Chuyện về người phụ nữ Nga từng là "Đệ nhất phu nhân" Mông Cổ

Thứ Bảy, 11/06/2005, 07:07
Xuất giá tòng phu - đó là số phận của rất nhiều phụ nữ, ở phương Đông cũng như ở phương Tây, trong thời xưa cũng như trong thời nay. Người phụ nữ Nga có tên họ là Anastasia (gọi thân mật là Nastia) Filatova, cũng không là ngoại lệ. Bà từng là đệ nhất phu nhân Mông Cổ trong ba bốn thập niên liền. Chồng bà là ông Yumzhagiin Tsedenbal (1916-1991), người từng là nhân vật quyền lực số 1 của Mông Cổ trong nhiều thập niên.

Năm 1947 trên khắp thảo nguyên Mông Cổ đã lan đi tin đồn: Tsedenbal, người cán bộ trẻ, đầy tin cậy, cánh tay phải của nguyên soái Choybalsan, trở về Ulan Bato từ Moskva với người vợ Nga. Những kẻ ác khẩu bảo rằng, Điện Kremli thế là đã "cài" được vào đội ngũ thân cận của nhà lãnh đạo tối cao Mông Cổ một nữ... điệp viên!

Trong thực tế, mọi sự đơn giản hơn thế nhiều. Tới Moskva tu nghiệp, Tsedenbal hay lại chơi nhà của ông Nikolai Vazhnov, nguyên cố vấn chính trị của nguyên soái Choybalsan. Một gia đình hàng xóm của ông Vazhnov có một cô cháu họ xa tên là Nastia, xuất thân từ thành phố nhỏ Sapozhka, thường ghé thăm. Cô Nastia xinh đẹp, lúc đó là Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin (Komsomol) của Bộ Thương mại Liên Xô.

Sau một số lần trò chuyện với Nastia, Tsedenbal nói lại với ông Vazhnov rằng anh thích cô gái Nga duyên dáng chất phác này. Ông Vazhnov liền báo cáo lại với Trung ương Đoàn Komsomol về chuyện này. Mọi người đều thấy rằng, nếu đôi trẻ yêu nhau thì điều này chỉ có lợi cho quan hệ giữa hai nước thôi. Thế là hai người ngày càng được tạo thêm điều kiện gặp gỡ với nhau.

Một lần, Tsedenbal ngồi chơi trong công viên với Nastia. Cảm xúc dào dạt, anh ôm cô vào lòng và hôn. Bất ngờ, một đồng chí cảnh sát xuất hiện, nghiêm nghị nói: "Sao lại hôn nhau ở nơi công cộng như thế? Giấy tờ của anh chị đâu?". Là người nước ngoài, Tsedenbal cũng hơi chột dạ. Nhưng Nastia, với bản tính ngay thẳng và bạo dạn của một cán bộ Đoàn, ngay lập tức nói một thôi một hồi đầy đanh thép với anh cảnh sát, khiến anh này phải xin lỗi rồi đi.

 

Tsedenbal nhìn cô bạn gái người Nga và hiểu ra rằng, nếu có một người vợ đáng tin tưởng như thế thì cả đời anh sẽ có "hậu cứ" vững chãi. Thế là anh ngỏ lời cầu hôn với cô. Nastia sung sướng nhận lời vì cô cũng rất thích anh.

Trở thành vợ của Tsedenbal rồi, không phải lúc nào Nastia cũng được yên lành với bạn bè, thân hữu của chồng. Mặc dầu Liên Xô và Mông Cổ lúc đó đang có những mối quan hệ thân hữu đặc biệt nhưng không phải không có kẻ muốn đâm bị thóc chọc bị gạo vào tình hữu nghị này. Có bận, ba người bạn khá thân của Tsedenbal đến nhà anh chơi. Họ uống rượu cùng nhau đã phê phê. Lúc đó, Nastia đang có mang. Quá chén, có người bạn nhìn thẳng vào mắt Nastia và cứ lẩm bẩm: "Cô được Moskva cử tới đây!". Vốn thẳng tính, Nastia chỉ nhịn một đôi lần. Tới khi cáu quá, cô mới đáp: "Cứ cho là Moskva cử tôi tới đây, thế thì sao nào?"... Mọi chuyện tưởng như trở nên căng thẳng. May nhờ Tsedenbal còn tỉnh táo nên đã cao giọng chấm dứt cuộc tranh luận này.

Ai cũng có lúc ghen

Chuyến thăm chính thức Moskva của Tsedenbal và phu nhân để tham dự hoạt động của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX không hề hứa hẹn chuyện gì bất ngờ. Gia đình nhà lãnh đạo cấp cao Mông Cổ được đưa vào ở một khách sạn sang trọng tại ngõ Kolpachnyi. Vừa tới nơi, họ nhận ngay được một lá thư nặc danh. Trong thư đầy những lời lẽ vu cáo Nastia về tội ngoại tình... Về sau, bà Nastia nhớ lại: "Tôi lặng lẽ nhìn chồng tôi, chờ đợi xem ông ấy sẽ phản ứng như thế nào... Ông ấy cao giọng bảo, những lời lẽ trong thư có vẻ giống như sự thật. Càng nói, ông ấy càng nổi cáu...

Tôi hiểu rằng ông ấy đang mệt mỏi vì chuyện quốc gia đại sự, giờ lại thêm một chuyện như thế. Có lẽ tôi phải kiềm chế hơn ông ấy và im lặng nhưng tôi cũng không chịu được: "Anh  hãy đọc lại kỹ hơn đi, - Tôi bảo.- Và anh sẽ hiểu ai đã viết lá thư này. Đó chính là một số người bạn Mông Cổ của em, vì ghét em nên vu cáo em như thế". Tôi cảm thấy lệ tràn lên mí mắt. "Còn nếu anh thực sự không tin em thì em sẽ không trở lại Ulan Bato nữa!".

Tối hôm ấy, Tsedenbal đón nhà lãnh đạo cao nhất của Mông Cổ, lúc này cũng đang ở Moskva, tới làm việc. Sáng dậy, nhìn thấy chồng mặt xanh xám, bà Nastia cảm thấy thương chồng vô hạn - lẽ ra bà không nên làm chồng phải bận bịu tâm trí vì mình. Bà định xin lỗi ông. Nhưng ông đã nói tới chuyện khác: hoá ra nhà lãnh đạo kia muốn buộc cho ông Tsedenbal một tội tày đình để tạo thêm uy tín cho mình.

 

Tsedenbal kết luận: "Chuyện của anh với em là chuyện nhỏ vì đó là thư nặc danh. Chúng ta phải ở bên nhau để đối phó với những chuyện tày đình hơn...". Hai người đã làm lành với nhau như thế. Và hợp sức cùng nhau, họ đã thoát hiểm.

Không dễ được hiểu đúng

Làm phu nhân của nhà lãnh đạo cao nhất quốc gia, bà Nastia ngoài xã hội rất được trọng vọng. Và bà đã cố gắng tổ chức những hoạt động có ích cho người Mông Cổ. Bà lập ra Quỹ thiếu niên nhi đồng và với bản tính sôi nổi của mình, phát động nhiều phong trào từ thiện dành cho thiếu nhi. Đã có một thời người ta hay thấy bà có mặt ở các công trường xây dựng trường học, nhà trẻ, công viên thanh niên...

Bà ăn mặc như một đội trưởng xây dựng, quanh bà náo nhiệt bao nhiêu là cán bộ (nói cho cùng, ai chẳng muốn làm đẹp lòng phu nhân nguyên thủ quốc gia!). Lúc nào bà cũng sôi sùng sục lên trong các ý tưởng và hành động. Cũng nhờ có bà thúc giục mà trong những ngày nghỉ, Tsedenbal và toàn bộ đội hình lãnh đạo cao cấp của Mông Cổ đã đích thân cầm xẻng, cuốc... ra công trường cùng quần chúng...

 

Sau này, khi nhiều năm đã trôi qua, nhớ lại chuyện đó, nhiều người Mông Cổ đã phải thốt lên đầy biết ơn: "Quả thực bà Nastia đã cố gắng vì chính thế hệ trẻ Mông Cổ! Dân thảo nguyên chúng ta vốn chậm chạp và còn lười nữa. Mà bà ấy lại là người nồng nhiệt, miệng nói tay làm nên không thể chịu được những sự chây lì". Vậy mà khi bà còn là đệ nhất phu nhân, sau lưng bà đã có không ít người gièm pha những đóng góp của bà trên lĩnh vực xã hội. Họ còn làm như bà đã "át vía" chồng và điều hành ông theo những mục đích cá nhân. Thực ra, bà có lợi ích cá nhân gì đâu ở Mông Cổ. Xuất giá tòng phu, bà làm gì thì cũng vì tổ quốc của con cái bà, quê hương của chồng bà.

Cũng vì người dân Mông Cổ mà đã có lần bà mạo muội xin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc ấy, Leonid Brezhniev, "hóa giá" hai công trình xây dựng mà các chuyên gia Xôviết đã làm nên ở Ulan Bato. Khi đó là năm 1974. Tổng Bí thư Brezhniev sang thăm Ulan Bato. Vốn là người lịch lãm, biết đệ nhất phu nhân Mông Cổ xuất thân từ Riazan, khi gặp bà, ông bao giờ cũng đọc cho bà nghe thơ Sergey Esenin.

 

Thấy ông vui, vào tiệc, bà Nastia đã đứng lên nói với Tổng Bí thư Brezhniev rằng, thật hay từ phía Moskva, nếu trong chuyến thăm Mông Cổ lần này, ông tuyên bố rằng hai cung văn hóa mà Liên Xô vừa xây dựng cho Mông Cổ theo hiệp định trả chậm sẽ là món quà tặng cho tuổi trẻ Mông Cổ... Cần phải nói rằng, số tiền đầu tư vào hai cung văn hóa đó không nhỏ... Tuy nhiên, đang lúc vui vẻ, Tổng Bí thư Brezhniev đã bật cười và nói: "Ôi, bà muốn hơi nhiều đấy, thưa bà Tsedenbal!".

 

Rồi ông hỏi tiếp: "Thế ở đây điện thoại quốc tế nằm chỗ nào?". Tổng Bí thư Brezhniev gọi điện về Moskva và tranh thủ ý kiến của các thành viên Bộ Chính trị khác. Tối đến, trước toàn bộ ban lãnh đạo Mông Cổ, Tổng Bí thư Brezhniev đã long trọng tuyên bố rằng Chính phủ Liên Xô xin tặng thanh niên Mông Cổ hai cung văn hóa. Cả nước Mông Cổ vui sướng. Gặp lại bà Nastia, Tổng Bí thư Brezhniev đã nói đùa: "Chị có biết chị làm mất của nhân dân Xôviết bao nhiêu tiền không hả chị!".

Chua ngọt bên nhau

Sau khi Tsedenbal từ chức năm 1984, cả gia đình ông, vốn quen sống trong cảnh bao cấp, bỗng trở nên ngơ ngác trong cơ chế thị trường đang bắt đầu hình thành ở Mông Cổ. Bà Nastia đã tìm đủ nghị lực để duy trì nhịp sống bình thường cho chồng và con, để họ khỏi phải bận tâm trước muôn mặt rắc rối đời thường.

Bà kể lại: "Tôi suốt ngày phải đi hỏi mọi người. Ra chợ, họ có thể ra giá cho tôi 5 đồng hoặc 50 đồng cho cùng một món hàng. Tôi mới hiểu ra, mình đã sống gần hết đời mà lại chưa hiểu rõ mọi sự thật trên đời. Cuộc sống còn trở nên khó khăn hơn vì những thói quen cũ của tôi: Tôi không thể mời chồng ra ăn một khi chưa chuẩn bị xong hết các món. Ông ấy quen ăn lần lượt năm món, chứ không phải chờ từng món một được đưa ra. Tất nhiên, chồng tôi không quá cầu kỳ nhưng ông ấy quen được phục vụ chu đáo rồi. Tôi không muốn ông ấy khi về hưu rồi lại bị đối xử khác đi. Và tôi đã cố gắng làm mọi việc...".

Biết bản tính dễ bị tổn thương của ông sau từng ấy năm ngự trên đỉnh cao quyền lực, bà Nastia đã tìm mọi cách ngăn những thông tin tiêu cực về quá khứ lọt vào tai ông. Thói đời, giậu đổ bìm leo. Khi ông mất chức, một số người kế nhiệm đã tìm mọi cách đào bới quá khứ để bêu riếu ông. Ông đã bị mất danh hiệu nguyên soái và nhiều huân huy chương cao quý khác. Thế nhưng, ông vẫn còn tình yêu của bà, người phụ nữ Nga chung thủy và đảm đang theo đúng nghĩa của từ này.

Chính vì bà cư xử với ông như vậy nên Tsedenbal càng về già càng tỏ ra tri ân hơn đối với vợ mình. Ông viết vào nhật ký không lâu trước đó: "Trời cho tôi một người vợ năng nổ, hảo tâm. Cầu Chúa tụng ca phút giây tôi đã gặp bà ấy!". Ông đã qua đời vào đúng 21h45', tối thứ bảy 21/4/1991. Theo lịch phương Đông, năm đó là năm Thìn, giờ Tuất.

Bà Nastia cũng qua đời sau chồng mình 10 năm, vào ngày 21/10/2001, ở Moskva. Cuối đời bà sống ở Nga với đồng lương hưu ít ỏi đến mức đôi khi phải bán bớt đi vật dụng gia đình để trang trải các chi phí thường ngày. Hai con trai của ông bà đều thất nghiệp và buộc phải sống nhờ vào mẹ

Hoàng Như Ngọc
.
.