Đằng sau cuộc “thay máu” Bộ An ninh nội địa Mỹ

Thứ Năm, 25/04/2019, 08:55
Đầu tháng 4, một loạt quan chức cấp cao của Bộ An ninh nội địa Mỹ, từ bà Bộ trưởng cho đến Giám đốc Cục Mật vụ đã phải “khăn gói ra đi”, nhường vị trí lại cho người khác. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến vấn đề người nhập cư và các vấn đề an ninh khác gần đây.

Mọi người có vẻ bất ngờ khi nhận tin bà Bộ trưởng Kirstjen Nielsen đột ngột từ chức hôm 8-4, mặc dù từ trước đã có những dự báo rằng bà này sẽ không tại vị được lâu do những vấn đề đặc biệt khó khăn xuất phát từ bên trong Nhà Trắng.

Theo hãng tin AP, bà Bộ trưởng Nielsen nộp đơn từ chức hôm 7-4 sau một cuộc họp riêng với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Nielsen là Bộ trưởng An ninh nội địa thứ hai của Tổng thống Trump, bà thay thế ông John F. Kelly chuyển sang làm Chánh văn phòng Nhà Trắng hồi cuối năm 2017 (bị sa thải chỉ sau vài tháng tại vị).

Dù bà Nielsen cũng như Nhà Trắng không nói rõ lý do từ chức của bà nhưng hầu như ai cũng biết nó có liên quan đến vấn đề người nhập cư, nhất là người nhập cư ở khu vực biên giới phía Tây Nam nước Mỹ (giáp với Mexico). Với tư cách Bộ trưởng An ninh nội địa, Nielsen đã thực thi hết trách nhiệm những mệnh lệnh của chính quyền Tổng thống Trump trong cuộc chiến chống người nhâp cư.

Nhưng vấn đề là bà thường xuyên phải lên tiếng giải thích với Tổng thống Trump về các “giới hạn pháp lý” của những điều mà ông muốn làm. Nielsen đã cố gắng thực hiện khá nhiều việc liên quan đến chính sách người nhập cư theo lệnh ông Trump.

Bà đã dành nhiều tháng thực hiện công tác ngoại giao với các quốc gia vùng Trung Mỹ và Mexico, dàn xếp phương án để người tị nạn phải chờ ở biên giới Mexico để được cấp quy chế tị nạn. Mục đích của việc này là ngăn ngừa những trường hợp giả vờ tị nạn. Bà thúc đẩy việc bãi bỏ các quy định về thời gian trẻ em được nhốt trong các trại tạm giữ người tị nạn và tìm phương án thông qua quy định quản thúc cả gia đình tị nạn trái phép.

Bà cũng hạn chế các lợi ích công cộng mà người tị nạn lẽ ra được hưởng và ban hành các quy định lách luật di trú để từ chối cấp tị nạn cho những gia đình vượt biên trái phép. Việc gây tranh cãi nhất mà Nielsen đã thực hiện theo lệnh Tổng thống Trump là chia tách gia đình người nhập cư tại biên giới.

Bà Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen.

Tuy nhiên, hầu hết những việc trên đều bị tòa án đình lại hoặc bác bỏ thẳng thừng. Bị mắc kẹt giữa mợt bên là áp lực từ mệnh lệnh cứng rắn của Nhà Trắng với một bên là những “tảng đá” ngăn trở của tòa án, bà Nielsen cảm thấy đã “quá đủ” để tiếp tục công việc.

Khác với bà Bộ trưởng Nielsen, sự ra đi của Giám đốc Cục Mật vụ Randolph D. Alles không liên quan gì đến vấn đề người nhập cư cả mà do những vấn đề an ninh khác, trong đó quan trọng nhất là vấn đề bảo đảm an ninh cho tổng thống và gia đình ông.

Hôm 10-4, truyền thông quốc tế đưa tin cơ quan chức năng Mỹ vừa công bố ảnh chân dung của người phụ nữ Trung Quốc tên Yujing Zhang đã đột nhập vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump, bị phát hiện và bắt giữ trước đó ít hôm. Sau đó, giới chức Mỹ đã phát hiện bà này mang theo nhiều thiết bị điện tử, trong đó có một máy dò tín hiệu và một máy chuyên dùng phát hiện camera ẩn.

Chi tiết này làm nổi lên mối lo ngại về vấn đề an ninh cho Tổng thống Mỹ. Cục Mật vụ Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác bảo đảm an ninh cho tổng thống đổ lỗi cho nhân viên của khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago đã không kịp thời phát hiện và ngăn chặn bà Zhang.

Theo những người am hiểu vấn đề, việc sa thải Cục trưởng Mật vụ Alles vốn đã được bộ sậu Nhà Trắng lên kế hoạch từ cách đây hơn một tháng, xuất phát từ những vấn đề an ninh khiến Tổng thống Trump không hài lòng. Và có lẽ vụ việc Yujing Zhang đột nhập khu Mar-a-Lago đã góp phần đẩy nhanh việc quyết định sa thải ông.

Ngoài việc thay đổi hai vị trí lãnh đạo nêu trên, Tổng thống Trump cũng sẽ cho nghỉ việc hai quan chức khác ở Bộ An ninh nội địa là Cục trưởng Cục Quản lý công dân và nhập cư (USCIS) L. Francis Cissna và cấp phó của ông này là Kathy Nuebel Kovarik, cũng như Tổng luật sư John M. Mitnick. Tuần trước, Nhà Trắng cũng đã rút lại đề cử Ronald D. Vitiello cho vị trí lãnh đạo Cục Hải quan và Nhập cư. Tất cả đều là người thân tín của bà Nielsen.

Cuộc “thay máu” trong bộ sậu an ninh nội địa được đạo diễn bởi một phụ tá đắc lực của ông Trump, đó là cố vấn cao cấp Stephen Miller. Dù tuổi đời còn rất trẻ, 33 tuổi, nhưng Miller đã là một thế lực hùng mạnh, một tiếng nói cứng rắn trong bộ sậu Nhà Trắng đối với nhiều vấn đề hệ trọng của chính quyền ông Trump, đặc biệt là vấn đề người nhập cư.

Miller là một trong những người chống nhập cư gay gắt nhất. Hầu như mọi vấn đề hệ trọng các quan chức chính quyền Mỹ muốn trình lên Tổng thống Trump đều vấp phải rào cản khó vượt qua của Miller. Và người ta cho rằng, việc bà Nielsen từ chức là bằng chứng cho quyền lực cực mạnh của Miller. Đó là một “chiến thắng” của Miller.

Việc thay máu bộ sậu lãnh đạo cấp cao ở Bộ An ninh nội địa đang làm cho một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ không hài lòng. Bà Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (đảng Dân chủ, bang California) quan ngại rằng việc này có thể tạo thành mối đe dọa an ninh quốc gia của nước Mỹ và “Tổng thống Trump đang cố biến Bộ An ninh quốc gia thành cơ quan chống người nhập cư của riêng cá nhân ông”.

Ngay cả một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Ron Johnson, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa cũng bày tỏ lo ngại đối với việc đồng loạt thay đổi vị trí lãnh đạo ở một bộ phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia nổi cộm của nước Mỹ.

Ngay sau khi bà Nielsen nộp đơn từ chức, Tổng thống Trump đã đề cử ngay người thay thế bà là ông Kevin McAleeman. Hogan Gidley, phát ngôn viên của Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng rằng với kinh nghiệm của mình, McAleeman sẽ mang lại những “thay đổi” trong vấn đề người nhập cư ở biên giới Mexico.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng McAleeman chắc chắn sẽ đối mặt với những vấn đề mà bà Nielsen đã gặp phải dẫn đến việc từ chức của bà. Đó là vừa phải đáp ứng quan điểm cứng rắn của bộ sậu Nhà Trắng, vừa phải vượt qua được các rào chắn pháp lý của ngành tư pháp.

An Châu (tổng hợp)
.
.