Cuba: Trang sử mới và trọng trách người kế nhiệm

Thứ Hai, 23/04/2018, 16:45
Với 603 phiếu – tương đương 99,86% số phiếu bầu, tối 19-4 (giờ Việt Nam), ông Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã được Quốc hội khóa 9 bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba nhiệm kỳ 5 năm tới, kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra.

Theo giới chuyên gia, ông Díaz-Canel được lựa chọn thay thế Chủ tịch Raul Castro xuất phát từ sự tin tưởng rằng, ông là một nhà Cộng sản kiên trung và cũng là người biết lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu thay đổi của giới trẻ Cuba.

Người sẵn sàng tiếp dân nhiều giờ liền tại nhà riêng

Sinh ngày 20-4-1960 tại thành phố Placetas, tỉnh Villa Clara, tân Chủ tịch Cuba là con trai của bà Aída Bermúdez – một giáo viên và ông Miguel Díaz-Canel, công nhân tại một nhà máy cơ khí ở Villa Clara. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư điện tại Đại học Trung ương Las Villas Marta Abreu (UCLV) năm 1982, ông bắt đầu sự nghiệp trong vai trò sĩ quan tại đơn vị quân sự 3875 thuộc Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba (FAR) trong 3 năm. Từ đầu tháng 4-1985, ông xuất ngũ và trở lại giảng dạy tại UCLV, nơi ông tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba (UJC).

Chủ tịch Raul Castro (phải) và người kế nhiệm Miguel Díaz-Canel Bermúdez.

Từ năm 1987 – 1989, ông hoàn thành các sứ mệnh quốc tế tại Nicaragua. Sau khi trở về nước, ông dần thăng tiến trong bộ máy lãnh đạo, trước tiên là Bí thư thứ nhất của UJC năm 1991 và tiếp theo là Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Villa Clara năm 1994.

Trong khoảng thời gian này, ông đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng nhằm thúc đẩy đời sống văn hóa trong địa bàn tỉnh. Năm 2003, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Holguín và có tên trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba theo đề nghị của Chủ tịch Raul Castro.

Tháng 5-2009, ông tiếp tục được Chủ tịch Cuba bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Đại học Cuba, nơi ông khởi xướng hàng loạt các cải cách mang tính cách mạng trong lĩnh vực giáo dục. Truyền thông Cuba có rất nhiều bài ca ngợi “cách tiếp cận cởi mở” của ông Diaz Canel trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, ông là một trong những quan chức cao cấp đầu tiên mang theo laptop dự các cuộc họp Chính phủ và luôn lên tiếng kêu gọi Chính phủ đầu tư thêm công nghệ cho các trường học ở Cuba. Tờ Granma – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba cũng thường xuyên đăng thông tin về việc ông Diaz Canel đến thăm các trường học trong cả nước. Ví dụ như, trong chuyến thăm một trường học ở Santiago de Cuba, nơi an táng lãnh tụ Cuba Fidel Castro, ông Diaz Canel đã kêu gọi giáo viên tại đây cần phải đảm bảo rằng, di sản của lãnh tụ Fidel Castro về giáo dục miễn phí sẽ vẫn được duy trì.

Tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba tuyên thệ nhậm chức.

Thành công trong lĩnh vực giáo dục giúp ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách đào tạo, khoa học, văn hóa và thể thao vào tháng 3-2012. Một năm sau đó, ngày 24-2-2013, ông được Chủ tịch Raul Castro bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước, thay thế ông José Ramón Machado Ventura, trở thành người đầu tiên chào đời sau Cách mạng Cuba (1953 - 1959) đảm nhiệm chức vụ này. Cùng thời điểm, ông là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, cơ quan lãnh đạo tối cao của quốc gia này.

Mặc dù đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, nhưng phần lớn người dân Cuba chỉ biết đến ông Díaz-Canel với tư cách là một diễn giả tài năng. Những thông tin về ông ít được công bố đến mức có cảm tưởng như ông “không tồn tại” trước công chúng. Tuy nhiên, điều này đã dần thay đổi trong năm 2018 khi ông Díaz-Canel bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trước các phương tiện truyền thông nhà nước Cuba. Phải đến tận tháng 3 vừa qua, người dân Cuba mới bắt đầu biết đến ông với tư cách một chính trị gia gần gũi với họ.

Bên cạnh đó, vị tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba vẫn không chịu chuyển đến ngôi nhà mới khang trang hơn mà Chính phủ cấp cho ông theo chế độ. Một người hàng xóm của ông là Roberto Suarez Tagle chia sẻ: “Ông ấy thậm chí còn chẳng muốn sửa ngôi nhà hiện tại để sống thoải mái hơn dù ông luôn giúp người dân giải quyết những vấn đề mà họ gặp phải”.

Ở mọi chức vụ, ông Díaz-Canel luôn chứng tỏ là một lãnh đạo trẻ điềm tĩnh, hiện đại và được lòng dân. Ông di chuyển bằng xe đạp khi xăng dầu khan hiếm và sẵn sàng tiếp dân nhiều giờ liền tại nhà riêng. Ông thích mặc quần bò và tự nhận là người hâm mộ ban nhạc Anh The Beatles.

Trong nhiều năm qua, có rất nhiều nhân vật có tiếng tăm tại Cuba được đồn đoán là sẽ thay thế Chủ tịch Raul Castro nhưng ông Díaz Canel vẫn được coi là ứng viên nặng ký nhất. Điều này được thể hiện ở việc ông được tin cậy giao cho việc tiếp đón hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới như Mexico, Tây Ban Nha, Đức, Ấn Độ, Pakistan, El Salvador, Nam Phi, Bồ Đào Nha, UAE và Vatican đến thăm Cuba. Ông cũng là người đứng đầu phái đoàn Chính phủ Cuba thăm chính thức Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Nicaragua, Ecuador, Angola, Bolivia cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các nước Mỹ Latin và Caribbean.

Trước khi trở thành nhà lãnh đạo mới của Cuba, những thông tin về tân Chủ tịch Miguel Díaz-Canel Bermudez ít được công bố. Cho tới năm 2017 và 2018 ông mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông nhà nước Cuba. Cảm nhận chung của người dân Cuba và nhiều chính khách trên thế giới, ông là một chính trị gia gần gũi. Nhiều chuyên gia nhận định, ông Miguel Díaz-Canel Bermudez được lựa chọn thay thế Chủ tịch Raul Castro xuất phát từ sự tin tưởng rằng, ông là một nhà Cộng sản kiên trung và cũng là người biết lắng nghe.

Nhận xét về ông, nhiều chính trị gia, nhà báo, những người từng học tập và công tác cùng ông cho biết, ông là chính trị gia có phong cách giản dị, tích cực và luôn kiên nhẫn trong công việc.

Trang sử mới và trọng trách của những người trẻ

Quan điểm chính trị của vị tân Chủ tịch Cuba được miêu tả là “cứng rắn”. Trong những lần hiếm hoi phát biểu trước công chúng, ông Díaz Canel đều khẳng định niềm tin mạnh mẽ của mình đối với tư tưởng - nền tảng cho cuộc cách mạng Cuba do Lãnh tụ Fidel Castro phát động. Ông cũng là người phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc. Trong bài phát biểu hồi tháng 10-2017, ông đã chỉ trích gay gắt việc Mỹ đòi Cuba “phải chuyển sang một hình thái chính quyền khác”.

“Không bao giờ được tin tưởng chủ nghĩa đế quốc, dù là một chút nào”, ông Diaz Canel dẫn lại tuyên bố của người anh hùng giải phóng các dân tộc Nam Mỹ Ernesto Che Guevara trong lễ tưởng niệm 50 năm ngày mất của một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất khu vực này.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Cuba khóa IX, tân Chủ tịch Cuba , ông Miguel Diaz-Canel Bermudez cam kết tiếp nối di sản cách mạng Cuba; làm tròn trọng trách mà nhân dân Cuba tin tưởng giao phó, tiếp tục cùng người dân Cuba trung thành với di sản của cố Tổng Tư lệnh Fidel Castro, nối tiếp tấm gương của lãnh đạo hiện nay của Đại tướng Raul Castro.

Tân Chủ tịch Cuba cũng đánh giá cao những thành tựu mà chính phủ của cựu Chủ tịch Raul Castro đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhấn mạnh Đại tướng Raul đã có nhiều công lao trong việc chèo lái Cách mạng Cuba trước bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn.

Đất nước Cuba ngày nay.

Lịch sử Cuba có thể sẽ sang một trang mới với những định hướng chính sách của Hội đồng Nhà nước mới, đặc biệt là của tân Chủ tịch. Điều này đang được sự quan tâm đặc biệt vì đó sẽ là định hướng sẽ dẫn dắt Cuba tiếp tục con đường cách mạng đã chọn. Trên thực tế, quá trình “chuyển giao quyền lực” tại Cuba đã diễn ra từ nhiều năm qua chứ không phải một sự kiện mang tính đường đột.

Bên cạnh truyền thống trân trọng đóng góp và kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo lịch sử, cũng đồng thời rất mạnh dạn trong việc khuyến khích và sử dụng cán bộ trẻ và thường làm điều này một cách có hệ thống. Minh chứng cho điều này là tuổi đời bình quân ở mức 49 của 605 đại biểu Quốc hội vừa được bầu ngày 11-3 vừa qua, hay việc có tới 9/17 thành viên thuộc Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Cuba hiện tại thuộc về “thế hệ lãnh đạo mới” sinh ra và lớn lên trong thời kỳ cách mạng; và đa phần trong số họ trước đó đã được thử thách trên nhiều cương vị lãnh đạo ở nhiều cấp độ khác nhau, hẳn là những người sẽ đóng vai trò nòng cốt trong ban lãnh đạo Nhà nước Cuba nhiệm kỳ tới.

Đợt thay đổi nhân sự này được xem là quy mô nhất, có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết cho việc giải quyết dứt điểm những vấn đề còn dang dở, như chính sự thừa nhận theo tinh thần tự phê bình thẳng thắn của các nhà lãnh đạo Cuba, liên quan tới các vấn đề “quốc kế dân sinh”. Có thể nói, con đường đã được vạch ra nhưng chắc chắn sẽ có nhiều chông gai và thử thách to lớn không kém những chặng đường mà cách mạng Cuba đã đi qua và nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước khóa tới sẽ là rất nặng nề.

Với diện tích, quy mô dân số và nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn, Cuba chưa bao giờ được xếp vào hàng các cường quốc kinh tế hay sức mạnh vật chất nói chung tại Mỹ Latin và Caribe, nhưng Cuba luôn như “ngọn hải đăng” của phong trào tiến bộ Mỹ Latin với những trái tim khát khao độc lập, tự chủ, tự do chân chính và những giá trị nhân văn. Có thể nói công trình kỳ vĩ nhất mà cách mạng Cuba xây dựng nên chính là “con người cách mạng mới”.

Chắc chắn rằng những thế hệ kế tiếp của Cuba, với trí tuệ được nhà cách mạng José Martí soi sáng, bản lĩnh được lãnh tụ Fidel Castro tôi luyện và nụ cười luôn trên môi, sẽ tự tin tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa mà mình đã lựa chọn.

Khổng Hà - Hoa Huyền
.
.