Colombia: Tổng thống bị công kích vì hòa đàm với FARC

Thứ Sáu, 05/07/2013, 15:15

Một chiến dịch công kích của người em họ, một cuộc đối đầu tiềm ẩn với một đảng chính trị mới do chính người từng đỡ đầu mình lập ra để chống lại mình,… Bấy nhiêu đó đang làm đau đầu Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. Báo chí Mỹ gọi đó là cuộc “đổ bể chính trị” của Tổng thống Santos mà nguyên nhân chủ yếu là do ông tiến hành cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng du kích cánh tả FARC để chấm dứt gần 50 năm nội chiến ở Colombia.

Chiến dịch công kích của người em họ

Ở Colombia, dòng họ Santos là một dòng họ danh giá, được so sánh với các dòng họ danh giá về chính trị ở Mỹ như Kennedy, Bush hay Clinton. Minh chứng rõ ràng nhất là dòng họ này ngoài đương kim Tổng thống Juan Manuel Santos còn có một ông chú (em của ông nội) tên là Eduardo Santos làm Tổng thống Colombia từ năm 1938 đến 1942, rồi em họ của Tổng thống Santos là Francisco Santos là cựu Phó tổng thống Colombia dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Alvaro Uribe từ năm 2002 đến 2010.

Bản thân Tổng thống Santos cũng từng là Bộ trưởng Quốc phòng thời Tổng thống Uribe, và là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch quân sự tiêu diệt một loạt chỉ huy cao cấp của FARC.

Đáng lẽ ra, nếu như dòng họ Kennedy ở Mỹ, anh em dòng họ cùng nhau chung vai sát cánh làm chính trị, vinh danh dòng họ, thì anh em nhà Santos ở Colombia hiện tại lại đang manh chống nhau, và người ta đang chờ xem màn kịch chiến giữa anh em nhà Santos sẽ đưa đến kết quả ra sao khi cuộc bầu cử Tổng thống Colombia nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra vào ngày 7/8/2014. Francisco hiện đang mở một chiến dịch công kích Tổng thống Santos mà nguyên nhân chủ yếu không gì khác ngoài vấn đề đàm phán hòa bình với lực lượng FARC.

Francisco Santos năm nay 52 tuổi (sinh năm 1961), trước khi bước vào làm chính trị từng là một nhà báo tên tuổi. Francisco là một người bảo thủ, nóng tính. Ông cùng với anh họ mình là đương kim Tổng thống Santos từng là những cây bút chủ lực của tờ nhật báo El Tiempo - tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn nhất Colombia, sau đó Francisco được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập tờ báo này một thời gian trước khi bị tay chân của trùm buôn lậu ma túy Pablo Escobar bắt cóc vào năm 1990.

Sau 8 tháng bị bắt cóc, Francisco được thả ra, và thành lập một tổ chức tư vấn và hỗ trợ cho thân nhân những nạn nhân bị bắt cóc. Đến thời điểm đó, FARC được xem là lực lượng bắt cóc tống tiền lớn nhất Colombia. Những lời chỉ trích gay gắt của Francisco đối với FARC khiến ông phải nhận những lời dọa giết và phải chạy sang Tây Ban Nha lánh nạn đến năm 2002 mới quay về, ứng cử và trúng cử làm Phó tổng thống Colombia. Uribe làm Tổng thống.

Trong các năm 2009-2010, khi Francisco làm Phó tổng thống thì Juan làm Bộ trưởng Quốc phòng. Giai đoạn này, 2 anh em nhà Santos có cùng quan điểm với nhau, cả hai cùng nhìn nhận phải dùng uy quyền của nhà chức trách để khống chế sự bành trướng sức mạnh của FARC. Thế là, sau năm lần bảy lượt đàm phán rồi ngưng đàm phán, Chính phủ Colombia quyết định tung đòn quyết định tấn công quân sự vào căn cứ địa của FARC, tiêu diệt một loạt chỉ huy cao cấp, kỳ cựu của FARC, khiến cho lực lượng này suy yếu đi đáng kể.

Có thể nói, chiến dịch quân sự đánh bại FARC là công lao chung của anh em nhà Santos, trong đó Juan (Tổng thống) là người có công lớn nhất vì trực tiếp vạch chiến lược đánh FARC, còn Francisco chỉ là người hỗ trợ phía sau. Cả hai anh em nhà Santos đã giúp cho Uribe trở thành Tổng thống được công chúng Colombia mến mộ nhất nhờ vào chiến tích dẹp được "vấn nạn" du kích FARC.

Cũng nhờ chiến tích đó, Juan vụt tỏa sáng, trở thành Tổng thống Colombia, thay thế ông Uribe. Francisco đi theo chủ soái cũ của mình, lùi vào sau cánh gà, quay trở về với nghề làm báo.

Bởi thế, khi Tổng thống Santos thay đổi đối sách, chấp nhận đàm phán hòa bình với FARC thông qua trung gian hòa giải của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Francisco bắt đầu tìm cách ngăn cản ông anh họ của mình. Nhưng những nỗ lực của Francisco không thể cản được tiến trình hòa đàm khá suôn sẻ giữa Chính phủ Colombia với FARC tại thủ đô La Habana của Cuba.

Kết quả của những vòng đàm phán đầu tiên là 2 bên đạt được thỏa thuận về cải cách đất đai. Đây là vấn đề đầu tiên trong 6 vấn đề cần thảo luận để đi đến thỏa thuận cuối cùng nhằm thực hiện mục tiêu tối hậu là "mang lại hòa bình cho vùng nông thôn Colombia, giải giáp FARC và cho phép các cựu du kích quân tham gia chính trị chính thống". Chính vì mục tiêu đàm phán này đã khiến Francisco không chấp nhận được và đã mở một chiến dịch công kích, phê phán Tổng thống Santos suốt nhiều tháng qua.

Tổng thống Juan Manuel Santos (trái) và cựu Tổng thống Alvaro Uribe lúc chuẩn bị chuyển giao quyền lực.

Cuộc chiến giữa "hai tổng thống"

Nếu như khi Santos ra ứng cử Tổng thống Colombia vào năm 2010, Uribe với uy tín cao chót vót của mình ủng hộ hết mình để Santos giành chiến thắng thuyết phục ứng cử viên đối lập, thì chỉ 2 năm sau, khi Tổng thống Santos thay đổi lập trường, chấp nhận đàm phán hòa bình với FARC, Uribe là một trong những người phản đối quyết liệt nhất chính sách hòa đàm của Santos. Uribe đã tố cáo Santos phản bội lại "di sản" của mình để lại, đi ngược lại đường lối cứng rắn để theo đuổi chính sách mềm mỏng với FARC.

Cũng như Francisco Santos, Uribe cho rằng không thể chấp nhận khoan dung đối với lực lượng du kích đã từng gây ra nhiều vụ bắt cóc, chết chóc ở Colombia. Cho nên, Uribe đã tuyên bố phải ngăn chặn hành động ôn hòa của Tổng thống Santos trước khi quá muộn. Vì thế, tháng 7/2012, Uribe đã đứng ra thành lập đảng phái riêng, lấy tên là Trung tâm Dân chủ Thuần túy (PDC), chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là "ngăn Santos tái trúng cử Tổng thống vào năm 2014".

Đối với Uribe, Santos không chỉ có "tội" trong vấn đề FARC, mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến các mối quan hệ ngoại giao trong khu vực. Thực ra, Santos chưa hẳn đã là chọn lựa kế thừa của Uribe mà sự thật là do Hiến pháp Colombia không cho phép Uribe tái cử nhiệm kỳ thứ ba. Sau khi tìm cách sửa Hiến pháp không được, Uribe mới quay sang ủng hộ Santos với hy vọng Santos sẽ tiếp nối những chính sách an ninh lẫn đối ngoại của mình. Vậy mà giờ đây, khi nhiệm kỳ đầu tiên chưa kết thúc, Santos không chỉ muốn làm hòa với FARC, tạo điều kiện cho FARC bước chân vào đời sống chính trị chính thống, mà còn thay đổi 180 độ, nối lại bang giao với Venezuela của cố Tổng thống Hugo Chavez, người đối đầu không khoan nhượng với Uribe.

Một cuộc chiến giữa "hai tổng thống" dường như là điều khó tránh khỏi khi Colombia bước vào cuộc bầu cử Tổng thống tháng 8/2014. Một số chuyên gia đánh giá, tuy từng là Tổng thống được ủng hộ cao nhất Colombia, nhưng đối mặt với Tổng thống Santos vào năm 2014, chưa chắc ông Uribe sẽ tạo nên đột phá gì, vì tỉ lệ dân chúng hài lòng với công việc hiên tại của Santos cũng thuộc hàng cao, trên 67%.

Nhiều người Colombia hiện tại vẫn xem cuộc công kích của cựu Tổng thống Uribe và cựu Phó Tổng thống Francisco Santos nhằm vào đương kim Tổng thống Santos không mấy ý nghĩa

An Châu (tổng hợp)
.
.