Chuyện tình như cổ tích của tân tổng thống Pháp

Thứ Năm, 11/05/2017, 14:30
Ít ai biết rằng, người phụ nữ trong thời gian qua luôn xuất hiện bên cạnh vị tổng thống trẻ tuổi nhất của nước Pháp và thế giới từng là cô giáo trung học và hơn ông 24 tuổi. Hai người đã vượt qua mọi định kiến của gia đình và xã hội Pháp để đến với nhau. Ngoài chênh lệch tuổi tác, bà giáo còn có ba con riêng.


Vào đầu những năm 1990, không ai trong thành phố Amiens, miền Bắc nước Pháp, nơi Emmanuel Macron sinh ra, là không biết chuyện tình giữa một cậu học trò trung học và bà giáo đã có ba con. Không phải mối tình đầu thoáng qua mà là một mối tình bỏng cháy.

Cô giáo dạy ngữ văn Pháp trong trường Providence là Brigitte Trogneux, lúc đó đã có ba con, và người học trò không ai khác hơn là Emmanuel Macron. Hồi đó, chẳng biết Macron là ai. Ngày nay, báo Pháp, báo Anh, báo Đức... đua nhau viết lại, loạn cả lên, nhiều tác giả ra sách, thêm thắt nhiều chi tiết ly kỳ, éo le.

Tổng thống Pháp mới đắc cử Emmanuel Macron nắm tay vợ Brigitte Trogneux ăn mừng chiến thắng.

Trong lớp, cậu học trò luôn được cô giáo khen ngợi, coi như là giỏi nhất lớp. Cậu học sinh 16 tuổi, mặt mày bảnh bao. Cô giáo khen cậu học giỏi, viết chữ đẹp, làm thơ hay, diễn kịch hay, cái gì cũng hay, theo lời người bạn cũ của Macron. Cô giáo còn hướng dẫn lớp kịch nghệ có Macron theo học. Hai người soạn chung một vở kịch, gặp nhau làm việc tại nhà bà giáo.

Bà mẹ của Emmanuel cũng đoán rằng soạn kịch chỉ là một cái cớ, Emmanuel hay lui tới nhà bà giáo là để gặp... con gái của bà giáo. Bà mẹ đoán đúng, chỉ sai mục tiêu của cậu con trai: Cậu nhắm tới cô giáo chứ không phải cô con gái! Hai người có nhiều dịp gặp gỡ và nhận ra tâm đầu ý hợp trong nhiều chuyện.

Gia đình Macron lẽ dĩ nhiên không bằng lòng tí nào. Ông bố điện thoại tới ông hiệu trưởng nhiều lần, nhờ can thiệp. Không làm gì được, bà mẹ tới gặp cô giáo, nói xin tha cho cháu, để yên cho cháu học cho tới khi trưởng thành. Bà mẹ xin cô giáo hứa một lời là sẽ không gặp nữa... Nhưng “Tôi không hứa chi cả”, cô giáo nói nước mắt lưng tròng.

Ông André-Louis Auzière, chồng cô Brigitte Trogneux, sinh năm 1951, trong một gia đình người Pháp thực dân tại Éséka, Cameroon. André-Louis Auzière khi trở về Pháp đã gặp Brigitte Trogneux, thua ông 2 tuổi. Hai người cưới nhau năm1974 tại Le Touquet, đến năm 1976 chuyển tới thành phố Strasbourg. Tại đây họ sinh được 2 người con trai là Sébastien và Laurence. Sau đó họ lại quay về Le Touquet sinh sống.

Tại đây, năm 1984, họ sinh cô con gái út Tiphaine. Nhiều năm trôi qua, cuộc sống vợ chồng họ ngày càng tẻ nhạt. Brigitte Auzière đã bắt đầu bước sang tuổi 40. Đúng lúc đó, Emmanuel Macron xuất hiện. Chuyện học trò đem hoa hay rượu champagne tới thăm cô giáo chiều Thứ sáu là chuyện thường, ông từng quen với cảnh đó.

Nhưng ông không biết rằng trong số đó có người học trò say mê vợ mình điên cuồng. Tình yêu cháy bỏng của cậu học trò đã khiến Brigitte Auzière “quỵ ngã”. Quan hệ thầy trò lúc đầu có dấm dúi nhưng càng ngày càng bị nhiều lời đàm tiếu của xóm làng.

André-Louis Auzière khi phát hiện ra vợ mình yêu cậu học trò, rồi hàng xóm láng giềng bàn tán. Cảm thấy xấu hổ, André-Louis Auzière quyết định bỏ nhà, cắt đứt mọi liên lạc, bỏ cả sự nghiệp ngân hàng, bỏ cả tiền của lại cho vợ con. Mãi đến năm 2006, hai người mới chính thức ly dị.

Trở lại chuyện của Emmanuel Macron. Học xong lớp cuối ở trường Providence, Emmanuel nhắn gửi cô giáo rằng “Chúng ta sẽ gặp lại và... anh sẽ cưới em!”.

Macron về Paris học tiếp tại trường Henri IV, cô giáo đổi lên trường Saint Louis de Gonzague ở quận 16, Paris. Năm 2007, Emmanuel Macron và Brigitte Trogneux làm đám cưới trong thành phố Le Touquet. Lúc đó bà 54 tuổi, có ba con, ly dị chồng.

Emmanuel và Brigitte Macron không có con chung. Ba đứa con trước của bà Brigitte hăng hái tham gia hoạt động của người chồng sau của mẹ. Được hỏi về chuyện tại sao không có con, Macron đáp: “Chúng tôi quyết định như vậy. Brigitte đã có ba con khi chúng tôi lấy nhau, đứa lớn, đứa nhỏ. Tôi yêu thương chúng như con ruột. Chuyện quan trọng là nuôi chúng khôn lớn. Phần tôi bây giờ có bảy đứa cháu nội, ngoại”.

Từ ngày tham gia chính trường, Macron đã được sự chiếu cố của mọi ngành truyền thông, nói tốt cũng như xấu. Mới đây, báo lá cải nói ông là người đồng tính luyến ái. Tại sao? Họ thấy ông đeo hai chiếc nhẫn ở tay! Macron cười, coi như chuyện nói chơi rồi bỏ. Người “bắt bồ” với anh có phải là Mathieu Gallet, Tổng Giám đốc của Radio France hay không. Phóng viên tờ báo lá cải kia cật vấn. Macron tỏ vẻ thản nhiên, câu trả lời là không.

“Mà chuyện đó ngày nay, có chi là xấu? Nếu tôi là đồng tính luyến ái, tôi sẽ nói rõ như vậy và sẽ sống như vậy. Có phải không?”. Người hỏi câu đó thấy mình vô duyên. Bà Macron cùng chồng tham gia trả lời phỏng vấn, bên ngoài cười nụ, cho rằng các anh hết chuyện hỏi rồi hay sao? Bà biết Emmanuel hơn ai hết. Bà thường nói với bạn bè, mong rằng Emmanuel thắng cử năm nay.

Chuyện của bà Macron bây giờ là sửa sang sắc đẹp, một chuyện rất bình thường của các bà ở châu Âu hay bất cứ xứ nào. Bà được phỏng vấn, nói đủ thứ chuyện. Bí quyết giữ sao cho trẻ đẹp của bà được phơi bày trên sách báo, cũng đã có nhiều sách báo nói tới như vậy.

Bà Brigitte bắt đầu chưng diện không phải mới đây mà từ ngày chồng làm bộ trưởng. Mùa hè năm 2015, bà Delphine Arnault, lúc đó là Phó Giám đốc của Hãng Luis Vuitton, nhắn gửi tới bà bộ trưởng về chuyện ăn mặc khi ra trước công chúng. Áo quần, nữ trang được công ty cho mượn, có ghi sổ đàng hoàng, chứ không phải cho không.

Sau đó, trả lại công ty, không như nhiều trường hợp khác. Hiện nay, bà Macron chọn dịch vụ VIP của Công ty LVMH cho mượn áo quần. Về phần Macron, ông vẫn tới may mặc tại hiệu Jonas, đường Aboukir.

Macron không có bất động sản. Ông bán nhà ở Paris về ở chung với vợ tại Le Touquet, cách Paris 260 km. Tiền mặt của ông trong trương mục ngân hàng và cổ phiếu trị giá vào khoảng 300.000 euro.

Học hành giỏi giang, hoạt động nhiều trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Chưa có kinh nghiệm chính trường bao nhiêu, dù sao, Macron đang còn trẻ. Tốt nghiệp Đại học Quản trị quốc gia (ENA) năm 2004, Macron trở thành thanh tra tài chính, 4 năm sau bỏ nghề thanh tra, qua làm việc với Ngân hàng Rothschild. Ông vào đảng Xã hội năm 2006, hoạt động hăng say, sáng giá, được cử làm Phó Tổng thư ký Phủ Tổng thống năm 2012, rồi hai năm sau, làm Bộ trưởng Kinh tế. Mọi chuyện xảy ra trong vòng hai năm, như có lớp lang.

Tháng 4-2016, Emmanuel Macron thành lập tổ chức chính trị mang tên là “En Marche!” bốn tháng sau, từ chức Bộ trưởng Kinh tế, tranh cử tổng thống. Macron chỉ trích chính phủ này toàn làm nhiều chuyện nửa vời không đáng cho ông tiếp tục, và Tổng thống Francois Hollande đốp chát sau đó rằng Macron là kẻ bội phản có hệ thống.

Macron gặp vợ lần đầu tiên khi tham gia vở kịch của trường có tên là  "Jacques and his Master".

Phong trào “En Marche!” không tả, không hữu, mời gọi tất cả mọi người xây dựng nước Pháp, một nước Pháp mới. Nước Pháp phải là một vận may cho tất cả mọi người, khẩu hiệu của “En Marche!”. “Tôi mong rằng chúng ta tìm thấy lại nhiệt tâm của dân Pháp: kiêu hãnh, tự do và liên đới”, lời của Macron. Lúc đó, “En Marche!” có 250.000 người ghi tên gia nhập, những người này không phải đóng phí thường niên hay bị ràng buộc vì bất cứ chuyện gì, theo lời của Macron.

Ứng cử tổng thống năm 2017, ông được 24.01% số phiếu bầu trong vòng đầu, Marine Le Pen theo sau, 21.30%. Vòng hai ông được 66,06% phiếu bầu và là người trẻ nhất trong số các tổng thống từ trước đến nay trên thế giới. Tính tới ngày 7-5-2017, ông được 39 tuổi và... mấy tháng. Ông Valéry Giscard dEstaing năm 1974 làm tổng thống lúc 48 tuổi, được coi là tổng thống trẻ nhất, dù không bằng John F. Kennedy là Tổng thống Mỹ năm 1961, lúc 43.

Người ta thường nói tuổi 40 mới có thể thấu hiểu mọi chuyện trên đời để cư xử cho phải lẽ. Việc ông Macron mới 39 tuổi đã trở thành tổng thống một nước lớn trên thế giới thì không tránh khỏi những lời dè bỉu.

Trở lại với cuộc bầu cử, đối thủ của ông Macron trong vòng 2 là bà Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia với 33,94% số phiếu bầu. Tổng cộng có 20,7 triệu cử tri đã chọn ông Macron và trên 10,6 triệu người Pháp đã ủng hộ bà Le Pen. Tỉ lệ cử tri đi tham gia bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay là 74,62%.

Mặc dù thừa nhận thất bại nhưng bà Le Pen cho biết đây là lần đầu tiên đảng Mặt trận quốc gia đạt được một số phiếu cao kỷ lục như vậy trong một kỳ bầu cử tổng thống.

Kết quả trên đã cho thấy một nước Pháp bị chia rẽ nặng nề giữa một bên là những người theo chủ nghĩa dân túy (ủng hộ bà Le Pen) với bên kia là những người muốn nước Pháp tiếp tục ở lại châu Âu, chủ trương của ông Macron.

“Một công trường khổng lồ chờ đợi tổng thống tương lai” là tựa của báo Đức Die Welt ra ngày hôm nay để nói về những thách thức mà ông Macron phải đối mặt trong thời gian tới. Theo tờ nhật báo hàng đầu nước Đức, ông Macron rồi đây sẽ phải “sáng tạo lại vai trò” tổng thống.

Trong quan niệm truyền thống của người Pháp, cụ thể là của nền Cộng hòa thứ 5, do Charles de Gaulle sáng lập, tổng thống được coi như “người cha của dân tộc, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng”, một “ông vua” của nền Cộng hòa. Một vai trò như vậy đã không được thực thi dưới thời Tổng thống mãn nhiệm Hollande và người tiền nhiệm.

Theo Die Welt, Macron sẽ thất bại, nếu ông cố tình trở lại với vai trò lý tưởng có sẵn này. Và nếu không cải tổ được vai trò tổng thống, Macron sẽ chỉ làm “mất uy tín thêm cho hệ thống chính trị truyền thống, điều đó cũng có nghĩa là củng cố sức mạnh cho phong trào Mặt trận quốc gia”.

Theo giới quan sát, dù không giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, nhưng bà Le Pen cũng khiến các đảng phái khác khốn khổ. “Ngay bây giờ lực lượng cực hữu của bà Le Pen đã không thể lên cầm quyền nhưng thế lực của họ vẫn còn tiềm tàng trong quần chúng và họ có thể thắng cuộc bầu cử lập pháp sắp tới” - giáo sư Jan-Werner Müller, Đại học Princeton, Mỹ, nhận xét.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay là bước ngoặt với nền chính trị Pháp. Sau vòng một, hai đảng phái chính trị truyền thống: Cánh hữu với ứng cử viên Francois Fillon và cánh tả với ông Benoit Hamon đều thất bại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp, không có một ứng cử viên nào thuộc 1 trong 2 đảng này lọt vào vòng 2.

Báo chí Anh viết rằng chiến thắng của ông Macron là nhờ sự góp sức của người vợ Brigitte Trogneux do hình ảnh cặp đôi đặc biệt này khiến cử tri thấy Macron là người đứng đắn, chín chắn. Cử tri nữ yêu quý Macron vì dám vì tình yêu mà phá bỏ khuôn mẫu thông thường. Sức lan tỏa của hình mẫu tình yêu Macron - Trogneux thậm chí còn gây sốt tại Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, trên trang mạng Weibo của Trung Quốc, từ khóa “anh ấy cưới một người vợ lớn hơn mình 24 tuổi” đã thu hút được hơn 6 triệu lượt người xem. Tên cặp vợ chồng Macron cũng xuất hiện cả trên Wechat, mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc. Đặc biệt, các bài viết trên truyền thông Trung Quốc về cặp đôi này là được chia sẻ và bình luận đông đảo.

“Một trong những bài viết xuất hiện nhiều nhất có tựa đề: “Emmanuel Macron: chuyện tình của ông còn hấp dẫn hơn là cuộc đua tranh cử”. Tiếp đến là hình ảnh video về đám cưới của họ ở Touquet, truyền tải liên tục. Cư dân mạng rất thích câu chuyện này!

Theo tuần báo Le Nouvel Observateur (Pháp) thì chưa bao giờ các cặp đôi lại có một vị trí quyết định đến như vậy trong một cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp. Đây là một truyền thống của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, tôn vinh nhân vật “tổng thống” mang dáng dấp huyền thoại, như một hình tượng đơn độc, vượt lên khỏi đám đông.

Tờ báo cho rằng có hai lý do để giải thích hiện tượng trên. Thứ nhất, đối với Macron không gì là không thể. Nếu chàng thanh niên 16 tuổi mới chập chững vào đời, đã biết cách chinh phục được trái tim của cô giáo dạy kịch, một phụ nữ có chồng..., thì ông - một người tập sự trong chính trị - cũng sẽ biết cách chinh phục được trái tim nước Pháp. Thứ hai, người thanh niên đó không sợ phá rào, thậm chí còn thích điều này, anh ta bất chấp các quy định sẵn có...

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.