Colombia: Nữ Thượng nghị sĩ Piedad Cordoba hay là điệp viên?

Thứ Tư, 13/10/2010, 08:35
Dư luận Colombia hiện đang bị "sốc" trước thông tin rằng Thượng nghị sĩ Piedad Cordoba thuộc phong trào cánh tả Poder Ciudadano Siglo XXI vừa bị bãi nhiệm và trục xuất khỏi Quốc hội Colombia với lý do "làm việc cho FARC". Xung quanh câu chuyện này, có nhiều dư luận khác nhau.

Đối với các nạn nhân bị Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) bắt cóc và giam giữ trong sự đau khổ kéo dài, bà Piedad Cordoba (55 tuổi) là một vị "cứu tinh vĩ đại". Trong hơn 3 năm qua, Thượng nghị sĩ cánh tả này đã đóng vai trò chủ chốt trong việc giải thoát rất nhiều con tin bị FARC bắt giữ. Với vai trò trung gian thương lượng giải cứu con tin, bà Cordoba đã từng lọt vào "vòng chung kết" giải Nobel Hòa bình năm 2009. Với “chiến tích” đó, nhiều người nghĩ rằng ít nhất bà phải được chính phủ tưởng thưởng bằng một hình thức nào đó.

Thế nhưng, mọi người đã hoàn toàn bất ngờ, thậm chí bị "sốc", khi nghe những gì xảy ra với bà. Ngày 27/9/2010, Alejandro Ordonez, Tổng thanh tra Chính phủ Colombia, đã ra quyết định bãi nhiệm chức Thượng nghị sĩ của bà Cordoba, đồng thời cấm bà tham gia các chức vụ dân cử trong vòng 18 năm. Tổng thanh tra Ordonez cáo buộc bà đã chơi trò "bắt cá hai tay" khi tham gia giải thoát con tin - khi thì bà theo Chính phủ, lúc lại ngả về phía FARC.

Ordonez đưa ra bằng chứng buộc tội bà Cordoba là những đoạn ghi âm lén điện thoại và đọc trộm e-mail của bà Cordoba và lời chứng của một điệp viên Chính phủ cài vào bên trong lực lượng FARC. Nhiều e-mail mà Ordonez dẫn ra làm bằng chứng được gửi đến và đi với tên là "Teodora Bolívar" hoặc "La Negra", mà các nhà điều tra của Chính phủ Colombia cho là "mật danh" của "điệp viên" Cordoba.

Theo ông Ordonez, trong nội dung các bức e-mail nói trên, bà Cordoba đã "xúi" FARC giữ vững lập trường trong các cuộc thương lượng với Chính phủ ở Bogota và ngưng công bố các đoạn video ghi lại đời sống của con tin trong các trại giam. Trong một e-mail, nhân vật mang mật danh Bolívar đã thúc giục FARC trì hoãn việc thả cựu con tin Ingrid Betancourt (bà Betancourt đã được FARC phóng thích vào tháng 7/2008),...

Tuy nhiên, bà Cordoba lại cho rằng, mình bị "loại" ra khỏi vũ đài chính trị vì thái độ đấu tranh quá quyết liệt của mình. "Tôi không phải là Teodora Bolívar. Tôi chỉ là một nhà hoạt động hòa bình và nữ quyền" - bà Cordoba khẳng định trên tạp chí Time của Mỹ.

Trên diễn đàn chính trị Colombia, bà Cordoba được biết đến như một chính khách đối lập. Bà từng lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước xung quanh cắt quan hệ ngoại giao với Colombia để phản đối Chính phủ, đồng thời kêu gọi giới trẻ Colombia "nên noi theo gương các lãnh đạo du kích". Xuất thân là thành viên đảng Tự do, cùng đảng với Tổng thống Alvaro Uribe và Tổng thống đương nhiệm Juan Manuel Santos, nhưng đến năm 2005, khi thấy ông Uribe quá bảo thủ và hữu khuynh, bà Cordoba đã tập hợp thành phần thiên tả trong đảng để tách ra thành lập đảng mới là phong trào Poder Ciudadano Siglo XXI. Kể từ đó, bà Cordoba trở thành "đối thủ" khó chịu của Tổng thống Uribe cũng như Juan Santos sau này.

Năm 2007, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập niên với các nhóm du kích cánh tả FARC và ELN, chính quyền Tổng thống Uribe đã chấp thuận  trao cho bà Cordoba sứ mệnh trung gian đàm phán, và sau đó tiếp tục chấp thuận sáng kiến để cho Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela làm trung gian hòa giải giữa Bogota với lực lượng FARC (tiến trình hòa đàm do ông Chavez làm trung gian đã bị hủy giữa chừng do những bất đồng gay gắt nảy sinh giữa ông với Tổng thống Uribe).

Bà Piedad Cordoba.

Vai trò của bà Cordoba được vận dụng đắc lực để đáp ứng đòi hỏi của cả 2 phía: FARC và Chính phủ Colombia. Bà Cordoba đã thành công trong việc tiếp cận và thuyết phục các lãnh đạo FARC, nhờ đó bà đã giải cứu được gần 50 con tin do FARC bắt giữ (đồng thời cũng giúp giải thoát khoảng 500 tù nhân FARC bị Chính phủ Colombia giam giữ).

Số phận trớ trêu hay thời thế thay đổi? Sự kiện kết tội rồi bãi nhiệm bà Cordoba không chỉ là đòn chính trị đối với cá nhân bà mà còn phản ánh một sự thay đổi sách lược của chính quyền Bogota trong cuộc chiến với FARC. Đã qua rồi cái thời mà vì muốn giành lấy ưu thế trước FARC đã chấp nhận để cho các chính khách tự nhiên tiếp xúc và hòa giải, thậm chí bày tỏ thân thiện với FARC nhằm lôi kéo lực lượng này.

Tuy nhiên, sau cái chết của các nhà lãnh đạo Manuel Marulanda và Raul Reyes, FARC vừa mới chịu thêm thiệt hại lớn nữa khi Mono Jojoy, còn gọi là Jorge Briceío hay Luis Suárez, bị giết chết trong một cuộc đụng độ với quân đội Chính phủ Colombia. Những tổn thất lớn về nhân sự này cộng với sự thất thế trước quân đội Chính phủ trong các trận đụng độ mới nhất cho thấy FARC đã không còn mạnh như xưa, và với sự trợ giúp về tài chính và khí tài, kỹ thuật của Mỹ, Chính phủ Colombia có thể không cần phải "đắc nhân tâm" nữa mà đang muốn dùng sức mạnh quân sự để "giải quyết" nhanh gọn các nhóm du kích.

Bởi thế, không chỉ có bà Cordoba, mà ngày càng có nhiều chính khách, nhà báo, kể cả nhà hoạt động xã hội thiên tả ở Colombia cũng bị "hỏi thăm" vì đã lỡ tiếp xúc hoặc lỡ "có cảm tình" với lực lượng FARC

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.