Cựu VĐV chèo thuyền James Cracknell: Chuẩn bị chạy đua vào nghị viện

Thứ Sáu, 21/06/2013, 13:55

Mới đây, tờ DailyMail (Anh) cho biết cựu vận động viên môn chèo thuyền từng giành Huy chương Vàng (HCV) Olympic, James Cracknell, đang chuẩn bị tham gia chính trường nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề sức khỏe và thể thao. Cracknell tin rằng, một xã hội tiến bộ và tăng trưởng chỉ diễn ra khi lấy nhân tố con người làm trọng tâm, qua đó kêu gọi hệ thống dịch vụ y tế quốc gia NHS tập trung vào công tác phòng chống bệnh tật và mở rộng quy mô nghiên cứu các phương pháp điều trị tiên tiến nhất.

"Điểm chết" của một sự nghiệp thể thao

Ít ai ngờ một vận động viên thể thao nổi tiếng lại nghĩ tới chuyện làm chính khách ở xứ sở sương mù này. James Cracknell nổi tiếng vì những thành tích "khủng", thách thức mọi giới hạn và sức chịu đựng của con người. Ông từng đoạt 2 HCV Olympic môn chèo thuyền tại Thế vận hội Sydney 2000 và Athens 2004.

Năm 2006, ông từng chèo thuyền vượt Đại Tây Dương, tới Nam Cực gần 5,000km trong 49 ngày và 19 giờ. Cracknell cũng nổi tiếng vì đã vừa chạy bộ và tự vượt sông từ Los Angeles đến New York trong vòng 16 ngày. Tuần trước, ông vừa hoàn thành cuộc đua "Marathon des Sables" hay "Marathon trên cát", được mệnh danh là khắc nghiệt nhất trên trái đất với 7 ngày thi đấu, tổng lộ trình 254km xuyên qua biển cát mênh mông của sa mạc Sahara ở phía nam Morocco, châu Phi. Bản thân Cracknell tham gia cuộc đua này cũng đồng nghĩa với chấp nhận việc sẵn sàng đối mặt những nguy cơ luôn rình rập khi nhiệt độ lên đến 60oC vào buổi trưa.

Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ đã xảy ra khiến Cracknell tưởng chừng gục ngã. Năm 2010, Cracknell gặp phải một tổn thương não nghiêm trọng sau vụ tai nạn xe đạp khi ông đang thực hiện kế hoạch đi xuyên nước Mỹ bằng xe đạp, thuyền, chạy bộ và bơi.  Vụ tai nạn gây ảnh hưởng tới phần thùy trán ở não bộ của Cracknell, khiến ông thường đột ngột mất trí nhớ và  động kinh. Tính cách của ông hoàn toàn thay đổi, thường xuyên giận dữ và thiếu kiểm soát cảm xúc.

Vụ tai nạn khiến James Cracknell giải nghệ, ông cùng vợ đã viết và xuất bản một cuốn sách kể về quá trình đấu tranh và chữa trị bệnh tật, cùng những chiêm nghiệm quý báu về cuộc đời. Cũng từ sau đó, Cracknell tích cực vận động sử dụng mũ bảo hiểm khi sử dụng xe đạp, tham gia đồng sáng lập một hãng mũ bảo hiểm chuyên dụng.

Đối với một vận động viên thể thao chuyên nghiệp như Cracknell, giã từ sự nghiệp giống như một "điểm chết" về mặt tinh thần, trước cái chết thực sự của cơ thể. Ông chia sẻ việc vượt qua những thách thức vật lý căng thẳng trong quá trình thi đấu được xem là đích đến của sự nghiệp đỉnh cao Cracknell từng mong ước. Quá trình ấy giống như một cuộc đua với bản thân và qua mỗi chặng, ông lại gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, một khi đột ngột dừng lại, việc ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất là điều không thể tránh khỏi.

Cracknell giải thích lý do cho tình trạng trầm cảm sau khi nghỉ thi đấu là "do không biết nên tập trung làm điều gì sau một thời gian dài chỉ biết tập luyện và thi đấu. Một khoảng trống hữu hình lớn dần khiến con người ta trở nên ích kỷ và có thể bất lực trong cuộc tìm kiếm một niềm đam mê thay thế". Sau khi bình phục, Cracknell đã chuyên tâm dành nhiều năm để tham gia các hoạt động đòi hỏi sức chịu đựng nhằm tiếp tục rèn luyện bản năng cạnh tranh.

James Cracknell (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội nhận Huy chương vàng môn chèo thuyền tại Olympic Sydney 2000.

Tham vọng thay đổi hệ thống y tế quốc gia

Ý tưởng chạy đua vào Nghị viện Anh chỉ xuất hiện khi Cracknell gặp một số chính khách mà ông cho rằng "cực kỳ tài năng và truyền cảm hứng sâu sắc cho những ai muốn thử sức với các vấn đề chính trị". Cracknell muốn được tiếp bước Sebastien Coe, cựu vận động viên điền kinh và cũng là nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh, nuôi hy vọng trở thành ứng viên Bảo thủ tham gia bầu cử vào Nghị viện châu Âu.

Người đàn ông đầy nghị lực tin đây chính là vận may hiếm có và cơ hội đổi đời sau khi phải tĩnh dưỡng và điều trị những di chứng do vụ tai nạn xe đạp dẫn tới tổn thương não những năm về trước. "Hẳn chính trị sẽ làm cuộc đời của tôi đổi mới và thú vị hơn quãng thời gian chán nản vừa qua", Cracknell chia sẻ với phóng viên tờ Dailymail.

Là người luôn trung thành ủng hộ Thủ tướng David Cameron, ông Cracknell chưa từng từ bỏ mọi nỗ lực đàm phán các nhiệm kỳ hoạt động của Anh tại Liên minh châu Âu, đồng thời kiên quyết khẳng định người dân nên ủng hộ các kế hoạch của Thủ tướng thay vì kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý chưa thực sự cần thiết vào thời điểm hiện tại.

James Cracknell luôn đam mê và cực kỳ quan tâm tới các vấn đề về y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. Người đàn ông này nuôi tham vọng thay đổi hệ thống y tế bằng cách trở thành chính khách, tham gia cố vấn Luật Y tế quốc gia và xây mới các công trình phục vụ người dân, hướng tới mục tiêu "dân khỏe thì nước mới thịnh".

Sự lựa chọn tấn công vào lĩnh vực y tế còn đang bị bỏ sót được cho là chiến thuật thông minh của Cracknell bởi lẽ ông được thừa hưởng khối lượng tri thức y khoa khổng lồ từ người mẹ, vốn là một bác sĩ vật lý trị liệu. Giải thích lý do về xu hướng bảo thủ, Cracknell cho biết ông là người có bản chất kiên định và không bao giờ từ bỏ mục tiêu cho tới khi thành công, và tham vọng lớn nhất là thay đổi hệ thống xã hội tiến lên theo chiều hướng tích cực và hoàn thiện nhất.

James Cracknell từng chỉ trích chính phủ Công đảng của ông Tony Blair đã đưa ra nhiều đạo luật không có lợi gì cho xã hội chỉ vì muốn chứng tỏ không yếu mềm trước tội ác. Trong khi đó, cựu vận động viên chèo thuyền lại hết lòng ca ngợi Thủ tướng David Cameron thành công với dự luật cải tổ hệ thống NHS, bên cạnh việc nêu lên những tồn tại cần khắc phục của NHS.

James Cracknell chỉ trích hệ thống này bỏ quên công tác phòng chống bệnh dịch và chưa chú trọng nghiên cứu, ứng dụng đa dạng các liệu pháp chữa trị hiệu quả cao. Theo ông, mô hình này đang xuống cấp trong hoạt động mặc dù vẫn duy trì cung cấp một dịch vụ y tế đủ tiêu chuẩn cho người dân Anh, nhất là những người dân nghèo. "NHS không thể tiếp tục phung phí tiền vào các hoạt động vô ích. Hệ thống này thực sự có chất lượng khi số lượng người bệnh giảm và tính tương tác với người dân tăng".

Khách quan mà nói, hệ thống NHS cần được hiện đại hóa. Chi phí y tế tại Anh mặc dầu không nhiều bằng các nước khác ở trình độ phát triển tương tự nhưng cũng đang tăng một cách nhanh chóng. Một hệ thống quản lý cứng ngắc nhiều khi không đáp ứng được những nhu cầu của các bệnh nhân.

Quan điểm của Cracknell chỉ rõ nước Anh chắc chắn cần chi tiêu nhiều cho việc phòng bệnh hơn là cho việc chữa bệnh, và nước Anh cần có nhiều những trung tâm y tế chuyên ngành hơn là những bệnh viện tổng hợp. Ngoài ra, các dịch vụ xã hội và y tế cần phải được phối hợp một cách chặt chẽ. Và bản thân việc cung cấp các dịch vụ y tế cũng nên có một chỗ cho sự cạnh tranh để giữ mức chi phí không tăng quá cao so với khả năng chi trả của người dân.

Nhiều người không tin vào khả năng làm chính trị của Cracknell vì ông có tiền sử về thần kinh. Tuy nhiên, ông bác bỏ mọi ý kiến cho rằng di chứng sau vụ tai nạn sẽ cản trở quá trình làm chính khách ở Nghị viện châu Âu. Cracknell nói rằng những thành tích ấn tượng trong quá khứ chứng minh năng lực thành công trong bất cứ công việc nào ông thực hiện. "Tôi không muốn sống trong xã hội mà con người luôn phải chịu áp lực và sợ hãi giới hạn bản thân. Tôi hoàn toàn bình phục và muốn chứng minh rằng James Cracknell sẽ làm một chính trị gia tốt, quan tâm tới người dân. Suy cho cùng, dù bất cứ điều gì xảy ra, ngày mới cũng sẽ đến. Và đó là điểm khởi đầu tuyệt vời để chinh phục những đỉnh cao mới, sau tất thảy những vinh quang quá khứ"…

Lâm Anh (theo Dailymail.co.uk)
.
.