Đằng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với Ngoại trưởng Nga
Cuộc họp không mời báo chí tham dự, chỉ có thông tin và hình ảnh sau đó được truyền ra bên ngoài từ bộ phận báo chí của Nhà Trắng và Đại sứ quán Nga tại Mỹ. Cuộc họp được tổ chức kín bởi nó diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang điều tra về các mối quan hệ giữa các phụ tá của ông Trump trong chiến dịch tranh cử và trong giai đoạn chuyển giao quyền lực với nước Nga, về các cuộc gặp riêng giữa các quan chức chính quyền Mỹ hiện nay với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.
Ông Kislyak hiện đang bị giới chức tình báo Mỹ cáo buộc là một đầu mối gián điệp của nước Nga tại Mỹ nhưng chưa có bằng chứng để chính thức buộc tội ông.
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng đánh giá cuộc gặp diễn ra “rất, rất tốt đẹp”. Theo thông cáo, tại cuộc họp, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh Mỹ và Nga cần thiết phải hợp tác cùng nhau để chấm dứt bạo lực tại Syria và Ukraine. Ông Trump cũng đưa ra triển vọng hợp tác Mỹ-Nga trong việc giải quyết các điểm nóng xung đột ở Trung Đông, đồng thời quay trở lại với ý tưởng chủ đạo trong giai đoạn tranh cử là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với nước Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Phòng Bầu dục hôm 10-5. |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng tổ chức một cuộc họp báo riêng tại Đại sứ quán Nga trong đó ông bác bỏ cáo buộc cho rằng nước Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, khẳng định không hề có bất cứ dữ liệu hay bằng chứng rõ ràng nào cho thấy có sự can thiệp của nước Nga.
Với các cuộc hội kiến của Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Washington, dư luận đang nhắc lại vấn đề “cài đặt lại” quan hệ giữa hai nước Nga và Mỹ. Ở một góc nhìn, các cuộc hội kiến được xem như một cử chỉ mang tính hòa giải cao. Ông Lavrov được cho là mang sứ mệnh thực hiện những bước đi cụ thể ban đầu, thăm dò tiền trạm để xem xét khả năng cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước Nga - Mỹ.
Sau khi hội kiến với cả Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, ông Lavrov nhận xét với báo chí rằng “quan hệ giữa hai nước đang trong tình trạng không được tốt nhất”, ngầm ý cho rằng, còn sớm để nói đến một sự đột phá trong cải thiện quan hệ giữa hai nước. Đây chỉ mới là một trong những bước đi đầu tiên trong một tiến trình dài phía trước.
Từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, dư luận đã nói đến một cuộc “cài đặt lại” quan hệ Nga - Mỹ và chờ đợi nó xảy ra sau khi ông Trump nhậm chức. Cho đến nay, mới chỉ có phía Nga thể hiện rõ thái độ tích cực hướng đến sự cải thiện quan hệ này.
Giới phân tích cho rằng, Nga có nhiều lý do để xúc tiến nhanh việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, trong đó việc giải quyết vấn đề Syria là một trong những lý do quan trọng. Mặt khác, cải thiện quan hệ Nga-Mỹ là cách tốt nhất để giúp tháo bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt phương Tây đang áp đặt đối với Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong khi đó, phía Mỹ vẫn còn nhiều trở ngại. Các cáo buộc tình báo Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016 ở Mỹ và cuộc điều tra đang tiến hành xung quanh cáo buộc các quan chức Mỹ có quan hệ “bí mật” với nước Nga đang tạo ra một nếp suy nghĩ tiêu cực về hình ảnh nước Nga, xem nước Nga như một “mối đe dọa” hơn là một đối tác tiềm năng. Đây là những trở ngại lớn nhất cho việc cải thiện quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Tillerson được xem là người “gần Nga” hơn nhiều người khác.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Moskva tháng 4-2017. |
Trước khi đến Washington làm việc cho ông Trump, Tillerson là lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil và đã có thời gian dài làm việc ở Nga và từng được Tổng thống Nga khen thưởng. Tillerson được cho là đã đặt vấn đề cải thiện quan hệ với Nga làm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình và đã âm thầm thực hiện nhiệm vụ được giao, tiến hành những bước đệm cần thiết cho giai đoạn đầu cải thiện quan hệ với nước Nga.
Giới phân tích đánh giá, việc chọn thời điểm hiện nay - khi nước Mỹ đang sôi sục chuyện quan hệ giữa các quan chức Mỹ với Nga - để thực hiện chuyến thăm Washington và hội kiến với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson là động thái tính toán của “cáo già” ngoại giao Lavrov.
Người ta làm một phép so sánh rằng ông Lavrov đến nay đã có hơn 10 năm làm Bộ trưởng Ngoại giao Nga, phục vụ đắc lực dưới thời Tổng thống Putin. Còn tính tổng thời gian hoạt động trong ngành ngoại giao thì ông đã có trên 45 năm. Trong khi người đồng cấp Tillerson mới chỉ... 3 tháng trong nghề!
Rõ ràng là Lavrov có quá thừa kinh nghiệm đối ngoại trong cuộc đối diện tay đôi - không chỉ với Ngoại trưởng Tillerson mà ngay cả Tổng thống Trump. Chính vì vậy, trong ván bài ngoại giao này, dư luận đang đánh giá Nga có nhiều ưu thế hơn. Và diều đó chỉ có lợi cho việc cải thiện quan hệ hai nước mà thôi.