Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton: Thoát nợ nhờ “nói ra tiền”

Chủ Nhật, 02/11/2014, 20:45

Theo tờ Washington Post, gia đình Bill Clinton rơi vào cảnh khánh kiệt và ngập trong những hóa đơn pháp lý khi ông rời Nhà Trắng năm 2001. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau, cựu Tổng thống đã bắt đầu đi nói chuyện tại các hội nghị. Số tiền kiếm được từ hoạt động này đã giúp gia đình ông từ chỗ "gần như phá sản" (theo như tiết lộ của bà Hillary) đến vị thế một gia đình triệu phú.

Coi vậy, "nói ra tiền" cũng là một ngành kinh doanh béo bở của những nhân vật xuất chúng ở Mỹ, mà ông Bill Clinton đã nhanh chóng tận dụng để trợ giúp gia đình. Cựu Tổng thống Mỹ đã thành công trong nghề diễn thuyết đến mức, giờ đây người ta gọi ông là "Dollar Bill". Nhiều người cho rằng với khối tài sản to lớn, đây sẽ là một lợi thế tiềm năng nếu bà Hillary quyết định ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Nói ra tiền

Phu nhân cựu Tổng thống Bill Clinton, bà Hillary Clinton, từng tiết lộ rằng gia đình bà đã phá sản, ngập trong nợ nần và phải vật lộn kiếm sống sau khi ông Clinton rời Nhà Trắng. Theo đó, nhà Clinton không chỉ cháy túi mà còn rơi vào tình trạng khánh kiệt nghiêm trọng, đối mặt với các khoản thế chấp, tiền nhà và học phí của con gái.

Bà Hillary từng chia sẻ: "Trước hết, chúng tôi phải trả hết nợ. Bill phải kiếm nhiều tiền để trả thuế, trả nợ và trả tiền mua nhà, chăm sóc các thành viên trong gia đình".

Các báo cáo tài chính cho thấy gia đình Clinton nợ từ 2,3 - 10,6 triệu USD của ít nhất 4 hãng luật từ thời ông Bill Clinton còn đương nhiệm. Ngoài ra, ông Bill Clinton đã rời nhiệm sở với số tiền nợ pháp lý khoảng 5 triệu USD. Các khoản nợ hình thành từ việc chống lại các lá đơn kiện ông trong thương vụ bất động sản Whitewater, bê bối tình ái với Monica Lewinsky và để phục vụ phiên xem xét phế truất ông ở Thượng viện.

Nhà Clinton thực tế đã nhận được sự giúp đỡ khi hai người cố gắng sắp xếp các vấn đề tài chính của mình. Người bạn giàu có Terry McAuliffe (giờ là Thống đốc Virginia) đã cho họ vay 1,3 triệu USD để mua ngôi nhà trị giá 1,7 triệu USD ở Chappaqua. Ngôi nhà đã cho phép bà Hillary Clinton sống ở New York và chạy đua vào thượng viện.

Cho tới nay, về cơ bản tất cả số nợ đã được thanh toán . Cả cựu Tổng thống và cựu Ngoại trưởng Mỹ đều đã tìm được "lối thoát" cho cuộc khủng hoảng nợ của gia đình nhờ tài diễn thuyết và những buổi nói chuyện "hái ra tiền". Theo nhận định của tờ báo Washington Post, cựu Tổng thống Bill Clinton tỏ ra là người có biệt tài trong việc biến danh tiếng toàn cầu của mình thành tiền bạc.

Từ tháng 1/2001 khi ông Bill Clinton rời Nhà Trắng, đến tháng 1/2013, khi bà Hillary rời chức Ngoại trưởng Mỹ, ông Bill Clinton đã đọc 542 bài diễn văn và được trả thù lao 104,9 triệu USD. Vài tuần lễ sau khi Bill Clinton mãn nhiệm, người ta tới tấp mời ông đi diễn thuyết.

Tờ Washington Post miêu tả "phiếu đặt hàng" chất đầy trong văn phòng. Bill Clinton đã đi khắp các châu lục, kiếm được 9,2 triệu USD trong năm đầu tiên rời Nhà Trắng. Ngoài ra, việc phát hành sách sau đó ít lâu mang lại cho ông thêm 10 triệu USD nữa.

Năm 2012 được coi là thời gian bận rộn nhất của cựu Tổng thống. Năm đó, ông đã đọc 72 bài diễn văn và nhận được 16,3 triệu USD. "Tôi bị sốc khi thấy mọi người vẫn muốn tôi đến nói chuyện", ông Clinton tâm sự trong một buổi phỏng vấn với tờ Washington Post. Chỉ tính riêng trong một tuần lễ hồi tháng 5/2012, ông Bill Clinton đã nói chuyện với các nhà quản trị doanh nghiệp ở Thụy Sĩ và Đan Mạch, với hội nghị các nhà đầu tư Thụy Điển, các lãnh đạo chính trị và kinh tế ở Áo và kết thúc chuyến du hành châu Âu tại lâu đài Prague bằng bài nói chuyện về năng lượng với hội nghị cấp cao giới doanh nghiệp Cộng hòa Czech. Trong tuần lễ "chạy sô" này, ông thu tới 1,4 triệu USD.

Các chủ đề diễn thuyết của Bill Clinton thường liên quan đến chính sách đương thời, kinh tế, các vấn đề đối ngoại, và ông điều chỉnh các nhận định của mình theo lợi ích kinh doanh của các nhà tài trợ. Ông thường "nói vo", thu hút sự chú ý cao độ của khán giả, trả lời các câu hỏi một cách thông minh, dí dỏm. Có khi là chuyện xảy ra ở Nhà Trắng khi ông còn đương quyền, hay những mẩu chuyện từ thuở thiếu thời khi ông còn ở Arkansas. Tuy nhiên, một số nhà tài trợ cho biết, hợp đồng nói chuyện với Bill Clinton luôn có điều khoản quy định cấm ghi âm, phát hành băng video hoặc văn bản những nhận định của ông bà. Những cuộc nói chuyện này cũng "cấm cửa" với giới báo chí.

Mặc dù ông Clinton xuất hiện ở Mỹ nhiều hơn, nhưng số tiền ông nhận được từ nước ngoài lại cao hơn, lên tới 56,3 triệu USD từ Trung Quốc, Nhật Bản, Canada và Anh. Ngành tài chính là nhà tài trợ lớn nhất cho các buổi nói chuyện của cựu Tổng thống: Bill Clinton đã xuất hiện tại 102 sự kiện của giới tài chính và nhận được 19,6 triệu USD từ các ngân hàng, tổ chức tài chính tại phố Wall.

Bill Clinton có nhiều bài diễn thuyết hay nhưng không phải bài nào cũng thu hút được khán giả. Một lần nói chuyện tại Thâm Quyến (Trung Quốc), ông được trả 250.000 USD nhưng khán giả lại không mảy may chú ý tới cựu Tổng thống Mỹ. Lý do là ông đến muộn và không chuẩn bị cẩn thận khiến bài phát biểu thiếu mạch lạc và một số chỗ trong bản dịch có thể làm người ta hiểu theo hai cách. Tất nhiên không phải lần nào tình trạng đó cũng diễn ra. Hầu hết các bài nói chuyện của Bill CLinton được coi là rất ấn tượng. Ông đã thậm chí diễn thuyết liên tục mà không cần văn bản và được hoan nghênh hết lời từ công chúng.

Mặc dù nhiều cựu tổng thống thường chọn nghề diễn thuyết làm vui sau khi về hưu, nhưng chỉ riêng ông Bill Clinton là đứng vững khá lâu trên diễn đàn. Đây là một ngoại lệ. Rutherford, một người bạn thân và là cố vấn của ông Clinton từ nhiều năm nay, nhận định: "Tôi không nghĩ ông ấy còn coi mình là một cựu Tổng thống. Tôi nghĩ ông coi mình như một nhà lãnh đạo của thế giới. Và với tầm vóc như vậy cho nên số cầu bao giờ cũng vượt số cung".

Vẫn có những tranh cãi

Tờ Washington Post ghi nhận Ngân hàng TD Bank đã trả tiền 10 lần diễn thuyết của ông Clinton với giá tổng cộng 1,8 triệu USD. Đây là số tiền lớn nhất mà một định chế tài chính đã trả cho ông Clinton. Nên nhớ rằng Ngân hàng TD Bank có liên hệ với Công ty Mua bán chứng khoán TD Ameritrade, một công ty lớn do ông Joe Ricketts sáng lập. Ông này là người bảo trợ tài chính nổi tiếng cho đảng Cộng hòa, và những ứng cử viên có lập trường bảo thủ.

Cựu Tổng thống Bill Clinton có biệt tài trong việc biến danh tiếng thành tiền bạc.

Bên cạnh đó, Công ty Tài chính Goldman Sachs đã mời ông Clinton đến nói chuyện 8 lần trong các năm qua. Họ trả cho ông số tiền tổng cộng lên đến 1,35 triệu USD cho những lần ông diễn thuyết ở Paris, Phoeni, và đảo Kiawah Island, khu nghỉ mát ở bờ biển South Carolina. Goldman Sachs luôn khen ngợi cựu Tổng thống Bill Clinton, cho rằng ông lúc nào cũng "duyên dáng và hấp dẫn".

Trong những buổi nói chuyện không chính thức, Bill Clinton luôn biết cách lôi cuốn số đông người nghe. Trong một lần ông nói chuyện ở phòng hội thảo khách sạn Bellagio, mọi người đã bỏ hồ bơi để đến nghe ông nói chuyện đời mà không cần quan tâm tới chủ đề.

Những số liệu tài chính liên quan tới khả năng "nói ra tiền" của ông Clinton vẫn được công khai mặc dù ông không còn nắm giữ cương vị tổng thống. Tuy sau khi ông rời Nhà Trắng, nhưng phu nhân của ông, bà Hillary, vẫn còn là Ngoại trưởng nên gia đình Clinton vẫn phải công khai thu nhập. Thế nên, người ta mới biết rõ: những cuộc nói chuyện có thù lao là nguồn thu nhập lớn nhất của gia đình Clinton, dù cả hai ông bà đều kiếm được hàng chục triệu USD khác từ việc viết sách và đầu tư tài chính.

Anthony Scaramucci, Giám đốc Quỹ Đầu tư SkyBridge Capital - quỹ này trả cho ông Clinton 175.000 USD mỗi lần ông đến nói chuyện với hội nghị đầu tư thường niên của quỹ từ năm 2010 đến nay - tiết lộ rằng, sự có mặt của ông Clinton tại hội nghị giúp thu hút sự chú ý của giới tài chính, có thể làm cho số người tham dự hội nghị tăng thêm 1/3. "Chỉ riêng sự có mặt của cựu Tổng thống Bill Clinton đã đủ để giúp nâng cao uy tín và độ tin cậy của sự kiện của chúng tôi", ông Scaramucci nói.

Ông này cũng thông qua ông Clinton để mời các diễn giả quan trọng khác như các cựu Tổng thống George W. Bush và Nicolas Sarkozy. Và mới đây, quỹ đầu tư của ông Scarmucci đã lên kế hoạch mời gia đình Clinton nói chuyện tại hội nghị thường niên 2014 hồi tháng trước nhưng không thực hiện được vì "ông ấy đang có quá nhiều lời mời".

Tuy nhiên, một số bài diễn thuyết của ông Bill Clinton đã gây nên các cuộc tranh luận, đàm tiếu. Bài diễn văn đầu tiên ông Clinton được trả tiền (125.000 USD) là của Morgan Stanley Dean Witter, một công ty chuyên buôn bán chứng khoán, tổ chức tại sân đánh golf ở khu nghỉ mát Boca Raton, Florida. Nhưng một số khách hàng của công ty than phiền về việc "mượn" ông Clinton đến nói chuyện trong khi ông dính líu đến những bê bối tình ái, và mới được "tha thứ". Điều này có thể gây tai tiếng cho công ty. Chủ tịch Công ty Dean Witter lúc bấy giờ là Philip Purcell phải viết thư cho khách hàng xin lỗi họ, và khuyên họ nên tránh bàn về chuyện riêng tư của cựu Tổng thống mà không đưa ra thêm bất cứ bình luận nào.

Năm 2008, ông Clinton đến nói chuyện tại hội nghị ở New York do Công ty Rodman&Renshaw bảo trợ. Đây là một công ty đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc. Công ty trả cho ông Clinton 125.000 USD. Năm 2010, Công ty này lại mời ông đến nói chuyện về số tiền ông nhận được là 75.000 USD. Hai năm sau, Công ty Rodman&Renshaw phải đóng cửa dịch vụ buôn bán chứng khoán, bị giới chức tư pháp điều tra, và phá sản. Ông Yann Geron, đại diện công ty từ chối tiết lộ thêm thông tin, chỉ vắn tắt nói rằng: "Công ty đang ở giữa giai đoạn thanh lý tài sản".

Năm 2013, ông Clinton đến nói chuyện tại Quỹ Từ thiện Quốc gia Israel, và hưởng thù lao 500.000 USD nhân dịp tiệc sinh nhật 90 tuổi của Tổng thống Israel Shimon Peres. Tin tức về buổi diễn thuyết và số tiền thù lao lộ ra ngoài, và gây phản ứng dữ dội trong dư luận. Ban đầu thù lao trên được trả thẳng cho Quỹ từ thiện Clinton Foundation, nhưng sau đó ông Clinton phải yêu cầu chuyển trở lại cho Quỹ Từ thiện Quốc gia Israel.

Trước những cáo buộc nhiều tiền, những người ủng hộ gia đình Clinton nói rằng, cựu Tổng thống và vợ là những người rất hào phóng với các quỹ từ thiện. Ông bà Clinton cũng đã có nhiều lần nói chuyện "miễn phí" hoặc biến số tiền thù lao thành phần đóng góp của nhà tài trợ vào Quỹ từ thiện Clinton Foundation do gia đình Clinton thành lập và điều hành. Chính sự xuất hiện của ông Clinton (và sau này là bà Hillary) có lúc đã giúp quyên góp được hàng triệu USD cho các tổ chức bác ái.

Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, báo cáo về tài chính cho thấy, nhà Clinton đã chi 10 triệu USD sau khi rời Nhà Trắng. Trong số này, 6 triệu USD được chuyển cho Quỹ Clinton Foundation…

Hồng Hạnh - Lâm Anh - Việt Dũng (theo Washington Post)
.
.