Con gái duy nhất cố Tổng thống Kennedy nối nghiệp nhà
Báo chí Mỹ trong mấy ngày qua râm ran chuyện người con gái đầu của vợ chồng Tổng thống John và Jacqueline Kennedy sắp được Nhà Trắng bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản. Chưa có thông tin xác nhận chính thức từ Nhà Trắng, nhưng một khi thông tin hành lang được bung ra ở Washington thì hầu như chắc chắn đó sẽ là sự thật, ngoại trừ…
Cô thực tập viên làm tạp vụ ở tòa soạn New York Daily News
Caroline Bouvier Kennedy là người con duy nhất còn sống của gia đình cố Tổng thống John F. Kennedy, đồng thời bà cũng là niềm hy vọng còn sót lại sẽ tiếp tục làm rạng rỡ gia thế của dòng họ Kennedy. Bà sinh năm 1957, là người con đầu tiên được sinh ra và lớn lên mạnh khỏe của vợ chồng Tổng thống John và Jacqueline Kennedy. Bà Jacqueline khó mang thai, vào năm 1955 bà đã 1 lần sẩy thai, và 1 lần bị thai lưu vào năm 1956.
Rồi đến Caroline. Sau Caroline, một người em trai tên là John F. Kennedy Jr., sinh năm 1960, cũng sống và lớn lên mạnh khỏe như chị, nhưng cậu em út Patrick Bouvier Kennedy, sinh năm 1963, chỉ sống được 2 ngày. Rốt cuộc John F. Kennedy Jr cũng đã qua đời vào tháng 7/1999 trong một vụ tai nạn máy bay mà nhiều người cho là "lời nguyền dòng họ Kennedy".
Những năm thơ ấu, hai chị em Caroline và John sống cùng cha mẹ ở khu Georgetown, Washington D.C. Đến năm 1961, khi ông John F.Kennedy nhậm chức Tổng thống Mỹ, cả gia đình bắt đầu dọn vào ở trong khu vực dành riêng cho Đệ nhất gia đình Mỹ bên trong Nhà Trắng. Khi đó Caroline mới lên 3 tuổi. Cuộc sống gia đình bắt đầu theo những quy định an ninh nghiêm ngặt, được bảo vệ 24/24 giờ. Caroline trở thành đệ nhất ái nữ của Tổng thống, cứ đến dịp sinh nhật hay giáng sinh, năm mới, cô công chúa Caroline lại được tặng vô số quà cáp quý giá của những nhân vật uy tín, các nhà chính trị, ngoại giao, nguyên thủ các nước. Caroline còn quá nhỏ để hiểu và ý thức được sự cao sang, xa hoa mà cô được hưởng. Cô bé cứ hồn nhiên theo quan niệm "trẻ con phải được tặng quà" và vô tư vui sướng.
Nhưng rồi cuộc sống quyền quý đó cũng chẳng kéo dài được lâu, biến cố lại xảy ra trong gia đình Kennedy. 3 tháng sau cái chết của em trai Patrick (tháng 8/1963), đến lượt cha bà là Tổng thống John F. Kennedy bị các đối thủ chính trị ám sát khi đang đi vận động tranh cử ở thành phố Dallas, bang Texas, vào ngày 22/11/1963. Diễn giải: một biến cố lớn đối với một cô bé mới 6 tuổi là không dễ dàng chút nào, vì vậy việc nói cho các con nhỏ của ông Kennedy biết về cái chết của ông cũng là một chuyện quan trọng. Và đã xảy ra chuyện gay cấn trong nội bộ gia đình Kennedy xoay quanh vấn đề ai là người được "nói chuyện đó" cho bọn trẻ biết.
Caroline và cha, Tổng thống John F. Kennedy, tháng 8/1963. |
Ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát chết, bà vú nuôi tên Maud Shaw đưa chị em Caroline và John đi khỏi Nhà Trắng, đến nhà của bà ngoại Janet Auchincloss. Bà ngoại Auchincloss nhất định phải để bà vú nuôi Shaw nói chuyện đó với Caroline (John còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện gì). Chiều 22/11/1963, Caroline và John được đưa trở về Nhà Trắng, và khi Caroline lên giường đi ngủ, bà Shaw đã nói cho cô bé biết tin cha mình đã bị ám sát.
Tuy nhiên, vị Tổng thống lên thay ông Kennedy khi đó là Lyndon B. Johnson đã viết sẵn một lá thư gửi cho Caroline và John thông báo về vụ ám sát ông Kennedy, và bảo rằng chị em bà "luôn luôn có thể tự hào về cha mình". Thế nhưng sau đó, giữa bà vú nuôi Shaw và cựu đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy lại xảy ra mâu thuẫn, chia rẽ, vì bà Jacqueline cũng muốn là người thông báo tin buồn cho con trẻ. Tháng 12/1963, gia đình Kennedy chuyển về sống tại căn nhà cũ ở khu Georgetown, đến giữa năm 1964 chuyển về ở khu thượng, mạn đông Manhattan.
Đến tuổi trưởng thành, Caroline tốt nghiệp cử nhân văn khoa tại Trường Radcliffe thuộc Đại học Harvard năm 1980. Cô chưa dừng lại ở đó và lấy bằng tiến sĩ luật tại Trường Luật, Đại học Columbia. Trước đó, thời còn là sinh viên đại học, Caroline đã mơ ước theo nghề báo chí, vì thế bà đã xin làm thực tập mùa hè tại tờ New York Daily News, chuyên... phục vụ cà phê, trà nước và thay mực máy chữ cho các phóng viên và biên tập viên.
Ngày đầu tiên đến làm việc tại tờ New York Daily News, mọi người xung quanh không ai dám ngó tới bà, bởi vì ai cũng biết là con gái Tổng thống Kennedy lừng danh, cho nên "mọi người đều thấy sợ" - một cựu phóng viên tờ New York Daily News khi ấy kể lại. Sau thời gian tập sự tại tờ New York Daily News, Caroline bắt đầu tham gia viết bài cho tờ Rolling Stone. Sau khi tốt nghiệp, bà được nhận vào làm Trợ lý nghiên cứu trong Ban phim ảnh và truyền hình của Bảo tàng Nghệ thuật Đô thành New York.
Từ năm 2002, Caroline bắt đầu bước vào đời sống công cộng, phụ trách nhiều công việc quan trọng ở thành phố New York, như Giám đốc Văn phòng Đối tác chiến lược Sở Giáo dục New York. Đồng thời bà cũng đảm trách vai trò đại diện gia đình Kennedy tại các tổ chức liên quan đến cha bà và gia đình bà, như Giám đốc Thư viện Kennedy và thành viên cao cấp của một số tổ chức, viện, trường do cha, ông tham gia sáng lập. Bà cũng là người duy nhất đại diện cho gia đình, dòng họ Kennedy có mặt trong các sự kiện lớn, quan trọng ở nước Mỹ, như lễ nhậm chức của tân tổng thống, lễ khai trương các thư viện tổng thống,…
Caroline và mẹ, bà Jacqueline Kennedy, ngày tốt nghiệp đại học năm 1980. |
Thế hệ nối tiếp của dòng họ Kennedy
Là con cháu dòng họ danh giá nhất nước Mỹ, nhưng Caroline bắt đầu tham gia vào đời sống chính trị rất muộn, phải đến kỳ bầu cử tổng thống năm 2008, với tư cách đồng Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm phó tổng thống của ông Obama. Bước ngoặt nổi bật nhất chính là khi bà Hillary Clinton được ông Obama bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2009 khiến cho chiếc ghế Thượng nghị sĩ bang New York bỏ trống.
Caroline quyết định giã từ cuộc sống bình dị để tham gia vào cuộc đua thế chỗ bà Hillary Clinton. Được sự ủng hộ của Văn phòng Thị trưởng New York, và sự trợ giúp trực tiếp bởi Josh Isay - chuyên gia kỳ cựu về chính trị ở New York, đồng thời Tổng thống Obama cũng công khai bày tỏ mong muốn bà ngồi vào ghế thượng nghị sĩ bang New York như một cách trả ơn dòng họ Kennedy, nhiều người cứ nghĩ Caroline chắc chắn sẽ nắm chắc chiếc ghế danh giá đó rồi.
Thế nhưng, sự đời lắm khi khó ai đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Đoàn tàu tranh cử của Caroline đang lao nhanh về phía trước bỗng dưng bị trật bánh, đổ vỡ theo cách không ai ngờ tới. Đó là trong một bài trả lời phỏng vấn trực tiếp với báo New York Times, Caroline đã thể hiện mình yếu đuối một cách lạ lùng, bộc lộ sự thiếu tự tin, không đảm bảo cho công việc của một thượng nghị sĩ.
Bà Caroline đã trở thành mục tiêu công kích của những người giàu thành tích và kinh nghiệm hơn bà nhưng không được ưu ái, những người thuộc phe phái của bà Hillary Clinton, và cả những người bị cái bóng quá lớn của gia đình Kennedy che khuất căm ghét bà nhưng không dám ra mặt. Và Caroline đã không chịu nổi sức ép từ những "đao búa" công kích đó nên đã quyết định rút lui vào phút chót, làm cho tất cả các cố vấn nhiệt tình nhất của bà bị bất ngờ đến sửng sốt.
Tất nhiên, lần thất bại năm 2009 đã là một bài học đắt giá về mặt chính trị. Nó làm cho Caroline đánh mất niềm tin ở những người đã và đang ngưỡng mộ dòng họ Kennedy: con cháu dòng họ Kennedy chí ít cũng phải làm được một cái gì đó cho nền chính trị Mỹ, cho đất nước Mỹ, như truyền thống ông, cha và các cô, chú của Caroline đã làm hàng chục năm qua.
Caroline cùng với chú Ted Kennedy vận động ủng hộ ông Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2008 (Ted Kennedy qua đời năm 2009). |
Nhưng dòng họ Kennedy không chỉ làm chính trị ở Washington. Caroline còn có một người cô tên là Jean Ann Kennedy từng làm Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Ailen thời Tổng thống Bill Clinton. Riêng việc Tổng thống Obama bổ nhiệm Caroline làm Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản không chỉ mang ý nghĩa là một chức vụ trong chính phủ mà còn có ý nghĩa tiếp nối truyền thống gây dựng mối bang giao giữa nước Mỹ với đất nước Mặt trời mọc.
Giới quan sát ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Tổng thống Obama đưa Caroline sang Tokyo làm đại sứ là một hành động có thể khiến cho người Nhật rất đỗi vui mừng, vì cái họ "Kennedy" của Caroline. Sinh thời, Tổng thống Kennedy từng là người có công gây dựng lại bang giao Mỹ - Nhật ngay sau khi ông vừa nhậm chức, với việc bổ nhiệm Edwin O. Reischauer, một chuyên gia về nước Nhật, sang Tokyo làm đại sứ Mỹ đầu tiên sau chiến tranh. Rồi một năm sau, ông Kennedy lại biệt phái em trai mình là Thượng nghị sĩ Robert Kennedy đến Tokyo hỗ trợ Reischauer vực dậy quan hệ ngoại giao hai nước, và Robert Kennedy đã không phụ lòng anh trai, làm rất tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, cũng từ sự cố va vấp trong kỳ tranh cử năm 2009, một số người, thân thiện hay không thân thiện, đều có chung nỗi lo là liệu bà Caroline có đảm đương nổi công việc quan trọng của một đại sứ Mỹ ở Nhật Bản hay không, liệu bà có lặp lại sự yếu đuối vào phút chót nữa hay không, hay liệu bà có truyền tải được một cách đầy đủ các chính sách của nước Mỹ tại Nhật Bản và khu vực Đông Bắc Á hay không, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều vấn đề về an ninh phát sinh tại đây.
Quan hệ ngoại giao Mỹ-Nhật phát triển đến ngày hôm nay hẳn là do nhiều yếu tố, nhiều thế hệ chính trị Mỹ góp thành, nhưng điều quan trọng là nền tảng cho sự phát triển này đã được gây dựng bởi gia đình Kennedy, mở đầu là Tổng thống Kennedy. Cho nên, bây giờ, đến lượt con gái ông sẽ tiếp nối truyền thống đó, cho dù bà có làm tốt hay không. Ngọn đuốc chính trị của dòng họ Kennedy đang được chuyển giao cho thế hệ nối tiếp gồm Caroline, các em và các cháu họ của bà như cha con Joseph P. Kennedy II (sinh năm 1952, cựu nghị sĩ bang Massachusetts) và Joseph P. Kennedy III (sinh năm 1980, nghị sĩ bang Massachusetts), và Patrick J. Kennedy, sinh năm 1967, cựu dân biểu bang Rhode Island,…