Nội các Hàn Quốc từ chức:

"Cuộc khủng hoảng thịt bò Mỹ"

Thứ Năm, 19/06/2008, 10:00
Mặc dù Tổng thống Lee Myung-bak thừa nhận đã phải suy nghĩ rất nhiều sau khi chứng kiến cuộc biểu tình tối 10/6 vừa qua và cam kết chính phủ sẽ có "quyết tâm mới cùng sự khởi đầu mới", nhưng việc này vẫn chưa khiến phe đối lập và người biểu tình hài lòng bởi nhiều nguyên nhân. Được biết, vẫn có khoảng 200.000 người tiếp tục biểu tình tại thủ đô Seoul và một số thành phố khác trong ngày 11/6.

Con người vẫn là yếu tố quyết định

Việc Thủ tướng Han Seung-soo cùng toàn thể nội các từ chức nhằm chịu trách nhiệm trước người dân về việc nhập khẩu thịt bò Mỹ vô điều kiện và điều này sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Lee Myung-bak thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thủ tướng Han Seung-soo thừa nhận, chính phủ đã sai lầm trong việc không cung cấp thông tin cho người dân, nhất là đối với một chính sách có tính quan trọng.

Ngay sau khi biết tin về vụ từ chức tập thể của nội các do Thủ tướng Han Seung-soo đứng đầu, người phát ngôn Nhà Trắng chỉ tuyên bố “Quyết định từ chức của nội các Hàn Quốc là công việc nội bộ của Chính phủ Hàn Quốc”.

Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak đang đứng trước một thách thức vô cùng to lớn chỉ sau 107 ngày nhậm chức, nhất là sau vụ từ chức tập thể của nội các hôm 10/6. Việc mời bà Park Geun-hye làm người thay thế Thủ tướng Han Seung-soo được coi là hành động nhằm xoa dịu dư luận của Tổng thống Lee Myung-bak.

Dư luận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bà Park Geun-hye là người có khả năng sớm bình ổn được tình hình vì từng lãnh đạo đảng cầm quyền Đại Dân tộc.

Giới bình luận cho rằng, hiện ít người muốn nghe Tổng thống Lee Myung-bak nói và Park Geun-hye là nhân vật có thể đoàn kết nội bộ đảng cầm quyền đang bị chia rẽ, bè phái và là người được phe đối lập dễ chấp nhận.

Mặc dù sẽ phải thay đổi, nhưng Tổng thống Lee Myung-bak không thể lập nội các với 100% thành viên mới. Dự kiến, Tổng thống Lee Myung-bak sẽ thay thế những Bộ trưởng có liên quan đến thỏa thuận nhập khẩu thịt bò Mỹ như Ngoại trưởng Yu Myung-hwan, Bộ trưởng Nông nghiệp Chung Woon-chun, Bộ trưởng Tài chính Kang Man-soo...

Theo giới bình luận, lối thoát duy nhất hiện nay của Tổng thống Lee Myung-bak là thuận theo nguyện vọng của người dân thì mới có thể nhanh chóng bình ổn được tình hình. Nhưng Tổng thống Lee Myung-bak cảnh báo, việc cách chức toàn bộ nội các sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên chính trường, nhất là trong thời điểm kinh tế trong và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn.

Việc ký thỏa thuận nhập khẩu thịt bò Mỹ hôm 18/4/2008 là sai lầm nghiêm trọng của Tổng thống Lee Myung-bak. Sai lầm này có thể cứu vãn nếu Tổng thống Lee Myung-bak trao đổi trước với phe đối lập và làm tốt công tác tư tưởng cho người dân. Nhưng trong những sai lầm, quan trọng nhất lại là việc đề cử nhân sự vào nội các.

Cách đây mấy hôm, Tổng thống Lee Myung-bak từng thừa nhận, đã không quan tâm đúng mức tới tiêu chuẩn đạo đức khi lựa chọn nhân sự. Mặc dù Phủ Tổng thống đã có giải thích xung quanh lời thừa nhận kể trên của ông Lee Myung-bak, nhưng đây là lần đầu tiên Tổng thống thừa nhận đã phạm sai lầm trong việc bố trí thành viên nội các. Điều này cũng chứng tỏ, Tổng thống Lee Myung-bak sẽ có thay đổi lớn về nhân sự trong nội các mới, nhưng mọi việc sẽ chưa dừng lại ở đây.

Hàn Quốc đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và “cơn bạo bệnh” xuất phát từ thịt bò Mỹ có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường nếu người ta không nhanh chóng tìm ra giải pháp tối ưu. Vấn đề an toàn lương thực, thực phẩm, sức khỏe người dân và phát triển kinh tế đang là bài toán khó đối với Tổng thống Lee Myung-bak và tân nội các trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là những tác động không nhỏ khác như giá dầu, lương thực và các loại hàng hóa khác trên thế giới đang gia tăng với mức chóng mặt khiến chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng vượt mức dự kiến (5%), khiến niềm tin của người dân đối với chính phủ suy giảm đáng kể.

Đừng để quá mù ra mưa!

Giới phân tích nhận định, tiến triển của tình hình đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cả chính phủ lẫn phe đối lập và cả hai bên đều bị động.

Những cuộc biểu tình lẻ tẻ, riêng rẽ đã bùng phát ngay sau khi Tổng thống Lee Myung-bak kết thúc chuyến thăm Mỹ và đạt được thỏa thuận về nhập khẩu thịt bò hôm 18/4/2008. Nếu không bị ngăn cản thì việc nhập khẩu thịt bò Mỹ đã được tiến hành từ hôm 29/5/2008.

Theo thỏa thuận đã ký với Mỹ, kể từ ngày 29/5 Hàn Quốc sẽ nhập khẩu thịt bò không xương của những con bò dưới 30 tháng tuổi. Đây là một trong những nhượng bộ và nội dung chính được đề cập trong các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc với Mỹ về Thỏa thuận tự do thương mại giữa hai nước (Hiệp định mậu dịch tự do - FTA).

Với thỏa thuận FTA vừa ký, Mỹ và Hàn Quốc có thể thúc đẩy thương mại song phương lên 20 tỉ USD/năm, tạo thêm nhiều việc làm và nâng tầm quan hệ đồng minh chiến lược lên một bước. “Kinh tế trên hết” từng là khẩu hiệu giúp ông Lee Myung-bak thành công trong việc tranh cử, trở thành Tổng thống, nhưng nó cũng đang khiến ông vô cùng khó xử.

Nhiều người còn quan ngại, nếu những cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài với quy mô lớn sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Thậm chí những trở ngại đang diễn ra sẽ khiến ông Lee Myung-bak khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu xuyên suốt trong 5 năm tại nhiệm - tạo dựng một chính phủ phục vụ nhân dân, gây dựng một nền kinh tế thị trường năng động, tạo nên một nền giáo dục chất lượng cao, cùng một hệ thống chăm sóc phúc lợi tốt hơn và một quốc gia hội nhập nhiều hơn với thế giới.

Mặc dù Mỹ đã đưa ra nhiều đảm bảo, cam kết và Tổng thống Lee Myung-bak cũng đã cử nhiều đoàn đàm phán tiếp tục sang Mỹ thương đàm lại về những điều kiện nhập khẩu thịt bò, nhưng đa số người dân Hàn Quốc vẫn không chấp nhận. Hàn Quốc là nơi tiêu thụ thịt bò hàng đầu thế giới và không ai đảm bảo 100% thịt bò Mỹ trên 30 tháng tuổi sẽ không bị xuất sang nước này.

Đối với Mỹ, đây là thỏa thuận vô cùng quan trọng bởi nó sẽ là lực đẩy cho phép Mỹ cải thiện thương mại với Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời tái thiết lập thị trường thịt bò Mỹ tại châu Á, nơi từng nhập khoảng tới 55% lượng bò xuất khẩu của Mỹ trong năm 2003.

Chính vì thế, Mỹ đã cảnh báo sẽ không thông qua Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc chừng nào Seoul chưa mở cửa thị trường thịt bò và điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Mỹ, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp bán dẫn và xe hơi.

“Cuộc khủng hoảng thịt bò Mỹ” hiện nay ở Hàn Quốc đang khiến cho kế hoạch đầy tham vọng được biết tới dưới cái tên “Kế hoạch 747” mà Tổng thống Lee Myung-bak công bố tại lễ nhậm chức hôm 25/2. Đây cũng là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất mà Tổng thống Lee Myung-bak phải đối mặt kể từ khi lên nắm quyền hôm 25/2/2008.

Cảnh sát quốc gia đã được đặt trong tình trạng báo động cao vì những cuộc biểu tình đang đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh công cộng. Khoảng 37.000 cảnh sát chống bạo động, trong đó có 20.000 cảnh sát Seoul đã được huy động để đối phó với các cuộc biểu tình. Để duy trì ổn định và tránh những hậu quả đáng tiếc, lần đầu tiên cảnh sát phải dựng tới hơn 20 container ngay giữa thủ đô.

Cuộc khủng hoảng "thịt bò Mỹ" tại Hàn Quốc chưa biết còn kéo dài tới khi  nào nhưng hậu quả của nó để lại đã thấy rõ, nội các từ chức. Rõ ràng "bò chết vẫn chưa hết chuyện"

Nguyễn Diệu Hương Ly (Tổng hợp)
.
.