Cố vấn của cựu Tổng thống Bush bị xem là tội phạm chiến tranh

Thứ Năm, 15/04/2010, 17:15
Cố vấn hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ George Bush, ông Karl Rove đang đứng trước nhiều áp lực đòi đưa ông ra tòa án tội phạm chiến tranh. Trong một buổi thuyết giảng tại Los Angeles hôm 29/3, một đám đông người nghe đã gọi ông là tội phạm chiến tranh và cho rằng ông nên "xuống địa ngục".

Một nhóm mang tên Code Pink thậm chí còn tiến sát ông với một chiếc còng trên tay. Đây không phải là lần đầu tiên Rove bị la ó như vậy. Tháng 3/2008, Rove phát biểu tại Đại học Iowa trước hơn 1.000 người. Hầu hết khán giả la ó, đòi bắt ông.

Những người đòi bắt xem Rove như tội phạm chiến tranh dựa vào Công ước số 4 Geneva năm 1949. Theo điều 147 của công ước này quy định các hành động cố ý giết người, tra tấn hoặc đối xử mất nhân tính, kể cả các thí nghiệm sinh học, cố ý gây thương tích trầm trọng đối với cơ thể con người hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, di chuyển hoặc trục xuất trái phép...

“Thành tích” của Rove gắn liền với sự nghiệp của Tổng thống Bush trước đây. Trước khi vào Nhà Trắng, Rove là cố vấn chính trị và là chiến lược gia của đảng Cộng hòa. Rove đã giúp Bush giành chiến thắng hai nhiệm kỳ trong cuộc vận động làm thống đốc bang Texas năm 1994 và 1998. 

Khi còn là Phó giám đốc Văn phòng Nhà Trắng, Karl Rove được xem như người hoạch định mọi chiến lược quan trọng cho Tổng thống Bush, kể cả chiến lược tranh cử tổng thống năm 2000 và tái tranh cử của Bush năm 2004. Hiện nay ông là bình luận viên cho kênh truyền hình Fox News.

Cuốn sách của ông vừa được xuất bản mang tên "Courage and Consequence: My Life as a Conservative in the Fight" (tạm dịch: "Can đảm và hậu quả: Đời tôi như người bảo thủ trong cuộc tranh đấu"). Trong buổi ra mắt cuốn sách này, cũng đã có nhiều người và tổ chức đòi đưa ông ra tòa án tội phạm chiến tranh.

Chống lại những cáo buộc tội phạm chiến tranh, ông Rove cho rằng những người muốn bắt ông cũng nên xem cả Tổng thống Barack Obama, Thượng nghị sĩ John Kerry hay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là những tội phạm chiến tranh vì họ đã ủng hộ cuộc chiến ở Iraq hay cũng là những người vạch ra chiến lược tại đó.

Rove bị cáo buộc cố vấn cho Tổng thống Bush tấn công Iraq dựa trên các thông tin tình báo rằng Iraq "sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt". Sau đó, chính Rove cố vấn cho việc sử dụng hàng loạt các biện pháp tra tấn dã man đối với các nghi can khủng bố, trong đó có hình thức đi tàu bay (waterboard, tức đổ nước vào ruột rồi đạp cho nôn ra). Ngoài ra, Rove cũng được cho là cố vấn trong việc xem lén e-mail và nghe lén điện thoại của hàng triệu công dân Mỹ nhân danh cuộc chiến chống khủng bố.

Vai trò của Rove trong Nhà Trắng quan trọng đến mức ông được gọi là "bộ não của Bush". Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, Rove gần như muốn thanh minh rằng những việc làm của ông trong Nhà Trắng là hoàn toàn đúng. Ông cho rằng dù bất kỳ lý do gì đi nữa, việc lật đổ Saddam Hussein là điều cần thiết để giải tỏa "một vật cản của nền dân chủ tại khu vực". Ông viết rằng nếu không dựng lên cái cớ "vũ khí hủy diệt hàng loạt" của Iraq thì dễ gì Quốc hội Mỹ ủng hộ một nghị quyết dùng vũ lực chống Iraq.

Cho dù là một nhà chiến lược của cả đảng Cộng hòa, nhưng nhiều người còn cáo buộc Rove hại cả người trong đảng. Đó là vào năm 2000, khi đảng Cộng hòa chưa chính thức chọn Bush hay McCain ra tranh cử tổng thống, Rove đã dựng lên kịch bản cho rằng McCain đã nhận làm con nuôi bất hợp pháp một bé gái da đen. Điều này đã được chính phó giám đốc chiến dịch tranh cử của ông McCain lúc đó là Roy Fletcher vạch trần.

Karl Rove cũng là người cung cấp danh tính tên của nhân viên CIA Valerie Plame, vợ của nhà ngoại giao Joseph Wilson. Luật pháp Mỹ cấm tiết lộ danh tính của các nhân viên CIA. Ông Wilson được phân công sang Niger xem xét khả năng Iraq mua uranium tại đây. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tấn công Iraq với cái cớ là Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông đã viết bài trên báo New York Times tố cáo Chính phủ Bush phóng đại thông tin về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq mà đích thân ông sang Niger điều tra không có bằng chứng.

Bài báo của Joseph Wilson đã gây khó khăn cho Nhà Trắng trong việc tìm lý lẽ cho cuộc tấn công Iraq. Do đó, người ta có thể suy nghĩ rằng do muốn trả đũa Joseph Wilson, viên chức cấp cao nào đó trong nội các Bush có thể đã tiết lộ danh tính bà vợ Plame của Wilson. Thượng tuần tháng 7/2005, dưới sức ép của các luật sư  và công tố viên, Luật sư Robert Luskin của Karl Rove đã nói với tạp chí  Newsweek rằng chính Karl Rove là nguồn cung cấp mật tên của Valerie Plame.

Tung hoành ngang dọc trong Nhà Trắng cho tới khi uy tín của Tổng thống Bush ngày càng xuống dốc thì cũng chính là lúc Rove phải nói lời chia tay với ông bạn lâu năm. Ngày 31/8/2007, Rove đã từ chức.

Thế nhưng, nhiều người vẫn không quên những gì đã xảy ra trong giai đoạn Rove còn tại vị. Có thể Rove buộc phải chọn con đường về hưu non vì suy cho cùng, có muốn quay trở lại chính trường cũng thật khó. Trong bao nhiêu năm làm cố vấn cho G.Bush, ông đã vắt tận óc hết mưu lược. Các ứng viên tổng thống Mỹ thì không nghĩ là Rove còn chiêu thức gì mới. Còn các ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử Hạ viện, Thượng viện thì không dám mời Rove vì sẽ phải trả tiền công cho ông cao quá.

Còn nhớ Thượng nghị sĩ Ashcroft năm 1994 đã trả cho công ty của Rove 300.000 USD tiền phí tư vấn, còn Bush-con trả 340.000 USD trong cuộc vận động tranh cử thống đốc Texas năm 1993 và lúc vận động tái tranh cử 1998 phải trả đến 2,5 triệu USD.

Đến khi ông Bush tái tranh cử nhiệm kỳ 2 năm 2004 thì Rove quản lý đến 150 triệu USD tiền vận động tranh cử. Rove đã vạch định nhiều kế hoạch dẫn đến nhiều hành động tội ác nhưng việc truy cứu trách nhiệm ông ta vẫn đang là một thách thức

Trường Minh (tổng hợp)
.
.