chính sách đối ngoại của ông, điều mà cho đến nay hoàn toàn là một ẩn số nếu đối chiếu những lời ông nói với một số hành động đã thực hiện ở Trung Ðông và Ðông Á.

Vòng công du nước ngoài sẽ mang lại cho ông Trump một làn gió mới. Nhưng các cố vấn vẫn lo ngại, vì họ không biết liệu Donald Trump có nghe theo những khuyến cáo của các chuyên gia hay không.

Tờ Financial Times cho biết, chuyến xuất ngoại đầu tiên của các vị Tổng thống tiền nhiệm thường là qua Canada hay Mexico, hai nước láng giềng thân hữu. Nhưng môi trường ấy giờ có vẻ không thuận lợi với ông Trump khi ông tuyên chiến thương mại với Canada, gây sự với Mexico khi đòi xây bức tường ngăn hai nước. Trung Ðông và châu Âu là những nơi đầy rẫy khó khăn và thách đố.

Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania rời Nhà Trắng đến căn cứ Andrews bay đi Arập Xêút ngày 19-5.

Trong một chuyến đi dài - và theo một số người thì quá dài - mà mỗi lời nói đều được xem xét, mỗi hành động đều được diễn dịch, có vô số những bẫy rập cho một tổng thống vốn không thích đọc các hồ sơ. Điều này thì quá rõ. Những rủi ro bất ngờ có thể do từ thói quen dùng tweet của ông Trump, những phát biểu bất ngờ hay phản ứng đột ngột trước một chuyện hay một lời tuyên bố của một chính khách nước ngoài. Trong nước, những trục trặc loại ấy dù sao cũng chỉ có một tác động giới hạn, nhưng trong môi trường ngoại giao quốc tế, hậu quả khó đo lường.

Cũng theo Financial Times, ban tham mưu của Tổng thống Trump gồm những người chưa có một kinh nghiệm gì về các chuyến công du như thế. Một ví dụ, Nhà Trắng đã xác định là Tổng thống chỉ viếng Yad Vashem, đài tưởng niệm diệt chủng và viện bảo tàng quốc gia Israel trong vòng 15 phút. Thời gian đề nghị quá ngắn ấy là thiếu tế nhị và nhạy cảm với tâm lý của dân Do Thái. Ngược lại thì theo chương trình, ông Trump sẽ đến thăm bức tường phía Tây cổ thành Jerusalem, quen gọi là Bức tường than Khóc.

Chưa Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào đã đến nơi này, địa điểm vẫn được dân Do Thái coi là di tích thiêng liêng của họ. Nhưng các giới chức chính quyền Mỹ mới đây lại nói rằng thành phố Jerusalem là một vấn đề còn thương lượng giữa Israel và Palestine.

Những mâu thuẫn loại ấy liên tục xảy ra trong chính quyền Mỹ hiện nay. Tờ Telegraph ở Anh cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung do trực giác của Tổng thống Donald Trump điều khiển và mất liên hệ với thực tế. Ðây là đặc tính của một nhà kinh doanh không có quá trình sinh hoạt chính trị và kinh nghiệm cũng như viễn kiến về lãnh đạo.

Giáo sư chính trị quốc tế Robert Javis trường Adlai Stevenson, Columbia University, cho rằng tâm lý học có thể giải thích những quyết định đột ngột và bất bình thường của ông Trump. Theo giáo sư, những doanh nhân thành công, những cá nhân mang tâm lý tự đề cao mình quá đáng thường chỉ quyết định theo nhận thức của riêng mình, không quan tâm suy luận về phản ứng có thể có của người khác đối với việc mình làm.

Trong trường hợp cách chức Giám đốc FBI James Comey, ông Trump cảm thấy là cần thiết nên làm để tránh những chuyện lôi thôi sau này, và tin rằng không gặp sự phản đối ngay cả của đảng Dân chủ vì những người này vẫn hận ông Comey đã gây khó dễ cho bà Hillary Clinton vào những ngày cuối cùng trước bầu cử.

Ông Trump quen dùng Tweeter để chuyển thông diệp đến những người ủng hộ, nên ông viết trong một tweet: “Tôi đã cách chức Comey, cả hai đảng sẽ đều hài lòng”. Ông sai lầm vì hoàn cảnh chính trị bây giờ khác hẳn trước kia. Trong bang giao quốc tế, những quyết định chủ quan và thiếu sự bàn luận đầy đủ trong một ban tham mưu đủ hiểu biết và kinh nghiệm có thể gây tổn hại nặng nề.

Hãng tin Al-Jazeera nhận định là có nhiều ý nghĩa và mục tiêu khi Tổng thống Trump chọn Arập Xêút làm nơi đến thăm đầu tiên. Vương quốc Hồi giáo này là đồng minh Arập tin cậy nhất của Mỹ, nhưng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước có phần suy giảm do chính sách hòa hoãn với Iran thời Tổng thống Obama, đồng thời với dầu mỏ mất giá một phần do sự gia tăng sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đọc diễn văn trước hơn 50 nhà lãnh đạo Arập và Hồi giáo hôm 21-5.

Củng cố quan hệ Mỹ-Arập Xêút là nhu cầu tối cần thiết cho an ninh và ổn định ở vùng Trung Ðông. Nhưng mục tiêu ấy không đơn giản trong tình thế phức tạp từ lâu tại khu vực này, và cũng không thể loại trừ thực tế ông Trump vốn không được cảm tình của thế giới Hồi giáo vì quan điểm và những lời phát biểu trong thời gian tranh cử.

Tuy vậy đừng nên lầm hiểu là Tổng thống Donald Trump không được sự tiếp đón nồng hậu của những nhà lãnh đạo Arập cũng như Do Thái, các quốc gia này bao giờ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào mỗi tổng thống mới của nước Mỹ.

Tại Arập Xêút, ông Trump đã hội đàm với Quốc Vương Salman bin Abdulaziz al-Saud và Thái tử Mohammed bin Salman. Arập Xêút muốn các công ty Mỹ gia tăng đầu tư và muốn mua thêm vũ khí của Mỹ. Thỏa thuận mua vũ khí 110 tỷ USD của Arập Xêút là một thắng lợi ông Trump đem về cho các đại công ty quốc phòng Mỹ.

Nhưng cho đến bây giờ Mỹ vẫn có luật được Quốc hội thông qua là việc bán vũ khí qua Vùng Vịnh phải được giới hạn trong khuôn khổ quân đội Israel bảo đảm được ưu thế về phẩm chất vũ khí. Vì thế ông Trump có thể rời khỏi Arập Xêút với bản hợp đồng, để rồi đối đầu với sự phản đối và những đòi hỏi gia tăng quân viện ở Israel sau đó, chưa kể cuối cùng Quốc hội Mỹ sẽ ngăn chặn thi hành như đã nhiều lần trước kia.

Tổng thống Trump cũng có một cuộc họp ở thủ đô Ryadh với 6 nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh để thảo luận về tình hình Syria và cuộc chiến chống IS. Tại đây, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đến để đề nghị có sự hợp tác, dựa trên những giá trị và quyền lợi tương đồng, nhằm đạt được một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta”.

Tuy nhiên các nhà phân tích ở Washington không kỳ vọng nhiều vào viễn cảnh này trong thực trạng đương đầu triền miên giữa các nước Arập với Iran và Israel. Hầu hết các nước Arập, như Arập Xêút và Jordan, đã bất mãn với đường lối của chính quyền Obama không can dự quá sâu vào những vấn đề ở Trung Ðông.

Trong chính sách đối ngoại, ông Trump sẽ phải quân bình giữa quan điểm của các nước khác với quyền lợi đích thực của nước Mỹ vì về căn bản hai phạm trù này khác nhau. Ông cần phải thỏa hiệp kể cả nếu điều ấy phần nào phạm tới chủ trương “nước Mỹ trên hết” như ông vẫn đề cao. Nhưng nếu hậu quả là nước Mỹ phải dính dáng quá nhiều tới những khu vực xa xôi, đặc biệt phức tạp như Trung Ðông, thì tình trạng ấy đáng cân nhắc.

Trong 4 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, số quân Mỹ có mặt ở bắc Syria tăng gấp đôi và tổng số các phi vụ oanh kích tại Yemen nhiều hơn hai nhiệm kỳ Tổng thống Obama.

Cuộc hội kiến Giáo hoàng Francis tại Vatican có vẻ đặc biệt, khi quan điểm đôi bên đều trái ngược, từ nhập cư, tị nạn đến biến đổi khí hậu. Châu Âu, nơi Donald Trump từng gieo rắc hoang mang với các tuyên bố trái ngược về Brexit, tương lai của châu lục hay vai trò NATO, sẽ là chặng cuối với cuộc gặp gỡ các thành viên NATO tại Bruxelles và thượng đỉnh G7 ở Taormina (Sicily).

Bruce Riedel, cựu nhân viên CIA nay là nhà phân tích của Brookings Institution nhắc lại, năm 1974 Tổng thống Richard Nixon cũng từng công du Trung Đông, hy vọng vào một thành công ngoại giao “để đánh lạc hướng chú ý về vụ bê bối Watergate. Tuy nhiên báo chí Mỹ vẫn không ngớt tập trung vào vụ này, các tiết lộ tiếp tục chồng chất...”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.