Cơ hội của chính khách quan tâm chính trị từ… lúc lên 10

Thứ Ba, 14/03/2017, 16:15
Chính khách cực hữu Hà Lan Geert Wilders đang có cơ hội vàng để trở thành nhà lãnh đạo mới của Hà Lan nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 15-3 tới. Xu hướng chống Hồi giáo đang lên ở Hà Lan là một thuận lợi cho đảng Tự do (PVV) của ông, vốn theo đuổi quan điểm chống người Hồi giáo vì những hoạt động khủng bố do thành phần Hồi giáo cực đoan gây ra.

Khi Hà Lan chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử ngày 15-3, các cuộc thăm dò ý kiến dư luận đều thể hiện khả năng đảng của Wilders có thể trở thành đảng lớn nhất Hà Lan. Sức mạnh của đảng cực hữu dân túy PVV đang gây chấn động không chỉ ở Hà Lan.

Theo giới quan sát, Wilders không được xem là người đủ năng lực để làm lãnh đạo một chính phủ, nhưng sau hàng thập kỷ kích động chống đối, sức ảnh hưởng của Wilder đã phần nào làm thay đổi giọng điệu chính trị ở Hà Lan. Wilders đang thu hút cử tri Hà Lan theo cách được so sánh với ông Donald Trump ở Mỹ trong năm 2016.

Đông đảo cử tri ủng hộ Wilders.

Người ta cho rằng Wilders giống ông Trump về phong cách ăn mặc, chải chuốt và những câu phát biểu gây sốc trên Twitter. Cái khác ở chỗ, ông Trump bước vào “đền thánh” ở Washington với tư cách kẻ ngoại đạo, còn Wilders thì đã trải qua 19 năm trong nghị viện và bước vào cuộc bầu cử thứ tư với tư cách lãnh đạo đảng.

Geert Wilders sinh trưởng ở Venlo, một thị trấn công nghiệp ở tỉnh Limburg, tỉnh cực nam Hà Lan. Cha của Wilders làm việc cho Océ, nhà sản xuất máy photocopy và phải bỏ trốn khi phát xít Đức xâm chiếm Hà Lan trong Chiến tranh thế giới II. Mẹ ông sinh ra trong gia đình thực dân Hà Lan cai trị vùng Đông Ấn (nay là Indonesia).

Trong quan hệ gia đình, Wilders thuộc dạng ít ai dám tới gần vì “tính khí dữ dằn, ích kỷ và hung hăng”. Trưởng thành, Wilders đến The Hague lập nghiệp. Và mặc dù đã sống và làm việc ở The Hague rất lâu rồi nhưng Wilders vẫn giữ giọng rặt miền nam và duy trì mối quan hệ thân thiết với một nhóm bạn đồng hương thị trấn Venlo của mình.

Theo ghi nhận của các nhà viết tiểu sử, lần đầu Wilders quan tâm đến chính trị là lúc ông lên 10 tuổi, khi đang xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 70. Khi đó, cậu bé Wilders đã viết một “tuyên ngôn” đăng trên tờ báo của nhà trường thúc giục mọi người “hãy đóng cửa nhà, hạn chế sử dụng xe ôtô và xe gắn máy”. Khi ra trường và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Wilders sang Israel làm việc 2 năm. Wilders thổ lộ, ông có cảm giác thân thiết với Israel ngay khi đặt chân đến đất nước Do Thái này. Từ đó, ông trở thành người ủng hộ Israel hết mình.

Khi trở về Hà Lan, Wilders gia nhập đảng VVD và ngay lập tức được lãnh đạo đảng Frits Bolkenstein, người có quan điểm hữu khuynh, bảo thủ, không ưa châu Âu ủng hộ. Năm 1998, Wilders lần đầu tiên được bầu vào nghị viện Hà Lan và tạo tên tuổi bằng một kế hoạch cắt giảm trợ cấp cho những người bị bệnh tâm thần phải nghỉ phép chữa bệnh dài hạn. Khi xảy ra vụ việc chính khách cực hữu Pim Fortuyn bị sát hại vào năm 2002, đảng VVD nhanh chóng trở thành một thế lực lớn nhờ chiếm lấy khoảng trống quyền lực do ông Fortuyn để lại.

Geert Wilder tách ra khỏi đảng VVD và sáng lập đảng Tự do mới (PVV) vào năm 2006 với tuyên bố tách biệt khỏi nhóm “The Hague ưu tú”, ngay từ đầu đã nêu tôn chỉ chống Hồi giáo và hứa sẽ thượng tôn sự “thống trị của truyền thống Judeo Thiên chúa” trong Hiến pháp Hà Lan. Đảng mới cũng mau chóng tạo được uy tín lớn với luận điệu bảo thủ, dân tộc dân túy mà Wilder “bơm” vào đảng này.

Năm 2010, PVV giành được 24 ghế nghị viện, nhưng Wilder từ chối đề nghị thành lập chính phủ với đảng cũ VVD do ông Mark Rutte lãnh đạo. Thay vì thế, với tư cách đảng đối lập, Wilder lại đồng ý ủng hộ liên minh thiểu số của ông Rutte để đổi lấy những bảo đảm đối với chính sách lớn của ông về vấn đề người nhập cư và tị nạn.

Sự phản đối, thách thức của Wilder đã khiến các chính khách lãnh đạo đất nước Hà Lan hết sức đau đầu. Và thỏa thuận trao đổi giữa liên minh cầm quyền với Wilder là một cái giá để giữ cho Wilder “im miệng”.

Geert Wilders.

Thời gian trôi qua, giọng điệu chống Hồi giáo của Wilders càng trở nên gay gắt hơn. Trong các kỳ bầu cử trước đó, Wilders đã vận động cử tri với một loạt vấn đề, trong đó có châu Âu, chi phí cho chăm sóc y tế và chế độ hưu trí. Bản “tuyên ngôn” của đảng PVV cho cuộc bầu cử ngày 15-3 tới chỉ vỏn vẹn có 1 trang A4, nhưng có đến 1/3 nội dung đề cập các biện pháp “bài Hồi giáo”, như: đóng cửa toàn bộ thánh đường và trường học Hồi giáo ở Hà Lan, cấm đọc kinh Koran và ngăn chặn người di cư từ các quốc gia Hồi giáo.

Giới bình luận đánh giá, Wilders đã tách ra khỏi phong cách chính trị và cuộc tranh luận chính trị mà hầu hết các đảng phái chính trị đều tham gia.

Mặc dù thành công trong bầu cử, nhưng đảng PVV của Wilders lại thiếu hẳn cơ cấu chính thức. Nhiều ứng cử viên nghị viện Hà Lan đồng thời cũng sẽ đại diện PVV ở Nghị viện châu Âu, Thượng viện Hà Lan hoặc các hội đồng tỉnh. Chỉ có vài chục người ủng hộ đến dự một cuộc vận động gần đây của ông ở Sprijkenisse, gần Rottendam. Với sức hút “dân túy” của mình, Wilders sẽ không thể xây dựng được một phong trào lớn như ông Trump từng làm ở Mỹ.

Người ta nghi ngờ rằng Wilders né tránh việc tham gia chính phủ là bởi vì ông thấy mình có giá trị hơn khi đứng ở thế một chính đảng luôn phản đối. Ở châu Âu và Hà Lan nói riêng, người ta phải cố tìm sự thỏa hiệp và đi đến thỏa thuận còn Wilders thì không thích như thế. Ông không thể thỏa hiệp là bởi vì lúc đó uy tín của ông không còn nữa.

Cử tri kéo đến ủng hộ Wilder bởi vì ông “nói hộ” họ sự phẫn nộ đối với việc nhượng bộ và thỏa hiệp. Với tính cách như thế, các chuyên gia cảnh báo, nếu Wilders đắc cử Thủ tướng Hà Lan, phần lớn các chính sách của ông sẽ gặp khó khăn.

An Châu (tổng hợp)
.
.