Cuốn sách cuối đời của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela gây tranh cãi

Thứ Hai, 07/08/2017, 14:00
Theo thông tin từ nhà xuất bản Mỹ Penguin Random House, cuốn sách “Mandelas Last Years” (tạm dịch: Những năm cuối đời của Mandela) của tác giả Vejay Ramlakan bị rút khỏi các kệ sách sau phản ứng giận dữ từ gia đình cố Tổng thống Nam Phi.

Cuốn sách của tác giả Vejay Ramlakan đồng thời là bác sĩ riêng của Nelson Mandela ra mắt độc giả ngày 18-7-2017 - trùng với ngày sinh của cố tổng thống và được gọi là “Ngày Mandela” để tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm. Người vợ góa Graca Machel của ông Mandela đã tỏ thái độ giận dữ đồng thời đe dọa khởi kiện tác giả ra tòa vì nội dung cuốn sách có một vài đoạn “thiếu sự tôn trọng cũng như không đúng sự thật” về sự tranh giành tài sản của cố tổng thống.

Nhằm tránh vướng vào bê bối, Nhà xuất bản Penguin quyết định thu hồi ngay lập tức cuốn sách “Mandelas Last Years” khỏi các kệ sách và cam kết sẽ không phát hành tiếp nữa. Nhưng nhà xuất bản cũng nói thêm rằng cuốn sách chỉ nhằm “mô tả sự can đảm và sức mạnh của Nelson Mandela cho đến tận những ngày cuối đời và hoàn toàn không có ý định bất kính”.

Cuốn sách nêu chi tiết về việc ông Mandela nôn ra máu do nhiễm trùng phổi, chiếc xe cấp cứu chở ông đến bệnh viện bị bốc cháy. Theo mô tả trong sách, bác sĩ Ramlakan đã đi theo cố Tổng thống Nam Phi từ nhà ông tại thành phố Johannesburg đến một bệnh viện chuyên về tim tại thủ đô Pretoria vào tháng 6-2013. Sau đó, “một luồng khói đen bao trùm chiếc xe cứu thương khi nó chạy chậm lại rồi dừng trên đường cao tốc”.

Cuốn sách gây tranh cãi.

“Tôi nhìn về phía trước và thấy chiếc xe dường như đang bốc lửa. Thật kinh khủng. Ông Madiba đang ở trên một chiếc xe cấp cứu bốc cháy” Madiba là tên gọi thân mật của ông Mandela. Hãng tin Reuters dẫn lời bác sĩ Ramlakan cho biết, ông Mandela không bị thương và được chuyển sang chiếc xe cấp cứu khác khoảng 30 phút sau đó rồi tiếp tục đến bệnh viện.

Những tiết lộ này khiến độc giả liên tưởng đến các báo cáo bị rò rỉ vào thời điểm đó, đề cập chi tiết việc việc ông Mandela đã phải tiếp nhận các phương pháp hỗ trợ chỉ để “duy trì sự sống” nhằm phục vụ các mục đích chính trị.

Trong một tiết lộ gây sốc khác, ông Ramlakan viết rằng một loại máy quay theo dõi đã được tìm thấy trong nhà xác - nơi đặt thi thể của ông Mandela. “Tôi cảm thấy đây là một chứng bệnh của những con người mất trí và đặc biệt tàn nhẫn khi họ bị sự tò mò lấn át” - bác sĩ Ramlakan nói.

Bà Graca Machel, người vợ thứ ba của Mandela.

Trước đó, vào năm 2011, có 3 máy quay theo dõi khác cũng được phát hiện tại nhà ông Mandela và nghĩa trang của gia đình tại làng Qunu. Bà Machel thì cảm thấy bị xúc phạm khi cuốn sách của bác sĩ Ramlakan viết rằng, chính người vợ thứ hai Winnie Madikizela-Mandela ở bên cạnh Mandela khi ông từ trần chứ không phải bà!

Sello Hatang, Giám đốc điều hành Quỹ Nelson Mandela (NMF), tán thành việc thu hồi cuốn sách đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng bà Machel có “làm việc riêng” với tổ chức khi Mandela hấp hối. Góa phụ Graca Machel cũng tuyên bố bà không hề nhận được đề nghị tư vấn từ bác sĩ Ramlakan khi viết cuốn sách hồi ký.

Trong khi đó, cựu bác sĩ quân y Ramlakan phát biểu với giới truyền thông trước khi cuốn sách bị thu hồi: “Chúng tôi đã nhận được sự cho phép từ gia đình. Các bên cần được tư vấn đều đã tư vấn”. Ramlakan cũng nhấn mạnh cuốn sách nhằm tỏ lòng tôn kính “sự kiên cường bất khuất” của Mandela.

Bác sĩ quân y Ramlakan.

Nkosi Zwelivelile Mandela, cháu nội của Mandela đồng thời là người phát ngôn cho gia đình, khẳng định gia đình “hoàn toàn ủng hộ” quyết định khởi kiện tác giả cuốn sách ra tòa của góa phụ Graca Machel đồng thời hoan nghênh việc thu hồi cuốn sách gây tranh cãi của Nhà xuất bản Penguin mà ông mô tả là “lạm dụng tên tuổi và di sản của Mandela”.

Nkosi Mandela cũng buộc tội Ramlakan xâm phạm bí mật đời tư của cố Tổng thống Nam Phi. Tuy nhiên, nhà xuất bản Mỹ không cho biết đã có bao nhiêu cuốn sách được bán trước khi có quyết định thu hồi. Riêng tác giả - bác sĩ Ramlakan Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình eNCA hôm 23-7 cho biết, ông đã được gia đình Mandela cho phép viết cuốn sách nhưng từ chối không nói cụ thể là ai.

Nelson Mandela qua đời ngày 5-12-2013 lúc 95 tuổi tại thành phố Johannesburg của Nam Phi sau 6 tháng chống chọi với căn bệnh nhiễm trùng hô hấp. Mandela là tổng thống da đen đầu tiên và lớn tuổi nhất của Nam Phi. Mandela chỉ phục vụ đất nước 1 nhiệm kỳ duy nhất và về hưu năm 1999. Tổng thống kế nhiệm Mandela là Thabo Mbeki.

Tháng 11-2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 18-7 (ngày sinh của Mandela) làm “Ngày Mandela” để ghi nhớ công lao đóng góp của ông cho nền tự do trên thế giới. Mandela nhận rất nhiều giải thưởng Nam Phi cũng như quốc tế, bao gồm Giải Nobel Hòa bình năm 1993. Mandela nổi tiếng với cuốn tự truyện “Long Way to Freedom” (xuất bản năm 1994) được viết trong tù.

An Di - Quang Học (tổng hợp)
.
.