Cựu Thủ tướng Anh Cameron gây sốt trên mạng và báo chí

Thứ Ba, 06/09/2016, 11:20
Nhiều cựu thủ tướng Anh vẫn tạo được cảm giác quyền lực ngay cả khi họ đã rời nhiệm sở. Báo chí cho rằng, "bà đầm thép" Margaret Thatcher vẫn toát ra vẻ uy quyền như khi bà đang làm thủ tướng. Ngay cả một người ít được đánh giá cao như ông Tony Blair vẫn cho người đối diện ít nhiều cảm giác là ông có quyền hành.

Nhưng ông David Cameron, người mới rời ngôi nhà đầy quyền lực số 10 Downing cuối tháng 7 thì không như vậy. Ông trở thành dân thường mà không cảm thấy hụt hẫng quyền lực từ ngay hôm chuyển nhà: ông cùng vợ con bê đồ đạc ra xe như nhân viên bình thường. Những phẩm chất lãnh đạo  mà ông từng sở hữu dường như đã tan biến khi ông rời văn phòng thủ tướng.

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron chân trần ngồi ăn khi đang đi nghỉ ở Cornwall.

Vài tháng trước, David Cameron vẫn còn là người đàn ông quyền lực nhất nước Anh, với một lực lượng hùng hậu các phụ tá cũng như phóng viên và nhân viên quay phim luôn đói khát tin tức. Thế nhưng hôm 27-8, báo chí bắt gặp David Cameron chỉ là một người đàn ông 49 tuổi... đi chân trần, ngồi gần một bãi đậu xe, ăn món cá rán và khoai tây bình dân, với cái nhìn vô định vào khoảng không trước mặt.

Bức ảnh mới nhất về cựu thủ tướng Anh đã được một người đi ngang qua chụp lại và đưa lên mạng đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Đây cũng là nội dung trong bài viết của Tom Utley đăng tải trên Daily Mail.

Trong ảnh, ông Cameron dường như đã cùng ăn cá và khoai với vợ của mình, dù khuôn mặt người phụ nữ ngồi cạnh ông bị che khuất. Cách họ không xa là ba người lạ mặt. Đây không phải lần đầu tiên ông Cameron thể hiện sự bình dân của mình. Khi đương chức ông cũng vậy, cuối tuần mặc quần lửng, bế con đi ăn nhậu với bạn tại quán bar, ăn bánh mỳ kẹp xúc xích với ông Obama khi xem bóng rổ…

Bức ảnh trên có phải là minh chứng sống động về những thay đổi bất ngờ sau cuộc trưng cầu dân ý (Brexit) tại Anh mùa hè vừa qua, cũng như sự tàn nhẫn của hệ thống chính trị hay không? E là ông Cameron đã nhận được những gì... sau chiến dịch đầy ngạo mạn mà ông đã chắc mẩm phần thắng, trước khi kết quả trưng cầu ý dân bất ngờ phản lại ông.

Theo Daily Mail, một khía cạnh rất lành mạnh của nền dân chủ ở Anh là không ai quá quan tâm đến những cựu lãnh đạo khi họ hết quyền hành. Đó là một lời nhắc nhở tới những người kế nhiệm, rằng cử tri có thể cho họ và cũng có thể lấy đi của họ tất cả.

Hẳn không ai có thể tưởng tượng ra cảnh một cựu Tổng thống Mỹ ngồi ngoài đường vài tuần sau khi rời nhiệm sở, giữa những người xa lạ và không ai để tâm đến. Và khác với những người đồng nhiệm ở Mỹ, các cựu thủ tướng Anh còn không được giữ chức danh kèm với tên họ một khi đã phải rời phòng làm việc.

Khi nhìn vào bức ảnh trên, báo chí không thể nói là ngạc nhiên. Thay vào đó, nó khiến mọi người nghĩ rằng, thực sự có một thứ gọi là bầu không khí quyền lực mà ông Cameron đã để lại phố Downing khi phải dọn đồ ra khỏi đó.

Đương nhiên, suy diễn quá nhiều thứ từ một bức ảnh có thể là một hành động ngớ ngẩn. Nhưng dường như ông Cameron trông nhỏ bé hơn nhiều so với hình ảnh trước đây của mình. Mọi người có cảm giác đó không phải vì ông đang đi chân trần hay mặc quần soóc và áo kéo khóa. Sự khác biệt là vì từ khoảnh khắc bước vào nhà số 10 phố Downing, ông đã trông giống như một Thủ tướng.

Có gì đó trong cách xử sự và vẻ ngoài của ông Cameron nói lên rằng, ông là một nhà lãnh đạo, đã quen với việc được lắng nghe và làm theo ý mình. Ở mặt này, ông đã khác với một số người tiền nhiệm, những người luôn tỏ ra và nói chuyện như thể họ bị chọn nhầm để làm Thủ tướng. Mặc dù tỏ ra thờ ơ khi tuyên bố sẽ từ chức, nhưng nhiều người cho rằng, ông Cameron sẽ rất nhớ công việc của mình - và mọi lợi ích ông có được từ nó - nhiều hơn là lòng kiêu hãnh cho phép ông thừa nhận.

Ngày 23-6, ông Cameron đã được bầu lại làm Thủ tướng với đa số tán thành và không có đối thủ nào đủ sức cạnh tranh. Trong khi đang tràn trề hy vọng lưu mãi cái tên Cameron vào lịch sử, ngay ngày hôm sau, ông đã mất tất cả - trừ một bộ đôi cảnh sát bảo vệ để nhắc ông nhớ rằng, mình từng nắm giữ quyền lực ở nước Anh...

Các chính trị gia có thể nói rằng, họ mong có một ngày mình sẽ thoát khỏi sự soi mói của giới truyền thông và được dành nhiều thời gian cho gia đình của họ. Nhưng đừng vội tin...

Ông Cameron có thể làm gì lúc này? Ông mong muốn làm việc trong khối Thịnh vượng chung để mọi người thấy rằng, khi rao giảng về Xã hội Lớn, ông thực sự muốn làm những gì mình nói. Một ngày nào đó, ông cũng có thể làm việc cho chính phủ, để tránh tài năng của mình bị lãng phí.

Có một điều nữa mà giới truyền thông tin là thế hệ sau sẽ nhớ tới ông Cameron. Di sản thực sự và lâu dài mà ông để lại chính là: ông là người đã kêu gọi cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh ở lại châu Âu và giúp xứ sương mù thoát khỏi cảnh trở thành một quốc gia nhiều ảnh hưởng sắp đi vào ngõ cụt. Một ngày nào đó, ông ấy sẽ nhận ra, dù chỉ tình cờ, là mình đã làm một điều tốt cho đất nước. Tuy nhiên, nước Anh hậu Brexit vẫn còn nhiều xáo trộn sau những thập kỷ nằm trong Liên minh châu Âu (EU).

Văn Nguyễn-L.T. (tổng hợp)
.
.