Cựu Tổng thống Argentina Cristina bị buộc tội tham nhũng

Thứ Ba, 03/01/2017, 15:45
Cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, người cùng người chồng quá cố là cựu Tổng thống Nestor Kirchner từng được mệnh danh cặp uyên ương quyền lực nhất trong lịch sử Argentina, vừa bị tòa án nước này tuyên buộc tội tham nhũng. Đây là lần thứ hai bà Cristina bị buộc tội kể từ khi rời khỏi ghế tổng thống.

Theo thông tin báo chí, ngày 27-12-2016, cựu Tổng thống Cristina Kirchner bị buộc tội gian lận và tham nhũng liên quan đến các dự án công trình công cộng lớn. Bà Cristina Kirchner bị cáo buộc có liên quan đến một kế hoạch lại quả trong việc xây dựng khách sạn và doanh nghiệp bất động sản của bà, trong đó có sự cấu kết với doanh nhân ngành xây dựng Lázaro Báez để thực hiện chương trình đưa tiền lại quả.

Hồi tháng 4-2016, bà Cristina cũng đã một lần bị cáo buộc với hành vi thao túng Ngân hàng Trung ương Argentina nhằm làm cho đồng peso mạnh lên. Bà cũng đang bị điều tra do có liên quan trong một số vụ việc khác, trong đó có nhiều vụ dính đến doanh nhân Báez.

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi còn đương nhiệm, bà Cristina Kirchner đã từng là mục tiêu tấn công chính trị thông qua vụ án tham nhũng. Bà cáo buộc chính quyền Mỹ và các đồng minh, tay sai thực hiện một chiến dịch bẩn thỉu nhằm hạ uy tín các lãnh đạo thiên tả ở Mỹ Latinh, trong đó có bà và cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez Kirchner.

Cùng bị buộc tội với bà Cristina Kirchner có một số cựu quan chức cao cấp dưới thời bà làm tổng thống. Đó là cựu Bộ trưởng Kế hoạch Julio De Vido và cựu Bộ trưởng Công chánh Jose Lopez. Hồi tháng 6-2016, ông Lopez bị bắt quả tang tại một tu viện ở ngoại ô Buenos Aires khi đang mang theo mình số tiền mặt trị giá 9 triệu USD và một túi chứa đầy đồng hồ đeo tay đắt tiền hiệu Rolex và Omega.

Jose Lopez bị bắt khi đang ném những chiếc túi nhét hàng triệu đôla qua những bức tường của tu viện. Tay cầm súng, ông Lopez bắt đầu ném tiền vào bên trong tu viện Đức Mẹ Fatima khi những nữ tu già chậm mở cửa vào sáng sớm ngày 14-6, theo một người hàng xóm chứng kiến chuyện xảy ra và gọi 911.

Một đoạn video an ninh cho thấy những nữ tu này cuối cùng chào đón ông Lopez và nhận tiền trong khi không chú ý mấy tới khẩu súng trường tự động mà ông ta đặt cạnh cửa tu viện. Hiện các công tố viên đang tiếp tục điều tra để củng cố hồ sơ vụ án đối với ông Lopez.

Cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Ricardo Jaime cũng đã bị buộc tội nhận hối lộ vào năm 2015, còn Bộ trưởng Năng lượng Juan Jose Aranguren cũng đang bị kiểm tra, xem xét tư cách đạo đức nhưng chưa có kết luận buộc tội vì sở hữu không rõ nguyên nhân 1 triệu USD giá trị cổ phần trong Tập đoàn Dầu khí Royal Dutch Shell, nơi ông từng làm giám đốc một thời gian trước đây. Một vị phó tổng thống cũng đang bị điều tra vì liên quan đến các hành vi nhận hối lộ, lại quả.

Theo hồ sơ cáo trạng, các cựu quan chức bị cáo buộc tham gia vào một hiệp hội bất hợp pháp hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 5-2003 đến tháng 12-2015. Hiệp hội này là một dạng “hội kín”, được thành lập để thực hiện các hành vi phạm tội như rút ruột ngân sách thực hiện các công trình đường sá.

Cáo buộc được đưa ra dựa trên các sai phạm tại 52 dự án xây dựng đường giao thông tại tỉnh Santa Cruz, miền nam Argentina, nơi ông Nestor Kirchner từng làm tỉnh trưởng trước khi trở thành tổng thống. Theo thẩm phán Julían Ercolini, công ty của Báez vốn chỉ được thành lập ngay trước khi ông Kirchner lên làm tổng thống, đã được trao cho những hợp đồng béo bở trị giá 2,97 tỉ USD, trong đó giá đã được nâng vượt mức giá thực tế 15%.

Cựu Tổng thống Cristina Kirchner đã bác bỏ các cáo buộc, cho rằng bà không làm gì sai trái và cho rằng những cáo buộc đó chẳng qua là hành động “khủng bố chính trị” của đương kim Tổng thống Mauricio Macri nhắm vào bà.

Bên cạnh các chính khách bị buộc tội còn có doanh nhân Lázaro Báez, người có mối quan hệ lâu năm với ông bà Cristina và Nestor Kirchner. Một trong những công ty của doanh nhân này là Austral Construcciones bị cáo buộc là đã trục lợi từ tham nhũng. Báez bị bắt giam vào tháng 4-2016 với các cáo buộc đưa hối lộ và rút ruột ngân sách các dự án công cộng mà các công ty của ông ta trúng thầu thực hiện thi công.

Cựu Bộ trưởng Công chánh Jose Lopez bị cảnh sát bắt giữ hồi tháng 6-2016.

Ngoài ra, Báez còn bị cáo buộc tội lợi dụng các mối quan hệ với các quan chức chính trị cao cấp để trục lợi bất chính, chi tiêu sai mục đích tiền ngân sách các công trình công cộng được giao thi công.

Bà Fernandez, người đứng đầu phe cánh tả của đảng theo chủ nghĩa Peron, lúc đầu được hàng triệu người Argentina tôn vinh vì những chương trình phúc lợi hào phóng của bà. Phía đối nghịch thì bà luôn hứng chịu thái độ căm ghét, họ cáo buộc bà phá hoại nền kinh tế Argentina, lớn thứ ba ở châu Mỹ Latinh, với những khoản chi tiêu nhà nước hoang phí và những biện pháp kiểm soát nặng tay đối với thương mại và tiền tệ.

Như vào tháng 4 năm nay, thẩm phán liên bang Claudio Bonadio đã triệu tập cựu Tổng thống Cristina Fernandez đến tòa để lấy lời khai liên quan tới vụ bán tiền USD của Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 12-2015.

Theo thẩm phán Claudio Bonadio, tại thời điểm bà Cristina Fernandez đương nhiệm, có sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá đồng Peso nội địa với USD tại chợ đen và tỷ giá chính thức; do đó việc bán USD với tỷ giá thấp hơn so với chợ đen có thể đem lại khoản chênh lên tới 5,2 tỷ USD. Bà Cristina Fernandez đã gửi văn bản giải trình tới thẩm phán Claudio Bonadio, trong đó bác bỏ mọi cáo buộc nhắm vào mình.

Trước đó không lâu, thẩm phán liên bang Guillermo Marijuan cũng yêu cầu điều tra cựu Tổng thống Cristina Fernandez với cáo buộc bà có liên quan tới một đường dây rửa tiền và tham ô. Ngoài bà Cristina Fernandez, thẩm phán Guillermo Marijuan còn đề nghị xem xét sự liên quan của cựu Bộ trưởng Kế hoạch Julio De Vido cùng 13 người khác với 2 doanh nhân Leonardo Farina và Lazaro Baez. Bởi doanh nhân Lazaro Baez, người có quan hệ làm ăn mật thiết với bà Cristina Fernandez, vừa bị bắt, còn ông Leonardo Farina bị bắt từ hơn 2 năm trước vì tội trốn thuế.

Truyền hình Argentina từng cho công chiếu đoạn video ghi từ năm 2012, trong đó cho thấy Martin Baez, con trai ông Lazaro Baez cùng một số người đang đếm hàng bao tải tiền USD tại văn phòng của cha mình ở Buenos Aires. Theo giới truyền thông Argentina, doanh nhân Leonardo Farina đã quyết định hợp tác với cơ quan điều tra và khai rằng, cố Tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007), và bà Cristina Fernandez đều tham ô và có liên quan tới rửa tiền.

Nghị sĩ Hector Recalde, người đứng đầu Mặt trận vì thắng lợi (FpV) ở Hạ viện tố cáo việc làm của thẩm phán Guillermo Marijuan là bất công vì cho rằng không có bất cứ bằng chứng nào để điều tra cựu Tổng thống Cristina Fernandez. Dư luận coi động thái của 2 thẩm phán liên bang kể trên nhằm hướng dư luận vào vụ bê bối của cựu Tổng thống Cristina Fernandez, để bỏ qua cáo buộc trốn thuế của Tổng thống Mauricio Macri, người vào thời điểm ấy bị nêu tên trong danh sách 12 nguyên thủ quốc gia có liên quan tới "Hồ sơ Panama".

Về phần mình, khi phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ ở thủ đô Buenos Aires, cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã bác bỏ những cáo buộc tham nhũng, đồng thời cho rằng chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri âm mưu dùng vấn đề này chống lại bà. Thậm chí còn nhấn mạnh, phe đối lập không thể ngăn cản bà nói lên sự thật và sẵn sàng từ bỏ quyền miễn truy tố để chứng minh sự trong sạch.

Jose Lopez bị phát hiện mang theo số lượng lớn tiền mặt.

Bà Crisitina Fernandez còn được mệnh danh là “Hillary Clinton của Argentina”, trở thành nữ tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử Argentina sau cuộc bầu cử tháng 10-2007. Mọi người gọi bà Crisitina Fernandez là “Hillary Clinton của Argentina” bởi giữa họ có khá nhiều điểm tương đồng - cùng là thượng nghị sĩ, đệ nhất phu nhân, đi lên sau khi trở thành luật sư và đều lịch lãm, xinh đẹp, thông minh, hấp dẫn người nghe bằng khả năng diễn thuyết của mình.

Những cáo buộc tham nhũng từ lâu đã vây quanh bà Fernandez và người chồng quá cố mà cũng là người tiền nhiệm của bà, Nestor Kirchner. Bà phủ nhận hành vi sai trái và cáo buộc nhà lãnh đạo hiện thời của Argentina, Mauricio Macri, sử dụng tòa án để bức hại bà.

Những vụ việc tham nhũng liên quan đến các cựu quan chức chính phủ dưới thời bà Cristina Kirchner làm tổng thống đã gây phẫn nộ trong dân chúng Argentina, vốn đã bất bình do tình hình kinh tế đất nước tăng trưởng trì trệ khiến đời sống người dân khó khăn.

Các nhà quan sát nhận định rằng, những cáo buộc mới nhắm vào bà Cristina Kirchner và các cựu quan chức Chính phủ Argentina có thể khiến dư luận phẫn nộ đối với đảng Mặt trận chiến thắng của bà, nhưng mặt khác người ta cũng nghĩ rằng những cáo buộc đó mang động cơ chính trị là chính, như lời bà Cristina phản tố, do đó rất có thể cũng sẽ tạo nên động lực làm tăng thêm sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng Argentina (chiếm khoảng 36%) vẫn còn có cái nhìn thiện cảm, tích cực đối với bà.

Các cáo buộc đối với bà Cristina Kirchner được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mauricio Macri cách chức Bộ trưởng Tài chính Alfonso Prat-Gay trong một động thái cải tổ nội các đầu tiên của ông. Động thái này được cho là nhằm mục tiêu cải thiện tình hình kinh tế đất nước đang khó khăn, với tỉ lệ sụt giảm đến 4,7% vào cuối năm 2015. Vì thế, người ta cho rằng, mục tiêu của ông Macri trong việc tung ra các cáo buộc đối với bà Cristina chính là nhằm tạo dựng một kịch bản “bê bối tham nhũng trong chính quyền cũ”, từ đó hy vọng được cử tri Argentina “thông cảm” cho chính quyền của ông hiện nay “còn nhiều việc phải làm” nên chưa thể thành công trong việc khôi phục tăng trưởng kinh tế đất nước.

An Châu - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.