Colombia: Mafia và phiến quân cài người vào Quốc hội

Chủ Nhật, 21/03/2010, 23:45
Trên Quảng trường Bolivar ở thủ đô Bogota, Colombia, từ hơn một tháng nay, những người hiếu kỳ luôn tụ tập đông đúc trước tòa nhà Quốc hội. Ngày 14/3, 29,8 triệu cử tri Colombia đã đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới, nhưng quan trọng hơn cả là cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 30/5 tới. Ai sẽ là người lên thay Tổng thống Alvaro Uribe?

Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội hôm Chủ nhật vừa qua sẽ quyết định tới lời giải cho câu hỏi trên. Do vậy, đây là dịp để các băng đảng ma túy và phiến quân đưa người của mình vào cơ quan lập pháp nhằm tạo chỗ dựa chính trị vững chắc.

Nhận được 60% sự ủng hộ của người dân trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Colombia, ông Alvaro Uribe, đã từng mơ tới một nhiệm kỳ thứ 3 nhưng đã bị Tòa án Hiến pháp nước này ngăn cản.

Ngày 26/2 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Colombia bác bỏ việc hợp pháp hóa cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp - một nỗ lực của Tổng thống Alvaro Uribe nhằm được phép ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

Ông Uribe, 57 tuổi, nói với báo chí rằng, ông chấp nhận và tôn trọng quyết định của tòa án. Còn cựu cục diện chính trị bầu cử. Hôm 7-3 vừa qua, quân đội chính phủ khẳng định đã phá vỡ một âm mưu khủng bố của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) nhằm vào Orlando Beltran, từng là con tin của nhóm quân và nay là ứng cử viên Quốc hội.

Alejandra Barrios, Giám đốc MOE, cho biết lực lượng phiến quân và các băng đảng buôn lậu ma túy đang tìm cách kiểm soát những phần đất có trồng cây thuốc phiện tại Colombia. Trong cuộc chiến chống lại quân đội chính phủ, phiến quân luôn tìm cách thủ tiêu những ứng cử viên hoặc chí ít là ngăn cản người dân đi bầu. Mặc dù khả năng của bọn chúng hiện đã bị hạn chế rất nhiều so với trước.

Về phía các băng đảng buôn lậu ma túy, bọn chúng lại tìm cách đưa người của mình vào danh sách tranh cử. Bà Alejandra Barrios ghi nhận sau khi thị sát tại thành phố dầu mỏ Barrancabermeja: "Bạo lực đã giảm đáng kể do những nhà chính trị - ma túy và một số chính trị gia bị mua chuộc đã thâm nhập sâu vào trong bộ máy nhà nước và các tổ chức xã hội. Họ không cần nhờ cậy đến người của các tổ chức bán quân sự bầu cử cho các ứng viên của mình vì giờ đây tiền có thể làm thay họ việc này".

Marta Lucia Ramirez, ứng cử viên đảng bảo thủ cũng cho rằng, một số chiến dịch bầu cử hiện nay tại Colombia đang tràn ngập những trò gian lận mua phiếu bằng tiền, điều này đang đe dọa nghiêm trọng tới tính nghiêm minh của lá phiếu. Trong khi đó, những khoản tài trợ bầu cử bất hợp pháp lại rất khó bị phát hiện.

Quốc hội Colombia gần đây đã bị mất uy tín nghiêm trọng sau vụ bê bối mang tính bán chính trị. Bị nghi ngờ có quan hệ với lực lượng bán quân sự, 85 đại biểu Quốc hội được bầu năm 2006 đã bị bãi nhiệm. Và còn khoảng 40 người khác cũng đã bị bỏ tù hoặc đang bị xét xử.

Theo thống kê của MOE, hơn 80 ứng cử viên trong danh sách bầu cử Quốc hội năm nay có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ với các trùm băng đảng mafia hay phiến quân. "Một trong những thách thức của kỳ bầu cử Quốc hội lần này là xem liệu cơ quan lập pháp này có thể lấy lại uy tín của mình hay không"- Elizabeth Ungar, Giám đốc Tổ chức Transparencia por Colombia cho biết. 

Các đảng liên minh của Tổng thống Uribe được dự báo sẽ chiếm đa số tại Quốc hội mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là tư tưởng của ông Uribe chắc chắn được tiếp nối. Ai trong số khoảng nửa tá ứng viên trong liên minh này sẽ nổi lên trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống vào tháng 5 tới? Hôm 9-3, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Juan Manuel Santos đã được cử làm đại diện đảng Liên minh quốc gia của Tổng thống Uribe ra tranh cử tổng thống. Hiện dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận nhưng ông Santos lại không vượt quá được 25% số phiếu bầu.

Colombia không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới chịu nạn cài cắm người vào chính trường của các băng đảng buôn bán ma túy và phiến quân. Italia và Mexico thời gian gần đây cũng thường xuyên chứng kiến những vụ bê bối kiểu như trên được báo chí phanh phui. Tại Italia, mới hồi tháng trước tòa án nước này đã phát lệnh truy nã 56 nghị sĩ và doanh nhân do tham gia vào một đường dây rửa tiền của mafia, cá biệt có trường hợp Di Girolamo, nghị sĩ thuộc đảng của Thủ tướng Berlusconi, đã bị cho là người của băng đảng mafia ở vùng Calabria cài cắm vào Quốc hội từ rất lâu. Còn tại Mexico, cuộc bầu cử Quốc hội tháng 7/2009 cũng đã bị cáo buộc là không minh bạch do các thành phần băng đảng ma túy ở nước này đã tìm cách tiếp xúc với tất cả các ứng cử viên để yêu cầu họ phải tuân theo chỉ thị của chúng trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.