Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu bỏ phiếu kín
Khác với thường lệ, tất cả các đại biểu đến từ 192 quốc gia thành viên LHQ đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi bước vào phòng họp thưa thớt người của Đại Hội đồng LHQ tại trụ sở ở New York. Năm nay mỗi nước chỉ cử 1 đại diện, đến bỏ phiếu theo từng khung giờ cố định cho mỗi nhóm nước và bỏ phiếu cho cả 3 cơ quan cùng một lúc, thay vì vào 3 ngày khác nhau như trước đây. Đây là một trong các phương thức bảo vệ bổ sung cho các đại biểu trong thời đại COVID-19.
“Từ lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, tất cả chúng ta đã phải làm việc trong những điều kiện bất thường để vượt qua vô số thử thách trước mắt”, Chủ tịch đương nhiệm của Đại hội đồng LHQ, ông Tijjani Muhammad-Bande, phát biểu trước khi diễn ra cuộc bầu cử.
Đại Hội Đồng Liên Hợp quốc tổ chức bỏ phiếu kín trong 2 ngày 17 và 18-6. |
“Điều này thể hiện cam kết sẽ bảo đảm không để các hoạt động quan trọng của LHQ bị gián đoạn, phù hợp với các giá trị và nguyên tắc của Điều lệ LHQ”, ông nói thêm về việc tổ chức cuộc bỏ phiếu trong bối cảnh thành phố New York chưa dỡ bỏ các hạn chế để kiểm soát dịch COVID-19.
Tân chủ tịch khóa 75
Ông Volkan Bozkýr, một nhà ngoại giao và nghị sĩ quốc hội với gần 40 năm kinh nghiệm, sẽ chủ trì Đại Hội đồng LHQ khóa 75 trong nhiệm kỳ 1 năm tiếp theo. Ông sẽ thay ông Tijjani Muhammad-Bande lên nhậm chức và bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 15-9 tới.
Chủ tịch khóa 75 Đại Hội đồng LHQ được chỉ định chọn từ nhóm Tây Âu và các nước theo đúng nguyên tắc về luân phiên địa lý của LHQ. Ông Bozkir là ứng cử viên duy nhất cho vị trí này và đã giành được sự nhất trí ủng hộ của 178 nước thành viên LHQ trong cuộc bỏ phiếu kín.
Trong suốt sự nghiệp công tác 39 năm của mình, ông Volkan Bozkýr đã giữ các vị trí Phó Lãnh sự của Tổng Lãnh sự quán tại Đức, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán tại Iraq, Tham tán Đại diện Thường trực tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Tổng Lãnh sự tại New York, Đại sứ tại Romania, Đại diện Thường trực của Thổ Nhĩ Kỳ tại EU. Ông còn làm Cố vấn Chính sách Đối ngoại cho Thủ tướng Turgut Ozal, Chánh Văn phòng kiêm Cố vấn trưởng về Chính sách Đối ngoại cho Tổng thống Turgut Ozal và Tổng thống Süleyman Demirel, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề EU, Phó Ban Bí thư Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề EU, và Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề EU.
Ông còn được bầu làm thành viên quốc hội lần đầu vào năm 2011 và cả trong liên tiếp 3 nhiệm kỳ quốc hội sau đó. Trong 9 năm làm nghị sĩ, ông đã làm Chủ tịch Ban Ngoại giao, Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và đồng Chủ tịch của Diễn đàn Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ-Nga. Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng phụ trách các vấn đề EU và Trưởng đoàn đám phán vào tháng 8-2014 và duy trì nhiệm kỳ cho đến tháng 6-2016. Vào tháng 7-2018, lần thứ tư ông được bầu làm Chủ tịch Ban Ngoại giao của Đại hội Quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông đã được trao Huân chương Ngôi sao của Romania, Huân chương Cộng hòa Ý cấp bậc “Hiệp sĩ” và Huân chương Kỷ niệm lần thứ 100 của Bộ Ngoại giao Azerbaijan . Bên cạnh đó, ông có thể nói lưu loát 2 thứ tiếng Anh và Pháp.
Trước đó, nghị sĩ Volkan Bozkir đã công bố những nhiệm vụ mà ông sẽ ưu tiên khi được giao trách nhiệm làm chủ tịch của diễn đàn đa phương quan trọng nhất này, bao gồm: thúc đẩy đa phương hóa; tăng cường bảo vệ nhân quyền, đặc biệt những người yếu thế, bị áp bức và nhóm người dễ bị tổn thương như dân tị nạn, dân nhập cư; cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới.
“Thời điểm bùng phát đại dịch trùng với lễ kỷ niệm 75 năm của LHQ. Đây là lời nhắc nhở rõ rệt về tầm quan trọng của đa phương hóa hiệu quả và nhất là vai trò cốt cán của LHQ và các cơ quan”, ông nói. Ông cam kết hướng tới củng cố niềm tin và sự gắn kết giữa các quốc gia, các nhóm quốc gia của LHQ và giữa các tổ chức quốc tế trên tinh thần hiệu quả, minh bạch và bình đẳng.
Về đại dịch COVID-19, ông khẳng định vi rút Corona không có biên giới hay phân biệt đối xử, nên cuộc chiến chống lại nó không nên gây ra sự kỳ thị, bất bình đẳng hay sự bất công. “Một thế giới không COVID-19 đòi hỏi hệ thống sức khỏe cộng đồng sâu rộng nhất và nỗ lực khôi phục xã hội trên toàn thế giới. Trở lại và tốt hơn sẽ là tôn chỉ của chúng ta”.
Một loạt vị trí mới
Các đại biểu ngoài ra còn bỏ phiếu bầu 5 quốc gia mới làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Hội đồng sẽ bao gồm 5 ủy viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Liên hiệp Vương quốc Anh và Mỹ) cùng 10 ủy viên không thường trực trong nhiệm kỳ 2 năm 2021-2022.
Trong 3 nước chạy đua cho 2 ghế của nhóm châu Phi và nhóm châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có Ấn Độ trúng cử ngay vòng đầu. Riêng Djibouti và Kenya phải trải qua vòng bầu cử thứ hai vào ngày 18-6 do không đạt số phiếu tối thiểu. Tương tự, Canada không giành được 2/3 số phiếu tối thiểu nên cũng phải chờ đến vòng bầu cử thứ 2. Na Uy, Ireland và Mexico sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới kể từ tháng 1 năm sau, đại diện cho khu vực Mỹ Latin và Caribbean.
Ngoài ra, có 18 nước sẽ trở thành thành viên mới của Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ nhiệm kỳ 2021-2023 là: Solomon Islands, Indonesia, Nhật Bản, Nigeria, Liberia, Madagascar, Libya, Zimbabwe, Bulgaria, Argentina, Guatemala, Mexico, Bolivia, Bồ Đào Nha, Pháp, Áo, Đức, Anh.
Đại dịch khiến cho lễ kỷ niệm lần thứ 75 của LHQ thêm nhiều dấu ấn lịch sử và làm tăng nhu cầu duy trì các biện pháp an toàn.
Ông Muhammad-Bande đã thông báo cho các nước thành viên về dự định tổ chức cho tân Chủ tịch Volkan Bozkýr và Tổng Thư ký LHQ António Guterres tham dự buổi khai mạc tại trụ sở LHQ, còn lãnh đạo các nước sẽ gửi các bài phát biểu dưới dạng video thay vì phải đích thân đến New York. Ông đang lấy ý kiến thêm từ các nước thành viên về lời đề nghị trên, theo lời phát ngôn viên của ông, Reem Abaza, trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 17-6 vừa qua.