Cuộc chiến giữa báo The Sun và Thủ tướng Anh

Thứ Tư, 25/11/2009, 20:45
Sự kiện Thủ tướng Anh Gordon Brown viết sai tên của người lính trẻ chết trận tại Afghanistan và không cúi đầu trước bia mộ người đã mất chính là giọt nước làm tràn ly. Thủ tướng Anh đang bị truyền thông thân phe đối lập phản đối dữ dội mà dẫn đầu chính là The Sun - tờ báo từng ủng hộ đảng Lao động của ông trong vòng 12 năm trở lại đây.

Grenadier Guardsman Jamie Janes, 20 tuổi, chết trong một trận đánh bom ở Afghanistan hôm 5/10 vừa qua. Thủ tướng Anh, theo thông lệ, viết thư chia buồn gửi cho người mẹ - bà Jacqui Janes. Tuy nhiên, trong lá thư, ông lại phạm một lỗi lớn đó là viết sai tên người lính tử trận. Thay vì là Jamie, ông viết thành James. Kết hợp với tư thế mặc niệm thiếu nghiêm trang tại nghĩa trang Cenotaph, chính Thủ tướng Anh đã tự tay châm nên một đám lửa thiêu mình.

Tâm sự của bà mẹ mất con được nhiều người hưởng ứng. Họ đều đồng lòng chỉ trích ông Gordon Brown thiếu tôn trọng cần thiết đối với những người hy sinh vì tổ quốc. Để chữa lỗi cho bức thư, ông Brown điện thoại cho bà Jacqui Janes thanh minh lỗi trong lá thư là vì chữ viết "tháu" và "khó đọc" nhưng không được bà Jacqui Janes chấp nhận.

Ông nói: "Tôi gọi điện cho bà Jacqui Janes để xin lỗi về sự vô ý trong bức thư. Với các gia đình những người lính chết trận khác, tôi cũng xin lỗi vì chữ viết khó đọc của mình. Tôi tin rằng mọi người sẽ hiểu được chủ ý khi cầm bút của tôi".

Lá thư viết sai được gửi cho bà Jacqui Janes.

Cuộc điện đàm kéo dài 13 phút được ghi âm lại và chuyển đăng trên tờ The Sun cùng với lá thư tay của Thủ tướng Anh không chỉ thu hút những gia đình có con tham chiến tại IraqAfghanistan mà cả những thường dân.

Bà Jacqui phẫn nộ: "Ông Brown! Tôi biết từng nỗi đau đớn mà con tôi phải trải qua. Nó có thể sống sót trở về với gia đình nhưng vì đâu mà nó bị mất máu tới chết? Đó là vì thiếu trực thăng, thiếu những trang thiết bị cần thiết. Hãy tưởng tượng nếu nó là một trong những đứa con của ông, ông sẽ thấy thế nào?". Bà còn nói thêm: "Tôi gửi tất cả những bằng chứng này lên báo vì không muốn bất cứ một bà mẹ nào có con ra chiến trường phải nhận được lá thư giống tôi".

Cơn giận dữ này hoàn toàn dễ hiểu. Đối với người dân nước Anh thì những người lính chấp nhận xa nhà, lên đường bảo vệ Nữ hoàng và Tổ quốc xứng đáng được tôn trọng. Họ hy sinh xương máu nhưng đổi lại một cái cúi đầu tôn trọng cũng không được, thậm chí còn không được viết đúng tên. Tờ The Sun đứng về phía họ và tờ báo này đăng tải bài báo ngay ngoài trang bìa.

Điện thoại và thư tới tấp gửi về. Hầu hết đều bày tỏ rằng thái độ của Thủ tướng Anh đã khiến dân chúng tức giận. Ian Sadler, cha của Jack Sadler (chết trong vụ đánh bom trước cũng tại Afghanistan) cho biết: "Đại diện cho chính phủ, ông Brown nên làm một cử chỉ cúi đầu thành tâm. Đó là sự tôn trọng đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm nhưng ông Brown thì không".

Hành động của Thủ tướng Anh được đăng trên trang nhất của báo the Sun.

Peter Colden, 66 tuổi, một cựu chiến binh nói thẳng thừng: "Thật là khó coi". Mandelson, trợ lý của Thủ tướng Brown cho rằng: "Thủ tướng không hề có ý coi thường Jacqui Janes  hay bất cứ tang quyến nào".

Phát ngôn viên của Thủ tướng bác bỏ ý kiến cho rằng, ông Brown không dành đủ thời gian để viết thư: "Thủ tướng dành nhiều thời gian viết thư cho gia đình của những người lính chết trận.  Ông làm việc này không chỉ vì trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ mà còn vì một sự thôi thúc mạnh mẽ từ trong trái tim. Mỗi lá thư được viết ra chính là một sự xác nhận rằng Tổ quốc nhớ ơn những anh hùng đã ngã xuống. Ông sẽ không bao giờ cố ý viết sai như vậy. Sau sự việc này, Thủ tướng sẽ hết sức rút kinh nghiệm, không để mắc bất kỳ sai lầm nào trong các bức thư sau này".

Tuy vậy, sự việc không dừng ở đây. Nhân cơ hội này, ông Brown và Công đảng còn bị phán xét về những "tội danh" khác: Dối trá dân chúng, thất bại trong các chính sách chính trị lẫn kinh tế...

Từ khi Thủ tướng Tony Blair lên nắm quyền, tờ The Sun đã nhiệt tình ủng hộ các chương trình cải cách hứa hẹn một bộ máy cai trị trong sạch và quyết tâm. Nhưng ông Blair đã quyết định ủng hộ Mỹ đưa quân vào Iraq. Sự kiện này làm giảm uy tín của ông một cách trông thấy.

Người kế nhiệm - ông Gordon Brown cũng đang loay hoay với hậu quả của những chính sách cũ, cộng thêm sự tàn phá của “cơn bão” tài chính mà Anh nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng khả năng thuyết phục truyền thông và dân chúng của ông Brown lại hết sức khiêm tốn.

Ngay sau khi Thủ tướng Gordon Brown có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Công đảng, báo The Sun tuyên bố giã từ đảng này. The Sun liệt kê ra một loạt thất bại như nền kinh tế Anh, mà trước đây chính ông Brown tự nhận mình có công khi thị trường chứng khoán và bất động sản tăng vùn vụt, nay chỉ còn là cái bóng mờ nhạt; thanh thiếu niên Anh được liệt vào hàng hư hỏng nhất châu Âu; các cuộc tấn công bằng dao tăng nhanh; có những em bé bị lạm dụng tra tấn nhiều năm mà không được nhà chức trách phát hiện; có những kẻ phạm tội giết người nhưng vì chính quyền lơ là nên chúng "sổng lưới" pháp luật; một loạt nghị sĩ Anh tìm đủ mọi cách để móc túi dân càng nhiều càng tốt....

Tờ The Sun chốt lại: "Tham vọng chính của Công đảng không phải là cải thiện nước Anh. Trái lại là giữ quyền lực bằng mọi giá. Với họ không một sự dối trá nào bị coi là quá đáng''.

Khi mới lên cầm quyền, ông Brown đặt trọng tâm vào sự phát triển lành mạnh của các gia đình như nền tảng của một xã hội nhưng thực tế đã cho thấy mọi việc đã vượt quá tầm tay của ông. Bài báo như "Labour's Lost us" thể hiện sự thất vọng nghiêm trọng của The Sun vào bản thân ông Brown và Công đảng. Chính vì vậy, The Sun đã chính thức quay sang ủng hộ cho phe đối lập là đảng Bảo thủ.

George Pascoe-Watson, cây viết chính trị sắc bén của The Sun nói: "Tôi từng bầu cho Công đảng hồi năm 2005 với suy nghĩ đây là cơ hội cuối cùng cho đảng này nhưng giờ đây thì tôi biết chắc đã tới lúc bắt đầu một chính phủ mới. Ông Brown đã không thể thuyết phục chúng ta rằng ông ấy là lựa chọn đúng đắn của đất nước".

Đáp lại, ông Brown cũng tỏ ra gay gắt không kém: "Khi thức dậy mỗi sáng, tôi không ra khỏi giường chỉ để xem báo chí viết gì về mình mặc dù tôi biết rõ ràng mỗi chính khách đều rất cần sự trợ giúp từ báo chí. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử thì không phải báo chí mà là người dân mới là người đưa ra quyết định"

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.