Cuba sửa đổi Hiến pháp: Công nhận kinh tế thị trường

Thứ Tư, 25/07/2018, 14:46
Ngày 22-7-2018, Quốc hội Cuba đã thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp, với nội dung chính là công nhận nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Sau 2 ngày làm việc, thảo luận với sự tham gia đóng góp ý kiến của hơn 100 đại biểu quốc hội trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ khóa IX, Quốc hội Cuba ngày 22-7 đã phê chuẩn Dự thảo hiến pháp mới với sự đồng thuận tuyệt đối. Ngay sau khi bản Dự thảo hiến pháp mới được phê chuẩn, Quốc hội Cuba đã công bố thông qua việc tiến hành tham vấn công chúng văn kiện này từ ngày 13-8 đến ngày 15-11-2018.

Tiếp theo đó, cơ quan lập pháp Cuba sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để tham khảo sự ủng hộ của người dân đối với những cải cách hiến pháp nói trên.

Bản Dự thảo hiến pháp mới, gồm 224 điều khoản, được soạn thảo bởi một ủy ban đứng đầu là Bí thư Thứ nhất đảng Cộng sản Cuba Raul Castro và tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. Theo chính quyền La Habana, việc sửa đổi hiến pháp này là cần thiết để tạo điều kiện cho việc mở cửa nền kinh tế Cuba cho đầu tư nước ngoài và cho tư nhân.

Sau 4 thập niên Cuba kiên quyết đi theo mô hình kinh tế tập trung, khi lên cầm quyền thay Chủ tịch Fidel năm 2008, ông Raul Castro bắt đầu tiến hành các cải tổ nhằm kích thích doanh nghiệp tư nhân. Theo các số liệu chính thức, hiện nay khu vực tư nhân ở Cuba sử dụng gần 600.000 người, tức là 13% dân số nước này.

Sau khi đình chỉ trong 1 năm việc cấp phép cho khoảng 30 loại hoạt động kinh tế tư nhân để rà soát lại các quy định, vừa qua, chính quyền La Habana đã cấp phép trở lại, nhưng tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân.

Theo nhật báo Granma, hiến pháp mới sẽ “công nhận vai trò của thị trường và các hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân”. Sự công nhận này sẽ cho phép hợp thức hóa các xí nghiệp vừa và nhỏ. Bản Dự thảo hiến pháp cũng nhìn nhận “tầm quan trọng của đầu tư ngoại quốc đối với sự phát triển của đất nước”. Thật ra thì hiện nay Cuba đã có cơ chế cho đầu tư nước ngoài nhưng là để bổ sung cho đầu tư của nhà nước, thông qua các liên doanh.

Tuy nhiên, dù công nhận thị trường và quyền tư hữu, bản Dự thảo hiến pháp sửa đổi vẫn tái khẳng định “bản chất xã hội chủ nghĩa” của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của Cuba, vai trò trung tâm của đảng Cộng sản Cuba, “lực lượng lãnh đạo tối cao xã hội và nhà nước”.

Tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phát biểu tại Quốc hội ngày 21-7.

Trước khi Quốc hội Cuba thông qua Dự thảo hiến pháp mới, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã tuyên bố là “ở Cuba sẽ không có việc chuyển hướng sang tư bản”. Về phần mình, Esteban Lazo, Chủ tịch Quốc hội Cuba, nói rằng sự thay đổi trên “không đồng nghĩa với việc chúng tôi từ bỏ lý tưởng của mình”.

Ông nói thêm rằng Cuba chỉ đơn giản đã bước vào một thời kỳ khác sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ. “Chúng tôi tin vào một đất nước bền vững, thịnh vượng, độc lập, tự chủ và mang tính xã hội chủ nghĩa”, ông Lazo nói thêm.

Bên cạnh những thay đổi về hệ thống kinh tế, hiến pháp mới của Cuba cũng có một số thay đổi về hệ thống chính trị, chẳng hạn bản dự thảo này công nhận Cuba là một “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, độc lập và có chủ quyền”, đồng thời khẳng định nhà nước “bảo đảm các quyền của con người, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tư tưởng”.

Một điểm đáng chú ý khác đó là hiến pháp mới sẽ lập ra chức vụ thủ tướng. Hiện chưa biết là vị thủ tướng này sẽ được chỉ định như thế nào nhưng theo giới chuyên gia luật quốc tế, mục tiêu của việc lập ra chức thủ tướng là nhằm giảm bớt trách nhiệm hành pháp và hành chính cho chủ tịch và như vậy có thể sẽ giúp cân bằng tập trung quyền lực.

Hiến pháp mới cũng quy định chủ tịch quốc hội lãnh đạo hội đồng Nhà nước, cơ quan quyền lực tối cao đến lúc này vẫn do chủ tịch nước điều hành. Người đứng đầu cơ quan này sẽ có nhiệm kỳ là 5 năm, có thể triển hạn 1 lần và không vượt quá 60 tuổi vào thời điểm nhậm chức.

Về mặt xã hội, hiến pháp mới thừa nhận hôn nhân đồng giới. Điều 68 không nói tới giới tính, khi định nghĩa hôn nhân là sự đồng thuận và tự nguyện chung sống giữa 2 người. Dự thảo hiến pháp mới của Cuba cũng mở rộng quyền con người, với các vấn đề như đảm bảo thủ tục tố tụng, “lệnh đình quyền giam giữ” (Habeas Corpus), giả định vô tội và tái hòa nhập xã hội của các tù nhân.

Phát biểu bế mạc phiên họp thường kỳ đầu tiên của Quốc hội Cuba khóa IX, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel phát biểu: "Sau khi bản hiến pháp được bỏ phiếu và thông qua, người dân Cuba sẽ đoàn kết hơn trong công cuộc bảo vệ cách mạng. Mọi người dân Cuba đều có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình dựa trên bản hiến pháp phản ánh thực trạng và tương lai của đất nước”.

Cũng trong bài phát biểu trên, ông Diaz-Canel kêu gọi người dân nước này chung tay đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm. Ông khẳng định tinh thần đoàn kết của người dân Cuba sẽ là "vũ khí" chính trong cuộc chiến chống tham nhũng ở đảo quốc này. Ban lãnh đạo Cuba xếp tham nhũng là mối đe dọa lớn đối với đất nước.

Đây là lần đầu tiên Cuba sửa đổi bản hiến pháp năm 1976, phản ánh sự thay đổi về kinh tế, xã hội và chính trị ở nước này. Từ khi lên nắm quyền thay Chủ tịch Fidel Castro năm 2008, ông Raul Castro đã tiến hành nhiều cải cách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tháng 4-2018, ông Raul Castro, 86 tuổi, đã trao quyền lãnh đạo cho ông Diaz-Canel, 58 tuổi, nhưng tiếp tục giữ vai trò Tổng Bí thư đảng Cộng sản cho tới năm 2021. Ông Castro cũng trực tiếp lãnh đạo Ủy ban Cải cách hiến pháp.

Nhân dịp này hãng AFP của Pháp liệt kê 9 thành quả của ông Raul trong 10 năm cầm quyền: Cải thiện quan hệ với Mỹ; cải cách chính sách du lịch và nhập cư, cho phép người dân được phép xuất ngoại trong vòng 2 năm mà không bị mất tài sản hay nhà ở nếu họ ra đi một cách hợp pháp; mở cửa cho lĩnh vực kinh tế tư nhân; cho phép cá nhân được mua và bán nhà ở, thị trường ô tô được tự do hóa; cho phép truy cập internet và lắp đặt nhiều điểm truy cập wifi công cộng trên toàn quốc; thay đổi luật để khuyến khích đầu tư nước ngoài; đàm phán lại được khối nợ nước ngoài với tất cả các chủ nợ, thanh toán tổng số tiền 23 tỉ đôla còn thiếu và gây dựng được độ tin cậy của nước này trên thị trường. Nhờ đó, Cuba có thể có được những khoản vay mới; thống nhất đồng tiền và cải cách ruộng đất.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.