Đan xen trong quan hệ đồng minh Mỹ – Israel
Ngoại trưởng Mỹ đã gặp gỡ với người đứng đầu Chính phủ Israel, ông Benyamin Netanyahu và người sẽ trở thành thủ tướng luân phiên, ông Benny Gantz.
Trong mỗi chuyến thăm Nhà nước Do Thái, các nhà lãnh đạo Mỹ và Israel bao giờ cũng nhắc lại những dấu ấn quan hệ đồng minh. Hai nước cùng có chung quan điểm về Iran hoặc về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhắc lại: “Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội để thúc đẩy hòa bình và an ninh dựa trên sự hiểu biết chung mà tôi đã đạt được với Tổng thống Trump trong chuyến thăm cuối cùng của tôi tới Washington vào tháng 1-2020".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và ông Benny Gantz (Thủ tướng luân phiên của Israel), tại Jerusalem, ngày 13-5. |
Đến lượt mình, ông Pompeo không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước: "Các ngài [Israel] là một đối tác tuyệt vời, các bạn biết chia sẻ thông tin. Không giống như một số quốc gia tìm cách che giấu". Đáp lại, ông Netanyahu nhận lời khen nhưng cười xí xóa trước sự ám chỉ của ông Mike Pompeo.
Quan hệ với Trung Quốc là một chủ đề gây bất đồng giữa Mỹ và Israel. Hoa Kỳ kêu gọi Israel cắt giảm hợp đồng với các công ty Trung Quốc. Trước đó, kênh truyền hình Channel 13 News của Israel đưa tin, chính quyền Mỹ đã yêu cầu Israel đánh giá lại việc cho Công ty Hutchison (công ty con của Tập đoàn đa quốc gia Hutchison Asia Group có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) dự đấu thầu dự án biến nước biển thành nước ngọt lớn nhất thế giới ở Israel.
Dự án xây dựng nhà máy biến nước biển thành nước ngọt lớn nhất thế giới nằm ở vùng duyên hải Palmahim ở phía Nam Israel. Tổ hợp có tên gọi Sorek 2 có khả năng lọc ra 200 triệu m3 nước ngọt mỗi năm, nâng tổng công suất các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt của Israel lên 786 triệu m3, tương ứng khoảng 85% nhu cầu nội địa. Dự án có tổng kinh phí 1,5 tỉ USD và người thắng thầu sẽ nắm quyền vận hành nhà máy trong 25 năm.
Galia Lavi, tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu Đông Á tại Đại học Tel Aviv nhận định, Mỹ rất lo ngại về các bước đi mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua khoản đầu tư lớn vào các hạ tầng chiến lược và xem đây là đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Vị này cho rằng, đây là tính toán xuyên suốt của nhiều đời Tổng thống Mỹ. Ông Trump đơn giản chỉ là người đưa ra tuyên bố rõ ràng, trực diện hơn mà thôi.
Ông Lavi cho rằng, điều Mỹ quan ngại nhiều nhất chính là việc Trung Quốc có ý đồ thống trị thị trường công nghệ trong tương lai. Israel có tiếng là đi đầu trong nhiều công nghệ tiên tiến và Trung Quốc quan tâm đến việc Israel nắm trong tay những gì. Điều Mỹ lo sợ là các công ty của hai nước này có cơ hội hợp tác được với nhau và vai trò của Mỹ bị bỏ qua. Vào ngày 24-5 tới, Israel sẽ công bố người thắng thầu cho dự án này.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn đã căng thẳng về mặt thương mại, đang trở nên phức tạp hơn với đại dịch COVID-19. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business ngày 14-5, Tổng thống Donald Trump sau khi nhắc lại các biện pháp trừng phạt có thể có đối với Trung Quốc, đã đưa ra lời đe dọa: “Có rất nhiều điều chúng tôi có thể làm. Chúng tôi có thể chấm dứt tất cả các mối quan hệ với Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ tiết kiệm được 500 tỷ USD”.
Ngoài việc sát cánh cùng chống lại Iran, Israel còn được chính quyền ông Trump ủng hộ cho kế hoạch sát nhập vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây vào lãnh thổ của mình. Ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, Israel đã cấp phép xây dựng 7.000 nhà định cư mới ở khu Bờ Tây, vấp phải sự phản đối kịch liệt của Palestine. Không chỉ vấp phải sự phản đối của Palestine, kế hoạch sáp nhập của Israel cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của gần như toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman khẳng định, tùy thuộc vào quyết định của Israel có muốn tiến lên với kế hoạch sáp nhập hay không nhưng nếu có, Mỹ sẵn sàng công nhận bước đi của Israel, với điều kiện chính phủ mới phải đạt được thỏa thuận với Palestine về việc tổ chức đàm phán về kế hoạch Trung Đông của Mỹ. Với việc Ủy ban Thiết lập bản đồ chung giữa Mỹ và Israel vẫn chưa hoàn thành để xác định cụ thể đường biên giới, một số người ủng hộ Israel cho rằng khó có thể “vẽ lại bản đồ Trung Đông” trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, nếu được thực hiện, sẽ giúp thu hút các cử tri ủng hộ Israel, đặc biệt là cộng đồng Kitô giáo có ảnh hưởng chính trị tại Mỹ.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ trùng thời điểm với chính phủ mới tại Israel được thành lập. “Chúng tôi vui mừng vì chính phủ mới của Israel được thành lập sau thời gian dài bế tắc. Về vấn đề sáp nhập Bờ Tây, Israel là phía cuối cùng đưa ra quyết định. Đó là quyền quyết định của Israel và chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Israel về vấn đề này”, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh.
Ngày 14-5, chính phủ mới tại Israel đã chính thức nhậm chức, chấm dứt 18 tháng bế tắc chính trị sau 3 cuộc bầu cử liên tiếp. Trước đó, theo thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh mới ở Israel, đảng Likud của ông Netanyahu và đảng Xanh-Trắng của ông Gantz sẽ chia đôi thời gian cầm quyền. Theo đó, trong 18 tháng đầu, ông Netanyahu đảm nhận vị trí Thủ tướng, ông Gantz giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Sau đó, ông Gantz sẽ lên làm Thủ tướng trong 18 tháng tiếp theo. Trong 6 tháng đầu tiên, chính phủ mới của Israel sẽ có 32 bộ trưởng, chia đều cho 2 khối của ông Netanyahu và ông Gantz.
Tuy nhiên, sau 6 tháng, số bộ trưởng sẽ tăng lên thành 36 người, trở thành chính phủ có nhiều bộ trưởng nhất trong lịch sử Nhà nước Do Thái. Thỏa thuận mới được xem là một chiến thắng cho ông Netanyahu khi ông sắp phải hầu tòa vì những cáo buộc tham nhũng. Với việc tiếp tục là thủ tướng, ông có thêm cơ hội vượt qua các phiên tòa này một cách “bình an vô sự”.