Cựu Thủ tướng Đức G.Schoroeder ra mắt hồi ký

Thứ Sáu, 10/11/2006, 08:00

Chưa đầy một năm sau khi rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng nước Đức, ông Gerhard Schroeder lại gây được sự chú ý của công chúng bằng cuốn hồi ký mới đang gây ra những ý kiến mâu thuẫn trái ngược nhau.

Trong cuốn hồi ký nhan đề “Decisions - My Life in Politics” (Những quyết định – Đời sống chính trị của tôi) được hợp tác viết cùng với cựu phát ngôn viên Uwe-Karsten Heye của mình, ông Schroeder đã tập trung viết về thời kỳ 7 năm làm thủ tướng  - thực chất là một giai đoạn đầy ắp những sự kiện nổi bật như việc Đức đã quyết định gửi quân ra nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, cũng như việc ông đã “phá vỡ” quan hệ đồng minh lâu dài với nước Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc chiến tại Iraq.

Điều khác biệt duy nhất của lần này là G.Schroeder “tái xuất” với tư cách tác giả để giới thiệu cuốn hồi ký mới của mình. Việc bắt tay vào viết cuốn hồi ký, theo như ông Schroeder đã giúp cho ông phục hồi được đáng kể sự bình an sau thất bại trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái.

“Những tháng đầu tiên quả là không dễ dàng gì – ông Schroeder thừa nhận với các phóng viên – Tôi nhận thấy mình cần phải làm quen với tình cảnh mới và tìm ra việc gì đó để bản thân có thể bận rộn. Cuối cùng, tôi đã có được một cảm giác yên ổn”.

Trong cuốn sách, ông Schroeder về cơ bản đã có những nhận xét “không hợp lòng” đối với các đồng minh cũ là Tổng thống W.Bush và Thủ tướng T.Blair. Cụ thể là ông Schroeder đã chỉ trích ông Bush về cuộc chiến Iraq, cũng như phê phán các quyết định chính trị của Tổng thống Mỹ nhiều khi lại dựa vào các quan điểm tôn giáo của bản thân. Còn Thủ tướng T.Blair lại được cho là có chính sách quá thân với Mỹ, đồng thời bị “buộc tội” đã tìm mọi cách phong tỏa ngân sách của EU.

Ông Schroeder cũng đã bày tỏ vài sự tiếc nuối về chính sách đối ngoại của mình, trong đó có một số lời phê phán “không cần thiết” đối với đồng minh Washington, hay chuyện được coi là quá thân cận với Bắc Kinh và Moskva. Schroeder cho biết, mình đã khóc khi xem trên truyền hình cảnh những nạn nhân đang nhảy xuống một cách vô vọng từ các tòa tháp đang bốc cháy của WTC vào ngày 11/9/2001.

Nhưng sau khi ủng hộ việc Mỹ tấn công Afghanistan, ông Schroeder đã kể về trạng thái không thoải mái của mình đối với Tổng thống Bush khi cuộc chiến Iraq đang tới gần. Theo ông, Tổng thống Mỹ sai lầm khi có xu hướng để cho các chính sách đối ngoại của mình bị ảnh hưởng bởi những tín ngưỡng tôn giáo của chính ông ta.

Trong số một vài người thoát khỏi “cơn phẫn nộ” của G.Schroeder trong cuốn sách dày 544 trang này, đáng chú ý có Tổng thống Nga V.Putin, người được khen ngợi về mọi khía cạnh từ sự sắc bén và thông minh về chính trị, cho tới khả năng sử dụng tiếng Đức và cả sự sung sức đến tuyệt vời.

Ông mô tả Tổng thống Putin là vị nguyên thủ gây ấn tượng đặc biệt: “Khi tôi gặp Putin lần đầu tiên, cái mà tôi nhận thấy ngay không chỉ khả năng hiểu biết nhanh nhẹn của ông ấy mà cả một sự sung sức đến khác thường. Để có thể lãnh đạo một đất nước rộng lớn như vậy, sự sung sức và tính kỷ luật tự giác là điều đặc biệt cần thiết”.

Trong cuốn hồi ký, ông Schroeder đã tìm cách biện hộ trước những lời phê phán gay gắt về việc đã nhận chức Chủ tịch Tập đoàn đường ống dẫn khí gas Nga-Đức chỉ chưa đầy một tháng sau khi từ chức Thủ tướng Đức. Nhìn chung, nội dung trong cuốn sách chủ yếu được xác định là những lời tự sự cũng như biện hộ ông. Schroeder khước từ thừa nhận rằng, quyết định kêu gọi bầu cử sớm vào năm ngoái của ông là một sai lầm, mà ngược lại đã đổ lỗi cho các thành viên phe cánh tả tại SPD đã không ủng hộ cho mình.

“Ở cương vị của mình - quyết định trên là một điều cần thiết về mặt chính trị” - ông Schroeder thanh minh.

Trước mắt, cuốn hồi ký của G.Schroeder đang thu hút được sự chú ý và quan tâm của độc giả nước Đức. Thậm chí các nhà quan sát còn cho rằng, nó rất có thể sẽ trở thành một hiện tượng bestseller trong lĩnh vực xuất bản của Đức trong năm nay

Đ.L. (Tổng hợp)
.
.