Cựu Giám đốc CIA làm cố vấn chống IS cho Nhà Trắng

Thứ Hai, 23/03/2015, 15:25
Cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus đã bị tòa án buộc tội và chuẩn bị tuyên án do ông phạm tội tiết lộ thông tin bí mật quốc phòng cho người tình Paula Broadwell. Nhưng điều đó không thể ngăn cản Nhà Trắng tận dụng những kiến thức, kinh nghiệm của ông về các vấn đề liên quan đến Iraq và nhất là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo Newsweek, cựu Giám đốc CIA David Petraeus làm cố vấn cho Nhà Trắng nhưng không thuộc biên chế của Nhà Trắng, mà làm cố vấn gián tiếp thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia về Iraq và IS từ mùa hè năm 2014.

Petraeus năm nay 63 tuổi, là vị tướng nổi danh nhất trong các vị tướng Mỹ cùng thế hệ. Hơn 30 năm theo binh nghiệp, Petraeus đã thăng tiến từng cấp bậc, từ trung uý (năm 1974) cho đến Đại tướng vào năm 2007. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc chiến tại Iraq, từ thời Tổng thống George W. Bush cho đến Tổng thống Barack Obama.

Là người tham gia chiến trường Iraq ngay từ những ngày đầu, ông chỉ huy các đơn vị tác chiến, rồi sau đó là tổng chỉ huy các lực lượng chiến đấu bình định Iraq, chống lại các lực lượng nổi dậy của các nhóm phiến quân Sunni tàn dư của chế độ Saddam Hussein. Rồi từ Iraq ông được rút về Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM, năm 2008).

Khi ông Obama lên làm Tổng thống, Petraeus lại ra mặt trận, làm Tư lệnh các lực lượng Mỹ và liên quân tại Afghanistan (ISAF). Năm 2011, Petraeus rời khỏi quân ngũ để chuyển sang lĩnh vực dân sự. Tháng 10 cùng năm, Petraeus chính thức trở thành Giám đốc CIA. Tuy nhiên, nhiệm vụ tại CIA chẳng kéo dài được lâu.

David Petraeus và người tình Paula Broadwell.

Mùa hè năm 2012, FBI đã điều tra và biết được việc ông có mối quan hệ ngoài hôn nhân với một phụ nữ tên Paula Broadwell, người chủ biên quyển tiểu sử của ông nhan đề "The Education of General David Petraeus".

Tháng 11/2012, vụ việc được báo cáo lên Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và ngày 6/11, thông tin đến tai Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, cấp trên trực tiếp của Petraeus. Ngày 7/11, ông Clapper đã điện thoại và yêu cầu Petraeus nên từ chức để tránh gây phiền phức. Ngày hôm sau, Clapper báo cáo vụ việc cho Tổng thống Obama. Ông Obama ngay lập tức triệu tập Petraeus đến Nhà Trắng và tại đây ông đã trình đơn xin từ chức lên Tổng thống Barack Obama.

Sau khi vụ bê bối tình ái đổ bể và Petraeus bị buộc phải từ chức, các hoạt động và những bài viết của ông đăng trên báo chí bắt đầu được các chuyên gia về chính sách chống khủng bố của Mỹ soi xét kỹ lưỡng, và bắt đầu xuất hiện những lời nhận xét không hay về tác động của những bài viết đó đối với các chính sách chống khủng bố của Mỹ hiện tại và tương lai. Đương nhiên, sự soi mói đó đã khiến cơ quan chức năng Mỹ tập trung chú ý vào mối quan hệ của ông Petraeus với người tình Paula Broadwell, và dẫn đến việc FBI tiến hành cuộc điều tra về mối quan hệ này.

Tháng 1/2015, sau một thời gian dài điều tra, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị truy tố ông Petraeus về tội phản bội Tổ quốc do đã chuyển các thông tin bí mật quốc phòng cho người tình Broadwell. Ông Petraeus không chấp nhận cáo buộc này. Ngày 3/3 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo ông Petraeus đã đồng ý nhận tội tại một phiên tòa xét xử ở Charlotte, bang North Carolina, tội danh tự ý di chuyển và lưu giữ thông tin bí mật quốc gia khi chưa được phép. Phiên tòa tuyên án ông dự kiến sẽ được mở vào tháng 4/2015.

Trước khi bị buộc tội, ông Petraeus đã làm cố vấn cho Nhà Trắng về các vấn đề liên quan đến Iraq và cuộc chiến chống IS. Dư luận đang đặt vấn đề là liệu Nhà Trắng có tiếp tục sử dụng những lời tư vấn của ông Petraeus hay không sau phiên tòa ngày 3/3. Có vẻ như Nhà Trắng đang làm mọi cách để ông không phải đi tù và vẫn có thể tiếp tục công việc cố vấn của mình. Các luật sư của ông đã gửi một bức thư khuyến nghị đề ngày 6/3 đến Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder trong đó đưa ra đề nghị cho ông Petraeus ký thỏa thuận nhận tội để đổi lại việc ông khỏi phải chịu án tù.

Một phiên tòa để dàn xếp việc thỏa thuận nhận tội này dự kiến sẽ được mở vào ngày 27/4 tới. Dư luận quan tâm vụ việc đang đánh giá việc xử lý ông Petraeus theo chiều hướng có lợi cho ông Petraeus và chính quyền Mỹ. Người ta chỉ ra một số chi tiết trong quá trình điều tra và buộc tội ông Petraeus để có thể làm giảm nhẹ tội.

Chẳng hạn, Bộ Tư pháp Mỹ đã không chọn phương án khởi tố hình sự ông Petraeus, vì bước đi này đòi hỏi một hồ sơ tội phạm do FBI cung cấp, trong đó chứa đựng những thông tin vô cùng nhạy cảm, chẳng hạn như các chi tiết về quyển "sổ đen" mà ông Petraeus đã từng vô tình nhắc đến trong một lần thẩm vấn bởi FBI. Thứ hai là, FBI không ghi hình lại các cuộc thẩm vấn ông Petraeus.

Dư luận Mỹ không đồng tình cách xử lý của chính quyền Mỹ đối với trường hợp của ông Petraeus, bởi vì nó đặt ra "tiêu chuẩn kép" cho tội phạm tiết lộ bí mật quốc gia. Cũng phạm tội tương tự, nhưng Chelsea Manning thì lãnh án 35 năm tù, còn John Kiriakou, một cựu sĩ quan CIA, lĩnh án 2 năm tù, còn Petraeus thì đang được "chạy" tối đa để tránh án tù. Nói như một cựu điệp viên NSA, đối với một người cao cấp và giàu kinh nghiệm như ông Petraeus, việc được hưởng những ưu ái khi phạm tội tiết lộ an ninh quốc gia là điều khó tránh khỏi.

An Châu (tổng hợp)
.
.