Cựu tổng thống Pháp sẽ phải hầu tòa?

Thứ Hai, 13/02/2017, 19:45
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa bị gọi hầu tòa về những cáo buộc dùng ngân quỹ quốc gia chi trả bất hợp pháp trong chiến dịch tái tranh cử thất bại của ông hồi năm 2012.

Theo thông báo chính thức từ văn phòng công tố Paris hôm 7-2, đây là cáo buộc mới nhất gây khó khăn cho một cựu chính trị gia từng nuôi hy vọng quay trở lại chính trường.

Ông Sarkozy năm nay 62 tuổi, chính trị gia hữu khuynh không kiên định, làm Tổng thống Pháp từ năm 2007 đến năm 2012. Ông bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng ông không làm sai bất cứ điều gì. Luật sư của ông cho biết, ông Sarkozy sẽ kháng cáo lại quyết định mới này nhằm dời vụ việc này sang phiên xử khác trước khi có phán quyết cuối cùng từ tòa án. Ông có thể đối mặt với án tù giam 1 năm và đóng phạt 3.750 euro, tương đương 4.000 USD.

Ông không còn khả năng ra tranh cử tổng thống vào mùa xuân này sau khi đại diện các ứng viên trung hữu (theo chủ nghĩa bảo thủ) ra ứng cử hồi tháng 11 vừa qua với kết quả tệ hại. Hiện ông không còn trong ban lãnh đạo đảng Cộng hòa trung hữu nữa. Việc không còn vai trò gì trong chính trường Pháp sẽ hạn chế việc tình trạng ông... bỏ tham dự phiên tòa.

Tuy nhiên quyết định đưa ông ra tòa của phòng công tố Pháp lại đến giữa lúc dư luận đang ngày càng bất đồng với thể chế chính trị này, và phản ánh xu hướng gia tăng rõ nét việc xem xét thấu đáo những vụ việc dàn xếp cá nhân và vụ lợi tài chính của các ứng viên ra tranh cử tổng thống.

Nếu ra tòa, ông Sarkozy sẽ là vị Tổng thống Pháp thứ hai kể từ năm 1958 đến nay bị đưa ra xét xử về scandal tài chính. Người thứ nhất ra hầu tòa sau khi mãn nhiệm là ông Jacques Chirac, Tổng thống Pháp từ năm 1995 đến năm 2007, chỉ nhận án treo vào năm 2011 sau những cáo buộc tham nhũng và sử dụng sai công quỹ trong thời gian ông làm Thị trưởng Paris.

Ông Nicolas Sarkozy trong cuộc xuống đường tranh cử năm 2012.

Cáo trạng phần lớn liên quan đến bạn bè cùng những đồng minh chính trị của ông, như cho họ được lãnh lương hậu hĩnh và chi tiêu khống cho 21 công việc "ma" tại Paris.

Gần đây hơn, bà Christine Lagarde, cựu Bộ trưởng Kinh tế thời Sarkozy, cựu Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, hồi tháng 12-2016 cũng bị kết tội sơ suất trong việc sử dụng công quỹ sai trái, nhưng tòa án không áp đặt mức án hay phạt tiền bà.

Ông Francois Fillon, cựu Thủ tướng thời ông Sarkozy và ứng viên Tổng thống Cộng hòa Pháp, đang phải gánh cơn cuồng nộ của dân chúng sau những tiết lộ ông sử dụng tiền thuế của dân để chi lương cho những người thân gia đình làm việc cho quốc hội, mà dường như họ “không làm gì cả”.

Trong vụ của ông Sarkozy, văn phòng công tố khẳng định ông ta có ý thức cho phép cuộc tranh cử của mình “qua mặt” những hạn chế chi tiêu nghiêm ngặt của luật pháp nước Pháp. Vào thời điểm đó, mức giới hạn cho chiến dịch tranh cử tổng thống là khoảng 18,6 triệu USD cho mỗi ứng viên trong vòng đầu bầu cử, và chỉ thêm 5 triệu USD trong vòng hai cho hai người được phiếu bầu chọn cao nhất (trong đó có ông Sarkozy).

Theo cáo buộc mới nhất, ông Sarkozy bị nghi ngờ đã chi tối thiểu 45 triệu USD, tức gần gấp đôi mức hạn chế, và ông ta đã phớt lờ những cảnh báo từ các cộng sự kế toán trong chiến dịch tranh cử.

Vụ án chống lại ông Sarkozy là một phần trong cái được gọi là “Sự kiện Bygmalion”, đặt theo tên gọi của công ty quan hệ ngoại giao bị nghi ngờ phát hành hóa đơn khống cho đảng của ông Sarkozy hồi năm 2012, trong các sự kiện có thật và diễn ra ngay trong kỳ tranh cử tổng thống của ông. Văn phòng công tố khẳng định mục đích của việc hợp thức hóa bằng hóa đơn khống là nhằm che mắt các quan chức giám sát bầu cử về hành vi lạm chi trong chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy lần hai.

Ông Sarkozy liên tục chối bỏ việc biết có những tờ hóa đơn khống, và nói các công tố viên không thể buộc tội ông theo cách này. Thật ra, tội danh chi tiêu sai trái cho chiến dịch tranh cử tổng thống có thể chỉ khiến ông phải trả một món tiền phạt mà thôi. 13 người khác - kể cả các cựu viên chức đảng, những trợ lý thân cận với ông Sarkozy và các cựu quản trị viên tại Bygmalion - cũng phải hầu tòa về các cáo buộc có liên quan đến khai báo gian dối.

Thierry Herzog, luật sư của ông Sarkozy, lưu ý trong một lần phát biểu rằng, quyết định mời hầu tòa chỉ do một trong hai thẩm phán điều tra vụ án đặt bút ký, nghĩa là bằng chứng trưng ra tại tòa sẽ không chắc chắn lắm. Ông Sarkozy thử trở lại chính trường kể từ năm ngoái, được chọn làm đại diện tranh cử tổng thống cho đảng phe hữu với hy vọng ủy ban bầu cử Pháp sẽ xem xét những thành tựu của mình trong quá khứ. Tuy nhiên, ông dễ dàng bị loại khỏi vòng bầu chọn từ những ứng viên trung hữu ra tranh cử.

Ngay chính những vấn đề pháp lý của các ứng viên tổng thống cũng gây phiền không kém, như ông Fillon bị giới truyền thông Pháp tiết lộ rằng ông sử dụng tiền thuế của dân để trả lương cho vợ và con trai trên tư cách hỗ trợ làm việc cho quốc hội. Tiết lộ này làm tổn hại đến hào quang của ông Fillon, người mà trước đó không lâu từng tự hào coi mình là mẫu mực trên chính trường nhờ bản thân không tì vết về scandal pháp lý.

Xin nhắc lại rằng vào tháng 8-2016, trong lúc tranh đua chức ứng viên tổng thống, ông Fillon từng nhạo báng ông Sarkozy: “Không còn gì để nói về quyền lực khi bản thân quý vị không thể với tới. Có ai dám tưởng tượng chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi mà tướng De Gaulle bị chính thức truy tố?”.

Hiện ông Fillon cũng chối bỏ mọi cáo buộc và thề thốt sẽ tiếp tục tranh cử tổng thống, trong khi các cuộc khảo sát dư luận cho thấy rõ ông ta không còn là ứng viên sáng giá, khả năng tiến đến vòng hai tranh cử tổng thống là quá hẹp!

Lệ Đào (theo Aurelien Breeden & NYT)
.
.