Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tái xuất

Thứ Năm, 15/06/2017, 17:01
Trở lại thăm các đồng minh theo cách khác hẳn, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm một chuyến “tái xuất” kỳ lạ vòng quanh các quốc gia G-7. Ông đã thể hiện một phong cách gần gũi, bình dị, không khách sáo như khi còn làm Tổng thống Mỹ, khiến cho nhiều người cảm thấy có cái gì đó “tiếc nuối” khi họ ngầm so sánh ông với một Tổng thống Mỹ đương nhiệm có tính cách trái ngược hoàn toàn...


Hai tay áo xắn cao, không đeo cà vạt, bên ngọn nến lập lòe trong không gian ấm cúng của nhà hàng hải sản Liverpool House ở Montreal, hai người bạn cũ gặp lại nhau trò chuyện, thưởng thức món hàu nướng, sườn bít tết và cá lưỡi ngựa đặc sản Nova Scotia của Canada. Đó là cuộc tái ngộ giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 30-5.

Cách đấy khoảng 1 tuần, ông Obama và cựu Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã gặp lại nhau trong khung cảnh tương tự tại một khách sạn ở London. Và trước đó, ông Obama đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Cổng Brandenburg ở Berlin thay vì vào Dinh Thủ tướng trang trọng, rồi tại kinh đô thời trang Milan với Matteo Renzi, cựu Thủ tướng Italia.

Những chuyến đi và gặp lại đồng minh cũ đó diễn ra trùng hợp với lịch trình chuyến công du châu Âu của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump khiến người ta không so sánh. Giữa 2 vị Tổng thống Mỹ có hai phong cách giao tiếp hoàn toàn trái ngược nhau với các đồng minh G-7.

Trong khi ông Trump sang sảng “lên lớp” các đồng minh trong khối NATO về việc họ không chịu chi tiền cho khối NATO nhiều như Mỹ, và đòi rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thì ngược lại, ông Obama luôn xuất hiện như người cùng hội cùng thuyền để bàn bạc, thảo luận các vấn đề như an ninh lương thực hay làm thế nào để khơi dậy tính chủ động của những người trẻ trong cộng đồng của họ.

Ông Obama gặp bà Merkel vào hạ tuần tháng 5-2017, trùng ngày với chuyến thăm của Tổng thống Trump.

Các cuộc gặp giữa ông Obama với các đồng minh cũ, cả trước và sau chuyến đi của ông Trump, đều là những cuộc gặp mang tính chất riêng tư, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng được tung lên mạng xã hội, kèm theo những lời bình luận đầy âm sắc nuối tiếc về những khoảnh khắc đáng nhớ của G-7 thời Obama.

Trong cuộc sống đời thường “hậu tổng thống”, Obama thường chọn cách giữ khoảng cách với đời sống chính trị. Nhưng trong thời thông tin ngồn ngộn, chỉ cần ngồi ăn sáng chung với một lãnh đạo thế giới thôi cũng đủ biến thành một tiểu tiết chính trị. Điều đó quả thật rất căng thẳng, và các cố vấn của ông Obama đã tìm cách tránh nó đi, tổ chức các cuộc tiếp xúc bình dân tại khách sạn nơi ông Obama lưu trú để tránh tạo nên hình ảnh một cuộc giao tiếp giữa lãnh đạo với lãnh đạo.

Benjamin Rhodes, một cố vấn trung thành của ông Obama từ khi còn trong Nhà Trắng cho đến nay, chia sẻ rằng cái khó là làm thế nào để không gây chú ý nơi công chúng. Vấn đề là ông Obama dù không còn đương nhiệm nữa nhưng vẫn được rất nhiều người kính trọng, điều này có nghĩa là các lãnh đạo thế giới có thể lợi dụng cuộc gặp của họ với ông Obama cho mục đích chính trị trong nước.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại nhà hàng Liverpool House ở Montreal.

Thủ tướng Canada Trudeau là một trường hợp: Ông đã nhanh chóng đăng một tấm hình ông dùng bữa tối với ông Obama lên mạng xã hội, kèm theo lời bình: “Làm thế nào để làm cho các thủ lĩnh trẻ hành động trong cộng đồng của họ? Cám ơn ông Barack Obama vì chuyến thăm của ông và những thông tin trao đổi bổ ích tối nay”.

Ông Renzi, người từng được ông Obama tiếp đãi tại một bữa quốc yến ở Nhà Trắng, đang trù tính một cuộc trở lại với chính trường sau khi đã từ chức vì thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý ở Italia tháng 12-2016. Tại cuộc hội ngộ ở Milan, ông Renzi đã gợi ý gọi điện thoại đột xuất cho một người bạn khác là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Obama đã từng phá bỏ “lời thề” lánh xa chính trị khi lên tiếng ủng hộ ông Macron trong thời gian tranh cử Tổng thống Pháp. Obama xem cuộc bầu cử đó như một cuộc giải cứu khẩn cấp cho nước Pháp và cả châu Âu, để chặn đứng làn sóng cực hữu dân túy đang đe dọa toàn châu Âu.

Mối quan hệ giữa ông Obama với Tổng thống Pháp Macron được thể hiện trái ngược hẳn với mối quan hệ giữa Macron với ông Trump. Bắt đầu từ cái bắt tay đầy bạo lực giữa Macron và Trump tại Brussels, sau đó tiếp tục với việc ông Macron lộ rõ thái độ không đồng tình khi theo dõi ông Trump gay gắt các thành viên NATO vì không chi trả phần đóng góp của mình một cách tương xứng cho NATO.

Với thái độ và lời nói gây “bão” trong chuyến công du NATO đó, ông Obama không cần phải lên tiếng hay làm gì người ta cũng thấy rõ sự đối nghịch giữa 2 người ãnh hưởng nhất nước Mỹ. Chỉ có một điều khó chịu nho nhỏ là khi còn đương nhiệm, Obama lại hay bị chỉ trích vì giữ khoảng cách với các lãnh đạo nước ngoài và không xây dựng được mối quan hệ hữu hảo như 2 người tiền nhiệm là Bill Clinton và George W.H Bush đã làm được.

Vào tháng 7 tới, ông Obama sẽ đến Hàn Quốc, dự kiến sẽ gặp lại đồng nghiệp cũ - cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak. Lee Myung Bak chính là một trong số ít người mà ông Obama đã có được mối đồng cảm sâu sắc. Nhưng một lần nữa chính trị có thể sẽ lại can thiệp vào những mối quan hệ riêng tư.

Tình hình chính trị hiện nay ở Hàn Quốc đang có vẻ không thuận lợi lắm cho quan hệ Mỹ-Hàn, và Tổng thống mới Moon Jae In cũng vừa ra lệnh dừng chương trình phòng thủ đánh chặn THAAD do Mỹ triển khai. Bầu không khí này có thể sẽ làm cho chuyến thăm của ông Obama trở nên nhạt nhẽo.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.