Công nương Kiko sinh Hoàng tử - Tương lai mới cho Hoàng gia Nhật Bản?

Thứ Năm, 14/09/2006, 13:30
Rạng sáng ngày 6/9/2006, Công nương Kiko (vợ của Hoàng tử Akishino, con trai thứ hai của Nhật hoàng Akihito) đã sinh hạ một cậu con trai trong sự hân hoan của hoàng gia, Chính phủ cũng như người dân Nhật Bản.

Cậu bé nặng 2,5 kg ra đời không chỉ được coi là một tin vui của hoàng gia, mà còn là một niềm hy vọng cực kỳ quan trọng giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kế vị ngai vàng, vốn là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc chính trường Nhật Bản trong thời gian qua. Riêng đối với Hoàng gia Nhật Bản, đây có thể sẽ là một cơ hội hay bước ngoặt để xác định lại vị trí và ảnh hưởng của mình trong tương lai...

Cậu bé của …40 năm chờ đợi

Suốt 40 năm qua, Hoàng gia Nhật Bản đã phải hứng chịu nguy cơ của một cuộc khủng hoảng người kế vị ngai vàng thực sự. Theo luật pháp nước này, ngai vàng chỉ có thể truyền lại cho nam giới. Tuy nhiên, hai người con trai của Nhật hoàng Akihito – Thái tử Naruhito 46 tuổi và Hoàng tử Akishino 40 tuổi – trước đó chỉ sinh toàn con gái. Khi nguy cơ hoàng gia không có con trai kế vị ngày càng rõ ràng, Thủ tướng Junichiro Koizumi thậm chí còn đưa ra một sáng kiến thay đổi luật lệ nối ngôi để cho phép con gái cũng có thể lên ngôi báu.

Dự định được ông Koizumi dự kiến thông qua tại Quốc hội đã gây ra nhiều lời phản đối gay gắt, gây ra những mâu thuẫn chia rẽ sâu sắc ngay trong chính trường nước Nhật. Kế hoạch này đã gặp phải sự chống đối quyết liệt từ các quan chức theo đường lối bảo thủ của Cơ quan Điều hành hoàng gia (Imperial Household Agency – IHA), một tổ chức đầy bí ẩn trong Chính phủ Nhật, chuyên trách việc điều hành và chăm sóc mọi công việc liên quan đến hoàng gia. Trong khi các cuộc thăm dò dư luận khi đó đã cho thấy, có tới 70% người dân ủng hộ cho khả năng thay đổi luật pháp của ông Koizumi.

Hoàng gia Nhật Bản trong một lần ra mắt công chúng.

Tuy nhiên, thông tin về việc Công nương Kiko mang thai được đưa ra vào hồi tháng 2 đã tạo ra một tia hy vọng mới giúp giảm bớt những căng thẳng quanh vấn đề này. Dự luật của ông Koizumi đã được tạm hoãn xem xét thông qua để chờ tới ngày Công nương Kiko sinh con.

“Quyền lực ngầm” IHA

Từ thời điểm này, mọi hoạt động và thông tin của Công nương Kiko đã được giữ kín hết sức nghiêm ngặt bởi IHA. Cơ quan này còn được coi là một “quyền lực ngầm” hết sức quan trọng chi phối và gắn liền với những thăng trầm của Hoàng gia Nhật Bản. Xét từ quá khứ thời xa xưa, ảnh hưởng về tâm lý của Hoàng gia Nhật Bản đối với công chúng từ trước tới nay vẫn được coi là một hiện tượng đặc biệt.

Không giống như các hoàng gia tại châu Âu hay những ông vua cổ xưa của Trung Quốc, các hoàng đế Nhật Bản luôn được coi là những con người thần thánh, là con cháu trực tiếp của nữ thần mặt trời Amaterasu. Tuy nhiên sau thế kỷ XII, các ông hoàng tại Nhật đã đánh mất phần lớn quyền thế tục của mình. Thậm chí theo các nhà sử học Peggy và Sterling Seagrave trong cuốn sách "The Yamato Dynasty", nhiều người dân Nhật hồi đầu thế kỷ XIX còn không biết đất nước mình vẫn đang có vua. Với sự hỗ trợ của các nhóm samurai đầy quyền lực, ảnh hưởng của hoàng đế Nhật dần dần được phục hồi từ thời đại của Vua Meiji.

Cho đến thời kỳ hiện đại, sự kết hợp giữa hoàng gia và giới chính trị gia đã tạo ra được sức mạnh hết sức nguy hiểm. Quan điểm tôn sùng hoàng đế là một trong những sức mạnh tâm lý quan trọng giúp mở rộng chính sách bành trướng quân sự của Nhật, đỉnh điểm của sự bành trướng chính là Chiến tranh thế giới thứ II. Vào thời điểm đó, Bộ Điều hành hoàng gia (tên gọi khi đó của IHA) đã nổi lên là một trong những cơ quan có quyền lực nhất. Bộ này chịu trách nhiệm điều hành những tài sản đất đai lớn nhất tại Nhật cùng với những cơ sở và nguồn lực tài chính hàng đầu. Người đứng đầu Koichi Kido của bộ này (về sau được coi là tội phạm chiến tranh) là người bạn thân cận nhất của Nhật hoàng Hirohito trong chiến tranh. Sau chiến tranh, IHA dưới sức ép của quân Đồng minh đã phải giảm bớt rất nhiều quy mô và quyền lực của mình (từ 6.000 nhân viên lúc cuối chiến tranh, đến nay chỉ còn 1.100 người).

Dù vậy, IHA vẫn có được những ảnh hưởng đáng kể với một ngân sách hàng năm lên tới 260 triệu USD. IHA quản lý chặt chẽ mọi tiếp xúc của hoàng gia với thế giới bên ngoài, cũng như tác động đến mọi thông tin của báo chí liên quan đến hoàng gia. Lịch trình hoạt động cụ thể của các thành viên trong hoàng gia cũng là do IHA sắp xếp và quyết định. “Ngay cả thủ tướng cũng không thể nói chuyện trực tiếp được với nhà vua nếu không thông qua IHA trước tiên” – quan chức hàng đầu của đảng LDP Hakubun Shimomura đã nói về ảnh hưởng của IHA như vậy. IHA cũng hiếm khi cho phép báo chí tiếp cận được với các thành viên trong hoàng gia cũng như cuộc sống của họ.--PageBreak--

IHA còn bị lên án can thiệp “quá thô” vào cuộc sống các thành viên hoàng gia. Điển hình nhất phải kể tới trường hợp của Công nương Masako (vợ của Thái tử Naruhito). Do sức ép phải sinh con trai cho hoàng gia nên Masako đã lâm vào tình trạng suy sụp. Do đó, tháng 5/2004, Thái tử Naruhito còn công khai bày tỏ sự bất bình của mình về chuyện này. Trong một cuộc họp báo, ông đã tuyên bố vợ mình đã “hoàn toàn kiệt sức khi phải cố gắng đáp ứng với mọi nguyên tắc của cuộc sống hoàng gia”.

Tiết lộ trên của Thái tử đã trở thành đề tài hàng đầu cho truyền hình và báo chí Nhật trong suốt vài tuần liền. Vợ chồng Thái tử đã nhận được sự cảm thông sâu sắc của công luận. IHA đã phản bác lại những lời cáo buộc trên, trong khi Hoàng tử Akishino lại gọi những nhận xét của anh mình là “đáng tiếc”. Cuối cùng, Naruhito sau đó đã phải xuống nước chính thức xin lỗi vì đã “gây phiền lòng đến nhà vua và hoàng hậu”.

Tương lai của Hoàng gia Nhật Bản

Việc hoàng tử mới ra đời trong Hoàng gia Nhật rõ ràng là điều kiện quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng kế vị ngai vàng từ vài chục năm qua. Tuy nhiên, công luận nước này vẫn còn quan tâm đến một khía cạnh khác – đó là ảnh hưởng trong tương lai của IHA đối với Hoàng gia Nhật. Theo các nhà quan sát, Thái tử Naruhito sau khi lên nắm ngai vàng chắc chắn sẽ triển khai một đường lối có tính tự do hơn. Trong một cuộc họp báo gần đây, Thái tử đã nhắc tới “nhu cầu xem xét lại các hoạt động chính thức của hoàng gia” và “tìm kiếm một hình ảnh thích hợp của hoàng gia trong thế kỷ XXI”.

Gia đình Thái tử Naruhito.

Cho dù lời phê phán của Thái tử đối với IHA hồi năm 2004 được coi là một “nỗ lực thất bại” nhằm nới lỏng ảnh hưởng của cơ quan này, nhưng theo đánh giá, đây sẽ là một bài học quan trọng đối với ông trong tương lai. Naruhito có thể “qua mặt” IHA để tiếp xúc trực tiếp, giành được tình cảm và ủng hộ của chính người dân Nhật. Nếu như vậy, quốc gia vẫn theo chế độ quân chủ này trong tương lai sẽ còn có nhiều vấn đề phải tranh cãi về bản chất của hoàng gia, cũng như vị trí của họ trong một xã hội hiện đại

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.