Cuộc chạy đua nước rút của ông Trump

Thứ Hai, 21/09/2020, 10:45
Nhiều người cho rằng Tổng thống Trump đang có lợi thế trong cuộc đua. Thế nhưng, sống trong năm 2020 nhiều điều không thể ngờ tới, chưa có cơ sở chắc chắn nào khẳng định rõ hơn ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng.

“Bản đồ” tranh cử có nhiều thay đổi

Cuối tuần, Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu chiến dịch tranh cử tích cực tại Nevada, bang vốn không ủng hộ một ứng cử viên tổng thống nào của đảng Cộng hòa kể từ năm 2004.

Ông Trump lao vào "cuộc chiến" với chính quyền bang Nevada bằng cách tổ chức các sự kiện vận động tranh cử ở đó trong các ngày 19 và 20 tháng 9 sau khi kế hoạch ban đầu của ông tổ chức các cuộc mít-tinh ở Reno và Las Vegas bị các quan chức bang ngăn chặn với lý do việc này sẽ vi phạm các hướng dẫn về y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Năm 2016, ông Trump đã suýt để mất phiếu của bang Nevada và bang này có xu hướng nghiêng về ủng hộ đảng Dân chủ hơn trong thập niên qua.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã đầu tư rất nhiều vào bang này, tập trung vào chiến dịch vận động tại cơ sở để thu hút lá phiếu của cử tri. Ông Michael McDonald, Chủ tịch đảng Cộng hòa bang Nevada cho biết nhóm vận động tranh cử của ông Trump ở bang Nevada (Nevada Trump Victory) có hơn 50 nhân viên và đã tiếp xúc với hơn 2 triệu cử tri. Đảng Dân chủ đang lo lắng vì điều đó, họ biết Tổng thống Trump có động lực.

Theo công ty theo dõi quảng cáo Kantar/CMAG, cả hai ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump và ông Joe Biden đã chi khoảng 4,5 triệu USD ở bang Nevada và ước tính ông Trump cũng chi tới 5,5 triệu USD cho chiến dịch tranh cử ở bang này trong tương lai, so với 2,5 triệu USD của phía ông Biden.

Cuộc chạy đua gay cấn ở một số bang "chiến trường" đã dẫn đến một nỗ lực mới nhằm mở rộng bản đồ tranh cử của ông Trump. Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã thu hút sự chú ý vào 3 bang thuộc vùng Great Lakes, vốn đã suýt làm xoay chuyển tình thế hồi năm 2016.

Kết quả bầu cử Mỹ vẫn rất khó đoán định.

Kết quả các cuộc thăm dò ở các bang Bắc Carolina và Florida cũng cho thấy một cuộc chạy đua gay cấn và phe của Tổng thống Trump ngày càng lo ngại về bang Arizona. Từng được coi là khá an toàn trong “danh mục” của ông Trump, bang Arizona đã bị COVID-19 tàn phá và đội ngũ của đương kim tổng thống đã trở nên lo ngại về sự sụt giảm ủng hộ dành cho ông Trump trong tầng lớp người cao tuổi của bang này.

Ngày 14-9, ông Trump trở lại Arizona, nơi ông đã đến thăm nhiều lần kể từ khi ông tiếp tục đi vận động tranh cử trong bối cảnh đại dịch. Nếu Arizona chệch hướng, các quan chức chiến dịch tranh cử của ông Trump thừa nhận rằng điều đó sẽ làm phức tạp hơn con đường giành được 270 phiếu đại cử tri của ông. Nếu Trump thua ở bang Arizona thì chiến thắng ở bang Wisconsi, bang miền Trung Tây nước Mỹ mà ông Trump có nhiều khả năng giành chiến thắng nhất sẽ không đủ ngay cả khi ông thắng ở bang Florida và Bắc Carolina.

Điều này sẽ buộc ông phải giành chiến thắng ở những bang khác, do đó sẽ dẫn đến sự tập trung mới vào các bang Minnesota, New Hampshire và các quận mà đảng Cộng hòa đã bỏ qua ở hai bang Nebraska và Maine.

Nevada đã trở thành một tâm điểm đặc biệt trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, một phần vì Las Vegas là một địa điểm hấp dẫn để ông Trump gây quỹ. Ông đã lên lịch cho ít nhất một buổi gây quỹ lớn ở đó vào cuối tuần cũng như một buổi gây quỹ khác ở Washington trước khi ông bay sang phía Tây. Ông Trump đã thua bà Hillary Clinton chỉ 2 điểm phần trăm ở bang Nevada hồi năm 2016.

Trong 3 cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, người dân Nevada đều bầu người của đảng Dân chủ làm thống đốc bang, mặc dù Tổng thống George W. Bush (của đảng Cộng hòa) đã giành chiến thắng 2 lần. Hiện Thống đốc bang này là Harry Reid, cựu lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện.

Khó đoán định

Vẫn chưa có cơ sở chắc chắn nào khẳng định rõ hơn ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng. Các viện thăm dò còn lo ngại “sự ngạc nhiên của tháng 10”, có nghĩa là các sự kiện bất ngờ làm đảo lộn cuộc đua vào phút chót. Năm 2016, FBI đã mở cuộc điều tra bà Clinton chỉ 10 ngày trước thời điểm bầu cử. Năm 2020 này vốn đã rất nhiều sự kiện không ai ngờ được, điều gì sẽ còn xảy đến?

Thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ nói chung đã đạt được một số cải thiện, điều mà lịch sử cho thấy sẽ là tin tốt đối với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới - thước đo về nhu cầu lao động - trong tháng 7 đã tăng vọt lên 6,6 triệu, gần trở lại mức trước khủng hoảng. Lạm phát đã ổn định trong tháng trước, xóa tan lo ngại về việc giảm phát làm giảm tốc độ tăng trưởng. Dữ liệu về số lượt khách tới cửa hàng và nhà hàng tăng lên cũng cho thấy kinh tế Mỹ đang đi lên.

Steven Englander, Giám đốc điều hành tại Ngân hàng Standard Chartered, nói: “Nền kinh tế càng hoạt động tốt và càng có nhiều người hy vọng rằng nền kinh tế sẽ phục hồi, điều đó càng tốt cho ông Trump”.

Năm 2016, các dự đoán đã đúng khi dự báo về số phiếu của bà Hillary Clinton: hơn đối thủ gần 3 triệu phiếu. Tuy nhiên, không ai đoán được chiến thắng của ông Donald Trump, đắc cử nhờ số lượng đại cử tri. Kỳ này dự báo lại càng khó khăn hơn so với cách đây 4 năm.

Chuyên gia Scott Keeter của Trung tâm Nghiên cứu Pew cảnh báo: “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các phong trào xã hội chưa từng thấy và mối đe dọa can thiệp từ bên ngoài, cuộc bầu cử này là phức tạp nhất trong lịch sử. Có một khoảng cách rất lớn giữa những người có ý định đi bầu cử và những người thực sự đi bỏ phiếu”.

Vừa qua, Đảng Dân chủ đã nhóm họp để quyết định điều gì có thể xảy ra nếu ông Trump giành chiến thắng với tỷ lệ sít sao. Các phiên họp chiến lược bị rò rỉ cho thấy đảng Dân chủ không tin tưởng cử tri để bầu tổng thống. Đảng Dân chủ vẫn chưa thể tự tin song nếu không thể hiện rõ sự tự tin thì việc để thua Tổng thống Trump là điều dễ hiểu.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.