Cuộc điều tra của Mueller và nỗi ám ảnh nước Mỹ
- Quyền Bộ trưởng Tư pháp và cuộc điều tra của Mueller
- Mỹ: Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra quyết liệt Paul Manafort
Tuy nhiên, nhìn vào bản chất vụ việc mới thấy hóa ra điều nước Mỹ lo ngại không phải là một câu chuyện cụ thể nào cả mà nước Mỹ luôn tồn tại mối đe dọa can thiệp từ Nga.
Nước Nga đợi một lời xin lỗi
Sức ép đã tạm thời giải tỏa khiến Tổng thống Trump có thêm sự tự tin khi bước vào kỳ tái tranh cử. Tuy nhiên, thông tin trên dường như chưa phá được đám mây đen trong quan hệ Mỹ - Nga. Tầng tầng lớp lớp những nghi kỵ vẫn bao phủ quan hệ hai nước.
Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: Các phóng viên Mỹ, những người đưa ra những cáo buộc "vô căn cứ" về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nên xin lỗi các độc giả Nga và nước ngoài.
Phát biểu trong một chương trình truyền hình, bà Zakharova nêu rõ việc các phóng viên Mỹ có nên xin lỗi Tổng thống Donald Trump hay không là vấn đề của họ. Tuy nhiên, những nhóm phóng viên trên mặt trận thông tin chống Nga ở Mỹ, sẽ cần phải xin lỗi độc giả Mỹ, độc giả Nga và cả đất nước Nga.
Theo người phát ngôn này, truyền thông Mỹ cố gắng thuyết phục khán giả Mỹ tin vào mối quan hệ không tồn tại của ông Trump với Nga. Phía Nga sẽ chuyển những nội dung này cho các tổ chức quốc tế để phân tích thêm.
Ngay cả khi đã có kết luận Nga không liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì quan hệ Nga - Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên. Ảnh: Chicago Tribune. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhận định, rõ ràng bức thư được Bộ trưởng Tư pháp Mỹ công bố đã đánh dấu sự kết thúc cuộc điều tra kéo dài suốt 22 tháng của Công tố viên đặc biệt Muller - cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Và rằng, chính Nhà Trắng đã khẳng định kết luận của Bộ Tư pháp Mỹ sau khi đánh giá báo cáo của ông Mueller "là sự giải tội hoàn toàn cho Tổng thống Mỹ".
Trước khi đáp máy bay trở về Washington từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Tổng thống Donald Trump cũng đã chỉ trích cuộc điều tra của Công tố viên Mueller, cho rằng "sự sỉ nhục bất hợp pháp" nhằm vào ông đã thất bại.
Ngay sau khi có kết luận này, phía Nga cũng đã phát tín hiệu về việc khôi phục quan hệ với Mỹ. Người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tái khẳng định việc Nga không can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời tuyên bố Nga từ lâu vẫn chờ đợi Mỹ có bước đi đầu tiên nhằm khôi phục quan hệ song phương. Phát biểu với báo giới, ông Peskov tái khẳng định "lập trường dựa trên nguyên tắc của Nga liên quan vấn đề này luôn rõ ràng: đất nước chúng tôi không can thiệp công việc nội bộ của các nước khác, trong đó có Mỹ".
Ông Peskov cũng nhấn mạnh Nga chưa bao giờ khởi xướng gây thiệt hại cho quan hệ giữa hai nước bằng các hành động phiêu lưu và không lường trước, không bao giờ tìm cách hủy hoại quan hệ kinh tế thương mại bằng việc áp dụng các hạn chế bất hợp pháp. Trái lại, theo ông Peskov, Tổng thống Putin nhiều lần tuyên bố Nga muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ.
Đội điều tra của ông Mueller cũng khẳng định Nga có tìm cách tạo ưu thế cho ông Trump trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, kết luận mà họ đưa ra theo hướng ông không thông đồng với những nỗ lực này có thể giúp ông Trump dễ dàng tái định hình chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga và Tổng thống Putin mà không phải lo sợ về những hệ quả trong nước.
Phút nghỉ ngơi giữa “hai hiệp đấu”
Tờ New York Times bình luận, đây có lẽ là những ngày tốt đẹp nhất đối với ông Trump tính từ đầu nhiệm kỳ. Kết luận xóa tan mối đe dọa luận tội và giúp ông có được động lực mạnh mẽ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Vẫn còn đó những đám mây khác treo lửng và không ai ngoài Bộ Tư pháp Mỹ đã thực sự được đọc báo cáo của Công tố viên đặc biệt Mueller.
Tuy nhiên, cuộc điều tra kết thúc mà không cho thấy có sự thông đồng với Nga đã giúp củng cố thế đứng cho ông Trump trong các cuộc chiến sắp tới, kể cả chiến dịch tái tranh cử của ông. Trong khi những người chỉ trích vẫn có thể tranh cãi liệu ông Trump có cố tình cản trở công lý hay không, ông đã nhanh chóng tuyên bố mình được minh oan, còn các đồng minh đảng Cộng hòa của ông lớn tiếng chỉ trích các đồng nghiệp Dân chủ vì cái mà họ gọi là chiến dịch tàn nhẫn đơn đảng chống lại ông Trump.
Được tiếp thêm sinh lực, ông Trump giờ đây có thể tiến lên cùng nội các mà không sợ bị phân tâm bởi các lệnh khám xét, bắt giữ mới, những lời buộc tội đến từ đội điều tra của ông Mueller hay mối lo sợ vị công tố viên đặc biệt có thể buộc tội các thành viên trong gia đình Tổng thống Trump hoặc thậm chí có thể phát hiện ra những manh mối chứng minh chiến dịch tranh cử của Trump có câu kết với Chính phủ Nga để giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.
Công tố viên đặc biệt R.Mueller, người được cả nước Mỹ chú ý trong suốt thời gian điều tra. Ảnh: Wired. |
Những câu hỏi về can dự bầu cử của Điện Kremlin từng đeo bám ông Trump ở mọi nơi ông tới có thể sẽ sớm qua đi, ngay cả khi các nhà điều tra khác tiếp tục theo đuổi những cáo buộc khác.
Trong khi Tổng thống Trump tuyên bố kết quả điều tra của ông Mueller là “sự minh oan toàn diện và tuyệt đối” thì ông Mueller nói rằng chưa hẳn như vậy. Dù không kết luận ông Trump thông đồng với Nga nhưng ông Mueller không đưa ra nhận định ông Trump vô tội trong cáo buộc cản trở công lý. Thay vào đó, theo kết luận vắn tắt, ông Mueller đưa ra nhiều hành động của Tổng thống Trump có thể bị xem là cản trở công lý và vị công tố viên để các bên khác quyết định xem họ sẽ bổ sung nhận định thế nào.
Ông William Bar, Bộ trưởng Tư pháp mới được Tổng thống Trump bổ nhiệm, sau khi xem xét dự thảo bản ghi nhớ chung thể hiện nghi ngờ tổng thống có thể bị kết tội cản trở công lý vì thực thi quyền lực hợp hiến đã kết luận rằng ông Trump không phạm lỗi đó.
Cuộc chiến nội bộ
Nhìn rộng ra, cuộc điều tra của ông Mueller kết thúc cũng đặt đảng Dân chủ vào tình thế phòng thủ và buộc họ phải đưa ra kết luận làm cách nào để tiếp tục theo đuổi quyết liệt các cáo buộc về hành xử sai phạm của tổng thống và đồng minh, trong đó có nhiều người vẫn chưa lọt vào diện điều tra của ông Mueller, khi chức trách của công tố viên đặc biệt chỉ được giới hạn trong việc xem xét can thiệp của Nga vào bầu cử cũng như khả năng cản trở công lý từ tiến trình điều tra này.
Phe Dân chủ nhanh chóng tìm cách làm lạnh sự hoan hỉ của ông Trump và phe Cộng hòa, tuyên bố sẽ đưa bản báo cáo đầy đủ của ông Mueller ra trước Quốc hội. Tài liệu này vẫn là một bí mật. Sau nhiều năm thẩm tra mối quan hệ của ông Trump với Moscow, tâm điểm của đảng Dân chủ đang chuyển sang câu hỏi mà ông Mueller đã không thể giải đáp được: Đó là liệu ông Trump có cản trở cuộc điều tra bằng cách sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey và đưa ra tuyên bố sai lệch về cuộc gặp của con trai ông Trump với luật sư người Nga hay không?
"Việc bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller không giải tội cho tổng thống về cáo buộc cản trở tư pháp cho thấy tính chất nghiêm trọng của báo cáo này, đồng thời nhấn mạnh rằng tài liệu này cần được công khai mà không thể trì hoãn lâu hơn", Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer nêu rõ trong một tuyên bố chung.
Khi xem xét báo cáo của cuộc điều tra, phe Dân chủ sẽ tìm cách để có thêm nhiều chi tiết về các hành động của ông Trump. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler, nghị sĩ Dân chủ, tuyên bố: "Đặc quyền đặc lợi hành pháp không thể bị lợi dụng để che đậy sai trái".
Đối với ông Trump và giới cộng sự, tranh luận của họ sẽ đơn giản hơn rất nhiều: Phe Dân chủ đã tìm cách hạ bệ tổng thống và đã thất bại. "Quan trọng như một chiến thắng dành cho ông Trump, đây cũng là một thất bại cho đảng Dân chủ vốn thúc đẩy một kết luận ảo tưởng trong vòng 2 năm qua. Điều này đã chính thức kết thúc vào hôm nay", Jason Miller, cựu quan chức chiến dịch tranh cử của ông Trump bình luận.
Những rắc rối pháp lý của ông Trump còn lâu mới kết thúc. Các công tố viên liên bang ở Manhattan đang theo đuổi ít nhất 2 cuộc điều tra tội phạm liên quan Trump và những nhân vật trong quỹ đạo của ông. Tổng Chưởng lý New York Letitia James cũng đang điều tra liệu ông Trump có thổi phồng tài sản của mình khi tìm kiếm các khoản vay cho các dự án bất động sản và một nỗ lực mua câu lạc bộ bóng đá Mỹ Buffalo Bills bị thất bại hay không. Tuy nhiên, nhiều giờ sau khi các kết luận của ông Mueller được công bố, những cuộc điều tra nói trên dường như là một thế giới xa xôi với ông.
Cho dù đã có kết quả công bố nhưng nhiều chuyên gia vẫn e ngại sự can thiệp của nước ngoài vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: The New York Times. |
Theo hiến pháp, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có quyền quyết định liệu hành động của ông Trump có cấu thành “hành vi phạm tội” ở mức đủ để luận tội hay không và phe Dân chủ cũng có thể diễn giải bằng chứng mà ông Mueller đưa ra theo cách khác một khi họ được đọc toàn bộ kết luận. Giai đoạn tiếp theo sẽ là cuộc chiến mà Hạ viện của những người Dân chủ khởi động buộc Bộ trưởng Bar phải chuyển toàn bộ báo cáo điều tra của ông Mueller và các chứng cứ đi kèm - một cuộc chiến hiến pháp mà kết cục chỉ có thể được giải quyết tại tòa án.
Hiện nay, ông Trump thường xuyên công kích ông Mueller cùng với “13 nghị sĩ Dân chủ nổi loạn của ông” vì trò “săn phù thủy” mà họ theo đuổi sẽ sử dụng chính kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt để phủ nhận mọi cáo buộc khác. Không dễ để thuyết phục được những người chỉ trích ông vì điều đó nhưng ông Trump có thể củng cố được cứ địa chính trị hướng tới trận chiến tái tranh cử mà ở đó các vấn đề về đạo đức, pháp lý của ông sẽ là một chủ điểm thảo luận sôi nổi trong mọi giới.
Đánh giá về kết luận trên, các chuyên gia nhận định: Đã có "lửa", thậm chí rất nhiều, song rốt cục lại không có "khói". Việc Tổng thống không câu kết với người Nga là một tin tức rất tốt lành. Còn tin xấu là nền chính trị Mỹ đang trượt dần vào hố sâu của sự điên rồ và xung đột, điều đó sẽ khiến tranh cãi về việc ông Trump câu kết với Nga sẽ còn kéo dài.
Mối đe dọa hay căn bệnh "tự kỷ ám thị"
Những người ủng hộ Tổng thống Trump, như cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, nhanh chóng tìm cách đẩy lùi những ồn ào về sự việc này. Phát biểu trên kênh truyền hình ABC News, ông này nói: “Đó hoàn toàn chỉ là một cuộc tranh cử nội bộ. Tốt nhất là không nên nhắc đến Nga nữa”.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một vấn đề quan trọng bởi dù có hay không những bằng chứng chứng minh có mối liên hệ nào đó giữa người Mỹ và người Nga thì nhiều người Mỹ vẫn cho rằng nhân tố Nga luôn là mối đe dọa với Mỹ.
Có 2 nguyên nhân lý giải cho nhận định này. Trước hết, một số báo cáo của giới tình báo Mỹ hay của ông Mueller và cả bức thư trình Quốc hội của Bộ trưởng Tư pháp William Barr, đều chỉ ra rằng Nga rõ ràng đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Các quan chức Mỹ còn nói rằng Kremlin cũng đã tìm cách tác động tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kì 2018 và hoàn toàn có khả năng họ sẽ làm điều tương tự với cuộc bầu cử năm 2020 tới đây. Thứ hai, có một thực tế là Nga đã tìm cách tiếp cận đội ngũ tranh cử của ông Trump, dù ông và một số phụ tá có khước từ những nỗ lực này hay không. Nga hoàn toàn có thể tiếp cận sâu hơn tới một ứng cử viên tổng thống hay đội ngũ tranh cử tại Mỹ trong tương lai.
Như vậy, theo lý luận từ phía Mỹ, có nghĩa Nga vẫn là một vấn đề cực kỳ đáng để tâm và người ta không nhất định phải có một cáo buộc cụ thể thì mới nhìn nhận được thực tế này.
Câu chuyện của Tổng thống Trump sau khi tạm kết luận ở "màn một" mới vỡ ra một điều: Hóa ra điều nước Mỹ lo ngại không phải là một câu chuyện cụ thể nào cả mà nước Mỹ luôn e ngại Nga không cần cấu kết với bất kỳ đội ngũ tranh cử của ông Trump hay của ai khác thì mới trở thành mối đe dọa với các cuộc bầu cử Mỹ. Khi nào có bầu cử Mỹ, khi đó sẽ luôn tồn tại mối đe dọa can thiệp từ Nga.