Đan Mạch – quốc gia đầu tiên cử đại sứ đến Thung lũng Silicon

Thứ Ba, 10/09/2019, 16:37
Casper Klynge là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Đan Mạch. Ông từng làm việc tại những điểm nóng đầy biến động trên thế giới.

Ông từng dành 18 tháng tham gia chương trình tái thiết quốc tế tại Afghanistan. Rồi sau đó ông tiếp tục dẫn đầu một phái bộ giải quyết khủng hoảng tại Kosovo trong 2 năm. Tuy nhiên, công việc hiện đang đảm nhiệm có vẻ là nhiệm vụ khó khăn nhất mà ông từng trải qua.

Năm nay 46 tuổi, Klynge hiện đang là đại sứ Đan Mạch tại Thung lũng Silicon. Ông đã được giao nhiệm vụ này từ năm 2017, và đất nước Đan Mạch của ông đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cử đại sứ đến Thung lũng Silicon.

Quyết định cử đại sứ Klynge đến làm việc tại Thung lũng Silicon được đưa ra sau khi chính quyền Đan Mạch xác định rằng các tập đoàn, công ty công nghệ khổng lồ ngày nay như Google, Facebook, Apple,… đang nắm trong tay quyền lực to lớn không thua kém gì các quốc gia trên thế giới, thậm chí còn có thể hơn.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây tại Copenhagen, ông Klynge đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Ai đang gây ra tác động hàng ngày lên đời sống xã hội? Một quốc gia ở Nam Âu, Đông Nam Á hay Nam Mỹ, hay là các diễn đàn công nghệ lớn?”. Ông Klynge khẳng định rằng, các giá trị văn hóa, nền dân chủ, hay thậm chí nhân quyền của các quốc gia châu Âu đang bị thách thức bởi quyền lực của các công ty công nghệ.

“Từ các công ty chỉ nhằm mục tiêu lợi ích thương mại, các công ty này ngày nay đang dần trở thành các thế lực trong hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia” – Klynge nói.

Hai năm đảm nhiệm cương vị đại sứ công nghệ đầu tiên trên thế giới, Klynge đã nếm trải đầy đủ thực tiễn của những gì ông và đất nước ông nhận định về các tập đoàn, công ty công nghệ tại thung lũng Silicon. Quyền lực thực tế của các công ty công nghệ đôi khi vượt quá quy mô của một quốc gia nhỏ bé như Đan Mạch. Người ta so sánh, dân số Đan Mạch chỉ khoảng 5,8 triệu người, chưa bằng 0,3% số người dùng toàn cầu hiện nay của Facebook (2,4 tỉ người).

Casper Klynge, đại sứ Đan Mạch tại Thung lũng Silicon.

Ngày mới đến nhận nhiệm vụ, Klynge đối mặt với một sự chào đón lạnh lùng. Ông chưa bao giờ có thể gặp mặt được Mark Zuckerberg của Facebook hay Sundar Pichai của Google hay Timothy D. Cook của Apple. Các quan chức Đan Mạch ví von việc tiếp xúc với các công ty công nghệ giống như việc bang giao với một “siêu cường” đầy vẻ bí hiểm.

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod nhận xét: “Chúng tôi đã ngây thơ trong thời gian dài về cuộc cách mạng công nghệ”. Vì thế, ông Kofod cho rằng vị trí công việc của ông Klynge chính là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Đan Mạch nhằm phân định lằn ranh giới hạn ảnh hưởng của ngành công nghệ. Với nỗ lực như thế, Đan Mạch đang trở thành biểu tượng của nhiều quốc gia nhỏ bé đang phải vùng vẫy trước các tác động của công nghệ đối với xã hội của mình.

Các quốc gia này mong muốn có thể tạo ảnh hưởng ngược lại các công ty công nghệ để làm sao hạn chế bớt những tác động của công nghệ, nhưng việc khó tiếp xúc với ông chủ của các công ty, như Klynge đã gặp phải, đã khiến nhiều quốc gia nổi giận.

Các quan chức Đan Mạch đặc biệt quan ngại bởi sự thay đổi của công nghệ đang gây ra các thách thức đối với các quốc gia, như sự lan truyền rộng rãi các nội dung “tin giả” hoặc kích động gây chia rẽ xã hội, cùng hàng loạt các vấn đề khác như thông tin cá nhân bị đánh cắp, an ninh mạng bị đe dọa thường xuyên.

Giáo sư chính trị Andrew Cooper của Đại học Waterloo cho rằng các quốc gia nhỏ từ lâu luôn cần những phương cách mới để gây sự chú ý từ các siêu cường. Chẳng hạn như Maldives vừa qua đã tổ chức họp nội các dưới nước để gây sự nhận thức về biến đổi khí hậu, còn Thụy Điển thì đã cử hẳn một đại sứ tham gia trò chơi thực tế ảo Second Life. Riêng trường hợp Đan Mạch có một sự khác biệt: quốc gia này vạch hẳn một chiến lược đối với các công ty công nghệ tư nhân.

Những khó khăn trong nhiệm vụ của Đại sứ Klynge cho thấy cuộc chơi của Đan Mạch rất khác biệt. Klynge cho biết, ông đã phải mất thời gian đến 9 tháng để được ngồi nói chuyện với một quản lý cao cấp của một trong những công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon. Khi đến, Klynge hy vọng mình sẽ có cuộc nói chuyện chân thành về các vấn đề đã được hai bên đồng ý trước đó, bao gồm thuế, an ninh mạng và thông tin sai lệch trên Internet.

Thế nhưng thay vì thế, Klynge được dẫn đi tham quan một vòng công ty. Một lúc lâu sau vị quản lý công ty Klynge hẹn gặp mới đến và “độc diễn” một tràng về những vấn đề phiền toái do các quy định của châu Âu đối với ngành  công nghệ, rồi phán rằng “không có thời gian cho cuộc nói chuyện”.

Tuy nhiên, sau hơn một năm kiên trì, Klynge cũng đã xây dựng được mối quan hệ khá tốt đối với lãnh đạo một số công ty. Họ cho rằng đang có cái nhìn tốt hơn về công việc Klynge đang làm. Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith cho biết ông đã nói chuyện thường xuyên với Đại sứ Klynge, và đánh giá Đan Mạch đã gặt hái được nhiều thứ từ việc cử Klynge đến Thung lũng Silicon.

Còn Peter Munster, phát ngôn viên của Công ty Facebook, thì cho rằng “phải mất vài cuộc gặp để chúng tôi hiểu được tầm vóc và ý đồ trong vai trò của Klynge. Bây giờ thì các nhà quản lý của Facebook đã có những cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn với đại sứ công nghệ của Đan Mạch.

Klynge cho biết, các tập đoàn, công ty công nghệ không thể xem thường Đan Mạch, bởi dù là quốc gia nhỏ bé nhưng Đan Mạch có thế mạnh. Với tư cách là thành viên EU, quốc gia này có thể gây ảnh hưởng lên các chính sách, quy định của EU đối với nhiều vấn đề liên quan các công ty, tập đoàn công nghệ, như vấn đề quyền riêng tư, cạnh tranh, thuế, kiểm soát nội dung tiêu cực trên Internet và thông tin giả.

Trong xu thế công nghệ đang ngày càng chi phối hoàn toàn cuộc sống của xã hội loài người, việc các quốc gia đối xử với giới công nghệ giống như với các quốc gia khác là chuyện bình thường. Ngoài Đan Mạch, Pháp cũng đã cử một đại sứ phụ trách các vấn đề kỹ thuật số, còn Australia, Anh, Đức và nhiều quốc gia khác thì cũng tạo ra một chức danh chuyên trách về công nghệ.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.