Cơn khủng hoảng của chính phủ Thái Lan
Từ ngày 16 đến 20-7, loạt quan chức cấp cao của chính quyền ông Chan-o-cha lần lượt từ chức, bao gồm Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak và nhóm "4 hoàng tử" do ông dẫn dắt là Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Năng lượng, Bộ trưởng Cao học, Khoa học, Nghiên cứu, Sáng tạo và Phó Tổng thư ký Văn phòng Thủ tướng. Tiếp theo chuỗi từ chức đó là Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng và Bộ trưởng Lao động.
Đằng sau việc 7 quan chức cấp cao này từ chức là cuộc đọ sức ngày càng gay gắt giữa các đảng phái trong bối cảnh kinh tế Thái Lan đang suy thoái. Là tâm điểm của sự kiện các quan chức cấp cao từ chức lần này, việc ông Somkid Jatusripitak và nhóm "4 hoàng tử" từ chức là kết quả của những mâu thuẫn trong nội bộ đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath - PPRP) - đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền của chính quyền ông Chan-o-cha.
Hoạt động kêu gọi biểu tình làm dấy lên làn sóng bất ổn tại Thái Lan. |
Somkid Jatusripitak là một quan chức kinh tế được tín nhiệm trên chính trường Thái Lan, từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính dưới thời chính quyền ông Thaksin Shinawatra. Sau khi được ông Chan-o-cha bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng vào tháng 8-2015, ông Somkid và nhóm "4 hoàng tử" luôn là các nhân vật đưa ra quyết sách kinh tế của Thái Lan.
Tuy nhiên, việc ê-kíp của ông Somkid chiếm tới 4 vị trí trong nội các, đặc biệt là các vị trí quan trọng như Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng, là 2 cơ quan tập trung nhiều quyền lực và của cải, đã không tránh khỏi việc gây ra sự bất mãn của cho phần còn lại, trong đó có ê-kíp của ông Prawit Wongsuwan, Chủ tịch PPRP.
Ông Prawit Wongsuwan từng là cấp trên của ông Chan-o-cha và có cơ sở vững chắc trong PPRP. Trên thực tế, kể từ tháng 4-2020, ông Prawit Wongsuwan cùng ê-kíp được cho là đã có ý đồ đẩy nhóm "4 hoàng tử" của ông Somkid ra khỏi nội các. Trước sức ép của ê-kíp ông Prawit, để duy trì sự ổn định trong đảng vào thời điểm kinh tế đang suy thoái, ông Chan-o-cha buộc phải bóng gió để ông Somkid và nhóm "4 hoàng tử" của mình chủ động từ chức.
Cuộc cải tổ nội các lần này sẽ tác động tiêu cực đến tình hình chính trị Thái Lan. Số ghế bị bỏ trống trong nội các chắc chắn sẽ dẫn đến sự tranh giành giữa các đảng trong liên minh cầm quyền. Phe ông Prawit Wongsuwan và các đảng nhỏ khác đều muốn có được số ghế này, điều này sẽ gia tăng bất ổn chính trị của Thái Lan. Như chiếc ghế Bộ trưởng Năng lượng bị bỏ trống đã gây ra sự cạnh tranh công khai giữa ông Chan-o-cha và phe ông Prawit Wongsuwan.
Theo các phương tiện truyền thông Thái Lan, ông Chan-o-cha muốn chọn Pailin Chuchottaworn, cựu Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT) và là người không phải là thành viên PPRP, giữ chức vụ Bộ trưởng Năng lượng. Còn phe ông Prawit Wongsuwan lại kiên quyết phản đối các nhân vật không thuộc PPRP giữ vị trí quan trọng này và chủ trương phải để cho ông Suriya Juangroongruangkit, hiện đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chuyển sang.
PPRP đã tổ chức hội nghị các nghị sĩ và cuộc họp ban chấp hành để đưa ra danh sách thay thế: đề cử ông Prawit Wongsuwan giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ; Suriya Juangroongruangkit giữ chức Bộ trưởng Năng lượng; tân Tổng Thư ký Anucha Nahasai giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp; Chủ tịch Hiệp hội nghị sĩ Suchat Chomklin giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động; người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Narumon Pinyosinwat giữ chức Bộ trưởng thường trực của Văn phòng Thủ tướng. Chính quyền ông Prayut Chan-o-cha đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu chấp nhận danh sách trên của ông Prawit Wongsuwan, quá trình cầm quyền của ông sau này chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Nếu ông Chan-o-cha lập lại danh sách theo ý mình, không những làm mất lòng phe ông Prawit Wongsuwan mà còn không thể tìm được ứng cử viên phù hợp hơn ông Somkid Jatusripitak. Hơn nữa, việc ông Somkid và nhóm "4 hoàng tử" từ chức đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ ê-kíp phụ trách kinh tế của Chính quyền đã rời đi. Hiện nay, cả ông Chan-o-cha và ông Prawit Wongsuwa đều không thể tìm được những ứng viên phù hợp hơn để quản lý kinh tế.
Ngoài cuộc đọ sức giữa các quan chức cấp cao trong chính phủ, cùng với tình hình dịch bệnh ổn định, cuộc biểu tình của các tổ chức dân sự xã hội Thái Lan được khôi phục nhanh chóng trong tháng 7, khiến tình hình bất ổn trong nước cũng gia tăng. Ngày 17-7, trên mạng internet, tổ chức thanh niên có tên Free YOUTH đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình tại tượng đài Dân chủ Bangkok. Ngày 18-7, hàng nghìn thanh niên mặc áo đen đã có mặt tại hiện trường và hơn 8 triệu người theo dõi truyền hình trực tiếp cuộc biểu tình này thông qua các nền tảng xã hội trên internet.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống và tình trạng khẩn cấp vẫn chưa được dỡ bỏ, cuộc biểu tình này khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Sau cuộc biểu tình, nhiều trường cao đẳng và đại học trên khắp Thái Lan đã hợp tác với Free YOUTH tổ chức các cuộc biểu tình bày tỏ thái độ của mình.
Theo quan sát của giới truyền thông trong và ngoài nước, ngòi nổ của cuộc biểu tình là tình trạng khẩn cấp vẫn chưa được dỡ bỏ. Đáng chú ý là đằng sau làn sóng biểu tình phản đối tình trạng khẩn cấp là cảm giác hoang mang do kinh tế Thái Lan suy thoái nghiêm trọng mang đến cho người dân.
Sự suy thoái của nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch COVID-19 không những về khách quan ảnh hưởng đến việc làm và tiêu dùng của người dân, mà còn về chủ quan làm tăng cảm giác bất an của họ. Người dân bày tỏ thái độ dần thất vọng với chính quyền, từ đó nảy sinh mong muốn bày tỏ quan điểm chính trị thông qua các cuộc biểu tình.