Cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trên chính trường Italia và Tây Ban Nha

Thứ Hai, 26/05/2008, 16:30
Có nhiều điều để nói về bình đẳng giới trong cuộc chạy đua tổng tuyển cử mới đây của Italia. Trong số 21 bộ trưởng trong chính phủ cánh hữu của tân Thủ tướng Silvio Berlusconi có 4 phụ nữ, song họ chỉ nắm giữ những vai trò “nhẹ cân” mà thôi. Người ta nhận xét phần đông phụ nữ có chân trong chính phủ chẳng qua vì bề ngoài thu hút hơn là có khả năng làm chính trị.

Italia: Cuộc chiến cam

Tân Bộ trưởng xinh đẹp của Bộ Các cơ hội bình đẳng – Mara Carfagna, 32 tuổi – vốn là một nữ vũ công múa minh họa trong các mạng lưới truyền hình của Berlusconi. Bà cũng là người đứng thứ 6 trong cuộc thi hoa hậu Italia năm 1997. Giữ chức nghị sĩ từ năm 2006, Maria Carfagna cho biết thú vui chính của bà là... sưu tập bút!

Nữ Bộ trưởng Bộ Môi trường Stefania Prestagiacomo, 41 tuổi, nguyên là luật sư và điều phối viên trong đảng Forza Italia của Berlusconi ở Lombardy. Nhờ vóc dáng xinh đẹp mà Stefania Prestagiacomo nhận được danh hiệu “Hoa hậu Nghị viện” khi bà lần đầu tiên giữ chức nghị sĩ ở thành phố cảng Syracuse (Sicily) cách đây 14 năm. Bà cũng từng được một diễn viên nổi tiếng mô tả là “mỹ nhân trong đời sống chính trị Italia”.

"Bóng hồng" khác được ông Berlusconi chọn vào nội các là Giorgia Meloni, 31 tuổi. Giorgia Meloni từng là người tổ chức đảng Liên minh quốc gia ở vùng ngoại ô Rome. Maria Stell Gelmini, 34 tuổi, cũng là luật sư đến từ Lombardy, là nữ bộ trưởng mới của Bộ Giáo dục Italia. 

Phụ nữ Italia hiện nay vẫn còn phần nào bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, mặc dù mới đây luật về bình đẳng giới đã có ở nước này. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Italia, phụ nữ nước này làm việc trả lương thấp – như là nhân viên thư viện, nhà khảo cổ học hay nhà sử học.

So với Liên minh châu Âu (EU), Italia nằm ở nấc thang thấp nhất về việc làm cho phụ nữ (chỉ có 46%). Trước tình hình không mấy sáng sủa đó, bà Carfagna đã có kế hoạch đấu tranh để phụ nữ “cân bằng” với nam giới.

Tây Ban Nha trên mặt trận tiên phong

Sau khi chiến thắng nhiệm kỳ 2 trong tháng 3 năm nay, Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero có nhiều nữ bộ trưởng hơn nam giới trong nội các mới của mình. Và trong số đó có một phụ nữ 31 tuổi được coi là nữ bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Tây Ban Nha.

Vị trí quan trọng nhất dành cho phụ nữ Tây Ban Nha là Bộ trưởng Quốc phòng: bà Carme Chacon, đang mang thai 7 tháng. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng có thêm một bộ mới phụ trách về vấn đề bình đẳng giới của nước này.

Bản thân Thủ tướng Zapatero từng tuyên bố ông không chỉ là người chống quyền lực của nam giới mà còn là một chiến binh của phong trào nữ quyền trên đất nước của mình! Silvia Montero, nữ chuyên gia phân tích cho website Spaniards.com, nói: “Những biện pháp về chính sách xã hội khác nhau trong 4 năm gần đây đã mang lại một số thay đổi lớn lao cho hiện thực Tây Ban Nha và đặc biệt nhất là thân phận phụ nữ nước này".

Joaquin, nhà quản lý văn phòng ở Madrid, nói: “Tôi nghĩ việc các bộ trưởng là nữ giới hay nam giới đều không quan trọng. Vấn đề năng lực không tùy thuộc vào giới tính”. Tuy nhiên vẫn còn không ít sự nhạo báng, ví dụ như một nhà bình luận đã gọi nội các mới của Thủ tướng Zapatero là một “tiểu đoàn thợ may nữ”.

Italia và Tây Ban Nha – hai quốc gia vốn được người Bắc Âu đánh giá là có truyền thống giành quyền lực cho nam giới - hiện đang đi theo hai hướng rất khác nhau. Tuy vậy, phụ nữ Tây Ban Nha vẫn còn nhận lương ít hơn nam giới khoảng 30% và chỉ chiếm 5% vị trí trong ban lãnh đạo của các công ty lớn.

Để giúp đảo ngược tình trạng này, phụ nữ ở Tây Ban Nha được 16 tuần nghỉ sanh đẻ để tạo sự cân bằng giữa nghề nghiệp và nuôi con nhỏ. Trên chính trường, phụ nữ cũng không đứng ở đỉnh kim tự tháp: chỉ có 40% ứng cử viên trong các cuộc bầu cử là phụ nữ

Trần Thanh Phong (Theo BBC)
.
.