Cơn địa chấn mới trên chính trường Đức

Thứ Hai, 17/02/2020, 16:04
Ngày 10/2, Annegret Kramp-Karrenbauer, người được coi là kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel đột nhiên tuyên bố sẽ không làm ứng cử viên thủ tướng của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang năm 2021 và từ chức Chủ tịch CDU.

Tuyên bố của bà Kramp-Karrenbauer được cho là sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh chức chủ tịch CDU sắp tới sẽ quyết liệt hơn, và sẽ gây ra sự xáo trộn không nhỏ trên chính trường nước Đức.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Kramp-Karrenbauer nói: “Tôi sẽ không tranh cử vào chức thủ tướng. Quyết định này là để tăng cường sức mạnh của CDU và điều này không ảnh hưởng đến sự ổn định của chính phủ liên minh”. Việc bà Kramp-Karrenbauer đột nhiên từ chức được cho là có liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử thủ hiến bang Thüringen mới đây.

Trong cuộc bầu cử này, CDU và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (FDP) nhất trí ủng hộ một ứng cử viên trung lập thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP). Hành động này đã phá vỡ điều cấm kỵ về chính trị lâu nay, đó là không hợp tác với các đảng cực hữu.

Từ khi bà Kramp-Karrenbauer được bầu làm Chủ tịch CDU vào cuối năm 2018 đến nay, tỷ lệ ủng hộ của đảng này liên tục giảm. Trong một số cuộc bầu cử cơ quan lập pháp bang năm 2019, tỷ lệ ủng hộ CDU rất thấp, còn AfD và đảng Xanh lại trỗi dậy.

Bà Annegret Kramp-Karrenbauer và Thủ tướng Angela Merkel.

Bà Kramp-Karrenbauer bắt đầu sự nghiệp chính trị ở một bang nhỏ thuộc biên giới và làm việc ở chính quyền địa phương hơn 30 năm. Bà được biết đến với sự nhẹ nhàng và thực dụng vì có phong cách làm việc gần giống bà Merkel. Có phân tích nhận định điểm yếu của bà Kramp-Karrenbauer là thiếu kinh nghiệm lãnh đạo và lập kế hoạch tổng thể. Bà Kramp-Karrenbauer cũng đã vài lần “vạ miệng” khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như đồng tính luyến ái.

Vấn đề của bà Kramp-Karrenbauer sẽ còn được mổ xẻ. Tuy nhiên, câu hỏi lập tức đặt ra lúc này là ai sẽ tiếp quản chức Chủ tịch CDU khi bà Merkel sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021. Kênh tin tức CNBC của Mỹ cho rằng việc bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố không ra tranh cử khiến tương lai của CDU và chính trường Đức trở nên khó đoán định.

Hiện tại có 3 ứng cử viên sáng giá: Friedrich Merz - cựu lãnh đạo nhóm nghị sĩ CDU tại Quốc hội Liên bang; Armin Laschet - Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia và Bộ trưởng Y tế Jens Spahn.

Ông Merz là đối thủ cũ của bà Merkel. Ông từng là chủ tịch nhóm nghị sĩ CDU nhưng bà Merkel đã thay thế vị trí này vào năm 2002, từ đó hai người không cùng chiến tuyến. Trong cuộc bầu cử Chủ tịch CDU tháng 12-2018, ông Merz đã thua bà Kramp-Karrenbauer với khoảng cách sát nút. Đầu tháng 2 vừa rồi, ông này đã tuyên bố từ chức ở công ty quản lý tài sản BlackRock để tập trung nhiều hơn vào chính trị.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cũng được coi là một người chỉ trích bà Merkel. Sau khi làm Bộ trưởng Y tế, ông đạt được nhiều thành tích và được bà Merkel đánh giá cao. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của phe bảo thủ Đức cho rằng ông Spahn sẽ đại diện cho một sự khởi đầu mới.

Ngược lại, ông Armin Laschet lại được cho là có khuynh hướng một “người thỏa hiệp”. Là một người ủng hộ trung thành của bà Merkel, ông được cho sẽ là ứng cử viên duy trì tính diễn tiếp của chính trị nhưng có thể khó mà làm thỏa mãn mong muốn cải cách của một số nhân vật trong đảng của ông.

Ông Merz và ông Spahn đều thuộc phe bảo thủ và nếu một trong 2 người giành thắng lợi, họ có thể đưa CDU theo hướng “trung lập thiên hữu”. Giới truyền thông cũng cho rằng nếu CDU nghiêng về cánh hữu, nó có thể khiến liên minh cầm quyền hiện đang bao gồm CDU/CSU và SPD rạn nứt, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Ông Friedrich Merz – cựu lãnh đạo nhóm nghị sĩ CDU tại Quốc hội liên bang.
Bộ trưởng Y tế Jens Spahn.
Ông Armin Laschet - Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia.

Theo một vài phân tích, việc chính trị Đức biến đổi từ cục diện các đảng truyền thống luân phiên hoặc cùng nắm quyền thành cục diện đảng truyền thống suy yếu và đa đảng phát triển mạnh như hiện nay chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến Chính phủ Đức nhiệm kỳ tới, đồng thời sẽ buộc các đảng chính thống phải điều chỉnh chính sách.

Còn theo The New York Times, khi các đảng truyền thống bị suy yếu, một khoảng trống quyền lực đang hình thành. Hiện tại, nội bộ CDU có sự chia rẽ, các thành viên bảo thủ trong đảng muốn liên kết với lực lượng cực hữu, trong khi những thành viên khác, như bà Kramp-Karrenbauer lại phản đối.

Theo Carsten Nickel, Phó Giám đốc bộ phân nghiên cứu của Công ty tư vấn Tenco Intelligence, đường lối của CDU trong tương lai vẫn chưa rõ ràng, các vấn đề mang tính cơ cấu giữa phe trung lập và phe truyền thống trong nội bộ CDU (bao gồm cả trong đảng và các cử tri) là thách thức lớn nhất mà CDU phải đối mặt.

Còn theo nhận định của tờ Bloomberg, bà Merkel vẫn là người có tiếng nói tương đối quan trọng và sẽ vẫn đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn người kế nhiệm.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.