Đạo luật Yakovlev cấm trẻ em Nga làm con nuôi gia đình Mỹ

Thứ Tư, 09/01/2013, 15:45

Ngày 28/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức thông qua đạo luật Yakovlev cấm các trẻ em người Nga làm con nuôi gia đình người Mỹ. Đây được coi là đạo luật chống phương Tây mạnh mẽ nhất trong suốt 13 năm cầm quyền của ông Putin để đáp trả đạo luật về nhân quyền Magnitsky của Mỹ nhằm vào giới quan chức Nga.

Đạo luật gây nhiều tranh cãi này dễ dàng được Duma Quốc gia (tức Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) thông qua, khiến mọi nỗ lực tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ đang đóng băng có nguy cơ thất bại, thậm chí tiếp tục đưa hai quốc gia này tới một cuộc đối đầu mới trong năm 2013.

Ra luật để… trả đũa luật

Tổng thống Putin đã ký đạo luật Yakovlev chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của tất cả 143 thượng nghị sĩ. Đây là đòn đáp trả cứng rắn đối với đạo luật Magnitsky của Mỹ cáo buộc các quan chức Nga có lỗi trong cái chết của luật sư chống tham nhũng Sergei Magnitsky tại nhà tù Moskva năm 2009. Đạo luật Magnitsky không cấp giấy nhập cảnh và áp dụng các biện pháp chế tài đối với giới chức Nga bị tố cáo là vi phạm nhân quyền.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Thượng viện Valentina Matvienko nói: "Mọi người đều bị tổn thương bởi cái được gọi là luật Magnitsky của Mỹ. Rõ ràng luật này được ban hành là để nhằm vào Nga. Vì vậy đương nhiên Quốc hội Nga cũng cần có hành động đáp trả".

Đạo luật Yakovlev bắt nguồn từ vụ việc bé trai Dima Yakovlev (1 tuổi rưỡi) thiệt mạng vào năm 2008 sau khi người cha nuôi bất cẩn "bỏ quên" cậu bé trong một chiếc ôtô. Một số nguồn tin trước đó cho hay Yakovlev từng bị bạo hành, không được đến trường, và thậm chí còn bị bỏ đói. Người cha sau đó được tòa tuyên trắng án, không hề mắc bất cứ tội danh hình sự nào.

Đạo luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, quy định cấm mọi công dân Mỹ nhận con nuôi người Nga và hủy Hiệp định "Cho - nhận con nuôi" giữa Nga với Mỹ được ký năm 2011. Theo đó, Nga sẽ thiết lập một lệnh cấm thị thực đối với những người Mỹ bị cáo buộc lạm dụng quyền công dân Nga và đóng băng bất kỳ tài sản nào mà họ có ở Nga, cấm các tổ chức phi chính phủ chính trị nhận kinh phí của Mỹ và cấm các công dân Mỹ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Nga. Đạo luật cũng cấm các tổ chức của Nga tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi của công dân Mỹ.

Theo ước tính, hiện có khoảng 740.000 trẻ em Nga mồ côi, trong khi đó chỉ có 18.000 trường hợp đang chờ nhận con nuôi ở nước này. Kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, hơn 60.000 trẻ em Nga đã được các gia đình nước ngoài, hầu hết là Mỹ, nhận nuôi. Tính riêng hai năm 2011 - 2012, có 400 trẻ em Nga đã chuyển sang sống tại các gia đình người Mỹ theo Hiệp định. Nếu đạo luật Yakovlev được thi hành, 52 trường hợp người Mỹ nhận con nuôi Nga đang chờ xét duyệt sẽ bị đình chỉ.

Bé trai Dima Yakovlev.

Những phản ứng trái chiều

Phía Nga từng đề nghị ngừng cho phép người Mỹ nhận con nuôi ở Nga và siết chặt quy chế cho-nhận con nuôi sau một loạt vụ ngược đãi, thậm chí làm tử vong trẻ em người gốc Nga ở Mỹ. Một số quan chức còn khẳng định các gia đình Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi vì muốn tận dụng những đứa trẻ cho cấy ghép nội tạng, lợi dụng chúng làm công cụ thỏa mãn tình dục và cả... bia đỡ đạn cho quân đội.

Đáp lại, Mỹ tuyên bố Nga đã bỏ lỡ cơ hội "vàng" khi không tạo điều kiện cho trẻ em mồ côi ở quốc gia này được phát triển và sinh sống tại quốc gia "quyền lực nhất thế giới". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho hay đạo luật Yakovlev sẽ cản trở nhiều trẻ em có cơ hội được phát triển trong một môi trường gia đình. Tổng thống Putin đã bác bỏ lập luận cho rằng, trẻ em mồ côi phải vật lộn ở Nga nếu không tìm được bố mẹ nuôi phù hợp. Ông dẫn ví dụ về người dân Israel, không gửi con em ra nước ngoài bất chấp những mối lo ngại về an ninh trong nước và luôn chiến đấu vì bản sắc dân tộc.

Giải thích lý do đưa ra đạo luật Yokovlev, ông Putin nhấn mạnh vào thực trạng nhiều trẻ em Nga sau khi trở thành con nuôi các gia đình người Mỹ đã bị ngược đãi, trong khi đó Chính phủ Mỹ đã không có bất cứ động thái xử phạt thích đáng nào. Thậm chí, Washington cũng không có bất cứ động thái nào cho thấy họ sẽ ngăn chặn các hành vi hành hạ thô bạo đối với con nuôi người Nga. Ông Putin còn chỉ trích Mỹ "hành động một cách trơ trẽn và ngạo mạn" khi từ chối cho giới chức Nga tiếp cận với những trẻ em mồ côi nước này được cho là bị các gia đình Mỹ làm hại.

Kết quả một cuộc khảo sát đầu tháng 12/2012 cho thấy, đa số người dân Nga hoan nghênh ủng hộ đạo luật Yokovlev như một công cụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em nước này. Tuy nhiên, các con số kể trên chưa nói lên được điều gì trong bối cảnh người dân không thực sự hiểu chuyện gì đang diễn ra xung quanh họ cùng những diễn biến chính trị bất ngờ khác

Trần Quân (tổng hợp)
.
.